Ý kiến thăm dò

Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
276246

Lịch sử hình thành xã Minh Sơn

Ngày 11/08/2020 16:29:09

Xã Minh Sơn lịch sử hình thành và phát triển

                                                   CHƯƠNG I

MINH SƠN – VÙNG ĐẤT,CON NGƯỜI VÀ TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ VĂN HÓA

I.VỊ TRÍ ĐỊA LÝ VÀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN- XÃ HỘI

Minh Sơn là xã thuộc vùng bán sơn địa của huyện Triệu Sơn tỉnh Thanh Hóa, nằm ở khu vực trung tâm của huyện, ngay sát Thị trấn Triệu Sơn (Quán Giắt). Khu trung tâm hành chính của huyện nằm lọt ở giữa địa bàn Minh Sơn. Vì thế ở cả ba mặt bắc, tây và nam của trung tâm huyện đều tiếp giáp với xã Minh Sơn, trung tâm xã chỉ cách trung tâm huyện hơn 1km về phía tây. Địa giới của xã Minh Sơn còn tiếp giáp với các xã: phía bắc giáp xã Dân Lực và xã Thọ Tân; phía nam giáp xã Hợp Thắng và xã An Nông; phía tây giáp xã Thọ Tân và xã  Hợp Thắng; phía đông giáp xã Minh Châu và Thị trấn Triệu Sơn. Từ Minh Sơn đến Thành phố Thanh Hoá có khoảng cách hơn 20km về phía đông.

Minh Sơn có tổng diện tích tự nhiên là 666,95ha (tương đương 6,67km2) bằng 2,28% diện tích tự nhiên toàn huyện, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 308,41ha; riêng đất trồng lúa là 205,26ha; diện tích đất lâm nghiệp là 74,78 ha; diện tích nuôi trồng thuỷ sản 45,5ha; đất ở 72,6 ha; diện tích còn lại là các loại đất chuyên dùng, đất sông suối, đất chưa sử dụng v.v. ....

Là cửa ngõ tiếp giáp giữa khu vực đồng bằng Triệu Sơn (các xã vùng Tam Dân và Minh Dân, Minh Châu) với các xã vùng Tứ Hợp (thuộc vùng bán sơn địa), địa bàn xã Minh Sơn mang tính chất của vùng chuyển tiếp giữa hai dạng địa hình nói trên. Vì thế địa hình của xã tương đối đa dạng, vừa có những đồi đất bazan, vừa có địa hình đồng bằng với những cánh đồng ven chân đồi và ven sông; có những hồ lớn nằm rải rác trên địa bàn xã, dòng sông Nhơm lượn mình uốn khúc chảy dọc phía tây bắc rồi lượn về phía đông, qua cầu Nhơm để đổ xuống vùng đồng ruộng phía nam của xã thuộc địa bàn làng Tân Ninh.

Trên địa bàn Minh Sơn có hàng loạt quả đồi thấp với độ cao trên dưới 10m (so với mặt ruộng) nằm rải rác từ bắc xuống nam, từ đông sang tây. Ở khu vực trung tâm xã có đồi Mốc với diện tích 20ha (nằm giữa địa bàn 3 làng Tân Thành, Hoàng Đồng và Đồng Cát), phía nam đồi Mốc là đồi Nhơm rộng trên 20ha (thuộc Hoàng Đồng và Tân Ninh, chuyển về Thị trấn từ năm 1988), phía đông xã thuộc địa bàn dân cư làng Tân Thành là đồi Thị. Phía tây bắc xã là hai ngọn đồi thấp là đồi Trúc và đồi Trẩu thuộc địa bàn thôn Đồng Cát. Đa số các khu dân cư ở Minh Sơn (trừ Đại Sơn) đều nằm trên vùng đất đồi với loại đất chính là đất ba zan và đất pha sỏi. Phía tây nam làng Hoàng Thôn qua một khoảng đồng là núi Rùa với diện tích gần 40 ha, độ cao khoảng 8- 10m nằm nghiêng mình bên dòng sông Nhơm. Xưa kia khi rừng rậm còn lan rộng xuống vùng này, hệ thực vật và động vật rừng trên các vùng đồi của Minh Sơn rất phong phú với hàng trăm loại cây và nhiều loại thú hiếm. Đặc sản miền trung du mà điển hình là cây chè xanh cùng với mít, cau có mặt ở vùng đồi Minh Sơn đã từ lâu. Gần đây một số loại cây ăn quả, cây lấy gỗ đã được đưa vào trồng trên các vùng đất đồi của xã.

Trên địa bàn xã Minh Sơn có 6 hồ lớn với diện tích gần 50ha. Lớn nhất là hồ Than bùn ở phía tây nam làng Tân Thành với diện tích 228550m2 (khoảng 47 mẫu), tiếp đến là hồ Dọc Đong ở phía tây bắc làng Tân Thành có diện tích 82217m2 (khoảng 16,4 mẫu) và ở Hoàng Thôn có hồ Non Kỵ (gần 18 mẫu) và đập Hoàng Đồng (4,5 mẫu). Ở Hoàng Đồng có hồ Ao Rồng (5,6 mẫu), ở Tân Ninh có hồ Đồng Chùa (gần 6 mẫu). Phần lớn diện tích ao hồ được sử dụng để nuôi thả cá, phục vụ tưới tiêu cho đồng ruộng hoặc trồng lúa.

Dọc theo phía tây xã Minh Sơn là con sông Nhơm chảy từ phía tây bắc trên đồng đất xã Thọ Tân) men theo sườn tây núi Rùa (Hoàng Thôn) đến đồng đất thôn Đại Sơn thì chảy theo hướng tây - đông rồi chảy dọc theo và ra cầu Nhơm trên tỉnh lộ 514 sau đó chảy ngoằn ngoèo trên các xứ đồng của làng Tân Ninh để đổ ra khu đồng  của xã An Nông, với chiều dài trên địa bàn xã khoảng 3km. Đây là con sông phát nguyên từ vùng rừng núi Như Xuân với chiều dài 67km, trong đó đoạn chảy trên đất Triệu Sơn dài 31,6km trước khi chảy xuôi vào Nông Cống để đổ ra cửa Lạch Ghép. Đoạn đầu của sông Nhơm chảy trên đất Minh Sơn (khoảng hơn 1 km) cũng là ranh giới tự nhiên với xã Hợp Thắng ở phía hữu ngạn sông. Phù sa sông Nhơm đã góp phần bồi đắp một số vùng đồng ruộng ven sông. Đây cũng là nguồn nước tưới tự nhiên phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp của địa phương. Tuy nhiên sông Nhơm có nhiều đoạn uốn khúc, độ dốc lại thấp nên tốc độ dòng chảy không lớn. Cũng vì thế sông rất khó tiêu nước trong mùa mưa lũ và thường gây ra nạn lụt úng cho các xứ đồng ven sông của các làng Hoàng Thôn, Đại Sơn, Tân Ninh.

Khí hậu ở Minh Sơn mang đặc điểm chung của khí hậu nhiệt đới gió mùa, thuộc tiểu vùng khí hậu của vùng chuyển tiếp giữa đồng bằng và vùng bán sơn địa; nền nhiệt độ cao, mùa đông lạnh, ít xảy ra sương muối. Mùa hè không nóng quá, có những ngày chịu ảnh hưởng của gió tây khô nóng (gió Lào). Mưa ở mức trung bình. Tổng nhiệt độ năm 8500 - 86000C, 4 tháng (tháng 12 đến tháng 3 năm sau) có nhiệt độ trung bình ≤ 200C, 5 tháng từ tháng 5 đến tháng 11 có nhiệt độ trung bình ≥ 250C. Lượng mưa trung bình/năm 1500 - 1900mm, mùa mưa kéo dài 6 tháng (từ tháng 5 đến tháng 10), mưa nhiều nhất trong 2 tháng 8 và 9. Độ ẩm không khí trung bình năm 85 - 86%; độ ẩm lớn nhất vào các tháng 1, 2, 3. Trong năm có 2 mùa gió thịnh hành là gió Bắc và Đông Bắc vào mùa đông, gió Nam và Đông Nam vào mùa hè. Có nhiều năm xảy ra nhiều đợt không khí lạnh tràn về gây ra rét đậm, rét hại làm cho mạ chết hàng loạt gây khó khăn cho việc gieo cấy hoặc lúa chết trên diện tích rộng, cây màu vụ đông cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Vào mùa mưa bão, lượng mưa lớn gây ra lụt úng ở những cánh đồng lúa thuộc vùng trũng, nhất là khu vực ven sông Nhơm thuộc diện tích canh tác của 5 thôn trong xã. Điều kiện thời tiết trên địa bàn xã tuy gây ra những bất lợi nhưng nhìn chung những yếu tố của khí hậu nóng ẩm quanh năm tương đối thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, thâm canh cây lương thực, rau màu, cây trồng vườn đồi và chăn nuôi.

Đất đai của xã Minh Sơn gồm 3 dạng đất chính: đất phù sa cổ, đất phù sa do sông Nhơm bồi đắp và đất đồi bazan. Loại đất phù sa cổ hình thành trong quá trình bồi tích của đồng bằng Thanh Hóa, phân bố ở thềm cao hơn so với phù sa mới. Loại đất do sự bồi tụ của phù sa sông Nhơm phân bố dọc theo dòng chảy của con sông trên đất Minh Sơn từ phía tây thôn Hoàng Đồng đến Đại Sơn và Tân Ninh. Theo số liệu năm 1975, trong 3 loại đất chính loại đất cát pha chiếm gần 50% diện tích trồng trọt của Minh Sơn phân bố ở các xứ đồng như đồng Mau (64mẫu), Đồng Trong (35 mẫu), Đồng Rùa (30 mẫu), Bái Đâu 24 mẫu, Lào Đáo Cao, Đu Chanh v.v…Loại đất này có 70% cát, 30% sét, nghèo mùn. Loại đất thịt nhẹ chiếm khoảng 45% diện tích trong đó có 1/5 là diện tích lầy thụt, tầng canh tác 15- 20 phân , phân bố ở Đồng Nẫn (36 mẫu), Quân Y (20 mẫu), Cây Nắng (20 mẫu), Đồng Quan (20 mẫu), Đồng Bến (11 mẫu), Đầm Đưng 10 mẫu v.v…Loại đất thịt trung bình chiếm chưa đến 10% diện tích (gần 40 mẫu) là loại đất sét chiếm 60- 70 %, cát 20- 30 % nghèo mùn, phân bố ở Cồn Ổi, Nổ Củi, Đáo Sâu….Cả 3 loại đất trên rất phù hợp cho việc gieo trồng và thâm canh cây lương thực, chủ yếu là cây lúa nước. Diện tích trồng lúa của xã Minh Sơn chiếm khoảng 1/3 tổng diện tích tự nhiên toàn xã. Dạng đất đồi phân bố chủ yếu ở khu dân cư các thôn 1, 2, 3, 4, 5, 7 và ở khu vực đồi Mốc.  Loại đất này thích nghi cho việc trồng cây công nghiệp ngắn và dài ngày cùng với các loại cây ăn quả. Mít và chè là cây đặc sản truyền thống của xã.

Minh Sơn có địa thế "Nhất cận lộ, nhị cận giang" như người xưa đã đúc kết. Dòng sông Nhơm từ thế kỷ XIX về trước có thể là tuyến giao thông thủy quan trọng để nối liền Minh Sơn với mọi miền xa gần từ miền ngược đến miền xuôi. Sự giao lưu buôn bán các sản phẩm từ miền biển, đồng bằng với miền núi một phần được thực hiện qua tuyến giao thông này. Khi hệ thống đường bộ ngày càng phát triển, vị trí của giao thông đường thủy từng bước bị thu hẹp. Nhưng lợi thế lớn nhất của Minh Sơn là giao thông đường bộ. Trên địa bàn xã có 2 tuyến đường giao thông lớn đi qua. Tỉnh lộ 506 từ Cầu Quan (Nông Cống) đi Quán Chua chạy dọc theo hướng Nam - Bắc có 1,2km chạy xuyên qua địa bàn thôn Tân Phong (nay thuộc thị trấn Triệu Sơn) và phía đông địa bàn thôn Tân Thành 5. Tỉnh lộ 514 từ Cầu Thiều (Dân Lý) theo hướng đông - tây đi Sim (Hợp Thành) chạy qua địa bàn phía bắc thôn Tân Ninh rồi qua thôn Đại Sơn với chiều dài trên địa bàn xã là 2,3 km. Đây là 2 tuyến đường chính có từ xa xưa tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc giao lưu về mọi mặt giữa cư dân khu vực Minh Sơn với các vùng trong huyện, trong tỉnh. Từ tỉnh lộ 506 chỉ đi gần 20km là đến Cầu Quan (trước năm 1965 là huyện lỵ huyện Nông Cống cũ); hoặc đi ngược về phía bắc gần 20km để đến vùng Thọ Xuân. Từ Minh Sơn qua tỉnh lộ 514 đến ngã baThiều(xã Dân Lý) gặp Quốc lộ 47 xuôi về phía đông là đến tỉnh lị Thanh Hóa (nay là Thành phố) cũng chỉ khoảng 20km. Ngược về phía tây, qua Sim có thể đến vùng rùng núi phía tây Triệu Sơn và khu vực Cán Khê (Như Thanh), Yên Cát (Như Xuân). Trên địa bàn Minh Sơn còn có tuyến đường từ thị trấn đi xã Thọ Tân với chiều dài 1,3km qua xã. Từ đó qua Thọ Tân có thể ra vùng Đà (Thọ Dân) chưa đầy 10km, từ đó ngược theo quốc lộ 47 để tới vùng Sao Vàng, Bái Thượng (Thọ Xuân).

Từ năm 1965 khi thành lập huyện Triệu Sơn, Minh Sơn có vị trí tiếp giáp thị trấn huyện lị. Cùng với sự thuận lợi của hệ thống giao thông, vị trí thuận lợi này tạo cho Minh Sơn những lợi thế rất lớn trong việc mở rộng, phát triển kinh tế và văn hóa xã hội. Việc đẩy mạnh giao lưu, trao đổi hàng hóa, hình thành vành đai sản xuất thực phẩm và các ngành tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ ở khu vực ngay sát thị trấn chắc chắn sẽ có nhiều tiềm năng và triển vọng, nhất là trong bối cảnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang diễn ra ngày càng nhanh.

Về dân số, theo thống kê gần đây nhất (năm 2012), xã Minh Sơn có 1251 hộ với 4248 khẩu (chiếm 2% dân số toàn huyện), mật độ dân số là 629,6 người/km2, thấp hơn mật độ bình quân chung toàn huyện là 90người/km2. Số người trong độ tuổi lao động là 2747 người, chiếm 53,81% dân số, trong đó có 40% lao động qua đào tạo; số lao động trong các ngành dịch vụ thương mại, tiểu thủ công nghiệp chiếm xấp xỉ 20%.

Là xã thuần nông, kinh tế nông nghiệp chiếm tỉ trọng cao nhất trong cơ cấu kinh tế của Minh Sơn. Trong các loại cây lương thực, lúa là cây trồng chủ yếu với diện tích là 205,6ha (chiếm 66,7% diện tích đất sản xuất nông nghiệp).

Do địa hình không đồng nhất, ruộng đất ở Minh Sơn nơi thì cao ghềnh, nơi thấp trũng, có nơi ruộng đất phần lớn là ruộng bậc thang, do đó việc tưới tiêu không chủ động. Phần lớn diện tích không có hệ thống kênh mương tự chảy mà phải phụ thuộc vào hệ thống bơm dầu và bơm điện. Từ khi thực hiện "khoán 10" năng suất và sản lượng lương thực của Minh Sơn không ngừng tăng lên, những năm gần đây  đạt sản lượng hàng năm từ 1800 – 2000 tấn. Ngoài trồng lúa, Minh Sơn có gần 70ha đất có khả năng trồng màu (vụ đông) với các loại cây chủ yếu như ngô, khoai lang... Minh Sơn đã và đang xây dựng mô hình cánh đồng 50 triệu đồng trở lên/1ha/năm với cơ cấu 2 lúa + 1 màu hoặc cá - lúa - vịt kết hợp. 5 thôn có diện tích vùng đồi đã phát huy tiềm năng kinh tế vườn đồi, bên cạnh việc duy trì các loại cây truyền thống như chè xanh, mít, cây lấy gỗ... đã đưa vào canh tác các loại cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị như mía, vải thiều, măng bát độ thay cho các loại cây không có hiệu quả (dứa, cà phê). Lĩnh vực chăn nuôi gia súc gia cầm chiếm tỉ trọng ngày càng lớn trong kinh tế nông nghiệp của xã. Đàn bò từ 250 con (năm 2001) đến năm 2010 là 430 con; đàn lợn hàng năm có 3500 - 4000 con. Một số hộ gia đình đã hình thành gia trại chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp.

Với vị thế là vùng cận kề Thị trấn Triệu Sơn, các ngành nghề thương mại, dịch vụ ở Minh Sơn tương đối phát triển, hình thành 2 cụm dịch vụ ở khu vực Tân Thành sát đường 506 và khu vực Tân Ninh sát tỉnh lộ 514. Cùng với 2 cụm dịch vụ trên, trên địa bàn xã có 25 - 30% hộ buôn bán nhỏ và hoạt động trong các lĩnh vực chế biến nông sản thực phẩm, cơ khí, đồ mộc, hàng tiêu dùng, sản xuất gạch .... tạo việc làm cho hàng trăm lao động, đáp ứng nhu cầu đời sống của nhân dân. Khu chợ Mốc ở Tân Thành có khuôn viên với diện tích hơn 1 mẫu, tuy chưa được nâng cấp nhưng cũng là một địa điểm buôn bán tạo thuận lợi cho sinh hoạt của người dân. Hàng hóa mua bán chủ yếu là sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi.

Cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã ngày càng được tăng cường nhằm phục vụ tốt hơn cho phát triển sản xuất và đời sống. Hệ thống thủy lợi của xã gồm 16km kênh mương tưới tiêu, trong đó có 8,2km do xã quản lý, đến nay đã bê tông hóa được 50%. Đường trục chính nội đồng của xã dài 8,8km cũng đã kiên cố hóa được 34%. Toàn xã có 5 trạm bơm tưới (Xã Mèo, Cầu Sắt, Nổ Củi, Lào Đáo, Núi Rùa và 1 trạm bơm tiêu Ninh Phong). Hệ thống điện có 3 trạm biến áp ở Tân Thành, Hoàng Đồng và Tân Ninh với tổng công suất 330KVA cùng hệ thống đường dây tải điện đến 7 thôn trong xã, đảm bảo 100% số hộ có điện sinh hoạt và phục vụ sản xuất kinh doanh.

Hệ thống giao thông ở Minh Sơn tạo thành mạng lưới giao thông phân bố hợp lý, đảm bảo đi lại thuận tiện. Toàn xã có 13 tuyến đường liên thôn với chiều dài hơn 10km, trong đó có 2 tuyến đường chính là tuyến từ Bệnh viện Triệu Sơn (trên đường 514) đi thôn 3 (Đồng Cát) dài 2164m và tuyến từ Trường trung học phổ thông Triệu Sơn I (trên đường 506) đến thôn 2 (Hoàng Đồng) dài 2446m. Tổng chiều dài đường nội thôn (gồm 22 tuyến) là 7,4km; đường ngõ xóm là 8,3km. Phong trào làm đường giao thông nông thôn trong những năm qua đã được Đảng ủy, chính quyền xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Với phương châm huy động sự đóng góp của nhân dân là chính, đến nay đã có76,65 % đường liên thôn và nội thôn (13,4km), 36,5% đường ngõ xóm (3km) đã được bê tông hóa.

Về cơ sở vật chất: Khu công sở của xã được xây dựng năm 2000 trên trục đường liên xã đi Thọ Tân, phía đông làng Hoàng Thôn với tổng diện tích khuôn viên là 3350m2, có 1 hội trường và 15 phòng làm việc. Cả 3 trường trung học cơ sở, tiểu học và mầm non đều đã được xây dựng kiên cố với 28 phòng học, đảm bảo phục vụ nhu cầu học tập của con em trong xã. Trường Tiểu học Minh Sơn đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Xã cũng đã hoàn thành chương trình phổ cập Trung học cơ sở. Trạm y tế xã cũng đã được xây dựng kiên cố với đầy đủ các phòng làm việc, phòng điều trị, phòng sản. Năm 2008 xã đã được công nhận là xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Cả 7 thôn trong xã đều xây dựng được nhà văn hóa và 6 thôn đạt tiêu chí làng văn hóa cấp huyện, 1 thôn đạt tiêu chí làng văn hóa cấp tỉnh. Đến năm 2012 toàn xã có gần 90% số hộ có đủ 3 công trình (nhà tắm, nhà vệ sinh, bể nước), 85% số hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Từ năm 2007 xã đã hoàn thành xóa nhà tranh tre tạm bợ. Đến nay toàn xã có 98 % hộ có nhà ngói, trong đó nhà mái bằng và cao tầng chiếm hơn 1/3. Số hộ nghèo năm 2012 giảm xuống còn 134 hộ chiếm tỉ lệ 10,93% tổng số hộ. Năm 2008, xã khai trương xây dựng xã văn hóa và năm 2012 đã được công nhận đạt danh hiệu xã văn hoá.

Hiện nay, trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng bộ và nhân dân Minh Sơn đã và đang khai thác, sử dụng một cách có hiệu quả những yếu tố thuận lợi về điều kiện tự nhiên để đẩy mạnh công cuộc phát triển kinh tế xã hội, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

II. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH LÀNG XÃ VÀ TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ VĂN HOÁ

Xã Minh Sơn ngày nay có tất cả 7 thôn (gồm có thôn 1, 2, 3, 4, 5, 7, 8) với 4 cụm dân cư cách biệt nhau. Từ khu trung tâm xã đến phía tây bắc là cụm dân cư gồm 3 thôn liền nhau là Hoàng Thôn (thôn 1), Hoàng Đồng (thôn 2) và Đồng Cát (thôn 3 ). Phía tây và tây bắc xã là cụm dân cư Tân Thành (gồm thôn Tân Thành 4 và Tân Thành 5). Phía nam xã là cụm dân cư thôn Tân Ninh; phía tây xã là cụm dân cư thôn Đại Sơn. Ngoài ra còn một số cụm dân cư nhỏ khoảng một vài chục hộ ở ven chân núi Rùa và xung quanh hồ Dọc Đong. Không kể thôn Đại Sơn thành lập cách đây chưa lâu trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương, 5 thôn còn lại đều có một quá trình dựng xóm lập làng lâu đời cách đây hàng vài trăm năm.

Có thể nhận định rằng, so với một số vùng trong huyện Triệu Sơn, Minh Sơn là vùng đất được con người khai phá muộn hơn. Những dãy đồi Mốc, đồi Nhơm, đồi Thị là điểm tận cùng về phía đông - đông nam của dãy đồi núi kéo dài từ miền tây ở các huyện Như Xuân, Thường Xuân xuống vùng đồng bằng Triệu Sơn. Dấu vết dưới lòng đất về những dải than bùn (ở khu vực hồ Than bùn) dưới chân đồi Mốc là những minh chứng xác thực cách đây chưa lâu lắm vùng này còn là những cánh rừng bạt ngàn. Gia phả họ Nguyễn Đăng ở Hoàng Thôn và gia phả một số họ ở Sinh Ý cũng cho biết rằng nhiều dòng họ đến cư trú trên đất Minh Sơn cũng chỉ khoảng cách đây trên dưới hai thế kỷ.

Vào đầu thế kỷ XIX, dưới thời vua Gia Long (1802 - 1820), các làng Thị, Mỹ Nhậm, Hoàng, Phụng Lộc thuộc xã Minh Sơn đều thuộc tổng Lai Triều, huyện Nông Cống, phủ Tĩnh Gia. Huyện Nông Cống lúc này có 9 tổng, tổng Lai Triều có 12 xã thôn (nay là một số làng thuộc các xã Minh Sơn, Hợp Thắng, Vân Sơn, Hợp Thành). Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, cấp tổng được bãi bỏ để thành lập các đơn vị hành chính mang tên xã. Các làng thuộc xã Minh Sơn nay trực thuộc xã Minh Đức, huyện Nông Cống. Xã này có 9 thôn: Sinh Ý, Mỹ Phong, Hoàng Thôn, Đồng Thôn, Phụng Lộc, Thiện Chính, thôn Thượng, thôn Hạ, thôn Tự và xóm Trại Cống(sau đổi là Tân Lương-nay thuộc xã Hợp Thắng). Năm 1948, toàn huyện Nông Cống chia thành 15 xã, xã Minh Nông  gồm các làng thuộc 3 xã Minh Sơn, Minh Dân, Minh Châu hiện nay. Đến năm 1953, 15 xã lớn chia thành 44 xã nhỏ, xã Minh Nông được tách thành 3 xã Minh Sơn, Minh Dân và Minh Châu. Xã Minh Sơn gồm có 6 làng: Sinh Ý, Mỹ Phong, Hoàng Thôn, Đồng  Thôn, Phụng Lộc,Tân Lương. Năm 1965, theo quyết định 177- CP ngày 16-12-1964 của Hội đồng chính phủ về việc điều chỉnh địa giới các huyện Thọ Xuân, Nông Cống thuộc tỉnh Thanh Hoá, huyện Triệu Sơn được thành lập gồm 33 xã. Từ đây xã Minh Sơn thuộc địa bàn của huyện mới Triệu Sơn. Năm 1965 thôn Tân Lương được cắt chuyển về xã Hợp Thắng. Đến năm 1988 khi thành lập thị trấn Triệu Sơn (theo quyết định 99- HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng), một phần dân cư và diện tích của xã Minh Sơn thuộc làng Tân Ninh (phía bắc tỉnh lộ 514) và làng Tân Phong (phía tây tỉnh lộ 506) cắt chuyển về thị trấn Triệu Sơn. Đến tháng 7- 2005, thực hiện chỉ thị 364/TTg của thủ tướng chính phủ về việc mở rộng địa giới hành chính thị trấn Triệu Sơn, toàn bộ làng Tân Phong (phía tây tỉnh lộ 506) và một phần làng Tân Thành tách khỏi xã Minh Sơn để chuyển về trực thuộc Thị trấn Triệu Sơn. Hiện nay, xã Minh Sơn có 7 thôn: Hoàng Thôn (thôn 1), Hoàng Đồng (thôn 2), Đồng Cát (thôn 3), Tân Thành 4, Tân Thành 5, Tân Ninh (thôn 7), Đại Sơn (thôn 8) . Lịch sử hình thành và phát triển của các làng trong xã đã thể hiện truyền thống lịch sử, văn hoá của vùng đất Minh Sơn một cách rõ nét và rất đặc sắc phong phú.

  Làng Hoàng Thôn

Làng ở vị trí trung tâm của xã, có vị trí tiếp giáp với làng Hoàng Đồng ở phía bắc, khu phố Bà Triệu của thị trấn Triệu Sơn và làng Tân Ninh ở phía Nam, đồi Mốc và đồi Nhơm ở phía đông, ở phía tây là cánh đồng tiếp giáp với núi Rùa và sông Nhơm, bên kia sông là địa phận xã Hợp Thắng. Diện tích tự nhiên của làng là gần70 mẫu, trong đó diện tích 12 xứ đồng là gần 50 mẫu, đất thổ cư là 18 mẫu. Các xứ đồng lớn là Mau Sâu, Trước Nhà, Mau Cao, Mau Sườn,Ngoại đê Tân Thành,Ngoại đê ông Hà vv….

Đến nay không rõ thôn Hoàng Thôn được thành lập đầu tiên vào khi nào với tên gọi là Mốc Vàng. Nhưng đầu thế kỷ XIX, vào thời vua Gia Long (1802-1820), thôn Hoàng (cùng với các thôn Thị, Phụng Lộc, Thục ) thuộc xã Cổ Mộc, tổng Lai Triều, huyện Nông Cống. Có lẽ sau đó vì một lý do nào đó dân cư trong làng bị phiêu tán, lưu lạc một thời gian. Vì thế vào thời vua Nguyễn Hiến Tổ, niên hiệu Thiệu Trị thứ 5 (1845), hai ông Trịnh Hữu Giáp và Trịnh Hữu Trạch làm đơn xin được phục hồi. Năm 1870 (Tự Đức thứ 23), ông Nguyễn Đăng Chất cùng một số người đến khu đất Đồng Ngách khai phá dựng thành một xóm nhỏ(1). Đến năm 1875, ông Nguyễn Tài Hùng chiêu mộ thêm dân ngoại tịch, khai khẩn được hơn 200 mẫu ruộng. Đến cuối năm 1882 (Tự Đức thứ 35), hai ông Nguyễn Đăng Chất và Trịnh Hữu Ứớc trình xin bản xã cho nhận thêm dân đinh, ruộng đất và nhận lĩnh canh. Bốn năm sau đó, khi ông Trịnh Hữu Ước qua đời, ông Nguyễn Đăng Chất là người bỏ nhiều công sức chiêu tập thêm dân đinh, mở mang khai phá thêm ruộng đồng, xây dựng và tu bổ miếu điện thờ thần. Bản hương ước làng Hoàng nêu rõ công tích của ông là người “có công với dân, chí kính với thần. Thần có nơi để kính thờ, dân có chỗ để vui sống, hiện đã thành làng xóm”(1). Họ Trịnh, họ Nguyễn Đăng và Nguyễn Tài là những dòng họ có công lập làng đầu tiên, sau đó có thêm các dòng họ khác đến cư trú. Làng Hoàng có tất cả 8 dòng họ: Trịnh, Nguyễn Đăng, Nguyễn Tài, Phạm, Lê Phụ (Phú), Lê Văn, Hoàng, Vũ. Họ Nguyễn Tài và họ Lê Phụ cũng là 2 họ có nguồn gốc ở Đồng Pho (Đông Hoà, Đông Sơn) di cư lên đây từ thế kỷ XIX. Họ có nhân khẩu đông nhất là họ Nguyễn Đăng và Nguyễn Tài. Các họ Nguyễn Đăng, Nguyễn Tài, Lê Phụ đều xây dựng nhà thờ họ. Đến nay họ Trịnh và họ Phạm là hai họ đã bị lưu tán không còn gia đình nào ở trong làng. Dân số của làng theo số liệu năm 1998 là 117 hộ, 397 khẩu, hiện nay (năm 2013) là 143 hộ, 446 khẩu

Hoàng Thôn có 2 ngôi đình. Đình Nhất xây dựng từ thế kỷ XIX ở phía đông của làng, sau vì xảy ra sự cố nên chuyển sang vị trí khác. Đình gồm 3 gian nhà gỗ lợp tranh, phía sau gian giữa có hậu cung làm nơi thờ phụng. Đình Hai xây dựng ở phía tây làng có 2 gian, sân đình có hai cây trôi to toả bóng mát. Những ngày mùa hè nóng nực, bà con đi làm đồng về thường dừng lại nghỉ ngơi ở đây. Đình Nhất là nơi hội họp của làng, nơi diễn ra các hoạt động tín ngưỡng, vui chơi của dân làng. Hàng năm có 3 ngày đại lễ là lễ xuân tế diễn ra vào ngày 10 tháng 2 âm lịch, lễ kỳ phúc ngày 21 tháng 3 và kính tế cơm mới (lễ thường tân) ngày 10 tháng 10. Ngày 18 tháng giêng hàng năm dân làng còn tổ chức rước kiệu tế thần từ đình làng về chợ Mốc giao lưu với các làng khác. Ngoài ra còn có các ngày lễ nhỏ hơn là ngày lệnh kỵ mùng 10 tháng giêng, khai ấn (lấy con dấu ra ) ngày 25 tháng 5, kính tế cuối năm ngày mùng 9 tháng chạp, lễ hạp ấn (cất con dấu đi) ngày 25 tháng chạp. Làng dành ra một số diện tích đất công để giao cho một số gia đình cày cấy, hàng năm dùng hoa lợi thu được trên phần đất đó để chi phí cho các ngày lễ trong năm. Một số cá nhân và gia đình còn cung tiến thêm ruộng đất cho làng để các gia đình luân phiên lĩnh canh làm nguồn thu cho các hoạt động tế lễ. Vào đầu thời vua Thành Thái (cuối thế kỷ XIX), bà Giảng cung tiến 1 sào 5 khẩu ruộng, ông Lê Phụ Biểu cung tiến 1 sào rưỡi ruộng (đều ở đồng Cồn) cho làng.

  Về phong tục tập quán, làng quy định những người tuổi tròn 50, 60, 70, 80, 90 đều tổ chức khao vọng (thường là 1 cỗ xôi, 1 con lợn và trầu rượu). Sau khi làm lễ thì những người đó được miễn trừ thuế thân và tiền đóng góp, 50 tuổi thì trừ nửa phần tiền đóng góp. Còn có lệ biếu các vị thượng lão vào các ngày đại lễ và lệ biếu cụ thể cho từng hạng tuổi. Các gia đình có con gái gả chồng thì nộp tiền cheo ( gọi là nộp lệ giai) cho làng bằng tiền và rượu. Trong việc khuyến học có quy định đến tuổi vào sổ đinh mà muốn xin đi học thì người đó được miễn trừ sai dịch (việc công) 1 năm để biểu thị sự tôn trọng việc học. Trong việc hiếu, bản thôn cử trai tráng đến giúp nhà có việc tang và bản thôn đi đưa. Việc xong chỉ dùng trầu rượu là lễ, cổ bàn hậu bạc thế nào tuỳ nghi, nếu nhà giàu tuỳ tâm làm cỗ bàn tiếp đãi. Nếu nhà nghèo mời trầu rượu, bản thôn không được hạch hỏi. Trong việc an ninh thôn xóm, những kẻ lấy trộm hoa màu ngoài đồng hoặc đồ vật trong nhà nếu có người bắt được sẽ bị phạt 3 quan tiền và đánh 3 roi v.v….Ở ba phía bắc, đông, nam làng có 3 điếm canh để tuần đinh canh gác bảo vệ an ninh trong làng.

  Trước năm 1945, đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, sinh sống chủ yếu dựa vào nghề trồng lúa. Đồng ruộng Hoàng Thôn đều nằm ven sông Nhơm nên hàng năm về mùa mưa các cánh đồng đều bị ngập lụt gây ra nạn mất mùa, đói kém. Tình cảnh đó đã được phản ánh qua đoạn thơ của ông Nguyễn Tài Vạn:

            “Làng ta bên núi bên sông

Mới mưa nước đã mênh mông đầy đồng

            Chỉ còn điền thổ đinh đông

            Lấy chi sinh sống, cấy trồng hỡi con”

Nghề làm ruộng thì bấp bênh như vậy nên người dân trong làng thường rủ nhau lên rừng lấy gỗ, củi đem về bán ở chợ Nông Trường và một số chợ khác(1).

  Từ năm 1961 khi hệ thống đê chắn nước sông Nhơm dài 1,2km được đắp thì nạn lụt không còn gây thất bát mùa màng nặng nề như trước đây nữa. Tuy nhiên do địa hình không xây dựng được hệ thống nông giang tự chảy nên khâu nước tưới cho cây lúa chủ yếu phải lấy nước từ sông Nhơm qua hệ thống máy bơm.

Vào đầu thời kỳ hợp tác hoá nông nghiệp những năm 1958- 1960, một phần làng Hoàng ở phía bắc và  một phần phía nam làng Đồng Cát được cắt chuyển dân số và diện tích để lập thành thôn mới Hoàng Đồng. Năm 1989, một phần phía đông của làng Hoàng ở ven đồi Nhơm, phía đông đường liên huyện Thị trấn đi Thọ Tân được cắt chuyển về thị trấn Triệu Sơn ( nay thuộc khu phố Bà Triệu).

  Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, nhân dân Hoàng Thôn đã hăng hái đóng góp sức người sức của góp phần vào thắng lợi chung. Làng có hàng trăm người tham gia bộ đội, có 17 liệt sỹ và 11 thương bệnh binh. Trong những năm thực hiện công cuộc đổi mới, Hoàng Thôn là làng khai trương xây dựng làng văn hoá sớm nhất trong toàn xã vào đầu năm 1999. Với sự nỗ lực cố gắng phấn đấu của cán bộ và nhân dân trong làng, cuối năm 2001 làng đạt danh hiệu làng văn hoá cấp huyện và năm 2003 đạt danh hiệu cấp tỉnh. Hiện nay làng có 1 chi bộ đảng gồm 31 đảng viên và các đoàn thể chính trị xã hội hoạt động tốt.

  Làng Hoàng Đồng

Đây là làng mới được thành lập sau khi thành lập xã Minh Sơn, tính ra mới khoảng hơn nửa thế kỷ. Nhưng lịch sử lâu đời của làng gắn liền với lịch sử của hai làng cận kề là Hoàng Thôn và Đồng Cát. Cho mãi đến giai đoạn 1958- 1960, làng Hoàng Đồng mới được thành lập từ một phần diện tích và dân số của Hoàng Thôn và Đồng Cát. Địa giới của làng: Phía bắc giáp Đồng Cát, phía nam giáp Hoàng Thôn, phía đông giáp đồi Mốc và phía tây là cánh đồng làng với các xứ đồng Cồn Lau, Quân Y, khu 13M, Chéo Sông, Cồn Đu v.v…tiếp giáp với xã Hợp Thắng. Hoàng Đồng có diện tích tự nhiên gần 80 mẫu, trong đó diện tích của 11 xứ đồng là hơn 50 mẫu, đất ở 24 mẫu.

  Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ tổ quốc Hoàng Đồng có 24 liệt sĩ và 7 thương bệnh binh. Đặc biệt gia đình mẹ Trịnh Thị Tỵ có 3 người con đều hy sinh trong chiến đấu. Mẹ Trịnh Thị Tỵ đã được nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Năm 2002 làng Hoàng Đồng đã khai trương xây dựng làng văn hoá và đã được công nhận danh hiệu làng văn hoá cấp huyện năm 2006. Hiện nay (năm 2013) làng có 182 hộ, 681 nhân khẩu. Chi bộ đảng có 30 đảng viên.

Làng Đồng Thôn(Đồng Cát).

Làng nằm ở phía tây bắc của xã, phía bắc giáp làng Hoành Suối (xã Thọ Tân), phía nam giáp làng Hoàng Đồng, phía đông giáp hồ Dọc Đong (làng Sinh Ý), phía tây là cánh đồng làng giáp với đồng ruộng xã Hợp Thắng. Làng có diện tích tự nhiên 80 mẫu trong đó đất trồng lúa là gần 55 mẫu, đất ở gần 20 mẫu.

  Theo tài liệu ghi chép và lời kể của những người cao tuổi trong làng, khoảng từ năm 1879 (Kỷ Mão) đến năm 1908, do có việc một nhà hào phú ở làng Thanh Yên tranh giành đất của xã Cổ Mộc nên vào năm Khải Định tam niên (1918), ông Trịnh Văn Quan là cai tổng Lai Triều đã đến triều đình đưa đơn kiến nghị. Vua cho quan về đo đạc và chuẩn y lập làng với giới hạn cụ thể đông tây, nam, bắc, có diện tích 250 mẫu, ngoài ra còn cấp thêm 5 mẫu ruộng công để hàng năm giao cho các hộ luân phiên lĩnh canh lấy hoa lợi dùng vào việc làng. Làng có tên là làng Đồng Thôn thuộc xã Cổ Mộc tổng Lai Triều. Tại thời điểm này một số dòng họ đã di cư đến lập làng, đầu tiên là họ Nguyễn, tiếp đó là các họ Trần, Ngô, Hoàng, Trịnh. Dân số của làng lúc đầu có 25 hộ với 125 khẩu. Trên khu vực định cư của làng có 2 ngọn đồi đất thấp mà dân làng gọi là núi Trúc và núi Trẩu. Có giai đoạn làng chia thành 2 xóm: xóm núi Trúc và xóm Cổ Bầu.

Từ trước năm 1945, làng có bốn ngôi đình: đình Nhất, đình Hai, đình họp và đình thờ. Đình Nhất ở khu vực Đồng Khoai gồm 3 gian và 1 gian chính tẩm. Trên nóc có đôi rồng chầu mặt nguyệt. Phía trước đình có 2 giải vũ có tượng quan văn cầm quyển sách và tượng quan võ xách đại đao đứng uy nghiêm. Hai cột cửa vào sân đình phía trên đầu cột có đắp 2 con nghê trong tư thế ngồi quay ra ngoài. Xung quanh đình trồng các loại cây như bàng, vạn tuế và hải đường, trước đình có ao cá. Hàng năm vào ngày 16 tháng giêng tổ chức lễ tế thần hoàng, làng tổ chức rước kiệu từ đình nhất về chọ Mốc để tham gia lễ hội cùng với bốn làng khác trong xã.

Đình Hai cũng được xây dựng ở khu đất rìa đồng (phía tây làng)  thờ “Sơn tinh công chúa, Dực bảo trung hưng” được triều vua Bảo Đại (1925-1945) phong là “Thượng đẳng thần”. Đình xây 2 gian, xung quanh đình xây tường bao, ngoài sân đình có bệ đặt bát hương và tượng hổ chầu. Còn đình họp 3 gian được xây dựng ở khu vực giữa làng là nơi sinh hoạt cộng đồng. Đình thờ làm ở phía bắc gồm 2 gian để thờ người có công lập làng ( là ông cai tổng Lai Triều Trịnh Văn Quan, thường gọi là ông Cai Quan)

Trong các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, Đồng Cát có 17 liệt sỹ, 7 thương binh. Làng đã khai trương xây dựng làng văn hoá năm 2006 và năm 2009 đã đựoc công nhận là làng văn hoá cấp huyện. Hiện nay làng  có 1 chi bộ đảng gồm 20 đảng viên. Tổng số hộ trong làng có 172 hộ với 620 khẩu.

Làng Sinh Ý(Tân Thành).

Làng nằm ở phía đông bắc xã, giáp làng Xuân Tiên và làng Thục (Thiện Chính) của xã Dân Lực ở phía bắc, Thị trấn Triệu Sơn ở phía nam, làng An Mộc (xã Dân Lực) và phố Tân Phong (thị trấn Triệu Sơn) ở phía đông, làng Hoàng Đồng và Đồng Cát ở phía tây (qua đồi Mốc). Làng có 14 xứ đồng lớn là Đồng năm tấn, đồng Nẫn Sâu, đồng Trước Chợ, Đồng Cát, Đồng Cao, Quân Y, Đồng Vàn, Đồng Mới, Cây Nắng 1, 2, 3, Đá bia cao v.v…. Về địa thế, làng nằm trên một quả đồi thấp mang tên là đồi Thị, nửa trên quả đồi này là đất đỏ pha sỏi, nửa dưới là đất ba zan. Đây có thể coi là điểm tận cùng của một dãy núi từ phía tây xuống đến phía đông của địa hình huyện Triệu Sơn. Trước đây dân làng cư trú ven sườn đồi phía đông và phía nam, sau đó mở rộng ra các khu vực khác.

Theo nguồn tài liệu văn bản còn lưu trữ, cách đây hơn 200 năm vào thời vua đầu tiên của nhà Nguyễn là Gia Long (1802- 1820) vùng đất này mang tên là thôn Thị thuộc xã Cổ Mộc, tổng Lai Triều, huyện Nông Cống, phủ Tĩnh Gia (cùng xã còn có các thôn Thục, Hoàng, Đồng, Phụng Lộc). Đến thời vua Tự Đức (1848- 1883), thôn Thị đổi tên thành làng Sinh Ý và từ đó đến trước năm 1945 đều thuộc xã Cổ Mộc. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, làng Sinh Ý lại đổi tên thành làng Tân Thành thuộc xã Cổ Mộc, từ năm 1946 thuộc xã Minh Đức rồi sau đó vài năm là xã Minh Nông. Năm 1953, thành lập xã Minh Sơn, Tân Thành là một trong 5 làng của xã Minh Sơn. Từ tháng 6- 1996 chia thành 2 thôn Tân Thành 4 và Tân Thành 5

Làng Thị trước đây có nhiều họ từ các vùng khác đến cư trú. Từ ngoài Bắc vào có các họ như họ Đàm, họ Ngô và họ Nguyễn. Họ Lê từ Đông Sơn lên, họ Trịnh ở Vĩnh Lộc sang, họ Hoàng ở Thọ Phú đến. Các họ Trịnh, Ngô, Lê, Đàm, Nguyễn, Hoàng được coi là những dòng họ đến cư trú sớm nhất từ đầu thế kỷ XIX, đến nay đã hơn 200 năm. Như vậy, nhiều dòng họ đã có mặt và sinh sống ở đây đến ngày nay khoảng 8- 10 đời.

Theo gia phả họ Lê, người đầu tiên trong họ đến lập nghiệp ở đây là ông Lê Ngọc Trầu người làng Ngọc Bôi, tổng Thạch Khê, huyện Đông Sơn. Khoảng đầu thế kỷ XIX (thời vua Gia Long), ông đến xã Cổ Mộc mở lớp dạy học chữ Nho, sau đó ông lấy vợ ở đây (bà Trịnh Thị Hẩy), đến nay đã được 8 đời. Gia phả họ Đàm ghi: Họ Đàm vốn gốc ở thôn Xuân Dục, xã Yên Trường, huyện Đông Anh, tỉnh Bắc Ninh (người thuộc Hà Nội). Đến đời thứ 7 có ông Đàm Huy Khiên vào Thanh Hoá lập nghiệp, sinh sống ở xã Cổ Mộc, đến cháu chắt hiện nay là đời thứ 12. Gia phả họ Trịnh cũng cho biết, ông tổ dòng họ là Trịnh Văn Đạt chuyển đến thôn Thị từ nửa thế kỷ XIX, lấy bà Trịnh Thị Duyệt sinh ra 5 người con trai (nay là 5 chi họ Trịnh).

Làng có 3 ngôi đình gồm đình lớn, đình trên và đình Miễu. Đình lớn ở khu vực giữa làng được xây dựng vào thời Tự Đức gồm năm gian nhà lợp ngói và một gian hậu cung, bên cạnh là nhà sắc. Đây là nơi thờ thành hoàng làng và là nơi hội họp của làng. Theo tài liệu biên soạn từ thời vua Thành Thái (1889- 1907) thì thôn Thị thờ hai vị thần là Cao Sơn Đại Vương (còn gọi là Đức Thánh Cả) và Tham sung Tá quốc tôn thần(1). Đình trên có 3 gian ở khu vực Ao Sải. Đình Miễu (được gọi là đình bà Chúa) thờ “Bạch y công chúa nhàn uyển trung hưng đẳng thần”(còn gọi là bà chúa Ơn). Làng còn có một miếu thờ thần và 1 ngôi chùa thờ Đức Phật. Làng giành ra 3 sào ruộng gọi là ruộng chùa để cày cấy dùng vào việc chùa.

Ở xã Cổ Mộc xưa, hàng năm vào ngày 18 tháng giêng có tục rước thần linh 5 làng trong xã từ đình làng về chợ Mốc (ở khu vực Xuân Tiên, Dân Lực hiện nay). Làng Sinh Ý cũng như các làng Thục, Hoàng Thôn, Phụng Lộc, Đồng Thôn, mỗi làng tổ chức rước 2 kiệu long đình và bát cống về chợ Mốc. Việc rước kiệu được tổ chức rất long trọng với sự tham gia đông đảo của nhân dân. Mỗi năm một làng đăng cai phụ trách việc cỗ bàn tế thần, sau đó phần cỗ chia đều cho các làng. Ngoài các vị thần được rước kiệu về đây như một dịp giao lưu giữa các vị thần linh, vị thần được toàn xã Cổ Mộc thờ là Đại ứng Thái Sơn tôn thần. Tại khu vực chợ Mốc vào dịp này, ngoài việc rước thần,tế lễ, nhiều trò chơi được tổ chức như đánh vật, đánh cờ người, chơi xóc đĩa v.v…rất đông vui, náo nhiệt. Các hoạt động này diễn ra trong 2 ngày 18 và 19, đến chiều ngày 19 mới kết thúc.

Ngoài ra làng Sinh Ý còn có lễ hội rước sắc và đặc biệt nhất là lễ thành hoàng làng vào ngày 15- 5 hàng năm .

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhân dân làng Sinh Ý đã góp nhiều sức người sức của cho các cuộc kháng chiến. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh biên giới, làng có hàng trăm người tham gia bộ đội, 27 người đã hy sinh trên các chiến trường. Tân Thành 4 có 12 liệt sĩ, Tân Thành 5 có 15 liệt sĩ, 24 người là thương bệnh binh. Có 3 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt nam anh hùng là các mẹ: Trịnh Thị Dụ và Lê Thị Lé (nay thuộc Tân Thành 4) và Trịnh Thị Độ (nay thuộc Tân Thành 5). Nhiều gia đình và cá nhân được Nhà nước tặng nhiều bằng khen, giấy khen, huân huy chương các loại, bằng Tổ quốc ghi công.

Từ tháng 10- 1996, làng Tân Thành chia thành 2 thôn: Tân Thành 4 và Tân Thành 5. Thôn Tân Thành 4 có diện tích trồng lúa gần 50 mẫu, đất ở gần 30 mẫu.Thôn có 215 hộ, 823 khẩu. Chi bộ đảng có 25 đảng viên . Năm 2006 thôn Tân Thành 4 khai trương xây dựng làng văn hóa, năm  2009 được công nhận làng văn hóa cấp huyện.

Thôn Tân Thành 5 có diện tích tự nhiênhơn 60 mẫu, trong đó diện tích trồng lúa 36 mẫu, đất ở 23 mẫu. Thôn có 186 hộ, 662 khẩu, chi bộ đảng  có 21 đảng viên. Năm 2004 thôn Tân Thành 5 khai trương xây dựng làng văn hóa và tháng 12 năm 2008 đã đạt danh hiệu làng văn hóa cấp huyện.

Làng Mỹ Phong(Tân Ninh).

Lúc đầu có tên là Nghĩa Nhậm với dòng họ đến định cư đầu tiên là họ Hà. Tương truyền có thời kỳ dân làng gặp nạn phải lưu tán đi các nơi khác sinh sống. Đến năm Bảo Thái thứ 3 (1722) đời vua Lê Dụ Tông, cụ thuỷ tổ họ Mai là Mai Du quê giáp Đa Phúc, thôn Thượng Thọ, xã Cao Vịnh, huyện Nga Sơn đã đến đây chiêu tập dân chúng, dựng nên xóm làng và đặt tên bản ấp là Mỹ Nhậm. Cho đến đầu thế kỷ XIX thời vua Gia Long, thôn Mỹ Nhậm thuộc xã Cương Đôi, tổng Lai Triều, huyện Nông Cống. Đến thời vua Tự Đức (1848- 1883), vì phải kiêng tên hiệu của Tự Đức là Hồng Nhậm nên đổi tên thôn Mỹ Nhậm thành thôn Mỹ Phong. Đến thời Đồng Khánh (1885- 1888), khi dân cư đã trở nên đông đúc, Mỹ Phong phát triển thành “nhất xã nhất thôn” gọi là xã Mỹ Phong thuộc tổng Lai Triều. Đầu thế kỷ XX dưới thời thuộc Pháp còn gọi là làng Nhơm, một tên gọi gắn với địa danh ngọn đồi ở phía bắc làng có tên là đồi Nhơm. Từ năm 1959 đổi tên là làng Tân Ninh (từ năm 1991còn gọi là thôn 7).

Địa thế của làng ở biệt lập với các làng xung quanh bởi những cánh đồng ở 3 phía tây, đông, nam; phía bắc là đồi Nhơm cây cối rậm rạp, um tùm (nay thuộc thị trấn Triệu Sơn). Các cánh đồng của làng ở phía nam giáp với xã An Nông, phía đông giáp với xã Minh Châu, phía tây giáp với làng Phu (xã Hợp Thắng). Dọc theo phía bắc của làng từ xưa có một đường giao thông lớn qua làng chạy theo hương đông – tây, gọi là tỉnh tộ số 9 từ thành phố Thanh Hoá đi Sim và khu vực Như Xuân.

Tân Ninh có diện tích tự nhiên là136 mẫu, trong đó diện tích trồng lúacủa 14 xứ đồng là110 mẫu, đất thổ cư gần 20 mẫu. Các khu đồng lớn là Bái Đâu (18,7 mẫu), Đồng Bến (9,37 mẫu), Nán Tre (7 mẫu), Đồng Đung (5,3 mẫu), Nổ Củi (4,6 mẫu)v.v….. Đồng ruộng Tân Ninh đều nằm ở phía tây nam và phía nam của làng. Sông Nhơm chảy qua nhiều xứ đồng với 9 đoạn khúc ngoằn ngèo dài hàng km. Sông có tác dụng chống hạn tích cực vào vụ chiêm, nhưng trước đây khi hệ thống đê chưa được củng cố, nhiều năm nước sông dâng cao do mưa lớn thường gây ngập lụt phá hoại mùa màng.

Trước năm 1945 trong làng có 6 dòng họ cùng sinh sống là các họ: Hà, Mai, Nguyễn, Đỗ, Lê, Trần, trong đó họ Hà và họ Mai là 2 họ đến đầu tiên. Sau đó có thêm các dòng họ khác là họ Đăng, Đinh, Cù, Khương, Lại. Trước năm 1945 làng có đầy đủ quần thể hệ thống đình, chùa, đền. Hai ngôi đình là đình lớn và đình hai. Đình lớn nằm ở giữa làng gồm 5 gian xây dựng vào giữa thế kỷ XIX, sau đó được trùng tu vào năm 1930 (năm 1954 đình bị dỡ để lấy vật liệu xây dựng trụ sở huyện Nông Cống). Đình hai gồm 3 gian dựng cách đình lớn khoảng 300 mét về phía đông. Một ngôi đền thờ thành mẫu Liễu Hạnh ở xứ Ao Hâm ngoảnh mặt về hướng nam. Dưới chân núi Nhơm là ngôi chùa dựng ở xứ Đồng Để quay hướng đông nam. Làng giành ra 6 sào ruộng ở Bái Đâu làm ruộng chùa giao cho thủ từ (người trông giữ chùa) cày cấy, thu hoạch để sắm lễ vật cúng vào các kỳ lễ tiết trong năm như tết thượng nguyên ( rằm tháng giêng ), lễ tắm Phật tháng 4 v.v…Hàng năm làng tổ chức các ngày lễ như lễ thượng tiêu (dựng cây nêu), tháng chạp, tế xuân 20 tháng 2, lễ kỳ phúc 13 tháng 4, lễ thường tân tháng 10. Trước ngày tế lễ, lý trưởng trình với dân bản xã tập hợp ở đình để phân bổ việc đóng góp lễ vật. Sau khi tế xong, kính biếu lễ vật cho quan viên chức sắc, hội võ, các cụ thượng lão, sau đó mọi người cùng ăn uống. Có những kỳ tế thần, các vị cao tuổi được rước ra đình ngồi vào hàng chiếu cao nhất.

Phong tục tập quán của xã Mỹ Phong có nhiều tục lệ đã thành nề nếp đã được phản ánh cụ thể trong bản khoán ước lập năm Thành Thái 13 (1901)(1). Về việc học, trong xã có người đỗ đạt trong các kỳ thi đều được bản xã chi tiền thưởng:  đỗ đại khoa mừng 10 quan tiền, đỗ trung khoa mừng 8 quan tiền, đỗ tiểu khoa mừng 6 quan tiền, đỗ nhất, nhị trường mừng 3 quan tiền. Những người đỗ từ tiểu khoa đến trung khoa, đại khoa được dân xã đi đón tiếp về tận nhà. Những người trong xã tình nguyện đi học được bản xã cấp tiền mua giấy bút mỗi năm là 3 quan tiền. Người nào được bổ vào các chức võ quan cũng đều được bản xã mừng từ 3 đến 12 quan tiền. Về lệ khao vọng, những người đủ 50 tuổi, lễ lão 60 tuổi và 70 tuổi, khao lão từ 90 tuổi đến 100 tuổi đều quy định mức khao lão khác nhau. Trong việc cưới xin, trai gái lấy nhau thì nộp tiền lan nhai (nộp cheo) cho bản xã. Ngoài ra còn có những quy định về hình thức phạt tiền đối với các vi phạm như trộm cắp, uống rượu say ăn nói càn rỡ, có người ngủ qua đêm không khai báo, đánh chửi nhau v.v…Riêng tội trộm cắp dù lớn hay nhỏ ngoài việc phạt 3 quan tiền còn bị đánh 30 roi…..Trải qua nhiều năm tháng, đến nay hầu như nhiều tục lệ đã không còn trong nếp sống sinh hoạt của nhân dân trong làng, thay vào đó là việc xây dựng và thực hiện quy ước văn hoá làng.

Trước năm 1945, xã Mỹ Phong có khoảng gần 40 hộ với hơn 200 nhân khẩu. Dân cư sống thưa thớt, đường đi trong làng chủ yếu là ven sườn đồi, chỉ có một con đường chính vào trong làng phải đi qua một điếm canh. Trong làng chỉ có 3 nhà ngói, số còn lại đều là nhà tranh. Có 2 gia đình ông Nguyên, ông Đức mời thầy dạy học người Nghệ An dạy học tại nhà. Số người đỗ đạt cũng rất ít, cả xã chỉ có vài người được đi học ở trường tiểu học Cổ Định. Trong xã có 9 hộ có từ 1 mẫu ruộng đất trở lên. Các cánh đồng trong xã là Đồng Bến, Bái Đâu, Nán Tre, Nổ Củi, Bờ Khe, Đồng Rào, Cây Bừng, Rọc Sâu, Đồng Quan, Kỳ Lân, Đồng Đung, Mụ Toạ, Rọc Phu, Ruộng Cạn v.v…..Ngoài làm ruộng, người dân Mỹ Phong còn có nghề đi rừng lấy củi về bán ở các chợ. Đời sống nhân dân  đa phần đều túng thiếu, nhất là vào những năm xảy ra thiên tai, lũ lụt lớn.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nhân dân làng Mỹ Phong đã hăng hái xây dựng cuộc sống mới và đóng góp vào hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, làng Mỹ Phong -Tân Ninh có 80 người tham gia bộ đội, 15 liệt sỹ và 8 thương bệnh binh. Làng đã đạt được nhiều thành tựu trong công cuộc đổi mới. Năm 2005 làng Tân Ninh đã khai trương xây dựng làng văn hoá và đã đạt danh hiệu làng văn hoá cấp huyện vào năm 2009 Làng hiện nay có 214 hộ, 821khẩu. Chi bộ đảng có 22 đảng viên.

Làng Đại Sơn.

Đại Sơn là làng nhỏ mới thành lập, nằm về phía tây nam xã Minh Sơn, có vị trí tiếp giáp làng Hoàng Thôn ở phía đông bắc, làng Phu (xã Hợp Thắng) ở phía nam, thị trấn Triệu Sơn ở phía đông và làng Quán Châu (xã Hợp Thắng) ở phía tây. Khu dân cư của làng chạy dài gần 1 km theo hướng đông – tây dọc đường giao thông 514.

Vào khoảng trước năm 1945, một số gia đình ở làng Phụng Lộc thuộc xã Cổ Mộc đến đây khai hoang và lập thành trại như trại ông Hường, trại ông Kiểm Xe v.v…Đến giữa năm 1969, tỉnh thành lập ở khu vực này Xí nghiệp gạch ngói Đại Phong có nhiệm vụ sản xuất gạch ngói cung cấp cho nhu cầu xây dựng của huyện. Một thời gian sau, trường Trung cấp lâm nghiệp Thanh Hoá cũng được xây dựng ở đây. Cách đây khoảng trên hai mươi năm khi hai cơ quan trên chuyển đi nơi khác, một số gia đình cán bộ, công nhân viên ở lại lập nghiệp trên vùng đất này. Một số gia đình ở Hoàng Thôn, Hoàng Đồng, Tân Phong và xã Hợp Thắng cũng chuyển về sinh sống ở đây lập thành xóm Đại Phong. Năm 1989, huyện ra quyết định thành lập thôn Đại Sơn trực thuộc xã Minh Sơn (tên làng là gộp từ chữ Đại của xóm Đại Phong và Sơn của xã Minh Sơn). Lúc này thôn có 64 hộ, 247 khẩu.

Sau hơn 20 năm xây dựng, đến nay đời sống của nhân dân thôn Đại Sơn (thôn 8) đã được nâng cao đáng kể cả về vật chất và tinh thần. Ngoài nghề làm ruộng với số diện tích canh tác ít nhất trong xã (18 mẫu), diện tích tự nhiên chưa đến 30 mẫu, Đại Sơn đã phát triển mạnh nghề sản xuất vật liệu xây dựng và ươm trồng cây giống lâm nghiệp. Trên địa bàn thôn có nhiều gia đình tham gia sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó có những xí nghiệp có quy mô sản xuất với hàng chục lao động. Từ 1 chi bộ Đảng có 6 đảng viên (năm 1989), đến nay chi bộ có 17 đảng viên. Dân số tính đến nay có 139 hộ, 487 khẩu. Tháng 4 năm 2006, thôn Đại Sơn đã khai trương xây dựng làng văn hoá và tháng 12- 2008 đã được công nhận là làng văn hoá cấp huyện.

*  *

*

Như vậy, cho đến đầu thế kỷ XIX cách đây hơn hai thế kỷ, các cộng đồng dân cư làng xã đã hình thành và ổn định trên đất Minh Sơn. Trải qua nhiều thế hệ,các gia đình và dòng họ từ nhiều vùng trong tỉnh và ngoài tỉnh đã đến đây tạo làng lập xóm,khai  phá và cải tạo các vùng đất bãi ven sông Nhơm, các vùng đồi gò rậm rạp thành những đồng lúa, vườn cây. Làng mạc Minh Sơn phân bố dọc các thế đất cao ở vùng chân đồi tạo thành những thôn xóm ven sông, ven đồi. Mỗi làng là một điểm tụ cư của nhiều dòng họ khác nhau, đến từ nhiều nơi trong những điều kiện, hoàn cảnh không giống nhau. Song các dòng họ trong làng cũng như các làng trong xã đã gắn bó đoàn kết vượt qua mọi khó khăn chung sức chung lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Trong quá trình xây dựng và bảo vệ xóm làng, nhân dân Minh Sơn đã tạo dựng nên những truyền thống văn hóa và phong tục tập quán tốt đẹp.

  Minh Sơn là xã có nhiều dòng họ từ khắp nơi đến lập nghiệp và sinh sống  mang theo phong tục, lối sống và nét đặc trưng văn hóa của nhiều vùng quê; từ đó tạo nên sự phong phú và đa dạng trong đời sống văn hóa tinh thần. Mỗi làng đều có một không gian văn hóa với các công trình kiến trúc như đình, đền, nghè, miếu, gắn với việc thờ cúng, lễ hội thể hiện sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng. Truyền thống văn hóa còn thể hiện trong tình làng nghĩa xóm, trong sự tương trợ giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn hoạn nạn. Việc giáo dục cũng rất được đề cao. Hương ước của các làng trong xã đều khuyến khích việc học hành, có những qui định về việc hỗ trợ đối với người đi học cũng như qui định phần thưởng đối với những người đỗ đạt. Các phong tục như trọng người cao tuổi, thờ cúng tổ tiên, thờ cúng các vị thần, tế lễ thành hoàng đã tạo thành nét đẹp văn hóa của quê hương Minh Sơn, góp phần phát huy những nét đẹp trong bắn sắc văn hóa của dân tộc.

Từ thuở lập làng, người dân Minh Sơn đã phải chống chọi với dòng sông Nhơm đã gây ra nhiều trận lũ lụt, phải đối mặt với nạn thú rừng từ các vùng đồi rậm rạp tràn xuống phá hại cây trồng, đe dọa tính mạng con người. Rồi hạn hán, dịch bệnh, mất mùa đói kém xảy ra thường xuyên. Trong hoàn cảnh đó mỗi con người nơi đây đã rèn luyện đức tính cần cù nhẫn nại, kiên trì phấn đấu vượt mọi khó khăn để biến những bãi đất ven đồi thành những cánh đồng mùa màng tươi tốt, những dải đất ven đồi thành xóm, thành làng. Ngoài trồng lúa nước, nhân dân trong xã đã phát triển trồng các loại cây hoa màu, cây lương thực và cây ăn quả, mở rộng các ngành nghề phụ phục vụ cuộc sống và sinh hoạt. Ngày nay dưới chế độ mới, truyền thống lao động cần cù đã tạo nên ý chí, nghị lực cho các thế hệ người dân Minh Sơn vươn lên xóa đói giảm nghèo và từng bước làm giàu cho gia đình và quê hương.

Trong sự nghiệp chống ngoại xâm để bảo vệ đất nước, ở bất kỳ thời kỳ nào, nhân dân Minh Sơn đều tham gia đóng góp sức người, sức của. Vùng đất Minh Sơn chắc hẳn đã là địa bàn hoạt động của nghĩa quân bà Triệu Thị Trinh và nghĩa quân Chu Đạt ( thế kỷ III) chống quân xâm lược nhà Ngô. Trong phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX, nhân dân Minh Sơn đã tích cực tham gia vào các đội nghĩa binh chống Pháp. Từ khi có Đảng lãnh đạo, truyền thống yêu nước chống ngoại xâm của nhân dân Minh Sơn càng được phát huy. Trong các cuộc kháng chiến của dân tộc, hàng trăm lượt con em Minh Sơn hăng hái  gia nhập quân đội, chiến đấu trên các chiến trường và hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc. Hậu phương Minh Sơn cũng không yên tiếng súng mà đã phải đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại tàn khốc của quân xâm lược gây bao đau thương tang tóc. Nhân dân Minh Sơn đã vượt qua mọi khó khăn thử thách, xây dựng hậu phương vững chắc và tích cực đóng góp chi viện cho tuyền tuyến. Những truyền thống mà các thế hệ nhân dân Minh Sơn đã tạo dựng nên đang được thế hệ hôm nay giữ gìn và phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.


CHƯƠNG II.

MINH SƠN TRONG THỜI KỲ ĐẤU TRANH GIÀNH ĐỘC LẬP                                     DÂN TỘC, CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (1930-1954).

I.TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI MINH SƠN DƯỚI ÁCH THỐNG TRỊ CỦA THỰC DÂN PHÁP .

Năm 1858, các chiến hạm của thực dân Pháp từ ngoài biển nổ súng đánh vào Đà Nẵng, mở đầu cho việc xâm lược nước ta. Triều đình nhà Nguyễn dưới thời vua Tự Đức (1848- 1883) lúc đầu đã có một số hoạt động chống Pháp nhưng càng về sau càng lộ rõ sự thỏa hiệp, đầu hàng. Trong bối cảnh đó, một số đại thần trong triều đình có tinh thần yêu nước đã lập ông vua trẻ Hàm Nghi làm minh chủ để phát động phong trào đấu tranh vũ trang chống Pháp dưới danh nghĩa Cần Vương. Phong trào này đã diễn ra rộng khắp từ Nam chí Bắc, nhất là sau khi thực dân Pháp đưa quân ra xâm chiếm Bắc Kỳ từ năm 1873. Thanh Hóa là tỉnh có phong trào phát triển mạnh mẽ với các cuộc khởi nghĩa lớn như Ba Đình, Hùng Lĩnh. Trên địa bàn huyện Nông Cống, nghĩa quân Nguyễn Phương hoạt động ở vùng phía nam huyện, lập căn cứ tại Ổn Lâm – Kỳ Thượng. Nghĩa quân Tống Duy Tân hoạt động ở nhiều vùng trong huyện, tấn công tiêu diệt đồn núi Mưng ở Cầu Quan và tổ chức phục kích nhiều trận thắng lợi tại vùng Yên Thái (phía bắc huyện), Vân Đồn (nay thuộc xã Hợp Lý) v.v…Nhân dân trong huyện trong đó có xã Cổ Mộc đã tích cực tham gia vào lực lượng nghĩa quân chống Pháp. Ở Hoàng Thôn có ông Nguyễn Đăng Yến tham gia nghĩa quân Cần Vương, giữ chức Đốc vận quân lương. Nhưng rồi trước kẻ thù là đội quân xâm lược nhà nghề có ưu thế về vũ khí, các cuộc khởi nghĩa lần lượt bị dập tắt, các lãnh tụ nghĩa quân bị bắt rồi bị hành hình. Khoảng năm 1895, phong trào Cần Vương hoàn toàn thất bại.

          Sau khi đàn áp xong các cuộc khởi nghĩa, thực dân Pháp đã chia nước ta thành 3 kỳ với 3 chế độ cai trị khác nhau. ở Thanh Hóa cũng như khu vực Trung Kỳ, chúng thiết lập chế độ bảo hộ, duy trì bộ máy cai trị kết hợp giữa chính quyền thực dân và chính quyền tay sai là người bản địa. Bộ máy chính quyền được lập ra từ tỉnh xuống đến huyện, tổng và làng xã để cai trị và đàn áp, bóc lột nhân dân. Ở mỗi làng có đội ngũ các chức dịch thừa hành (lý trưởng, phó lý và 5 chức

danh gọi chung là ngũ hương) để thực hiện các công việc của làng xã như lập sổ thuế thân, thuế điền, nhập sổ hương ẩm, phân chia công điền, xét xử vi phạm luật lệ hoặc kiện tụng nhỏ theo lệ làng v.v…

          Thực dân Pháp thi hành nhiều chính sách làm cho nông dân càng bần cùng, ruộng đất ngày càng tập trung vào tay giai cấp địa chủ. Tính chung trong cả nước, “giai cấp địa chủ chỉ bằng 9% tổng số chủ ruộng trong cả nước  nhưng lại tập trung trong tay trên 50% diện tích canh tác” (1). Ở Minh Sơn một gia đình địa chủ lớn ở Đồng Thôn có tới hàng trăm mẫu ruộng. Người nông dân không có ruộng hoặc có ít ruộng phải lĩnh canh ruộng đất của địa chủ. Họ cày cấy trên phần đất lĩnh canh đó, đến khi thu hoạch phải nộp cho địa chủ từ 1/3 đến 1/3 hoa lợi. Lúc giáp hạt các gia đình thiếu đói phải vay lúa cuả nhà giàu, đến mùa trả lãi bằng 60% đến 100% hoặc phải bán công non, phải trả công bằng sức lao động vào ngày mùa hoặc bán lúa non (khi lúa chín chủ nợ cho người đến gặt). Trong huyện Nông Cống thực dân Pháp đã chiếm đất của nông dân ở nhiều vùng để lập các đồn điền. Ở Minh Sơn, chúng chiếm đất đai của một quả đồi thuộc làng Đồng Thôn để trồng cây trẩu lấy dầu (vì thế sau này nhân dân địa phương gọi quả đồi này là núi Trẩu).

          Chính quyền thực dân phong kiến đặt ra rất nhiều loại thuế để bóc lột nhân dân. Người dân phải đóng thuế điền, thuế thân, thuế lao dịch và nhiều loại thuế gián thu khác. Thuế điền đánh vào ruộng canh tác và thổ cư và thu bằng tiền, lúc đầu là 1,5 đồng/mẫu, đến những năm 30 của thế kỷ XX tăng lên 2,5 đồng (tương đương vài tạ lúa). Từ khi thực dân Pháp đô hộ nước ta, số ngày lao dịch trong 1 năm được ấn định khoảng 30- 40 ngày. Đến tuổi trai đinh phải đóng tiền sưu hàng năm 1-2 đồng bạc Đông Dương mới được cấp thẻ đỏ, thẻ xanh để đựơc quyền đi lại khỏi nơi cư trú mà không bị hạch hỏi, phạt tiền. Các chức dịch trong làng xã còn dùng mọi thủ đoạn để tước đoạt thêm ruộng đất và hoa lợi trên đất của người nông dân, thu thêm các khoản theo “lệ làng”. Các hủ tục như người dân mỗi khi vào làng, lên lão v.v…đều phải làm lễ khao vọng rất tốn kém đã gây cho người dân bao nhọc nhằn vất vả, nhiều gia đình phải vay mượn để bày vẽ ăn uống tốn kém, cũng là để trả nợ miệng.

          Dưới chế độ cũ, đời sống của nhân dân Minh Sơn rất thiếu thốn, khổ cực. Hệ thống đê điều, thủy lợi chưa có, mỗi khi mua lụt thì hầu hết diện tích vụ mùa ở các xứ đồng, nhất là khu vực gần sông Nhơm bị ngập úng không có thu hoạch. Do kỹ thuật canh tác và các điều kiện chăm sóc cây trồng đều thiếu thốn và lạc hậu nên năng suất cây trồng rất thấp, cây lúa chỉ đạt 30-50kg/sào. Những lúc mất mùa đói kém, người dân trong xã phải rủ nhau lên rừng đốn gỗ, kiếm củi về bán để lấy tiền đong gạo.

          Điều kiện ăn ở của các gia đình rất thấp kém, lạc hậu. Nhà ở hấu hết là nhà tranh tre hoặc luồng, mái lợp bằng tranh rạ. Cả xã chỉ hơn chục gia đình có nhà ngói, nhà gỗ. Đường làng ngõ xóm quanh co, nhỏ hẹp, về mùa mưa rất lầy lội. Mỗi làng có 1-2 cái giếng đất để lấy nước ăn uống. Công trình vệ sinh như nhà tiêu, nhà tắm không có. Một số loại bệnh tật phát sinh và nhiều khi lan tràn thành dịch như đau mắt hột, tả lỵ, đậu mùa….Khi đau ốm người dân điều trị chủ yếu bằng thuốc thuốc nam và cúng bái. Cả mấy làng chỉ có vài người làm nghề thầy thuốc như ông Trần Văn Chư ở Mỹ Phong chuyên chữa bệnh về mắt. Ở Sinh Ý có ông Chuẩn và ông Thưởng chữa cảm mạo, ông Tứ chữa bỏng, bà Vuông chữa bệnh trẻ em.

          Với chủ trương thực hiện chính sách ngu dân để dễ bề cai trị, ở Minh Sơn cũng như tình trạng chung của cả nước có tới 90% dân số mù chữ. Năm 1927 ở tổng Cổ Định mới có 1 trường tiểu học Pháp – Việt đặt ở làng Cổ Định (nay thuộc xã Tân Ninh) và 1 trường ở làng Hà Nhuận cho con  em trong cả mấy tổng xung quanh theo học. Vì vậy, dưới thời Pháp thuộc mỗi làng chỉ khoảng vài người học hết bậc tiểu học . Cả xã Mỹ Phong có ông Mai Văn Hanh và ông Mai Văn Hào học ở trường Cổ Định và đậu Primair (tương đương lớp 3 hiện nay). Làng Hoàng có 3 người đậu Primair. Hương ước một số làng có ghi việc hỗ trợ việc học nhưng cũng chỉ là khuyến khích một phần nên nhiều gia đình bần cố nông không thể có đủ tiền lo cho con ăn học. Ở các làng có một số gia đình khá giả mời thầy về dạy tại nhà cho con em mình như ở Mỹ Phong có ông Lê Văn Cư (cố Liên) nuôi thầy Vịnh ( người Nghệ An) dạy chữ quốc ngữ, gia đình cố Huỳnh, cố Nguyên, cố Đức cũng mời thầy về dạy học cho con em trong nhà và các gia đình trong xóm.

          Cuộc sống đói nghèo lạc hậu của nhân dân Minh Sơn kéo dài trong suốt thời kỳ phong kiến, đặc biệt là từ khi thực dân Pháp hoàn thành việc đàn áp phong trào Cần Vương. Đầu thế kỷ XIX, chúng tiến hành hai đợt khai thác thuộc địa với quy mô lớn, vơ vét nguồn nhân lực vật lực của thuộc địa để phục vụ nước Pháp .

          Từ năm 1940, khi phát xít Nhật xâm lược Đông Dương, chúng đã cấu kết với thực dân Pháp để bóc lột nhân dân ta ngày càng thậm tệ. Khi Nhật cho xây sân bay Lai Thành (thuộc địa phận T.P Thanh Hóa nay), chúng bắt nhân dân ta phải đi phu làm sân bay rất khổ cực. Nhiều trai đinh của xã Cổ Mộc cũng bị bắt đi dân công làm sân bay cho chúng. Chính sách bóc lột của bọn đế quốc thực dân đã gây nên nạn đói nghiêm trọng đầu năm 1945 làm cho hơn hai triệu đồng bào miền Bắc chết đói. Ở xã Mỹ Phong và xã Cổ Mộc cũng chịu chung thảm cảnh đó. Riêng xã Mỹ Phong có 5 người chết đói. Nhiều gia đình phải bán con, nhiều gia đình phải đi tha phương cầu thực.

          Chính sách cai trị tàn bạo của chế độ thực dân phong kiến đã biến nước ta từ chế độ phong kiến độc lập trở thành xã hội thuộc địa nửa phong kiến . Mâu thuẫn giữa dân tộc ta với chính quyền tay sai ngày càng gay gắt . Độc lập, tự do là yêu cầu căn bản, là nguyện vọng cấp bách của nhân dân ta. Sau khi phong trào Cần Vương tan rã, trong những thập niên đầu thế kỷ XX, phong trào yêu nước lại được nhen nhóm, một số tổ chức cách mạng  được thành lập. Nhưng phải đến năm 1930 khi Đảng cộng sản Việt Nam đựơc thành lập, thời kỳ phong trào yêu nước khủng hoảng bế tắc về đường lối đã chấm dứt. Cách mạng nước ta từ đây chuyển sang một thời kỳ mới.

II. PHONG TRÀO ĐẤU TRANH GIÀNH CHÍNH QUYỀN (1930-1945).

          Ngày 3-2-1930, hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam đã được tổ chức tại Hưong Cảng (Trung Quốc) dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tuyên bố thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, thông qua Chính cương vắn tắt và sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ tóm tắt của Đảng. Từ đây, Đảng đã tập hợp và lãnh đạo nhân dân cả nước bước vào thời kỳ đấu tranh kiên cường để giành lại độc lập cho dân tộc.

Sau khi thành lập, hệ thống cơ sở Đảng được phát triển khắp mọi miền trong cả nước. Tại Thanh Hóa, từ tháng 6 đến tháng 7 năm 1930 đã có 3 chi bộ cộng sản được thành lập ở các huyện Đông Sơn, Thiệu Hóa, Thọ Xuân. Ngày 29-7-1930, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã được thành lập. Từ đây phong trào cách mạng tỉnh nhà đã có Đảng trực tứêp lãnh đạo.“Tính đến năm 1939 toàn tỉnh đã có 9 chi bộ với 50 đảng viên”(1). Đảng bộ Thanh Hóa đã tổ chức và lãnh đạo nhiều phong trào cách mạng, đặc biệt là cao trào phản đế cứu qưốc (1940-1941), xây dựng lực lựơng mọi mặt, đấu tranh giành chính quyền (1942- 1945).

          Sau khi tiếp thu Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 (tháng 11- 1939) về chuyển hướng chỉ đạo chiến lược tập trung vào nhiệm vụ “phản đế”, Mặt trận Việt Minh và các đội tự vệ phản đế cứu quốc đựoc thành lập ở nhiều nơi trong tỉnh. Đầu tháng 6- 1941, Tỉnh ủy phân công đồng chí Trần Hoạt (Bí thư Tỉnh ủy) cùng đồng chí Bùi Lâm (Xứ ủy viên Bắc Kỳ) và đồng chí Hoàng Sĩ Oánh (Tỉnh ủy viên) vào Nông Cống và Như Xuân để xây dựng phong trào.

          Cuối năm 1941, địch mở đợt khủng bố phong trào trong tỉnh, nhiều cán bộ cách mạng bị địch bắt giam như các đồng chí Hoàng Sĩ Oánh, Đặng Châu Tuệ, Đặng Văn Hỷ v.v…Cuối tháng 11- 1941, Tỉnh ủy lâm thời được thành lập tại Mao Xá (Thiệu Toán, Thiệu Hóa) để thay thế cho các đồng chí vừa bị địch bắt. Đồng chí Hoàng Văn Ngữ (Tỉnh ủy viên) đã cùng với một số tự vệ huyện Thọ Xuân ( xã Thọ Phú và Thọ Thế) tổ chức rải truyền đơn cách mạng dọc tuyến đường Quán Giắt đi Sim và treo cờ đỏ sao vàng tại 2 địa điểm ở làng Vân Đồn (nay thuộc xã Hợp Lý, Triệu Sơn).

          Từ năm 1943 ở Nông Cống đã xây dựng được một số cơ sở Việt Minh ở các làng Thổ Vị, Ngọ Vực, Ban Thọ….Tháng 5- 1945 tại nhà ông Nguyễn Hữu Trí làng Ngọ Vực, ban lãnh đạo Việt Minh huyện Nông Cống đựoc thành lập gồm 3 người: Võ Danh Thùy, Nguyễn Hữu Trí, Trần Ngọc Quế. Sau khi Việt Minh huyện được thành lập, phong trào xây dựng lực luợng tự vệ cứu quốc được xúc tiến ở nhiều nơi trong huyện. Mặt trận Việt Minh huyện đã tổ chức nhiều cuộc mít tinh ở các địa điểm như sân Bái Đa (nay thuộc xã Vạn Thiện, Nông Cống), chợ Nưa (nay thuộc xã Tân Ninh, Triệu Sơn) để tuyên truyền ủng hộ Việt Minh.

          Đêm 9-3-1945, Nhật làm đảo chính hất cẳng Pháp ra khỏi Đông Dương. Từ ngày 9 đến 12-3-1945, Hội nghị Trung ương Đảng họp chủ trương nêu khẩu hiệu “Đánh đuổi phát xít Nhật” thay cho khẩu hiệu “đánh đuổi Nhật – Pháp”, phát động cao trào chống Nhật cứu nước, gấp rút tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Phong trào gia nhập Việt Minh và dân quân tự vệ ở các làng phát triển mạnh. Làng Hoàng Thôn có 16 hội viên Việt Minh và 12 đội viên tự vệ, làng Mỹ Phong có 7 hội viên đồng thời là đội viên tự vệ, làng Sinh Ý có 9 hội viên Việt Minh đồng thời là đội viên tự vệ.

          Ngày 15- 8- 1945, phát xít Nhật thua trận phải chấp nhận đầu hàng quân Đồng Minh. Quân Nhật chiếm đóng ở Đông Dương hoang mang, tan rã từng mảng. Điều kiện khởi nghĩa đã chín muồi, thời cơ cách mạng “nghìn năm có một” đã đến, Đảng ta quyết định ra chủ trương tổng khởi nghĩa. Ngày 13- 8- 1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào ( Tuyên Quang) quyết định thông qua Lệnh tổng khởi nghĩa, kêu gọi đồng bào cả nước tiến lên giành chính quyền. Ở Thanh Hóa, hội nghị Tinh ủy (ngày 13 đến ngày 15- 8- 1945) tại Mao Xá đã phát động toàn dân nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền, phân công cán bộ lãnh đạo khởi nghĩa ở các phủ huyện trong tỉnh, thành lập Ủy ban khởi nghĩa và Ủy ban nhân dân lâm thời các phủ huyện. Đêm 18 rạng  ngày 19- 8- 1945, Ủy ban khởi nghĩa tỉnh phát lệnh khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh. Ngày 19- 8, khởi nghĩa thắng lợi tại các huyện Thọ Xuân, Đông Sơn, Quảng Xương, Thiệu Hóa, Yên Định, Vĩnh Lộc, Thạch Thànr, Hậu Lộc, Hà Trung, Nga Sơn.

Tại Nông Cống, cuộc nổi dậy giành chính quyền nổ ra muộn hơn so với nhiều huyện trong tỉnh. Chiều 19- 8- 1945, tại nhà ông Nguyễn Hữu Trí ( Ngọ Vực) đã diễn ra cuộc họp đại diện các tổ chức Việt Minh trong huyện. Cuộc họp đã bầu Ủy ban khởi nghĩa huyện Nông Cống gồm 11 người do ông Võ Danh Thùy làm Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa.

          Ở khu vực Cổ Mộc và Mỹ Phong, không khí chuẩm bị khởi nghĩa ngày càng sôi sục. Nhiều thanh niên tham gia lực luợng tự vệ và tuyên truyền xung phog. Ông Lê Thọ Ẩm là hội viên Việt Minh đựoc ông Lê Văn Lãnh (Ủy viên , Ủy ban khởi nghĩa huyện Nông Cống, quê xã Minh châu nay ) giao làm nhiệm vụ tuyên truyền cách mạng tại Mỹ Phong và Hoàng Thôn. Ông Lê Thọ Ẩm đã cùng các ông Mai Văn Nguyên, Mai Văn Viễn (Mỹ Phong) quyên tiền mua vải may cờ đỏ sao vàng. Đêm 16-17 tháng 8- 1945, ba ông tổ chức dán truyền đơn kêu gọi khởi nghĩa ở đình Mỹ Phong và điếm làng. Đội tự vệ cứu quốc thôn Mỹ Phong gồm các ông Lê Thọ Ẩm, Mai Văn Hòa, Mai Văn Viễn, Mai Văn Hào, Mai Văn Nguyên, Hà Văn Sáu, Mai Văn Lâm. ĐỘi tự vệ Hoàng Đồng có 16 người trong đó có 2 ông Lê Phú Đạt và Nguyễn Đăng Thiện.Việt Minh huyện đã cử 2 ông Lê Thế Đông (người Hoằng Hóa) và Hoàng Đình Cầu về hướng dẫn các đội tự vệ luyện tập trong hai tuần trước khi tổng nghĩa . Nhận đuợc lệnh khởi nghĩa của Ủy ban khởi nghĩa huyện, tối ngày 18-8 lực lượng  tự vệ tập hợp để duyệt đội hình tại sân nhà thờ họ Mai (ở Mỹ Phong), sau đó kéo về Hoàng Thôn tập trung tại nhà ông Cựu Thiện (Nguyễn Văn Sách), chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để tham gia giành chính quyền .

          Ngày 20-8- 1945, lực lượng tự vệ huyện giành chính quyền ở đồn điền Yên Mỹ. Đêm ngày 20 rạng 21-8-1945 lệnh khởi nghĩa được truyền đi trong toàn huyện Nông Cống. Theo lệnh của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh, Ủy ban khởi nghĩa huyện Thọ Xuân điều động một đơn vệ tự vũ trang về Nông Cống để hỗ trợ cho nhân dân Nông Cống giành chính quyền(1). Trong ngày 21- 8, các ông Võ Danh Thùy và Đặng Văn Tường chỉ huy lực lượng khởi nghĩa tấn công đánh chiếm huyện lỵ Cầu Quan, giải tán chính quyền địch, thành lập chính quyền cách mạng. Các đội tự vệ Hoàng Thôn, Mỹ Phong,Sinh Ý được lệnh tiến về Cầu Quan nhưng khi đến nơi  sáng 21- 8 thì lực lượng tại chỗ đã làm chủ hoàn toàn huyện lỵ trước đó vài giờ. Cùng ngày, ở tất cả các tổng,làng trong huyện Nông Cống, lực lượng cách mạng đã giành chính quyền thắng lợi. Tại Sinh Ý, lý trưởng và hương bạ đã nộp ấn t ín, bàn giao sổ sách về đinh điền cho ông Nguyễn Văn Định là người phụ trách khởi nghĩa tổng Lai Triều tại nhà ông Kiểm Bính ( Trịnh Văn Bính) ở làng Thục (nay là Thiện Chính xã Dân Lực).

          Ngày 25-8-1945,Ủy ban nhân dân lâm thời huyện Nông Cống tổ chức cuộc mít tinh lớn chào mừng chính quyền dân chủ nhân dân ra mắt tại sân vận động huyện lỵ (nay thuộc xã Trung Ý, huyện Nông Cống). Nhân dân và tự vệ các làng thuộc xã Minh Sơn (nay) đã cùng hơn một vạn đồng bào và lực lượng tự vệ của các làng,các tổng trong huyện tham gia cuộc mít tinh.Ông Đặng Văn Tường,Chủ tịch Ủy ban nhân dân lâm thời huyện trịnh trọng tuyên bố chính quyền dân chủ nhân dân được thành lập, kêu gọi đồng bào trong huyện ra sức xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng. Ủy ban nhân dân lâm thời huyện đã tuyên thệ trước toàn thể nhân dân, nguyện đem hết sức mình phục vụ Tổ quốc và nhân dân. Sau cuộc mít tinh, quần chúng tổ chức tuần hành biểu dương lực lượng tỏa về các làng trong huyện.

          Cùng với toàn huyện Nông Cống, ở tổng Lai Triều, chính quyền cách mạng lâm thời được thành lập từ tổng đến các làng xã để điều hành công việc của chế độ mới.

          Như vậy qua 15 năm đấu tranh kiên cường, nhân dân các làng thuộc xã Minh Sơn đã góp sức mình cùng với cả huyện,cả tỉnh vùng dậy đập tan toàn bộ chế độ cai trị của thực dân phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng. Từ đây, nhân dân Minh Sơn đã vĩnh viễn thoát khỏi ách nô lệ của người dân mất nước, đứng lên làm chủ cuộc sống của mình, bắt đầu tiến hành công cuộc xây dựng quê hương dưới chế độ mới,đồng thời chuẩn bị bướcvào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược

III. XÂY DỰNG VÀ CỦNG CỐ CHÍNH QUYỀN CÁCH MẠNG, ỔN ĐỊNH ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN (1945-1947)

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, chế độ mới ra đời là nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Dân tộc ta từ cuộc đời nô lệ, lầm than, từ thân phận người dân mất nước đã giành được cuộc sống tự do, độc lập. Cùng với cả nước, ở các làng thuộc tổng Lai Triều cũng như huyện Nông Cống trong những ngày đầu tháng 9- 1945, không khí hân hoan phấn khởi trào dâng khắp mọi xóm làng.

Để bảo vệ thành quả cách mạng và xây dựng cuộc sống mới, nhiệm vụ hàng đầu đặt ra lúc này là xây dựng bộ máy chính quyền mới thay thế bộ máy cai trị cũ vừa bị đập tan. Tuy địa phương chưa có đảng viên nhưng đội ngũ cán bộ xuất thân trong tổ chức Việt Minh và lực lượng tự vệ đã trở thành nòng cốt để từ đó chọn lựa những người tiêu biểu vào các vị trí của chính quyền cách mạng. Cùng với việc thành lập bộ máy chính quyền huyện Nống Cống, Uỷ ban nhân dân lâm thời các cấp được lập ra để chỉ đạo công việc của cơ sở, thực hiện các nhiệm vụ của huyện đề ra. Ở các thôn làng đều thành lập bộ máy điều hành do Chủ tịch Uỷ ban lâm thời đứng đầu phối hợp với tổ chức Việt Minh làm nhiệm vụ quản lý an ninh trật tự và xây dựng đời sống mới.

Cũng như tình hình cả nước và trong tỉnh, trong huyện, chính quyền và nhân dân các làng thuộc tổng Lai Triều lúc này gặp rất nhiều khó khăn, thử thách. Đó là nền kinh tế thấp kém, đồng ruộng phần lớn thuộc diện “chiêm khê mùa thối”, hết nắng hạn lại đến mưa to gây lụt úng, năng suất bình quân trên đơn vị canh tác rất thấp gây ra nạn thiếu lương thực trầm trọng. Nạn đói năm 1945 gây ra thảm cảnh cho nhiều gia đình vẫn chưa giải quyết xong hậu quả (riêng làng Sinh Ý có 6 người chết đói, có gia đình chết 3 người như gia đình ông Cương). Nguy cơ của một nạn đói tiếp theo đang đe doạ cuộc sống của người dân. Trình độ dân trí rất thấp, gần 90% dân số mù chữ. Các tệ nạn xã hội, các hủ tục của chế độ cũ như mê tín dị đoan, cờ bạc rượu chè …còn chưa triệt để chấm dứt đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến công cuộc xây dựng đời sống mới. Một trong những khó khăn lớn nhất lúc này là chính quyền cách mạng mới thành lập, đội ngũ cán bộ còn hạn chế trong công tác cả về kinh nghiệm và năng lực trình độ. Tổ chức đảng cũng chưa có nên việc lãnh đạo điều hành của chính quyền còn nhiều lúng túng v.v…Những khó khăn đó đặt ra cho chính quyền cách mạng lâm thời những nhiệm vụ nặng nề cần phải tập trung sức giải quyết để bảo vệ thành qủa cách mạng, củng cố chế độ mới ngày càng vững mạnh.

Đất nước ta lúc này vừa mới giành được độc lập đã phải đối phó với tình thế thù trong giặc ngoài vô cùng hiểm nguy. Ở miền Bắc, 20 vạn quân Tưởng tràn vào kéo theo các lực lượng phản động người Việt với mưu đồ thủ tiêu chính quyền cách mạng, thành lập chính phủ phản động. Ở miền Nam, ngày 23 – 9- 1945 thực dân Pháp theo chân quân Anh đã nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai.

Trước tình hình đó, Đảng và Hồ Chủ tịch đã sáng suốt đề ra những chủ trương và biện pháp đúng đắn làm thất bại mọi âm mưu và hành động của các thế lực đế quốc thực dân, bảo vệ và củng cố chế độ mới, ổn định đời sống nhân dân. Ngày 3-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Hồ CHủ Tịch đã đề ra việc thực hiện ngay 6 nhiệm vụ cấp bách là: Phát động phong trào tăng gia sản xuất để chống đói, mở cuộc quyên góp gạo giúp đỡ người nghèo, mở chiến dịch chống nạn mù chữ, gấp rút tổ chức một cuộc tổng tuyển cử v.v….

Thực hiện chủ trương của Trung ương, cuối năm 1945, huyện Nông Cống tiến hành sắp xếp lại các đơn vị hành chính, bỏ đơn vị cấp tổng và thành lập cấp xã. Các tổng của huyện Nông Cống được giải thể để thành lập các xã mới. Xã Cổ Mộc lúc này có 6 thôn: Sinh Ý, Hoàng Thôn, Mỹ Phong, Đồng Thôn, Phụng Lộc, Thiện Chính. Chính quyền lâm thời xã đã được thành lập để điều hành công việc.

Ngày 25- 11- 1945 Ban thường vụ trung ương Đảng ra chỉ thị “Kháng chiến, kiến quốc”, xác định nhiệm vụ và những chính sách lớn để chỉ đạo hành động của toàn Đảng, toàn dân trong giai đoạn trước mắt. Các nhiệm vụ cơ bản là bảo vệ và củng cố chính quyền cách mạng, chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản; cải thiện đời sống nhân dân. Các nhiệm vụ của cách mạng nước ta lúc này được khái quát thành khẩu hiệu chiến lược: “Kháng chiến và kiến quốc”.

Tại xã Cổ Mộc, cùng với việc kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền, việ xây dựng các đoàn thể quần chúng và lực lượng dân quân du kích được quan tâm thường xuyên. Mặt trận Việt Minh được chấn chỉnh và củng cố, số hội viên Việt Minh ngày càng đông đảo. Chủ nhiệm Việt Minh xã là ông Trịnh Ngọc Đa (Phụng Lộc). Số hội viên Việt Minh tính đến tháng 1- 1946 là: Hoàng Thôn 62 người, Đồng Cát 102 người, Sinh Ý 85 người, Phụng Lộc 450 người, Mỹ Phong 36 người, Trại Cống 45 người. Các đòan thể quần chúng như Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ lão cứu quốc được lập ra đã kết nạp hàng trăm hội viên. Lực lượng dân quân tự vệ xã  gồm hàng trăm người : Làng Phụng Lộc 44 người, làng Mỹ Phong 36 người, làng Hoàng Thôn 25 người, làng Sinh Ý 25 người, làng Đồng Cát 12 người, Trại Cống 13 người.  Lực lượng dân quân tự vệ đẩy mạnh việc luyện tập quân sự, tuần tra canh gác làm nhiệm vụ bảo vệ chính quyền và giữ gìn trật tự an ninh trong thôn xóm.

Thực hiện lời kêu gọi của Đảng và Hồ Chủ tịch, cũng như trong toàn huyện Nông Cống, chính quyền các làng trong xã Cổ Mộc đã tích cực hưởng ứng và triển khai các phong trào cấp bách lúc này là diệt 3 thứ giặc: “giặc đói”,  “giặc dốt” và “giặc ngoại xâm”  .

Đứng trước những khó khăn về kinh tế, nhất là nạn đói mới đang có nguy cơ đe doạ, chủ tịch Hồ Chí Minh và chính phủ đã đề ra nhiều sáng kiến cứu đói như tổ chức lạc quyên, tổ chức “ngày đồng tâm bớt bữa”, lập “hũ gạo cứu đói” v.v…Với tinh thần tương thân tương ái, nhường cơm sẻ áo, ở các làng trong xã Cổ Mộc, các gia đình đều lập các hũ gạo cứu đói, mỗi lần nấu cơm bớt ra bỏ vào hũ gạo một nắm, cuối tuần tập trung lại để cứu giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở các địa phương khác. Ở các làng còn phát động phong trào “đồng tâm không đỏ lửa”, cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa để tiết kiệm gạo cho cuộc vận động cứu đói. Ở Hoàng Thôn, gia đình các ông Nguyễn Văn Sách, Nguyễn Văn Huệ còn nấu cháo chia cho các hộ nghèo. Kết quả đóng góp hũ gạo cứu đói, các làng thuộc xã Minh Sơn (nay) đã quyên góp được 24,65 tạ gạo và 185 đồng bạc: làng Hoàng 185 đồng, làng Đồng Cát 1023kg, làng Sinh Ý 182kg, làng Phụng Lộc 106kg, xóm Trại Cống 200kg. Những biện pháp tạm thời này đã giải quyết được một số khó khăn trước mắt. Nhưng biện pháp toàn diện phải là đẩy mạnh phong trào tăng gia sản xuất, làm ra nhiều lương thực để đảm bảo nhu cầu lương thực cho nhân dân. Thực hiện cuộc vận dộng “Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa!”, nhân dân các làng trong xã đã phấn đấu cày cấy hết diện tích, khai hoang phục hoá để đất đai không bị bỏ hoang. Làng Sinh Ý đã lấy 20 mẫu ruộng công chia cho các gia đình nghèo trong làng để họ có đất canh tác. Nhiều bãi hoang, ruộng hoang đều được khai thác để cấy lúa, trồng màu. Nhân dân trong xã còn hưởng ứng chủ trương của huyện, tham gia đắp kênh mương, làm thuỷ lợi. Tất cả những việc làm đó đã góp phần khắc phục những khó khăn, đẩy lùi nạn đói đang rình rập cuộc sống của nhân dân, khôi phục dần sản xuất nông nghiệp.

Phong trào xây dựng đời sống mới được nhân dân hưởng ứng sôi nổi. Nhiều hủ tục tồn tại bao đời nay đã được xoá bỏ như tục vào làng, khao vọng lên lão, cờ bạc trong dịp tết và lễ hội, chia phe giáp trong làng v.v…Ở các làng bước đầu thực hiện những quy định mới trong việc cưới, việc tang, thực hiện tiết kiệm, không phô trương lãng phí bày ra nhiều lễ hội, cỗ bàn trong các dịp khánh tiết.

Hưởng ứng chiến dịch chống nạn mù chữ do chính phủ phát động, công tác xoá nạn mù chữ là một trong ba nhiệm vụ cấp bách đã được chính quyền các cấp đặc biệt chú trọng. Ở mỗi làng đều lập Ban bình dân học vụ do một trưởng ban phụ trách. Phong trào diệt giặc dốt và bình dân học vụ đã diễn ra sôi nổi với sự hưởng ứng nhiệt tình của các đoàn thể và toàn dân, thực hiện lời dạy của Hồ Chủ tịch với tinh thần “….vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo”, mọi người mọi nhà đều tranh thủ đi học. Nhiều lớp học được mở khắp các thôn, xóm, trong gia đình, trong nhà dân. Phương tiện học tập giai đoạn này rất thiếu thốn nhưng mọi người đã có cách khắc phục. Không có giấy bút, phấn bảng, thì dùng que tre, gạch non, mảnh lá, nền nhà, cánh cửa để làm giấy bút. Các lớp học được mở vào cả buổi trưa, buổi tối cho phù hợp với điều kiện học của nhiều đối tượng khác nhau. Ở chợ Mốc, chợ Sen đều lập các cổng ở đầu chợ để đố chữ cho người đến chợ để kiểm tra kiến thức và nhắc nhở mọi người phấn đấu học tập. Ai đọc thuộc một số chữ ghi trên bảng thì được đi vào “cổng vinh quang”, ai chưa thuộc thì phải đi vào “cổng mù”. Giáo viên bình dân học vụ trong giai đoạn này là các ông bà Nguyễn Văn Thịnh, Nguyễn Duy Nho, Nguyễn Văn Nhị, Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Tài Khánh, Nguyễn Thị Chế (Hoàng Thôn), Trịnh Văn Biển, Đàm Huy Thọ (Sinh Ý), Lê Văn Lương, Mai Văn Thưởng (Mỹ Phong). Nhờ sự hăng say cố gắng của mọi người, chỉ sau một thời gian ngắn, nhiều người đã biết đọc biết viết và biết làm bốn phép tính đơn giản. Trình độ dân trí của nhân dân được nâng lên. Phong trào “chống giặc dốt” chỉ trong vài năm đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi, một thành tích to lớn của chế độ mới mà hàng trăm năm chế độ thực dân đã không muốn và không thể thực hiện.

Thực hiện kế hoạch Tổng tuyển cử bầu Quốc hội hoá I, được sự chỉ đạo của chính quyền và Mặt trận Việt Minh huyện Nông Cống, từ cuối năm 1945 nhân dân trong xã đã được tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa của cuộc bầu cử và nghĩa vụ, trách nhiệm của người công dân khi cầm lá phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khoá đầu tiên của chế độ mới.

Ngày 6-1-1946, cùng với cả nước, đại đa số của tri các làng trong xã đã hăng hái tham gia bầu cử để thực hiện quyền công dân của mìn. Đây là lần đầu tiên người dân được tự tay cầm lá phiếu bầu những người đủ đức đủ tài vào cơ quan quyền lực cao nhất. Sau đó, tháng 4- 1946, nhân dân các làng trong xã Cổ Mộc lại được tham gia bầu Uỷ ban hành chính các cấp để xây dựng chính quyền cách mạng. Sau thời điểm này, xã Cổ Mộc được nhập với các làng (thuộc xã Minh Dân nay) lập thành xã Minh Đức gồm các làng Sinh Ý, Phụng Lộc, Hoàng Thôn, Đồng Thôn, Mỹ Phong, Thiện Chính, Thượng Thôn, Hạ Thôn, Tự Thôn. Uỷ ban hành chính xã Minh Đức được bầu ra sau cuộc bầu cử tháng 4 – 1946 gồm: ông Trịnh Nhật Tân (Đồng Thôn) là chủ tịch UBHC xã, ông Trịnh Ngọc Năm (Phụng Lộc) là phó Chủ tịch UBHC xã, ông Nguyễn Văn Ca (Sinh Ý) là trưởng công an xã, ông Mai Văn Phong (Mỹ Phong) là xã đội trưởng, ông Trịnh Ngọc Đa (Phụng Lộc) làm chủ nhiệm Việt Minh xã. Các đoàn thể có ông Đàm Huy Thọ (Sinh Ý) phụ trách thanh niên, bà Trịnh Thị Thuận (Phụng Lộc) phụ trách phụ nữ v.v….

Như vậy qua hơn một năm xây dựng và củng cố chính quyền mới cùng với các đoàn thể quần chúng, ổn định đời sống nhân dân, nhân dân các làng trong xã Cổ Mộc đã cùng với chính quyền vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để xây dựng một chế độ mới độc lập, tự do, do nhân dân và vì nhân dân. Cuộc sống mới tuy còn nhiều thiếu thốn nhưng mọi người đều phấn khởi, tin tưởng vào tiền đồ của đất nước, của dân tộc. Những thắng lợi bước đầu của cuộc xây dựng chính quyền cách mạng, ổn định đời sống nhân dân đã đặt nền móng vững chắc cho nhân dân trong xã chủ động bước vào giai đoạn mới của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược để bảo vệ những thành quả của nền độc lập vừa mới giành lại được.

IV. CHI BỘ VÀ NHÂN DÂN XÃ MINH NÔNG XÂY DỰNG HẬU PHƯƠNG VỮNG MẠNH, CÙNG TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP THẮNG LỢI (1947-1954)

Cùng với việc xây dựng chế độ mới, nhân dân Việt Nam phải tiến hành cuộc đấu tranh chống lại âm mưu của các thế lực thù địch, đặc biệt là mưu đồ xâm lược lần thứ hai của thực dân Pháp.

Ở miền Nam từ cuối năm 1945 quân và dân ta đã phải chiến đấu chống lại đội quân xâm lược Pháp đang mở rộng đánh chiếm ra toàn Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Ở miền Bắc, chúng ta phải hoà hoãn, nhân nhượng với quân Tưởng đồng thời ký với Pháp Hiệp định sơ bộ 6- 3- 1946 và Tạm ước 14- 9- 1946. Nhưng thực dân Pháp ngày càng lấn tới, mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Trước tình thế khẩn cấp đó, ngày 19- 12- 1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã quyết định phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên phạm vị cả nước. Lời kêu gọi toàn quốc của Hồ Chủ tịch truyền đi: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc thuổng gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.”

Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, địa bàn tỉnh Thanh Hoá cùng với Nghệ An và Hà Tĩnh là vùng tự do nằm trong sự kiểm soát của chính quyền cách mạng đã trở thành một hậu phương lớn của cuộc kháng chiến. Tháng 2- 1947, Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Thanh Hoá. Người đã động viên khen ngợi quân và dân Thanh Hoá, đồng thời giao nhiệm vụ cho cán bộ và nhân dân trong tỉnh là phải “Xây dựng Thanh Hoá thành tỉnh kiểu mẫu”. Đây là nguồn động viên, cổ vũ lớn lao cũng là trách nhiệm nặng nề của nhân dân Thanh Hoá.

Thực hiện chủ trương của Đảng và lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch, nhân dân xã Minh Đức đã gấp rút tiến hành mọi công tác chuẩn bị cho cuộc kháng chiến. Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài, việc củng cố chính quyền tiếp tục được tiến hành. Từ năm 1947, thực hiện chủ trương của cấp trên, bên cạnh Uỷ ban hành chính, Uỷ ban kháng chiến xã Minh Đức được thành lập để chuyên trách về công tác chuẩn bị kháng chiến. Ông Nguyễn Văn Sách (làng Hoàng Thôn) được cử làm chủ tịch Uỷ ban kháng chiến xã Minh Đức. Đến cuối năm 1947, các xã được mở rộng địa dư lớn hơn trước. Các làng trong xã Minh Đức cùng với các làng Hà Nhuận, Lượng Thôn (nay thuộc xã Minh Châu) được sáp nhập thành xã lớn lấy tên là xã Minh Nông. Lúc này các Uỷ ban hành chính và Uỷ ban kháng chiến được sáp nhập thành Uỷ ban kháng chiến hành chính (UBKHHC). Ông Hoàng Văn Thung (người Nghệ An) là Chủ tịch UBKCHC, ông Phạm Văn Thuận (Minh Dân nay) là phó Chủ tịch UBKHHC xã Minh Nông. Thực hiện chỉ thị của cơ quan quân sự cấp trên, Ban chỉ huy xã đội các xã cũng được thành lập được tham mưu cho chính quyền về kế hoạch xây dựng và huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ trong xã. Ông Nhuận Mẹo (Minh Dân nay) được cử làm xã đội trưởng, ông Trịnh Văn Nhương (Sinh Ý) được cử làm chính trị viên xã đội xã Minh Nông.

Sau khi UBKCHC xã được thành lập, các ban ngành, đoàn thể trong xã cũng được kiện toàn. Ông Tuấn Tiến (Minh Dân) được bầu làm chủ nhiệm Việt Minh (từ cuối năm 1951 là Mặt trận Liên Việt). Ông Lê Hữu Mông (Minh Dân) làm Bí thư Hội nông dân cứu quốc, bà Hà Thị Tằm (Minh Châu nay) làm Bí thư phụ nữ cứu quốc, ông Đàm Huy Thọ (Sinh Ý) làm Bí thư thanh niên cứu quốc, ông Hà Xuân Chầm (Minh Châu nay) làm Hội trưởng Hội phụ lão kháng địch, bà Phẩm(Minh Châu nay) làm Hội trưởng Hội mẹ chiến sĩ.

Trong năm 1947, thực dân Pháp mở nhiều cuộc tấn công vào vùng tự do Thanh Hoá, nhất là khu vực phía bắc của tỉnh, các huyện ven biển và một số vị trí quan trọng ở miền núi phía tây, chiếm đóng được một số khu vực. Chiến tranh ngày càng lan rộng, nhân dân xã Minh Nông khẩn trương chuẩn bị mọi mặt để chủ động đối phó với tình hình mới. Lực lượng dân quân tự vệ toàn xã được củng cố và phát triển dưới sự chỉ đạo thống nhất của Ban chỉ huy xã đội. Mỗi làng đều thành lập từ một tiểu đội đến một trung đội dân quân. Các đơn vị tăng cường luyện tập với các phương án tác chiến, tập ném lựu đạn, bắn sung, đánh chông….Thực hiện chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”, các lực lượng dân quân du kích của xã đã tham gia cùng với các xã khác đào phá một số tuyến giao thông quan trọng trong vùng nhằm chặn bước tiến của kẻ thù nếu chiến sự xảy ra. Chủ trương xây dựng làng kháng chiến cũng được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Ở mỗi làng đều tiến hành việc rào làng kháng chiến, xây dựng hệ thống giao thông hào và hầm trú ẩn cá nhân tránh bom đạn. Riêng làng Sinh Ý đã đào được 300 mét hào giao thông và 400 hầm trú ẩn. Các làng đều có chốt canh gác ở các vị trí quan trọng. Các đội tự vệ túc trực canh gác cả ban ngày và ban đêm làm nhiệm vụ bảo mật phòng gian, báo động sẵn sàng chiến đấu. Trên địa bàn xã có những nơi rất thuận lợi cho việc đổ bộ của địch từ đường không như các vùng đồi Mốc, đồi Nhơm, đồi Thị, núi Rùa. Lực lượng dân quân đã tổ chức lực lượng tuần tra thường xuyên ở các vị trí nói trên, đồng thời tiến hành cắm chông ở một số điểm cao để đề phòng địch nhảy dù xuống địa bàn.

Chiến tranh ngày càng ác liệt, nhu cầu chi viện cho chiến trường, đặc biệt là sức người ngày càng trở nên cấp bách. Nhiều thanh niên của xã Minh Nông đã lên đường nhập ngũ, tham gia vào Vệ quốc đoàn như các ông Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Văn Thìn, Nguyễn Văn Ngọ (Hoàng Thôn). Làng Mỹ Phong có các ông Mai Văn Cửu, Mai Văn Uyên, Mai Văn Uyển. Làng Sinh Ý có các ông Nguyễn Văn Tích, Ngô Văn Tịnh, Trịnh Văn Thậm, Trịnh Văn Chu.

Cho đến cuối năm 1945, trên địa bàn huyện Nông Cống chưa có đảng viên và tổ chức Đảng. Nhiệm vụ đặt ra lúc này là phải tổ chức và phát triển cơ sở Đảng để lãnh đạo công cuộc xây dựng và bảo vệ hậu phương. Tỉnh uỷ Thanh Hoá đã bổ sung về Nông Cống một số cán bộ để giúp huyện thành lập và phát triển tổ chức cơ sở Đảng. Ngày 18- 2- 1946 tại làng Bi Kiều, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Lê Chủ (Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá), chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Nông Cống đã được thành lập gồm 9 đảng viên do đồng chí Lê Thế Nguyên (tức Trần Văn Đông), cán bộ của tỉnh tăng cường trực tiếp làm Bí thư chi bộ. Đây là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng: từ đây phong trào cách mạng trong huyện đã có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng. Đến giữa năm 1946, một số chi bộ khác trong huyện cũng được thành lập (thường là chi bộ liên xã gồm 2- 3 xã có địa dư gần nhau). Tỉnh uỷ Thanh Hoá đã phân công đồng chí Hà Nam Lâu và đồng chí Trực (người Nghệ An) về chỉ đạo công tác phát triển Đảng ở khu vực bắc Nông Cống (3 tổng Lai Triều, Đô Xá, Hữu Định). Đến năm 1947 trên địa bàn xã Minh Nông đã có 2 cán bộ ưu tú được vinh dự kết nạp vào Đảng đầu tiên là đồng chí Hoàng Văn Đỉnh (Minh Dân nay) và đồng chí Hoàng Văn Thu (người Nghệ An), đương kim Chủ tịch UBKCHC xã. Chi bộ xã Minh Nông được thành lập năm 1947 là một sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu sự phát triển của phong trào trong xã, đồng thời mở ra một giai đoạn cách mạng mới để phong trào của xã có sự lãnh đạo của tổ chức chi bộ Đảng. Tiếp đó trong các năm 1948- 1949, nhiều quần chúng ưu tú tiếp tục được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Làng Hoàng Thôn có 5 đồng chí: Lê Phụ Đạt, Lê Thị Rong, Trần Trọng Tân, Nguyễn Tài Cấp, Nguyễn Vân Cát. Làng Mỹ Phong có 10 đồng chí: Mai Văn Viễn, Mai Văn Nguyên, Mai Văn Hào, Lê Thọ Ẩm, Đỗ Thị Huy, Hà Văn Sáu, Mai Văn Lâm, đ/c Hội, đ/c Chư, đ/c Tưởng. Tổ đảng Mỹ Phong do đồng chí Mai Văn Viễn làm tổ trưởng. Làng Sinh Ý có 4 đồng chí: Nguyễn Văn Ca, Trịnh Văn Nhương, Đàm Huy Thọ, Lê Trọng Túc. Tổ đảng Sinh Ý do đồng chí Nguyễn Văn Ca làm tổ trưởng.

Từ năm 1947 đến năm 1953, chi bộ Minh Nông đã tiến hành 4 kỳ đại hội. Nội dung các kỳ đại hội là tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển Đảng, củng cố các tổ chức đoàn thể quần chúng, kiểm điểm việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về sản xuất, bảo vệ hậu phương, xây dựng lực lượng dân quân du kích, sẵn sàng chiến đấu và làm tốt nhiệm vụ của hậu phương v.v…Hoạt động của chi bộ lúc này rất khó khăn vì kinh phí không có. Ban kinh tài đã tổ chức cho một số đảng viên làm thịt lợn, thịt bò để bán hoặc bán thuốc bắcđể lấy kinh phí hoạt động. Các gia đình cảm tình đảng trong các làng(thuộc xã Minh Sơn nay) còn đóng góp cho quĩ chi bộ được 18 tạ thóc và 747 đồng bạc (cao nhất là làng Sinh Ý đóng góp 600 đồng và 7 tạ thóc).

Bí thư chi bộ Minh Nông lần lượt qua 4 kỳ Đại hội là các đồng chí: Hoàng Văn Đỉnh (Minh Dân nay) nhiệm kỳ 1947- 1948, đồng chí Lê Hữu Mông (Minh Dân nay) nhiệm kỳ 1949- 1950, đồng chí Trần Văn Lộng (Minh Châu nay) nhiệm kỳ 1951- 1952 và đồng chí Lê Phụ Đạt (Hoàng Thôn) nhiệm kỳ 1953- 1954. Một số đảng viên của xã Minh Sơn (nay) đảm nhiệm các cương vị trong chi bộ và chính quyền xã Minh Nông như các đồng chí Đàm Huy Thọ, Nguyễn Văn Ca, Trịnh Văn Nhương, Lê Trọng Túc, Trịnh Văn Hộ (Sinh Ý) là Chi uỷ viên của chi bộ xã trong 1 đến 2 nhiệm kỳ .

Để xây dựng nền kinh tế kháng chiến,góp sức vào việc “Xây dựng Thanh Hoá thành tỉnh kiểu mẫu” và là hậu phương vững chắc của cuộc kháng chiến, chính quyền và nhân dân xã Minh Nông đã đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất. Nông dân tích cực khai hoang phục hoá, đưa nhiều diện tích hoang hoá vào trồng lúa, khoai, đậu và các loại cây hoa màu khác. Việc đào mương chống hạn, xây dựng các công trình thuỷ lợi được chú trọng. Để tạo điều kiện phát triển nông nghiệp, thu hẹp quyền lực của địa chủ, Đảng và Chính phủ đã đề ra nhiều biện pháp để sửa đổi chế độ ruộng đất ở vùng nông thôn. Ruộng công và ruộng vắng chủ tiếp tục được chia cho các hộ có ít ruộng cày cấy. Sau khi có sắc lệnh giảm tô 25% (sắc lệnh 78/SL ngày 14- 7- 1949) xã Minh Nông đã thành lập Ban giảm tô giảm tức để chỉ đạo điều hành việc thực hiện trong xã. Chính quyền và ban giảm tô đã phát động quần chúng, làm cho quần chúng hiểu rõ quyền lợi, từ đó tự nguyện đứng lên đoàn kết đấu tranh, vạch trần các thủ đoạn bóc lột của địa chủ. Kết quả là các địa chủ có ruộng đất phát canh thu tô đã thực hiện giảm tô 25% cho nông dân. Các địa chủ cho vay nặng lãi và thực hiện các hình thức bóc lột nông dân đều phải giảm tức, trả lại tiền công sòng phẳng cho nông dân. Thắng lợi của cuộc vận động giảm tô, giảm tức đã đem lại quyền lợi thiết thực cho nông dân, làm cho nhân dân xã Minh Nông thêm phấn khởi, tin tưởng vào chính quyền mới. Thắng lợi này cũng tạo đà thuận lợi cho việc thực hiện cải cách ruộng đất vào năm 1954.

Trong nông nghiệp từ năm 1950 xã đã vận động nhân dân các làng xây dựng tổ vần công, đổi công để giúp đỡ nhau sản xuất, nhất là khâu nhân lực. Riêng ở Mỹ Phong đã thành lập được 2 tổ đổi công: Tổ Tân Ninh do ông Mai Văn Viễn làm tổ trưởng và tổ Tân An do ông Hà Văn Tự làm tổ trưởng. Các tổ vần công, đổi công đã góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết trong nông dân, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển.

Sau chiến thắng Việt Bắc thu đông năm 1947, cục diện chiến tranh thay đổi có lợi cho cách mạng nước ta. Chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của thực dân Pháp hoàn toàn bị phá sản. Do yêu cầu của cuộc kháng chiến ngày càng tăng, Đảng và chính quyền đã phát động nhiều cuộc vận động, kêu gọi nhân dân vùng tự do ủng hộ kháng chiến. Các cuộc vận động mua công trái quốc gia, công phiếu kháng chiến, bán lúa cho Hồ Chủ tịch khao quân, đóng góp quĩ mua súng, quĩ ủng hộ kháng chiến v.v….đã được nhân dân xã Minh Nông hăng hái tham gia. Trong cuộc vận động mua công trái quốc gia, làng Mỹ Phong mua 25 phiếu và 7,7 tạ thóc; làng Hoàng Thôn mua 31 phiếu và 6,2 tạ; làng Đồng Cát mua 47 phiếu và 10,9 tạ; làng Sinh Ý mua 14,8 tạ thóc. Trong đợt bán lúa cho Hồ Chủ tịch khao quân làng Mỹ Phong đóng 745 kg, Hoàng Thôn 477kg, Đồng Cát 1727kg, Sinh Ý 312kg. Mua công phiếu kháng chiến: Mỹ Phong 31 phiếu là 1910 đồng, Hoàng Thôn 33 phiếu là 6600 đồng, Đồng Cát 36 phiếu là 7200 đồng, Sinh Ý là 3700 đồng. Quỹ mua súng đóng góp là 591 đồng (Mỹ Phong 50 đồng, Sinh Ý 50 đồng, Hoàng Thôn 34 đồng). Ủng hộ quĩ đảng bộ tỉnh, huyện và chi bộ là: Mỹ Phong 484 đồng và 2,6 tạ thóc; Hoàng Thôn 56 đồng và 3,9 tạ thóc; Đồng Cát 53 đồng; Sinh Ý 800 đồng và 7 tạ thóc. Ủng hộ bộ đội địa phương là: Mỹ Phong 9459 đồng, 1,6 tạ thóc và 2 mẫu ruộng, Hoàng Thôn 656 đồng; Đồng Cát 36000 đồng và 1,5 tạ thóc; Sinh Ý 39980 đồng. Những con số  đóng góp này đặt vào tình hình hoàn cảnh lúc đó  là một con số rất có ý nghĩa, thể hiện tấm lòng yêu nước, hết lòng vì sự nghiệp kháng chiến của nhân dân các làng trong xã Minh Nông. Để động viên phong trào,chi bộ và chính quyền xã đã có nhiều hình thức biểu dương đối với các gia đình nhiệt tình ủng hộ cách mạng. Những người đóng góp nhiều được ngồi ghế danh dự, người đóng góp cao nhất được mời ngồi ghế quán quân như ông Nguyễn Văn Hoạt (Sinh Ý), ông Nguyễn Văn Sách (Hoàng Thôn).

Trong chín năm kháng chiến, Nông Cống nằm trong vùng tự do Thanh Hoá nên c ũng là “An toàn khu” để các cơ quan của Trung ương, của Khu 4 và tỉnh về sơ tán, là nơi luyện binh của các đơn vị bộ đội trước khi ra chiến trường. Trung tâm lãnh đạo Khu 4 đặt tại khu vực Sim, UBKCHC khu 4 và Bộ chỉ huy Quân sự Khu 4 cũng đặt trụ sở làm nơi ở khu vực xã Minh Nông và các xã xung quanh. Năm 1949, một trung đoàn bộ đội đóng ở khu vực Minh Sơn (hiện nay) để tổ chức Đại hội tập, đắp chiến luỹ và giao thông hào, tập đánh trận tại khu vực Áng Ma (Sinh Ý). Đồng chí Nguyễn Chí Thanh ( lúc này là Bí thư khu uỷ khu 4) trong dịp đến làm việc ở làng Thượng Thôn, xã Minh Nông đã đến chỉ đạo Đại hội tập. Thiếu tướng Nguyễn Sơn( Tư lệnh Quân khu 4) cũng đã đến dự và chỉ đạo trong dịp này (Bộ tư lệnh Quân khu 4 lúc này đặt trụ sở làm việc ở xã Thọ Phú). Một số đơn vị bộ dội đóng quân ở các làng Sinh Ý, Mỹ Phong đã được nhân dân trong làng giúp đỡ chu đáo, thu xếp nơi ở, tổ chức phòng gian bảo mật bảo đảm bí mật, an toàn trong suốt thời gian dài. Nhân dân làng Mỹ Phong còn giúp đỡ 27 hộ dân từ Hải Phòng, Nam Định tản cư vào.

Các đoàn thể trong xã như Hội phụ nữ cứu quốc, Hội phụ lão cứu quốc cùng với Hội mẹ chiến sĩ luôn đi đầu trong các cuộc vận động nhân dân ủng hộ bộ đội. Các thành viên của các tổ chức đã đến từng nhà vận động, quyên góp “quỹ mùa đông binh sĩ” để mua áo ấm gửi ra cho các chiến sĩ đang chiến đấu ngoài chiến trường. Ngoài ra còn vận động nhân dân quyên góp tiền mua thuốc men, quà bánh tặng thương binh, vận động nhân dân đón thương binh về nhà nuôi dưỡng v.v..

Trong lúc tình hình diễn biến cuộc chiến tranh đang thay đổi có lợi cho cách mạng nước ta, Đại hội lần thứ hai của Đảng (tháng 2- 1951) đã quyết định đưa Đảng ra hoạt động công khai và lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu bước trưởng thành của Đảng, tạo ra điều kiện mới rất thuận lợi để Đảng lãnh đạo cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Tại xã Minh Nông, chi bộ xã tổ chức cuộc mít tinh chào mừng Đảng ra hoạt động công khai với sự tham gia dự của toàn thể đảng viên trong chi bộ cùng với các đoàn viên, hội viên xuất sắc của các tổ chức quần chúng. Đồng chí Trần Văn Lộng Bí thư chi bộ đã phát biểu tại cuộc mít tinh, nêu rõ ý nghĩa của việc Đảng ra hoạt động công khai, kêu gọi đảng viên và nhân dân trong xã tiếp tục ra sức xây dựng hậu phương và đóng góp cho kháng chiến.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ Thanh Hoá về công tác xây dựng Đảng từ năm 1948, chi bộ xã cùng với các chi bộ trong huyện đã phát động phong trào xây dựng chi bộ “gương mẫu,tự động, tiến bộ” nhằm nâng cao sức chiến đấu của chi bộ, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới. Một số đảng viên trình độ văn hoá thấp tiếp tục được đi học văn hoá tại các lớp bình dân học vụ. Đảng viên lần lượt được cử tham gia các lớp bồi dưỡng lý luận và kinh nghiệm công tác. Chi bộ phát huy tinh thần tự phê và phê bình để giúp nhau phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Công tác phát triển Đảng từ khi Đảng ra hoạt động công khai được thực hiện chặt chẽ và thận trọng hơn, khắc phục tình trạng kết nạp ồ ạt không đảm bảo về chất lượng. Chi bộ đã triển khai cuộc đấu tranh chính trị, đưa những người không đủ tiêu chuẩn ra khỏi Đảng. Ban chấp hành chi uỷ thường xuyên được kiện toàn. Các tiểu tổ ở các làng được củng cố. Đội ngũ cán bộ và đảng viên luôn gương mẫu tiên phong trong các phong trào, không ngại khó khăn gian khổ. Một số đồng chí ở các làng thuộc xã Minh Sơn nay đã đảm nhận nhiệm vụ quan trọng trong chi uỷ, chính quyền xã Minh Nông và có nhiều đóng góp cho phong trào của xã.

Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng và chính quyền xã, nhân dân xã Minh Nông tiếp tục đẩy mạnh phong trào tăng gia sản xuất và thực hiện tiết kiệm để đóng góp ngày càng nhiều hơn cho kháng chiến. Người nông dân chú ý hơn về kỹ thuật gieo trồng và chăm sóc cây trồng, nhờ vậy năng suất lúa, màu không ngừng tăng lên. Năm 1954, đập Bái Thượng bị máy bay giặc Pháp ném bom phá hoại, hàng trăm ha ruộng đất của xã  trong các huyện từ Thọ Xuân đến Nông Cống bị thiếu nước tưới, ảnh hưởng lớn tới năng suất cây trồng. Nhân dân Minh Nông đã tổ chức đắp bờ giữ nước, tận dụng nước sông  Nhơm và đào thêm giếng lấy nước để có nước tưới cho cây trồng. Một số khu đồng được chuyển hướng canh tác trồng các loại cây màu thay cho cây lúa. Nhân dân Minh Nông đã vượt qua khó khăn, duy trì ổn định các mặt sản xuất và đời sống .

Để tăng cường tiểm lực vật chất cho kháng chiến, đặc biệt là yêu cầu ngày càng lớn về nhiệm vụ phục vụ cho chiến trường trong thời kỳ “chuyển mạnh sang tổng phản công”, năm 1951 Chính phủ ban hành Sắc lệnh thuế nông nghiệp. Dưới sự chỉ đạo của chi uỷ và chính quyền, sau khi các gia đình kê khai diện tích, sản lượng, ban thuế nông nghiệp xã đã tiến hành kiểm kê ruộng đất phân thửa, định dạng và tính thuế cho từng hộ. Quá trình triển khai chính sách thuế nông nghiệp đã được nhân dân trong xã tích cực hưởng ứng và thực hiện tốt. Trong ba năm đầu thực hiện chính sách thuế nông nghiệp (1951, 1952, 1953) nhân dân các làng trong xã đã hoàn thành nghĩa vụ đóng góp cho Nhà nước hàng trăm tấn lương thực. Kết quả đóng góp thuế nông nghiệp của các làng trong 3 năm 1951- 1952- 1953 là: Mỹ Phong 814,69 tạ; Hoàng Thôn 698,74 tạ; Đồng Cát 185,44 tạ; Sinh Ý 828,07 tạ; Phụng Lộc 457,33 tạ và Trại Cống 816,79 tạ. Tính theo năm thì năm 1951 là 1089,5 tạ; năm 1952 là 1217,07 tạ, năm 1953 là 1129,7 tạ. Tổng cộng 3 năm là 115,213 tấn thóc. Đây là kết quả của việc huy động sức dân mà tất mọi nhà dù giàu hay nghèo đều được góp phần mình vào sự nghiệp kháng chiến của dân tộc. Hạt gạo mà người nông dân “một nắng hai sương” làm ra đã được gửi ra chiến trường để bộ đội ta “ăn no, đánh thắng”.

Phong trào bình dân học vụ tiếp tục được duy trì. Mỗi làng đều tổ chức được một lớp học cho những người chưa biết chữ với tinh thần “người biết hai chữ dạy cho người biết một chữ ”. Mọi người dân đều nhận thức được tầm quan trọng của công tác “diệt giặc dốt”. Nhờ vậy nhiều nông dân thuộc thành phần bần cố nông nhờ đi học đã biết đọc, biết viết, lớp người trẻ thì có điều kiện để học lên lớp cao hơn. Đầu năm 1953 một số làng đã cơ bản thanh toán được nạn mù chữ.

Cùng với việc phát triển phong trào bình dân học vụ, từ khoảng năm 1950 nhiều con em ở các làng xã Minh Sơn (nay) được học tập ở trường cấp I xã Minh Nông lúc này đặt tại làng Sen( nay thuộc xã Minh Châu). Nhà trường lúc đầu có 3 lớp, mỗi lớp 25- 30 học sinh, học từ lớp 1 đến lớp 4.

Cuộc vận động xây dựng đời sống mới đem lại những kết quả khả quan về mọi mặt. Nhân dân giác ngộ bỏ được nhiều hủ tục trong đình đam, ma chay, cưới xin. Việc phổ biến về vệ sinh thường thức ngày càng được chú ý để nâng cao nhận thức của nhân dân về công tác bảo vệ sức khoẻ, giữ vệ sinh, phòng bệnh v.v…Tuy nhiên trong điều kiện còn thiếu thốn về đội ngũ cán bộ y tế và thuốc men, nhiều loại bệnh tật (đặc biệt là sốt rét) vânc chưa có thể thanh toán triệt để. Nhận thức của người dân về vệ sinh ăn ở cũng còn hạn chế.

Sau chiến thắng Biên giới (tháng 3- 1950), cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn mới: giai đoạn quân và dân ta nắm quyền chủ động trên chiến trường chính Bắc Bộ, bắt đầu tổ chức những cuộc tấn công và phản công qui mô lớn, dồn địch vào thế bị động đối phó.

Từ cuối năm 1950 đến giữa năm 1953, quân đội ta mở một loạt các chiến dịch lớn giành thắng lợi như các chiến dịch Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Hoà Bình, Thượng Lào, tạo ra thế và lực mới cho cuộc tiến công chiến lược Đông xuân 1953- 1954 với đỉnh cao là trận Điện Biên Phủ. Bị thua đau trên chiến trường chính Bắc Bộ, địch tăng cường uy hiếp và đán phá vào vùng tực do Thanh Hoá. Riêng ở địa bàn xã Minh Nông. Năm 1951 máy bay địch bắn 15 quả bom xuống khu vực chợ Mốc ( gần đuởng tỉnh lộ) làm chết 3 người và phá huỷ 1 ngôi nhà. Ngày 20-3-1952 máy bay địch ném bom xuống Phụng Lộc phá huỷ 3 ngôi nhà nhưng không gây thương vong về người. Tháng 7- 1952 máy bay địch tiếp tục ném bom nhằm vào mục tiêu kho quân nhu nhưng cả 7 quả bom đều rơi xuống cánh đồng Nổ Củi  không gây thiệt hại.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá lần thứ IV (năm 1952) đã xác định vị trí của tỉnh là căn cứ địa của chiến trường chính và của liên khu: “đối với chiến trường chính là một vị trí cơ động, tiến lui thuận lợi, đối với Thượng Lào là một bàn đạp vững mạnh, đối với toàn quốc và liên khu là một hậu phương dồi dào. Thanh Hoá phải cung cấp nhiều công, nhiều của cho chiến trường”. Đại hội đề ra nhiệm vụ chúng của Đảng bộ là: Phát triển sản xuất để cải thiện dân sinh và đẩy mạnh kháng chiến, đẩy mạnh phục vụ tiền tuyến và bảo vệ địa phương, củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân, phá tan âm mưu của địch “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh,dùng người Việt đánh người Việt”.

Cùng với toàn tỉnh và toàn huyện, nhân dân xã Minh Nông vừa ra sức xây dựng quê hương vững mạnh về mọi mặt, vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đóng góp sức người sức của cho cuộc kháng chiến của toàn dân tộc. Ngoài việc hăng hái tham gia các cuộc vận động quyên góp ủng hộ kháng chiến, đóng góp lương thực, tiền bạc, nhân dân trong xã đã tích cực tham gia tòng quân, đi thanh niên xung phong, dân công tiếp vận phục vụ các chiến dịch.

Thực hiện chủ trương của tỉnh, trong năm 1953 huyện Nông Cống đã tiến hành phân chia lại địa giới hành chính các xã trong huyện, chia 15 xã lớn trước đó thành 44 xã. Tháng 8- 1953, xã Minh Nông được chia làm 3 xã: Minh Sơn, Minh Dân và Minh Châu. Xã Minh Sơn được thành lập gồm 6 làng: Mỹ Phong, Hoàng Thôn, Phụng Lộc, Đồng Cát,Trại Cống. Bộ máy Đảng, chính quyền của xã Minh Nông cũng được giải thể để kiện toàn lại theo đơn vị xã mới. Chi bộ Minh Nông được chia thành 3 chi bộ.

Tháng 8-1953, Đại hội chi bộ xã Minh Sơn lần thứ I được tiến hành. Đại hội đã đề ra nhiệm vụ của chi bộ trong thời gian trước mắt và bầu 9 đồng chí vào Ban chấp hành chi uỷ(1) nhiệm kỳ 1953- 1954. Đồng chí Nguyễn Tài Cấp (Hoàng Thôn) được bầu làm Bí thư chi bộ. Đồng chí  Lê Thọ Ẩm (Mỹ Phong) được bầu làm Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính xã, đồng chí Nguyễn Duy Nho là Phó Chủ tịch uỷ ban kháng chiến hành chính xã. Chi bộ Minh Sơn lúc này lúc này có 47 đảng viên chia thành 6 tổ đảng ở 6 làng. Các tổ chức đoàn thể quần chúng trong xã như Mặt trận, Nông hội, Thanh niên, Phụ nữ cũng được thành lập và đi vào hoạt động.

Sự kiện thành lập xã Minh Sơn và chi bộ Minh Sơn là một sự kiện quan trọng đối với nhân dân trong xã.Từ đây chi bộ và nhân dân xã mới Minh Sơn tiếp tục làm tròn nhiệm vụ xây dựng hậu phương và đóng góp cho tiền tuyến trong giai đoạn quyết định thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp. Chi bộ đã ban hành các Nghị quyết về “tích cực đóng góp sức người sức của cho kháng chiến” và Nghị quyết về “đắp đê chống lụt cứu đói cho dân. Thực hiện nghị quyết của chi bộ, nhân dân Minh Sơn đã hăng hái tham gia bộ đội, dân công, đóng thuế nông nghiệp. Nhân dân toàn xã đã tổ chức việc đắp đê từ Mỹ Phong đi Xã Mèo, sau đó kéo dài vào Non Kỵ và Bái Đâu.

Cuối năm 1953, tướng Pháp Nava tập trung lực lượng xây dựng Điện Biên Phủ ( thuộc khu vực Tây Bắc) thành một cứ điểm quân sự lớn. Ngày 6-2-1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, chọn đây là trận giao chiến quyết định. Ngày 3- 3- 1954, bộ đội ta bắt đầu nổ súng tấn công vào Him Lam mở đầu cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Đến chiều ngày 7- 5- 1954, sau 55 ngày đêm tấn công, tập đoàn cứ điểm Điện Biên đã bị tiêu diệt. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi cuộc tổng tiến công chiến lược đông xuân 1953- 1954 của quân và dân ta, tạo cơ sở cho cuộc đấu tranh ngoại giao ở Giơnevơ thắng lợi. Ngày 21- 7-1954, hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự, lập lại hoà bình ở Việt Nam đã được ký kết.

Trong đợt dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, xã Minh Sơn đã huy động hàng trăm người (biên chế thành 1 tiểu đoàn gồm 3 đại đội) có nhiệm vụ vận chuyển gạo để cung cấp cho chiến trường. Ông Đàm Huy Thọ (Sinh Ý) làm tiểu đoàn trưởng, ông Nguyễn Văn Ca và ông Trịnh Văn Nhương phụ trách 1 đại đội. Tuyến đường vận chuyển là từ Nông Cống đi Bái Thượng qua Ngọc Lặc, Lang Chánh, tập kết ở Hồi Xuân, La Hán (Bá Thước). Mỗi chuyến đi kéo dài 10- 15 ngày. Có những người đã không quay trở về quê hương trong đợt vận chuyển này như ông Nguyễn Văn Ngôn (Hoàng Thôn) bị cảm sốt, chết trên đường vận chuyển, ông Cửu (Mỹ Phong) bị mất tích.

Trong 9 năm kháng chiến, 38 thanh niên trong xã đã tham gia vào bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, 86 người tham gia du kích và 123 người tham gia tự vệ, 318 lượt người đi dân công hoả tuyến, vận chuyển hàng chục tấn lương thực và hàng hoá ra các chiến trường. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ này, 12 người con của quê hương Minh Sơn đã anh dũng hy sinh, 14 người là thương binh(1).

Nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân xã Minh Sơn đã vinh dự được Nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quý:

- 7 Huân chương Kháng chiến hạng Ba

          - 83 Huy chương Kháng chiến hạng Nhất và hạng Nhì

          - 96 Bằng khen và 340 Giấy khen cho gia đình và cá nhân.

Những hy sinh, đóng góp của nhân dân và cán bộ xã Minh Sơn là minh chứng hùng hồn tinh thần yêu nước và truyền thống cách mạng của nhân dân Minh Sơn trong 9 năm kháng chiến và xây dựng.Công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương đã đạt được những thành quả bước đầu, góp phần củng cố và làm tròn vai trò của một vùng  hậu phương đối với tiền tuyến. Tổ chức chi bộ đảng và chính quyền, đoàn thể cũng như từng cán bộ đảng viên trong xã đã trưởng thành về mọi mặt.

Tự hào và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chủ tịch, nhân dân Mnh Sơn từ đây lại bước tiếp vào một thời kỳ mới không kém phần gian khổ và đầy chông gai thử thách nhưng cũng rất hào hùng: cùng nhân dân miền Bắc tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ hậu phương, đánh bại hai đợt chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần vào sự nghiệp giải phóng và thống nhất nước nhà.


CHƯƠNG III.

CHI BỘ - ĐẢNG BỘ MINH SƠN LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI VÀ CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC (1954-1975)

 

I. KHẮC PHỤC HẬU QUẢ CHIẾN TRANH, KHÔI PHỤC KINH TẾ, TIẾN HÀNH CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT, THỰC HIỆN HỢP TÁC HOÁ NÔNG NGHIỆP (1954- 1960)

      Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (tháng 5- 1954), Hiệp định Giơnevơ được ký kết ngày 21- 7- 1954. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Miền Nam tạm thời dưới sự thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai. Nhân dân miền Bắc từ đây tiến hành hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội làm hậu phương vững chắc để cùng với nhân dân miền Nam đấu tranh cho sự nghiệp thống nhất Tổ quốc.

      Hoà bình lập lại, nhân dân Minh Sơn cùng với toàn miền Bắc bắt tay vào công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế và bước đấu phát triển văn hoá một cách có kế hoạch. Tuy vậy, cũng như tình hình chung, nhân dân trong xã gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất và đời sống. Sau những năm dốc toàn lực phục vụ kháng chiến, tiềm lực cả nhân, tài, vật lực đều sa sút đáng kể. Sản xuất nông nghiệp chủ yếu theo phương pháp thâm canh cũ lạc hậu, năng suất thấp. Đập Bái Thượng bị phá huỷ làm cho một số diện tích trồng lúa thiếu nuớc trầm trọng. Từ tháng 9 đến tháng 10 năm 1954 ở tỉnh ta đã xảy ra hai trận lụt lớn nhất trong vòng nửa thế kỉ gây ngập lụt lớn ở nhiều vùng. Nạn đói đã xảy ra ở nhiều nơi, toàn tỉnh có hàng trăm nguời bị chết đói. Ở Minh Sơn nhiều gia đình bị đứt bữa phải ăn củ chuối, rau cháo thay cơm. Đầu năm 1955 khi lúa chiêm sắp trổ lại bị hạn hán gây ảnh huởng lớn đến sản luợng thu hoạch. Vì thế nạn đói còn kéo dài đến vụ mùa năm 1955. Do mới chia tách xã nên bộ máy tổ chức Đảng và chính quyền còn lúng túng và chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý kinh tế xã hội. Các tổ chức đoàn thể chưa có điều kiện củng cố lại.

      Những khó khăn đó đặt ra nhiệm vụ rất nặng nề cho chi bộ Đảng và chính quyền xã Minh Sơn. Mặc dù vậy, hoà bình được lập lại đã làm cho toàn dân rất phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Đó là thuận lợi rất cơ bản để nhân dân Minh Sơn bước vào công cuộc khôi phục sản xuất, ổn định đời sống. Để khắc phục hậu quả nạn đói,chi bộ Đảng và chính quyền đã huy động lực lượng khẩn trương tiêu thuỷ cứu lúa, sửa chữa nhà cửa hư hỏng và tích cực thực hiện các biện pháp chống đói. Thực hiện lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch và phương châm của Trung ương đề ra là: “sản xuất tự cứu, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau”, nhân dân xã Minh Sơn đã phát động phong trào tương trợ giúp đỡ nhau từ bát cháo, củ khoai đến giống má, nhân công để ổn định cuộc sống và sản xuất. Nắm vững phương châm: “tự cứu là chính”, nhân dân trong xã đã đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, tận dụng diện tích gõ bãi, đồng cạn để trồng khoai lang và các loại rau ngắn ngày mà chủ yếu là rau muống để chống đói. Nhờ có nhiều biện pháp thiết thực nên nạn đói đã được đẩy lùi.

      Cách mạng tháng Tám thành công đã thay đổi thân phận của mỗi người người dân Việt Nam từ người dân mất nước trở thành người làm chủ xã hội. Nhưng đời sống của nông dân còn nhiều khó khăn thiếu thốn mà nguyên nhân quan trọng là do không có hoặc có rất ít ruộng đất để cày cấy. Trong chín năm kháng chiến, nhất là từ khi thực hiện thuế nông nghiệp, một số nhà giàu đã phân tán bớt ruộng nhưng họ vẫn chiếm đoạt một tỉ lệ ruộng đất lớn. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp gần bước vào giai đoạn kết thúc, Trung ương Đảng đã có chủ trương cải cách ruộng đất nhằm thực hiện khẩu hiệu “người cày có ruộng” là một nhiệm vụ trọng tâm của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ. Thực hiện Luật cải cách ruộng đất được Quốc hội thông qua tháng 12- 1953, từ tháng 5- 1954 cuộc cải cách ruộng đất đã được tiến hành trên toàn miền Bắc. Qua 5 đợt thực hiện, tính đến năm 1956 đã tịch thu 81 vạn ha ruộng đất và nhiều nhà cửa, trâu bò, nông cụ của địa chủ chia cho 9,5 triệu hộ nông dân.

      Xã Minh Sơn là một trong 6 xã của huyện Nông Cống (Minh Sơn, Minh Châu, Minh Dân, Dân Lý, Dân Lực, Dân Quyền) được Trung ương và tỉnh chọn làm thí điểm cải cách ruộng đất trong đợt đầu tiên ở Thanh Hoá để từ đó mở rộng ra toàn tỉnh. Đội cải cách gồm 11 người do ông Điền (người Nghệ An) là đội trưởng, có thêm các cố vấn Trung Quốc (ở nhà ông Miên làng Sinh Ý) chỉ đạo đã về xã mở các cuộc hội nghị cho nhân dân học tập chủ trương và yêu cầu, mục đích, nội dung của cuộc cải cách. Tiếp đó là “bắt rễ, xâu chuỗi” trong bần cố nông, phát động nông dân đấu tranh vạch trần những thủ đoạn bóc lột của địa chủ và cuối cùng là tịch thu ruộng đất và tài sản của địa chủ chia cho dân nghèo. Lúc này trong toàn xã có 15 điạ chủ, trong đó có 2 gia đình có trên 50 mẫu, còn phần lớn địa chủ có từ 2- 4 mẫu. Trong kháng chiến chống Pháp, một số gia đình nhiều ruộng đất đã bán bớt cho người nghèo. Khi thực hiện giảm tô nhiều gia đình nông  cũng đã  ruộng công. Vì thế đến khi thực hiện cải cách số ruộng đất của địa chủ không còn nhiều như trước kia.

      Qua 5 tháng tiến hành (từ tháng 5 đến tháng 9- 1954), toàn xã đã tịch thu, trưng thu hàng trăm mẫu ruộng,gian nhà và trâu bò, nông cụ chia cho bần cố nông. Thắng lợi của cải cách ruộng đất đã làm cho uy thế của nông dân được nâng cao, chế độ chiếm hữu ruộng đất của địa chủ bị xoá bỏ. Mục tiêu “người cày có ruộng” đã được thực hiện triệt để, người nông dân đã thực sự làm chủ ruộng đồng.

      Cùng với thực hiện cải cách ruộng đất là tiến hành công tác chỉnh đốn tổ chức, chủ yếu là kiện toàn và sắp xếp lại bộ máy Đảng, chính quyền. Đội cải cách đã bồi dưỡng kết nạp một số đảng viên từ thành phần “chổi rễ” cốt cán bần   cố nông. Các chức danh chủ chốt trong bộ máy Đảng, chính quyền xã bị tạm thời đình chỉ công tác. Tháng 5- 1954, đồng chí Ngô Văn Pháo thay đồng chí Nguyễn Tài Cấp làm Bí thư chi bộ Minh Sơn, đồng chí Mai Văn Đốc làm Chủ tịch UBHC xã thay đồng chí Lê Thọ Ẩm. Ban chấp hành chỉ uỷ cũng được thay thế. Một số đảng viên bị xoá đảng tịch vì liên quan đến thành phần bóc lột.

      Tuy đạt được những thành tựu căn bản, những cải cách ruộng đất ở Minh Sơn nói riêng và miền Bắc nói chung đã phạm những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài. Phương pháp đấu tranh còn nặng về đấu tố mà coi nhẹ giáo dục chính trị. Việc xác định đối tượng đấu tranh đã mở rộng tràn lan dẫn đến một số cá nhân và gia đình bị qui oan. Chi bộ và chính quyền cơ sở không được thực hiện quyền lãnh đạo gây khó khăn cho việc điều hành các mặt công tác ở địa phương. Việc chỉnh đốn tổ chức cũng phạm sai lầm nghiêm trọng làm suy yếu tổ chức Đảng cơ sở.

      Phát hiện sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã đề ra chủ trương kiên quyết sửa sai. Từ cuối năm 1956, nhân dân Minh Sơn đã tổ chức học tập Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 10 (khoá II) và thư của Hồ Chủ tịch về công tác sửa sai. Việc thực hiện chủ trương sửa chữa sai lầm trong cải cách ruộng đất gồm một số vấn đề chủ yếu: công bố Quyết định của UBHC tỉnh về việc sửa lại thành phần cho những người bị qui sai là địa chủ, phú nông, đền bù tài sản thích đáng cho những gia đình bị quy sai, kiện toàn tổ chức chính quyền v.v… Chi bộ Minh Sơn đã ban hành nghị quyết về việc thực hiện nhiệm vụ sửa sai. Cuối năm 1957, công tác sửa sai đã căn bản hoàn thành. Toàn xã có 13 địa chủ được hạ thành phần xuống trung nông,4 phú nông được hạ thành phần xuống trung nông. Một số đảng viên bị qui kết sai đã được phục hồi danh dự, khôi phục đảng tịch và cương vị công tác. Chính quyền và các đoàn thể quần chúng được chỉnh đốn và ổn định lại mọi hoạt động.

      Tháng 10- 1957, Đại hội chi bộ Minh Sơn lần thứ II nhiệm kỳ 1957- 1958 đã được tổ chức.Đại hội đã tổng kết thắng lợi và sai lầm của cải cách ruộng đất, bàn phương hướng nhiệm vụ của chi bộ mà nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục thực hiện sửa sai cải cách ruộng đất và kiện toàn chi uỷ để tiếp tục lãnh đạo công cuộc khôi phục kinh tế xã hội của xã. Đại hội đã bầu 9 đồng chí vào Ban chấp hành. Đồng chí Nguyễn Tài Cấp được bầu làm Bí thư chi bộ, đồng chí Lê Thọ Ẩm đựoc bầu làm Phó Bí thư - Chủ tịch Uỷ ban hành chính xã.

      Sau cải cách ruộng đất, những người nông dân nghèo nhất trong xã đã có ruộng đất, nhưng sản xuất vẫn gặp nhiều khó khăn do cách làm ăn vẫn theo kiểu manh mún, chưa có sự tương trợ giúp đỡ nhau rộng rãi trong thôn xóm về nhân lực, nông cụ, sức kéo…Để khắc phục tình trạng trên, chi bộ đã tập trung chỉ đạo việc đẩy mạnh xây dựng các tổ đổi công, vần công. Chi bộ ra nghị quyết thực hiện xây dựng tổ đổi công, lấy Hoàng Thôn và Mỹ Phong làm điểm. Phong trào đã thu hút đông đảo nhân dân trong xã tham gia. Ở Mỹ Phong đã thành lập hai tổ đổi công: tổ Tân Ninh do ông Mai Văn Viễn làm tổ trưởng, tổ Tân An do ông Hà Văn Tự làm tổ trưởng. Ở Hoàng Thôn có tổ đổi công do ông Lặt làm tổ trưởng. Làng Sinh Ý có 2 tổ đổi công là tổ Tân Thành do ông Trịnh Văn Hộ làm tổ trưởng và tổ Tân Lập do ông Ngô Văn Pháo làm tổ trưởng. Tổ đổi công được thành lập đã tạo điều kiện cho các hộ nông dân có điều kiện giúp đỡ nhau trong các khâu sản xuất. Nội dung đổi công thực hiện từ thấp lên cao, từ đổi công từng vụ việc đến đổi công thường xuyên rồi phát triển sang thực hiện bình công chấm điểm. Hoạt động của tổ đổi công đã bước đầu hướng dẫn cho nông dân đi vào con đường làm ăn tập thể. Không chỉ vậy, hình thức tổ đổi công còn là sợi dây đoàn kết gắn bó nguời dân với nhau, củng cố tình làng nghĩa xóm, hun đúc truyền thống tương thân tương ái, khó khăn gian khổ có nhau.

      Tháng 11-1958, Hội nghị 14 Ban chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra chủ trương cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế. Trong kế hoạch 3 năm cải tạo xã hội chủ nghĩa (1958-1960), nhiệm vụ cải tạo trong nông nghiệp có vị trí quan trọng nhất. Phương hướng cải tạo xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp là đưa nhân dân vào con đường làm ăn tập thể (thành lập hợp tác xã nông nghiệp)

      Tháng 11-1958, chi bộ Minh Sơn tiến hành Đại hội lần thứ III. Đại hội đánh giá kết quả 3 năm thực hiện kế hoạch khôi phục kinh tế (1954-1957), đề ra phương hướng nhiệm kỳ mới và bầu Ban chấp hành chi bộ gồm 11 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Tài Cấp tiếp tục được bầu làm Bí thư chi bộ. Đồng chí Lê Thọ Ẩm làm Phó Bí thư, chủ tịch UBHC xã. Về phương hướng nhiệm kỳ 1958-1959, nghị quyết của Đại hội nêu rõ nhiệm vụ tập trung lãnh đạo nhân dân thực hiện kế hoạch 3 năm phát triển kinh tế, văn hoá giai đoạn 1958-1960 mà trọng tâm là phát động phong trào xây dựng “Ba ngọn cờ hồng” ở nông thôn, đưa nông dân vào làm ăn tập thể thông qua việc xây dựng hợp tác xã nông nghiệp.

      Thực hiện phương châm “dân chủ, tự nguyện, cùng có lợi”, nhân dân trong xã đã được tổ chức học tập chủ trương đường lối của Đảng và nhà nước về việc xây dựng hợp tác xã, thấy rõ lợi ích của việc đi vào làm ăn tập thể để từ đó tự nguyện tham gia. Đảng viên trong chi bộ là những người guơng mẫu, đi đầu trong việc vận động gia đình mình đưa ruộng đất, trâu bò tự nguyện vào hợp tác xã ngay từ đợt đầu. Sau thời gian học tập, tìm hiểu chính sách và Điều lệ hợp tác xã nông nghiệp, đã có nhiều gia đình viết đơn xin gia nhập hợp tác xã. Hai hợp tác xã đầu tiên trong xã được thành lập tháng 7-1959 là hợp tác xã Tân Đức (làng Hoàng Thôn) do ông Nguyễn Văn Cần làm chủ nhiệm, hợp tác xã Tân Ninh (làng Mỹ Phong) do ông Mai Văn Viễn làm chủ nhiệm. Đến năm 1960, Minh Sơn tiến hành phát triển và xây dựng hợp tác xã một cách rộng khắp, triển khai đồng loạt ở tất cả các xóm, mỗi xóm thành lập một hợp tác xã:

-  Hợp tác xã Tân Lập (làng Sinh Ý) do ông Ngô Văn Pháo làm chủ nhiệm.

-  Hợp tác xã Tân Thành (làng Sinh Ý) do ông Vũ Văn Toán làm chủ nhiệm.

-  Hợp tác xã Tân Phong (làng Phụng Lộc) do ông Hoàng Văn Nhi làm chủ

nhiệm.

-  Hợp tác xã Tân Sinh (làng Đồng Cát) do ông Nguyễn Văn Đài làm chủ

nhiệm.

-  Hợp tác xã Tân Phúc (làng Hoàng Thôn) do ông Nguyễn Tài Tường làm chủ

nhiệm. (lúc này nhập hợp tác xã Tân Đức vào với hợp tác xã của xóm Tân Phúc)

     - Hợp tác xã Tân Lương do ông Trịnh Hữu Huấn làm chủ nhiệm.

      Việc thành lập các hợp tác xã là một thắng lợi to lớn thể hiện lòng tin tuởng tuyệt đối của nhân dân lao động trong xã đối với đường lối chính sách của Đảng và chính phủ. Chi bộ và chính quyền xã đã đặt nhiệm vụ xây dựng hợp tác xã là nhiệm vụ trọng tâm của công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, đã tuyên truyền, động viên nhân dân trong xã nhận thức rõ con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa bằng hình thức hợp tác hoá. Các đảng viên trong chi bộ xã là những người đứng ra gánh vác trách nhiệm trong ban chủ nhiệm các hợp tác xã. Với việc hoàn thành việc xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp, xã Minh Sơn đã hoàn thành việc xây dựng được “Ba ngọn cờ hồng” theo chủ trương của Đảng và chính phủ.

      Trước đó từ năm 1958, Minh Sơn đã thành lập được hợp tác xã vay mượn do ông Lê Phú Nhự làm Chủ tịch (đến năm 1963 gọi là hợp tác xã tín dụng. Với nguồn vốn của xã, và bổ sung thêm nguồn vốn của nhà nước, hợp tác xã tín dụng đã giúp nhân dân trong xã nguồn vốn vay để mua trâu bò, lợn giống, nông cụ… góp phần phát triển sản xuất.

      Hợp tác xã mua bán Minh Sơn cũng được thành lập năm 1958, ban đầu là một tổ mua bán gồm 3 người do ông Ngô Văn Xe làm tổ trưởng có nhiệm vụ về các thôn vận động nhân dân đóng góp cổ phần để xây dựng hợp tác xã. Từ năm 1963 thành lập hợp tác xã mua bán do ông Ngô Văn Xe làm chủ nhiệm, cửa hàng đặt tại thôn Tân Ninh. Hợp tác xã có 3 nhân viên bán hàng và thu mua. Hợp tác xã mua bán làm đại lý cho mậu dịch quốc doanh, phục vụ các mặt hàng thiết yếu cho nhân dân như dầu hoả, phân bón, vải vóc, giấy mực…và nông cụ sản xuất. Hợp tác xã đã vận động xã viên đóng góp cổ phần . Hàng năm cửa hàng mua bán đã thu mua cho nhà nước nhiều mặt hàng nông sản, chủ yếu là thực phẩm (thịt lợn và gia cầm).

      Với việc hoàn thành xây dựng “Ba ngọn cờ hồng”, công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở Minh Sơn đã căn bản hoàn thành. Quan hệ sản xuất mới đã được xác lập, tạo điều kiện xây dựng cung cách làm ăn tập thể, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của địa phương.Đây là những tiền đề quan trọng để nhân dân Minh Sơn bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.

II. THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC 5 NĂM LẦN THỨ NHẤT (1961-1965)

      Tháng 9-1960, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III đã đề ra nhiệm vụ của cách mạng nước ta trong giai đoạn mới là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Để xây dựng miền Bắc thành cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh ở miền Nam, Đại hội đã thông qua phương hướng nhiệm vụ của Kế hoạch năm năm lần thứ nhất (1961-1965)

      Từ năm 1961 trở đi, miền Bắc bước vào một thời kì mới lấy xây dựng chủ nghĩa xã hội làm trọng tâm, trong đó việc củng cố phát triển hợp tác xã nông nghiệp là một nhiệm vụ quan trọng trong nông nghiệp. Ở Minh Sơn, việc hoàn thành xây dựng các hợp tác xã đã tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh công tác thuỷ lợi, tăng cường cải tiến kỹ thuật và xây dựng cơ sở vật chất ban đầu cho tập thể. Xã viên trong các hợp tác xã đã hăng hái tham gia các phong trào làm thủy lợi: đắp bờ vùng, bờ thửa, xây dựng kênh mương tưới nước cho các cánh đồng. Đầu năm 1961, xã đã huy động lực lượng dân quân và thanh niên toàn xã đắp con đường từ đồng Quân Y đi núi Rùa dài hơn 1km, rộng 3,5m. Đây là công trình chào mừng kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng đã được hoàn thành trong thời gian ngắn.

      Trong những năm đầu, phần lớn diện tích của các hợp tác xã đều cho năng suất cao hơn thời kỳ làm ăn riêng lẻ và những năm xây dựng tổ đổi công. Các hợp tác xã đã tỏ rõ tính ưu việt trong việc phát huy tinh thần đoàn kết tuơng trợ hơn hẳn lúc làm ăn riêng lẻ, góp phần thực hiện tốt hơn các chính sách của Đảng và chính phủ đề ra.

      Tháng 11-1961, Bộ Chính trị mở cuộc vận động “Cải tiến hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật nhằm phát triển nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc”. Qua việc thực hiện cuộc vận động, trong 3 năm 1963-1965 các hợp tác xã đựơc củng cố thêm một bước, quy mô nhiều hợp tác xã được mở rộng và chuyển lên bậc cao. Ở Minh Sơn, từ hợp tác xã qui mô xóm, đến 1962 đã mở rộng lên hợp tác xã qui mô thôn. Hợp tác xã Tân Lập sáp nhập với hợp tác xã Tân Thành thành hợp tác xã Tân Thành do ông Ngô Văn Pháo làm chủ nhiệm. Ở 5 thôn làng khác đều thành lập hợp tác xã qui mô toàn thôn là các hợp tác xã Tân Ninh (Mỹ Phong), Tân Phong (Phụng Lộc),Tân Phúc (Hoàng Thôn), Tân Sinh (Đồng Cát) và Tân Lương (Trại Cống). Mỗi hợp tác xã có 2- 3 đội sản xuất. Ban quản trị hợp tác xã có 1 chủ nhiệm và 1 phó chủ nhiệm. Các chức danh chủ nhiệm vẫn giữ nguyên như năm 1960, riêng hợp tác xã Tân Sinh từ năm 1962 do ông Nguyễn Sơn Giang làm chủ nhiệm.

      Các hợp tác xã trong xã đã phát động phong trào “Học tập, tiến kịp và vượt hợp tác xã Đại Phong”(1). Phong trào này đã có tác dụng to lớn, cổ vũ mạnh mẽ lòng hăng hái của xã viên.Các hợp tác xã nông nghiệp thực hiện cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật , chi bộ và chính quyền xã tiếp tục đẩy mạnhviệc giáo dục nâng cao giác ngộ và lòng tin tưởng vào con đường làm ăn tập thể, nâng cao ý thức làm chủ hợp tác xã của xã viên, cải tiến quản lý hợp tác xã về các mặt quản lý sản xuất, quản lý lao động, quản lý tài vụ; cải tiến quản lý kỹ thuật, bước đầu xây dựng cơ sở vật chất cho các hợp tác xã.

      Phong trào làm phân xanh, nuôi bèo dâu của thanh niên được phát động rộng rãi, mỗi chi đoàn đều giao chỉ tiêu cho đoàn viên thanh niên về số lượng phân bón, bèo dâu để tăng cường nguồn phân bón phục vụ thâm canh. Các giống lúa mới có năng suất cao hơn như Mộc tuyền,Trân châu lùn được đưa vào gieo trồng thay cho các giống lúa cũ. Các khâu kỹ thuật như ngâm ủ giống theo tỉ lệ 2 sôi 3 lạnh, cày sâu bừa kỹ, cấy lúa thẳng hàng v.v…được các hợp tác xã thực hiện tôt. Tuy nhiên trong thời gian này tình hình sản xuất có nhiều năm sút kém về năng suất và sản lượng. Một số hợp tác xã chậm đuợc củng cố, tinh thần làm chủ tập thể của xã viên còn thấp, công tác quản lý hợp tác xã còn nhiều yếu kém. Cơ sở vật chất còn rất  nghèo nàn. Khó khăn đó đặt ra cho các hợp tác xã những vấn đề cấp bách cần phải chấn chỉnh.

      Trên lĩnh vực chăn nuôi và ngành nghề, từ khi thành lập các hợp tác xã qui mô thôn, các hợp tác xã đều có kế hoạch thành lập các tổ chăn nuôi. Hợp tác xã Tân Thành xây dựng khu chuồng trại chăn nuôi lợn ở khu đồng khoai Bìm Bìm do ông Hoàng Đình Cẩn làm tổ trưởng với số đầu lợn hàng năm khoảng 40- 50 con. Một số hợp tác xã mở rộng các ngành nghề như nấu gạch, nung vôi.

      Công tác văn hoá xã hội tiếp tục được cấp uỷ Đảng và chính quyền tập trung lãnh đạo đạt nhiều kết quả. Các lớp bình dân học vụ, bổ túc văn hoá tiếp tục được duy trì để nâng cao học vấn cho các tầng lớp nhân dân và cán bộ đảng viên. Năm 1960, xã thực hiện xoá xong nạn mù chữ. Năm 1958 ngành học vỡ lòng được thành lập mỗi hợp tác xã có một nhà giữ trẻ để thu hút các cháu trong độ tuổi. Tổ trưởng mầm non là thầy Nguyễn Ngọc Kế.

      Trường cấp I Minh Sơn thành lập năm 1959 tách từ trường cấp I Minh Châu. Trường có 2 phòng học lợp ngói đặt tại đồi Nhơm (Tân Ninh) với 3 lớp học từ lớp 1 đến lớp 3, số học sinh là 135 em. Đội ngũ giáo viên có 3 người do thầy Lê Văn Cương là hiệu trưởng. Học sinh cấp II học tại trường chung với xã Dân Lực. Năm 1955, xã có ban y tế gồm 1 trưởng ban (ông Hà Văn Giàu) và 3 nhân viên ở các thôn. Năm 1964, trạm xá xã được thành lập tại khu vực thôn Tân Ninh. Trạm gồm có 4 cán bộ và nhân viên do ông Nguyễn Văn Đệ làm trạm trưởng. Mặc dù cơ sở vật chất rất thiếu thốn nhưng đội ngũ cán bộ y tế đã phát huy vai trò quan trọng trong việc khám chữa bệnh thông thường cho nhân dân trong xã , đặc biệt là tuyên truyền xây dựng ý thức phòng bệnh và nếp sống vệ sinh ở nông thôn.

      Tháng 1 năm 1963, Đại hội chi bộ xã lần thứ VII đã tổ chức tại trụ sở hợp tác xã Tân Ninh. Tại Đại hội này đã phổ biến quyết định của Huyện uỷ Nông Cống cho phép chi bộ Minh Sơn đựơc chuyển thành Đảng bộ Minh Sơn, 6 tổ đảng ở 6 thôn chuyển thành 6 chi bộ (Tân Phong, Tân Thành, Tân Ninh, Tân Phúc, Tân Sinh, Tân Lương). Ban chấp hành chi uỷ chuyển thành Ban chấp hành Đảng bộ. Ban chấp hành Đảng bộ khoá VIII nhiệm kỳ 1963- 1964 đã được Đại hội bầu gồm 9 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Văn Minh được bầu làm Bí thư Đảng uỷ đầu tiên. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn được bầu làm Phó Bí thư, Chủ tịch UBHC xã(1).

      Thực hiện cuộc vận dộng xây dựng “Chi bộ bốn tốt”, “Đảng viên bốn tốt” do Trung ương  đề ra, Đảng bộ Minh Sơn đã triển khai nghiêm túc và có sự kiểm tra đánh giá thường xuyên. Qua bình xét hàng năm, chi bộ Minh Sơn luôn được công nhận là chi bộ "bốn tốt", số đảng viên đạt danh hiệu “bốn tốt” luôn chiếm tỉ lệ cao. Các đồng chí đảng viên trong toàn Đảng bộ đã thực sự đầu tàu gương mẫu trong mọi phong trào của địa phương.

      Sau hơn 10 năm tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhân dân Minh Sơn đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực, tạo ra những chuyển biến to lớn về kinh tế xã hội. Cuộc cải cách ruộng đất đã thực hiện mơ ước ngàn đời của người nông dân là có ruộng cày. Tiếp đó là đưa nông dân đi vào con đường làm ăn tập thể, tạo điều kiện để đẩy mạnh công tác khai hoang, thuỷ lơi, cải tiến kỹ thuật và xây dựng các công trình phúc lợi tập thể ban đầu. Từ một chi bộ Đảng phát triển thành Đảng bộ, Đảng bộ Minh Sơn ngày càng trưởng thành về mọi mặt. Từ cuối năm 1964 khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc , Đảng bộ Minh Sơn tiếp tục lãnh đạo nhân dân trong xã bước vào một giai đoạn lịch sử mới đầy khó khăn nguy  hiểm những cũng rất vẻ vang, hào hùng.

III. VỪA SẢN XUẤT VỪA SẴN SẰNG CHIẾN ĐẤU VÀ CHI VIỆN TIỀN TUYẾN, GÓP PHẦN VÀO SỰ NGHIỆP GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NỨƠC (1965- 1975)

        Trong lúc nhân dân miền Bắc đang tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghiã xã hội trong không khí hoà bình thì ngày 5- 8- 1964, đế quốc Mỹ đã dựng lên “Sự kiện vịnh Bắc Bộ” để tạo cớ mở rộng chiến tranh ra cả nước. đầu năm 1965, đế quốc Mỹ mở rộng các hoạt động phá hoại thành cuộc chiến tranh qui mô lớn bằng không quân và hải quân ra miền Bắc nhằm phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghiã xã hội ở miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc đối với chiến trường miền Nam và uy hiếp tinh thần của nhân dân ta. Ở Thanh Hoá ngày 3- 4- 1965 chúng cho máy bay bắn phá cầu Hàm Rồng và một số địa điểm khác.

      Trong tình hình cả nướcc có chiến tranh, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 11 (tháng 3- 1965) đã xác định nhiệm vụ của miền Bắc là :Xây dựng thành hậu phương lớn vững chắc của cách mạng miền Nam, đồng thời đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trong bất kỳ tình huống nào. Với tinh thần “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược “ miền Bắc không thể xây dựng như thời bình mà phải chuyển hướng từ xây dựng kinh tế thời bình sang thời chiến, vừa tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa chiến đấu, đồng thời ra sức tăng cường chi viện sức người sức của cho cách mạng miền Nam.

      Từ tháng 2- 1965, xã Minh Sơn được chuyển về trực thuộc sự quản lý, điều hành của huyện Triệu Sơn mới được thành lập theo Quyết định số 177-CP ngày 16- 12- 1964 của Hội đồng Chính phủ. Theo Quyết định này, huyện Triệu Sơn có 33 xã gồm 20 xã tách ra từ huyện Nông Cống và 13 xã tách ra từ huyện Thọ Xuân. Xã Minh Sơn thời điểm này có diện tích canh tác là 892,3 mẫu , số khẩu là 2579 khẩu, chia thành 6 thôn với 6 hợp tác xã nông nghiệp (Tân Thành, Tân Ninh, Tân Phúc, Tân Sinh, Tân Phong, Tân Lương).Tổng số đảng viên trong Đảng bộ là 96 đồng chí. Hội đồng nhân dân xã có 23 đại biểu, tổ chức UBHC xã có 6 chức danh. Từ cuối năm 1965 thôn Tân Lương được huyện cắt chuyển về xã Hợp Thắng, xã Minh Sơn  còn 5 thôn.

      Trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc,Thanh Hoá là một tỉnh có vị trí quan trọng ,là  trọng điểm đánh phá của  không quân Mỹ. Từ tháng 8- 1964 máy bay Mỹ đã ném bom Lạch Trường và đảo Hòn Mê. Ngày 3, 4 tháng 4 năm 1965 địch đánh phá ác liệt vào cầu Hàm Rồng và một số đầu mối giao thông khác trên tuyến quốc lộ số 1 như Đò Lèn, Phà Ghép. Quân và dân Thanh Hoá đã lập chiến công vang dội, bắn rơi 47 máy bay địch.

      Trên địa bàn huyện Triệu Sơn, xã Minh Sơn nằm liền kề ngã tư Giắt là nơi hai tuyến đường giao thông quan trọng giao nhau, lại gần với các cơ quan đầu não của Đảng bộ, chính quyền huyện. Trên địa bàn xã có nhiều cơ quan, xí nghiệp gồm 9 đơn vị bộ đội, kho vật tư xăng dầu, kho lương thực, Xí nghiệp sửa chữa ô tô Thanh Hoá, Xí nghiệp khai thác than bùn, Trường lái xe Thanh Hoá v.v…Đặc biệt có những điểm cao có vị trí quan trọng về quân sự như đồi Nhơm, đồi Thị, núi Rùa là nơi bố trí lực lượng quân sự phòng không rất lợi hại. Với vị trí đó, trên địa bàn Triệu Sơn, xã Minh Sơn là một trong những mục tiêu đánh phá của không quân Mỹ trong chiến tranh phá hoại.

      Tháng 8- 1965, Đảng hội Đảng bộ xã lần thứ 9 đã được tổ chức. Đại hội tập trung thảo luận về tình hình nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, bàn biện pháp chuyển hướng mọi mặt hoạt động từ thời bình chuyển dang thời chiến, đề ra nhiệm vụ vừa sản xuất xây dựng hậu phương, vừa sẵn sàng chiến đấu, đồng thời tiếp tục chi viện sức người sức của cho chiến trường miền Nam . Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 1965- 1967 gồm 9 dồng chí. Đồng chí Nguyễn Văn Minh được bầu làm Bí thư, đồng chí Mai Văn Đốc được bầu làm Phó Bí thư-Chủ tịch UBHC xã.

      Một trong những nhiệm vụ cấp bách là triển khai công tác phòng không nhân dân nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân. Ban phòng không xã đ ược thành lập do ông Chủ tịch xã làm Trưởng ban; các uỷ viên trong Uỷ ban và trưởng các đoàn thể trong xã đều được phân nhiệm vụ cụ thể trong ban phòng không. 7 tổ cứu thương được thành lập sẵn sàng làm nhiệm vụ. Trụ sở Đảng uỷ, Uỷ ban hành chính xã làm việc tại xóm Hoàng Thôn(1). Trường học phân tán thành các lớp học ở vị trí xa nhau thuộc các thôn Tân Thành và Hoàng Thôn, lớp học làm bằng lán nửa chìm nửa nổi có luỹ đất bao quanh và có hệ thống hầm hào trú ẩn liên hoàn. Học sinh đi học đều phải mang mũ rơm để đề phòng bom bi. Hệ thống hào giao thông liên hoàn với chiều dài khoảng 16000m được đào dọc các trục đường chính và nơi tập trung đông người. Mỗi gia đình đều có hầm ở trong nhà và ngoài vườn, tính toàn xã có 1725 hầm chữ A của các gia đình.

      Lực lượng dân quân du kích được tổ chức và bổ sung biên chế gồm 232 người. Ở 5 thôn đều có mỗi thôn 1 trung đội dân quân, mỗi trung đội được trang bị một số súng trường. Từ năm 1964 thành lập 1 trung đội trực chiến cơ động gồm 20 chiến sĩ do ông Mai Văn Uyên làm trung đội trưởng, ông Hà Văn Sáu làm trug đội phó, trung đội này có nhiệm vụ bắn máy bay tầm thấp, cứu chữa kho tàng của Nhà nước, tài sản của nhân dân khi bị máy bay địch đánh phá. Các đơn vị dân quân vừa là lực lượng chính trong lao động sản xuất, vừa tăng cường huấn luyện các phương án tác chiến cụ thể, 45 người được huấn luyện làm pháo thủ, 20 người được đào tạo làm xạ thủ súng máy để sẵn sàng bổ sung lực lượng cho các đơn vị  bộ đội tác chiến trên địa bàn xã.

         Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất (1965-1968) và lần thứ hai (tháng 4 – 1972 đến tháng 1- 1973), máy bay Mỹ đã ném xuống xã Minh Sơn hàng trăm tấn bom đạn đủ các loại như bom phá, bom napan, bom bi ….nhằm tiêu diệt lực lượng bộ đội phòng không và phá huỷ tài sản, kho tàng của Nhà nước. Những trận máy bay Mỹ đánh phá ác liệt nhất vào Minh Sơn là ngày 18- 3- 1966, ngày 7-10-1967, ngày 20- 10- 1972, ngày 30- 12- 1972, ngày 8- 1- 1973. Có những lần bom đạn địch đánh trúng vào kho xăng dầu, kho lương thực của Nhà nước, kho đạn pháo và tên lửa của bộ đội ở đồi Nhơm và đồi Thị (kho đạn dược ở đồi Thị trúng đạn cháy nổ liên tục trong một buổi chiều. Nhân dân và dân quân du kích. Minh Sơn đã cùng với bộ đội đóng trên địa bàn (như các đơn vị pháo phòng không F.365, F.367) phối hợp chiến đấu hơn 200 trận. Lực lượng dân quân đã chiến đấu bảo vệ các mục tiêu quan trọng trên địa bàn xã như cầu Nhơm, kho lương thực của Nhà nước, kho xăng dầu, đạn dược của các đơn vị bộ đội. Có những trận địch đánh trúng trận địa pháo, dân quân Minh Sơn đã nhanh chóng kịp thời ngồi vào mâm pháo vào làm nhiệm vụ pháo thủ để tiếp tục chiến đấu. 45 pháo thủ là dân quân của xã đã được bổ sung kịp thời cho các đơn vị bộ đội, cùng bộ đội chủ lực chiến đấu trên địa bàn. Sau mỗi trận đánh, lực lượng dân quân cùng với thanh niên lại lao vào san lấp hố bom, bố trí nguỵ trang lại trận địa, cứu chữa những người bị thương, chôn cất những người bị hy sinh, sẵn sàng chuẩn bị cho trận chiến đấu mới. Ban ngày sản xuất, ban đêm dân quân đào hào cất giấu đạn dược, tên lửa. Nhiều lần phải làm việc suốt từ đêm đến sáng. Khi bộ đội kéo tên lửa về, lực lượng dân quân lại chặt các loại lá cây đem ra trận địa nguỵ trang cho pháo. Dân quân xã còn tham gia cùng bộ đội công binh tháo gỡ an toàn 25 quả bom các loại.

      Trong giai đoạn 1965- 1972, lực lượng dân quân xã đã 15 lần tham gia chữa cháy, vận chuyển hàng hoá vũ khí ra nơi an toàn khi mục tiêu bị địch đánh phá (7 lần cứu kho vũ khí, 3 lần cứu chữa kho xăng dầu, 5 lần chữa cháy kho lương thực),cứu được hàng trăm tấn đạn pháo và lúa gạo đưa đến nơi an toàn. Đặc biệt ngày 9-5-1972 khi kho đạn pháo phòng không ở núi Trúc (Đồng Cát) đang bị đánh phá, dân quân Minh Sơn đã tham gia việc vận chuyển đạn dược ra nơi an toàn, cứu được hơn 200 tấn đạn. Trong trận này, 3 đồng chí Trịnh Văn Dương, Nguyễn Văn Mẫn, Vũ Thị Hơn ở trung đội Hoàng Đồng đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Đồng chí Nguyễn Thị Đào (trung đội Đồng Cát) làm nhiệm vụ cứu thương đã cùng tổ cứu thương đến các hầm pháo trong trận địa băng bó cho các chiến sĩ đơn vị pháo 57 bị thương. Khi bị thương đồng chí vẫn không rời trận địa, tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi trận đánh kết thúc. Đồng chí Mai Văn Uyên phụ trách chỉ huy lực lượng dân quân xã, đồng  thời làm trung đội trưởng trung đội trực chiến cơ động cùng với đồng chí Hà Văn Sáu, trung đội trưởng trung đội dân quân Tân Ninh kiêm trung đội phó trực chiến cơ động và nhiều chiến sĩ trong lực lượng dân quân xã đã kiên cường,dũng cảm trong chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

      Sau mỗi trận đánh , hội phụ nữ và hội mẹ chiến sĩ xã Minh Sơn lại tổ chức mang nước uống, lá nguỵ trang, hoa quả đến các trận địa thăm hỏi động viên các chiến sĩ đang ngồi trên mâm pháo. Các mẹ còn quyên góp quần áo rách đem ra trận địa cho bộ đội lau súng, người hăng hái nhất là bà Trịnh Thị Độ, người mẹ của 3 chiến sĩ đang chiến đấu ngoài mặt trận. Mỗi khi có bộ đội hy sinh, chính quyền xã đã chuẩn bị hòm ván để chôn cất chu đáo. Với tình thương và trách nhiệm đối với đồng bào tuyến lửa Quảng Bình, năm 1969 nhân dân trong xã đã nhận nuôi dưỡng 20 cháu thiếu niên của tỉnh Quảng Bình trong 2 năm.

      Chiến tranh đã gây ra bao đau thương mất mát cho nhân dân Minh Sơn ngay trên mảnh đất quê hương.Hàng nghìn quả bom và tên lửa đã dội xuống mảnh đất nhỏ hẹp chưa đầy 7km2 , làm chết 87 người, bị thương 47 người, phá huỷ và làm hư hại 194 ngôi nhà cùng nhiều tài sản, đồ dùng, phương tiện sản xuất của nhân dân tất cả 5 thôn trong xã. Nhiều gia đình bị bom ném trúng hầm trú ẩn bị chết cả nhà hoặc chết gần hết cả nhà như gia đình anh Thoả (Hoàng Thôn) chết 4 người, gia đình bà Nhân (Hoàng Thôn) chết 3 người, gia đình chị Lợi (Hoàng Thôn) chết 3 người, gia đình ông Kén (Tân Ninh) chết 4 người , gia đình ông Vấn (Tân Thành) chết 3 người và nhiều gia đình chết 2 người như gia đình ông Mưu ở Tân Thành, gia đình anh Thư ở Tân Ninh v.v. Thiệt hại lớn nhất là trong hai trận bom do hàng chục máy bay B52 rải xuống các xã Minh Sơn , Hợp Thắng, Thọ Dân, An Nông, Minh Châu, Dân Lực, Thọ v.v..vào 20- 21 giờ đêm 30- 12- 1972 và 9 giờ đêm ngày 8- 1- 1973, gây tổn thất rất lớn về người và của cho nhân dân Minh Sơn và các xã lân cận. Đêm  30 -12- 1972, làng Hoàng Thôn đã bị máy bay B52 ném bom làm cho 26 người chết và nhiều người bị thương.Hàng vài chục ngôi nhà bị phá huỷ hoàn toàn (Từ đây ngày này hàng năm đã trở thành ngày giỗ chung của cả làng). Đêm 8- 1- 1973 làng Tân Thành bị ném bom làm chết 6 người. Khói bom vừa tan, Đảng bộ và chính quyền xã được sự hỗ trợ của dân quân các xã trong huyện đã tổ chức cho nhân dân khắc phục hậu quả của trận bom, chôn cất chu đáo cho những người đã khuất, san lấp hố bom, sửa chữa xây dựng lại nhà cửa để ổn định sinh hoạt cho những gia đình bị trúng bom đạn địch.

      Trong bom đạn của kẻ thù, cán bộ và nhân dân Minh Sơn vẫn không hề nao núng mà càng mài sắc ý chí, quyết tâm bám trụ cùng với bộ đội phòng không chiến đấu giáng trả máy bay địch, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, xây dựng hậu phương và chi viện tiền tuyến.

      Về công tác tuyển quân , từ năm 1959 khi Luật nghĩa vụ quân sự ban hành đến năm 1964 xã Minh Sơn đã có 83 thanh niên gia nhập quân đội. Từ năm 1965 dến năm 1975, mỗi năm đều có 2 đợt tuyển quân, 225 thanh niên Minh Sơn lại tiếp tục lên đường cầm súng đánh Mỹ với quyết tâm “Ra đi giữ trọn lời thề / Đánh tan  giặc Mỹ mới về quê hương”. Riêng  trong 4 năm 1965- 1968 có 130 thanh niên nhập ngũ, tính trung bình mỗi năm có hơn 30 người trúng tuyển. Nhiều gia đình đã tiễn đưa người con trai duy nhất hoặc hai, ba người con ra chiến trường. Những ông bố bà mẹ, những người phụ nữ ở hậu phương hàng ngày hàng giờ mong ngóng tin con, tin chồng từ chiến trường. Những người con của quê hương Minh Sơn đã tham gia chiến đấu anh dũng trên khắp các chiến trường miền Nam, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đánh đuổi quân xâm lược, giành độc lập thống nhất cho Tổ quốc. Để có được chiến thắng, sự hy sinh của nhân dân Minh Sơn là rất to lớn: 99 người con ưu tú đã vĩnh viễn nằm xuống trên các chiến trường, 38 chiến sĩ đã để lại một phần xương máu. Tính trung bình cứ 3 người đi bộ đội thì có 1 người hy sinh, trong đó có những thanh niên còn rất trẻ chưa đầy 20 tuổi như các anh Nguyễn Văn Thứ và anh Lê Ngọc Cẩn (Đồng Cát), anh Lê Phú Thọ (Hoàng Thôn). Có những thầy giáo rời bục giảng lên đường chiến đấu và đã hy sinh như các thầy Trịnh Minh Nhuệ (Tân Thành),Trịnh Hữu Chính và Trịnh Duy Cẩn(Tân Phong). Có những năm tin báo tử dồn dập gửi về các thôn như năm 1968 có 23 người hy sinh (gần bằng số nhập ngũ trong năm là 25 người).

      Ngoài 308 thanh niên gia nhập quân đội, Minh Sơn còn huy động 50 người tham gia dân công hoả tuyến và dân công vận tải thuyền nan hoạt động trên các đại bàn từ Thanh Hoá vào tuyến lửa khu 4 (Quảng Bình, Vĩnh Linh) và cả chiến trường Thượng Lào . Toàn xã có 38 người đi thanh niên xung phong: ở Nghệ An từ năm 1961 đến năm 1968 là 16 người, ở Quảng Bình, Vĩnh Linh từ năm 1965- 1969 là 18 người và ở Thượng Lào 4 người.

      Ngoài việc chi viện tiền tuyến về sức người, xã Minh Sơn đã đóng góp một khối lượng lớn lương thực cho Nhà nước với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Trong 10 năm từ 1965- 1975 toàn xã đã đóng góp lương thực, thực phẩm cho Nhà nước góp phần chi viện đắc lực cho tiền tuyến là 1747 tấn thóc và 239 tấn thực phẩm. Ngoài ra nhân dân trong xã cón quyên góp ủng hộ các đơn vị bộ đội và cơ quan đóng trên địa bàn 6,5 tấn lương thực, hàng chục tấn thực phẩm, rau quả các loại.

      Trong tình hình có chiến tranh, các hợp tác xã Minh Sơn vẫn tiếp tục đẩy mạnh áp dụng các biện pháp thâm canh tăng năng suất, sản lượng như gieo cấy kịp thời vụ, chăm bón đúng kỹ thuật, phát động làm các loại phân bón. Các hợp tác xã đều thành lập đội chuyên thủy lợi phụ trách việc xây dựng mương máng tưới tiêu, đắp bờ vùng bờ thửa. Các khâu kỹ thuật như ngâm ủ giống bằng lò thúc mầm, cấy đúng quy định khoảng cách hàng sông và hàng tay, bón phân theo chu kỳ sinh trưởng của cây lúa được các hợp tác xã chú ý phổ biến cho xã viên. Phong trào thi đua “5 tấn thắng Mỹ” , “tay cày tay súng” được phát động rộng rãi. Các đoàn thể quần chúng phát động các phong trào được đoàn viên hội viên hưởng ứng sôi nổi như phong trào “Ba sẵn sàng” trong thanh niên, phong trào “Ba đảm đang “ trong phụ nữ. Tinh thần cách mạng của nhân dân Minh Sơn đã được phát huy cao độ trong thời kỳ thử thách ác liệt này. Mặc dù nhiều lao động trẻ khỏe đã rời quê hương lên đường cầm súng vào chiến trường nhưng Đảng bộ và nhân dân Minh Sơn vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất để đảm bảo ổn định đời sống, đồng thời góp phần chi việc cho tiền tuyến. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Triệu Sơn lần thứ I (năm 1967) và lần thứ II (5- 1969) về đẩy mạnh phong trào thi đua 3 giỏi( sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi, giao thông vận tải giỏi) và phấn đấu đạt 3 mục tiêu trong nông nghiệp, các hợp tác xã Minh Sơn tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, thực hiện tốt các khâu 3 khoán, 3 quản trong nông nghiệp. Kết quả sản xuất năm 1965, Minh Sơn đạt diện tích lúa cao nhất là 1079 mẫu(vụ chiêm 530,5 mẫu; vụ mùa 548,5 mẫu), sản lượng lương thực cả năm đạt 527,7 tấn. Sản lượng lương thực năm 1968 đạt 468,5 tấn, năm 1969 đạt 609,8 tấn. Diện tích khoai lang hằng năm đạt từ 30- 70 mẫu (năm 1965 và năm 1966) đạt cao nhất từ 73- 82 mẫu. Diện tích cây sắn năm 1965 là 58,3 mẫu, các năm sau đạt từ 35 đến 40 mẫu.

      Ngoài thâm canh lúa, Minh Sơn đã chú ý phát triển các loại cây màu và thực phẩm. Diện tích khoai lang trong 10 năm (1965- 1974) là 462,6 mẫu, bình quân mỗi năm có 46 mẫu. Riêng năm 1965 trồng được 73 mẫu, năm 1966 trồng được 82 mẫu. Cây đậu tương năm 1965 trồng được 10 mẫu, năm 1967 trồng được 13 mẫu là 2 năm có diện tích lớn nhất. Cây sắn có 2 năm đạt diện tích cao nhất là năm 1965 (58 mẫu) và năm 1968 là 62 mẫu. Diện tích trồng rau vụ đông tăng hàng năm từ 4,2 mẫu (năm 1965) lên 8,2 mẫu (năm 1970) và từ 1971- 1973 duy trì ở mức 10-12 mẫu(1)

         Từ năm 1971, 4 hợp tác xã nông nghiệp trong xã được hợp nhất lại thành 2 hợp tác xã . Hợp tác xã Tân Phong và Tân Ninh hợp nhất thành hợp tác xã Ninh Phong (ông Hà Văn Tự làm chủ nhiệm), hợp tác xã Tân Phúc và Tân Sinh hợp nhất thành hợp tác xã Hoàng Đồng (ông Nguyễn Sơn Giang làm chủ nhiệm), hợp tác xã Tân Thành vẫn giữ nguyên (ông Ngô Văn Pháo làm chủ nhiệm).Ba hợp tác xã trong xã chia thành 9 đội sản xuất : Tân Thành 2 đội, Ninh Phong 4 đội và Hoàng Đồng 3 đội sản xuất.

      Từ đầu năm 1973, khi cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc chấm dứt, huyện Triệu Sơn đã có chủ trương đẩy mạnh công tác thuỷ lợi để chủ động tưới tiêu, coi đây là khâu trọng tâm hàng đầu nhằm phát triển nông nghiệp. Tháng 4- 1973, Đảng bộ và nhân dân xã Minh Sơn hưởng ứng chiến dịch “Na Sơn nổi gió” do huyện phát động, tập trung giải quyết 2 nhiệm vụ chính: hoàn chỉnh kênh mương tưới tiêu, tiến đến hoàn chỉnh hệ thống giao thông nội đồng, kịp thời thu chiêmvà chuẩn bị điều kiện làm vụ 10. Với lực lượng dân quân và thanh niên là chủ lực, toàn xã đã đào đắp hàng nghìn mét khối đất, hoàn thành một số hệ thống kênh mương tưới tiêu. Vụ chiêm năm 1973 trên diện tích 394 mẫu, các hợp tác xã đã thu hoạch 247,4 tấn thóc. Đến tháng 8- 1973, mưa lụt lớn đã làm cho hơn 2/3 diện tích lúa trong huyện mất trắng, trong đó xã Minh Sơn là một trong những xã thiệt hại nặng nề nhất. Một phần lớn diện tích ven sông Nhơm bị ngập nước dài ngày không có thu hoạch. Nhân dân Minh Sơn tiếp tục hưởng ứng chiến dịch “Na Sơn nổi lửa” nhằm khắc phục hậu quả thiên tai, tu bổ các đoạn đê sông Nhơm  và công trình thuỷ lợi trong xã, tương trợ giúp đỡ nhau từng bước vượt qua khó khăn. Trong nhiệm vụ khai hoang trồng cây lương thực ngắn ngày để bù lại diện tích bị mất lụt, tính trong 3 tháng (tháng 10- 12/1973) toàn xã đã khai hoang đưa vào canh tác được 29 ha đất đồi và 17,6 ha đất đồng bãi(1). Với tinh thần “Trời làm mất bắt đất phải đền”, “ vụ mùa mất phất vụ đông”, vụ chiêm năm 1974 Minh Sơn đã gieo cấy 454 mẫu trong đó có 332 mẫu Nam Ninh xuân, vượt hơn vụ chiêm năm 1973 là 60 mẫu. Diện tích ngô đông xuân đạt mức lớn nhất từ trước đến năm 1974 là 36 ha, diện tích khai lang xuân là 45,5 mẫu.

      Thực hiện chủ trương của cấp trên về việc xây dựng các hợp tác xã cấp cao quy mô toàn xã, cuối năm 1974, Đại hội xã viên của 3 hợp tác xã đã được tổ chức và đã quyết định hợp nhất 3 hợp tác xã để thành lập hợp tác xã toàn xã mang tên hợp tác xã Thành Đồng. Đại hội xã viên đã bầu Ban quản lý hợp tác xã gồm chủ nhiệm là ông Lê Văn Tắc và 2 phó chủ nhiệm là các ông Trịnh Hữu Yên và Lê Văn Lự. Ban kiểm soát hợp hợp tác xã có trưởng ban kiểm soát và 2 uỷ viên và các bộ môn kế hoạch, kế toán. Hợp tác xã Thành Đồng gồm 9 đội sản xuất: Đội 1 và 2 ( Tân Ninh), đội 3 và 4 (Tân Phong), đội 5 và 6 (Tân Thành), đội 7 (Tân Sinh), đội 8 và 9 (Tân Phúc).

      Theo số liệu thống kê năm 1974 (trước khi hợp nhất hợp tác xã), xã Minh Sơn có 2955 nhân khẩu với 1026 lao động. Diện tích trồng lúa cả năm là 921 mẫu. Về chăn nuôi 77% số hộ chăn nuôi lợn, đàn lợn có 667 lợn thịt, 68 lợn nái . Riêng đàn lợn chăn nuôi ở trại tập thể là 133 con. Đàn trâu có 120 con và đàn bò 94 con. Trong 2 năm 1974- 1975, hợp tác xã Minh Sơn tiếp tục thực hiện tốt công tác ba khoán, củng cố và xây dựng cơ sở vật chất, ổn định đội ngũ cán bộ đội sản xuất và ban quản trị, động viên tinh thần làm chủ của xã viên. Hợp tác xã được xây dựng vững mạnh đã góp phần củng cố hậu phương vững chắc, tạo cơ sở để xã Minh Sơn hoàn thành xuất sắc mọi nghĩa vụ đóng góp cho Nhà nước, góp phần chi viện nhân tài vật lực cho chiến trường giành thắng lợi.

      Trong những năm kháng chiến chống Mỹ,các đoàn thể quần chúng đã phát động và hưởng ứng nhiều phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là các phong trào trong thanh niênvà phụ nữ.Từ năm 1965, đoàn thanh niên đã phát động phong trào “Ba sẵn sàng”, nổi bật nhất là sẵn sàng gia nhập quân đội ra chiến trường đánh giặc. Trên mặt trận sản xuất và chiến đấu ở hậu phương,thanh niên đã tổ chức các phong trào thi đua xây dựng “cánh đồng 5 tấn thắng Mỹ”,làm bèo dâu,phân xanh, áp dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng v.v..Phụ nữ xã thực hiện phong trào “Ba đảm đang”, đảm nhận công việc ở hậu phương để chồng con yên tâm chiến đấu ngoài mặt trận. Nhiều chị em tham gia dân quân xã, trong đó có 7 chị gia nhập trung đội trực hiến cơ động. Nhiều chị em vừa đảm công việc gia đình vừa lao động sản xuất giỏi được bình bầu là cá nhân tiên tiến trong các hợp tác xã. Các tổ chức đoàn thể đều dấy lên các phong trào thi đua lao động sản xuất để xây dựng hậu phương và góp phần chi viện tiền tuyến.\

      Công tác giáo dục, y tế,văn hoá tiếp tục được duy trì trong những hoàn cảnh khó khăn do chiến tranh gây ra.Năm 1965,3 lớp học cấp 2 (2 lớp 5 và 1 lớp 6) với 120 học sinh được tách ra từ trường cấp 2 Dân Lực về học tại các nhà dân ở Hoàng Đồng. Hiệu trưởng phân hiệu cấp 2 Dân Lực tại Minh Sơn là thầy Mai Mạnh Quỳnh ( quê Nghệ An). Đến năm 1966, phụ huynh học sinh đã đóng góp tre luồng làm được 3 lán học đặt tại xóm Tân Thành. Lúc này lớp 7 cũng được tách từ trường cấp 2 Dân Lực về để thành lập trường cấp 2 Minh Sơn.Việc dạy và học gặp nhiều khó khăn, giáo viên học sinh đều phải đội mũ rơm đến lớp, trên đường đi học, học sinh phải đi theo nhóm 3 em do một em nhóm trưởng phụ trách. Một số lần máy bay địch đánh trúng lớp học, trong đó có một lần làm chết 1 em học sinh tại lán học ở Hoàng Thôn.Một số học sinh trúng bom bi trên đường đi học.Nhiều lần các lán học bị phá hủy hoàn toàn. Trong gian khổ, hiểm nguy,các trường học trong xã vẫn tổ chức tốt việc dạy và học,số học sinh lên lớp và đậu tốt nghiệp luôn chiếm tỷ lệ cao.

      Trạm y tế xã được tu bổ, nâng cấp, bổ sung giường bệnh và trang thiết bị y tế. Trạm y tế thực hiện chế độ trực cứu thương, ngoài ra còn tổ chức huấn luyện sơ cứu cho các đội cứu thương của dân quân. Trạm có tủ thuốc phòng không và các túi thuốc sẵn sàng phục vụ khi có tình huống xảy ra. Khi có thương vong do bom đạn,các cán bộ y tế đã kịp thời có mặt để sơ cưú cho những người bị nạn . Trạm y tế đã phát động nhân dân thực hiện các phong trào “Ba sạch”, “Ba diệt”, đẩy mạnh xây dựng ba công trình vệ sinh.

      Đảng bộ Minh Sơn từ năm 1965- 1975 đã ngày càng được củng cố và trưởng thành mọi mặt. Đảng bộ đã tổ chức được 5 kỳ Đại hội vào tháng 6- 1967 (Đại hội X), tháng 9- 1968 (Đại hội XI), tháng 11- 1970 (Đại hội XII), tháng 4- 1972 (Đại hội XIII) và tháng 10- 1974 (Đại hội XIV). Các đồng chí Mai Văn Lâm, Nguyễn Tăng Thôn, Trịnh Hữu Quế lần lượt được bầu làm Bí thư Đảng uỷ xã. Đồng chí Lê Phú Thơm được bầu giữ chức Phó Bí thư, Chủ tịch UBHC xã trong 4 nhiệm kỳ và đến Đại hội lần thứ XIV là đồng chí Lê Thị Bang.

         Qua 5 nhiệm kỳ, Đảng bộ xã Minh Sơn đã hoàn thành tốt vai trò lãnh đạo nhân dân trong xã thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và huy động sức người sức của chi viện tiền tuyến. Chế độ phụ cấp giai đoạn này rất thấp, trình độ và năng lực cán bộ còn hạn chế nhiều mặt, ít có điều kiện được đi học nâng cao trình độ nhưng hầu hết các đồng chí cán bộ đảng viên đảm nhiệm các cương vị trong đảng, chính quyền xã đều hết lòng thận trọng với công việc, đi sâu đi sát cơ sở, gần gũi quần chúng, cố gắng phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao ở mức cao nhất. Một số đồng chí trong nhiều năm liền đảm nhiệm cương vị chủ chốt trong Đảng bộ và chính quyền đã có nhiều đóng góp cho phong trào của xã trong thời kỳ khó khăn này là các đồng chí Nguyễn Tài Cấp, Lê Thọ Ẩm, Nguyễn Văn Minh, Ngô Văn Pháo, Lê Phú Thơm, Mai Văn Đốc v.v…

      Đảng bộ tiếp tục thực hiện cuộc vận đông xây dựng chi bộ 4 tốt, từ đó nâng cao tính gương mẫu trong đạo đức lối sống của đảng viên, nâng cao uy tín của đảng viên đối với quần chúng. Qua các nhiệm kỳ Đại hội, Ban chấp hành Đảng uỷ xã không ngừng được kiện toàn. Trình độ lý luận và nhận thức tư tưởng của cán bộ đảng viên được nâng cao. Đảng viên luôn đề cao tinh thần trách nhiệm gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào của xã. Qua phân loại hàng năm,phần lớn chi bộ và đảng viên đều đạt tiêu chuẩn 4 tốt.

      Từ năm 1970- 1971, Đảng bộ tập trung thực hiện cuộc vận động nâng cao chất lượng đảng viên, giáo dục đảng viên gắn liền với 7 yêu cầu xây dựng Đảng, kết nạp đảng viên lớp Hồ Chí Minh và đưa những người không đủ tư cách ra khỏi đảng. Trong những năm 1972- 1974, Đảng bộ triển khai thực hiện  Nghị quyết 19, Chỉ thị 192 của Ban Bí thư Trung ương, Nghị quyết 226 của Bộ Chính trị. Mỗi cán bộ đảng viên đã liên hệ kiểm điểm nghiêm túc, xác định rõ hơn vai trò trách nhiệm của mình. Quan hệ giữa Đảng và quần chúng gắn bó, đảng viên được quần chúng tin tưởng . Công tác phát triển Đảng được Đảng bộ quan tâm thường xuyên. Trong giai đoạn 1965- 1973, Đảng bộ đã kết nạp 59 đảng viên,bình quân mỗi năm kết nạp 6- 7 đảng viên là những quần chúng ưu tú trong các phong trào của ngành, đoàn thể trong xã.

         Ngày 30- 4- 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền Nam đựơc hoàn toàn giải phóng, đất nước ta từ đây bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước cùng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ghi nhận những thành tích đóng góp của nhân dân Minh Sơn, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng cho nhiều tập thể, gia đình và cá nhân những danh hiệu và phần thưởng cao quý: 36 Huân chương kháng chiến hạng Nhất, 111 Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, 118 Huân chương Kháng chiến hạng Ba, 110 Huy chương kháng chiến hạng Nhất và hạng Nhì, 45 gia đình và 49 cá nhân được tặng Bằng khen. Có 6 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng là các bà Trịnh Thị Tỵ (thôn 2) có 3 con là liệt sĩ, Trịnh Thị Dục (thôn 4) có 1 con độc nhất là liệt sĩ, Lê Thị Lé (thôn 4) có 2 con là liệt sĩ, Trịnh Thị Độ (thôn 5) có 3 con là liệt sĩ, Trịnh Thị Ất và  Trịnh Thị  Hầm(Tân Phong) đều có một con độc nhất là liệt sĩ. 6 gia đình có 2 con là liệt sĩ là gia đình các ông bà Nguyễn Tài Thú (thôn 1), Hoàng Văn Nổi (thôn 2), Trịnh Thị Nghịnh (thôn 5), Trịnh Thị Mông (thôn 5), Trịnh Hữu Kình (Tân Phong). Ghi nhận những thành tích của Đảng bộ và nhân dân Minh Sơn, ngày 8- 11- 2000, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Minh Sơn đã được Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vì “Đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”

      Những thành tích to lớn của Đảng bộ và nhân dân Minh Sơn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ và hy sinh là nguồn động viên, cổ vũ to lớn, tiếp thêm sức mạnh và ý chí để Đảng bộ và nhân dân trong xã bước vào thời kỳ mới xây dựng quê hương trong điều kiện hoà bình, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CHƯƠNG IV

 

ĐẢNG BỘ XÃ MINH SƠN LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC, CÙNG CẢ NƯỚC QUÁ ĐỘ ĐI LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI (1975-1985)

 

I. ĐẢNG BỘ XÃ LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN KHẮC PHỤC HẬU QUẢ CHIẾN TRANH, THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC 5 NĂM LẦN THỨ HAI (1976- 1980)

          Thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 đã đập tan bộ máy cai trị của chính quyền tay sai ở miền Nam, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Cách mạng nước ta từ việc tiến hành 2 nhiệm vụ chiến lược ở hai miền chuyển sang thời kỳ mới cả nước cùng thực hiện nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

          Trong thời kỳ mới, Đảng bộ và nhân dân xã Minh Sơn lại tiếp tục tiến hành công cuộc khắc phục những hậu quả của chiến tranh gây ra, thực hiện nhiệm vụ xây dựng quê hương, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ IV và kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976- 1980). Thuận lợi cơ bản lúc này là đất nước hoà bình có điều kiện để tập trung xây dựng kinh tế. Nhân dân Minh Sơn đã được tôi luyện trong chiến đấu, có đủ tinh thần và nghị lực vượt qua khó khăn thử thách để xây dựng quê hương. Điều kiện tự nhiên của Minh Sơn có tiềm năng lớn để phát triển nền kinh tế phong phú và đa dạng. Đảng bộ Minh Sơn cũng được rèn luyện thử thách nhiều trong 2 cuộc kháng chiến, có một thế hệ đảng viên gương mẫu và có trách nhiệm cao trong công tác v.v…

          Tuy nhiên những hy sinh mất mát của 30 năm chiến tranh còn rất nặng nề đã làm hao tổn rất lớn tiềm lực mọi mặt của địa phương. Bom đạn của quân xâm lược đã trút xuống làng mạc Minh Sơn gây ra bao nhiêu đau thương tang tóc cho người dân với nhiều người chết, nhà cửa, trường lớp bị san phẳng . Hàng trăm người con thân yêu ra chiến trường đã không trở về. Cơ sở vật chất của xã rất thiếu thốn, nghèo nàn lại bị tàn phá nhiều trong chiến tranh. Do hoàn cảnh chiến

 

tranh, trình độ tổ chức quản lý kinh tế của đội ngũ cán bộ còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ mới. Trong các năm 1976- 1978 tình hình thời tiết diễn ra bất lợi, hạn hán kéo dài rồi đến lũ lụt trên địa bàn tỉnh làm cho mùa màng thất bát, đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn.

          Tháng 4- 1975, Đảng bộ huyện Triệu Sơn họp Đại hội lần thứ V. Sau đó Huyện uỷ Triệu Sơn phát động chiến dịch “Na Sơn thần tốc” với mục tiêu: thu chiêm và làm mùa với tinh thần “sớm, trưa, chiều, tối, 4 buổi ra đồng, thần tốc tiến công, giành cờ 3 nhất”.

          Trong không khí phấn khởi của toàn Đảng, toàn dân trước thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong các ngày từ mùng 8 đến 11- 5- 1975, Đại hội Đảng bộ xã Minh Sơn lần thứ XV đã được tổ chức tại hội trường xã . Có 90 đảng viên của 11 chi bộ thay mặt cho 125 đảng viên của toàn Đảng bộ về dự Đại hội. Đại hội đã nghe và thảo luận việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ trong nhiệm kỳ qua, phương hướng nhiệm vụ của Đảng bộ trong nhiệm kỳ tiếp theo. Chỉ tiêu kinh tế mà Đại hội đề ra năm 1975 là: Diện tích 515 mẫu, năng suất 2,9 tấn/ha, sản lượng 748,5 tấn. Cơ cấu giống lúa đảm bảo 50% là nông nghiệp 22, còn lại là nông nghiệp 8 và chiêm trăng. Diện tích khoai đông 30 mẫu, trại chăn nuôi lợn tập thể có 100 con lợn thịt, đàn vịt gốc 600 con, vịt thời vụ 6000 con, sản lượng cá 16 tấn v.v….

          Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Đảng uỷ xã gồm 11 đồng chí. Đồng chí Trịnh Hữu Quế tiếp tục được bầu làm Bí thư Đảng uỷ xã, đồng chí Mai Văn Viễn Chủ tịch UBHC xã được bầu làm Phó Bí thư, đồng chí Nguyễn Tài Tâng làm Trực Đảng ủy xã.(1)

          Cũng trong tháng 5- 1975, Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá lần thứ VIII đã được tổ chức: Đại hội bàn việc tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh 3 cuộc cách mạng để đưa nền kinh tế sản xuất nhỏ tiến dần lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, trước mắt là giải quyết vững chắc vấn đề lương thực. Đại hội đã quyết định 3

 

công tác lớn trong 2 năm 1975- 1976 là : Tập trung chỉ đạo cuộc vận động tổ chức lại sản xuất và cải tiến một bước quản lý Nhà nước từ cơ sở và trong các ngành kinh tế. Phát huy quyền làm chủ tập thể của quần chúng, chăm lo cải thiện đời sống nhân dân, tổ chức phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa. Tăng cường xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết 23 của Trung ương, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ.

          Sau thành công của Đại hội Đảng bộ tỉnh, xã Minh Sơn đã phát động đợt thi đua 55 ngày (từ ngày 5- 6 đến 30- 7-1975) do tỉnh phát động mang tên “tiến vào thời kỳ mới” kết hợp với chiến dịch “Na sơn thần tốc” do huyện phát động, tập trung vào nhiệm vụ hoàn chỉnh thuỷ nông, làm vụ mà đúng thời vụ, hoàn thành nghĩa vụ lương thực cho Nhà nước….Đợt thi đua đã trở thành một phong trào lao động sôi nổi trong toàn xã với sự tham gia đông đảo của cán bộ đảng viên và nhân dân.

          Trong 2 năm 1975- 1976, huyện Triệu Sơn đã mở hai chiến dịch lớn mang tên “Na Sơn thần tốc” và “Na Sơn nổi lửa” huy động mỗi năm hàng triệu ngày công, đào đắp hàng triệu mét khối đất để hoàn chỉnh hệ thống thuỷ lợi gồm kênh mương tưới tiêu và giao thông đồng ruộng, tu sửa hồ đập và đê điều. Xã Minh Sơn đã huy động hàng nghìn ngày công để củng cố lại hệ thống bờ vùng bờ thửa, kênh mương tưới tiêu trên địa bàn xã, góp phần cùng toàn huyện hoàn thành công tác hoàn chỉnh thuỷ nông. Thành tích của huyện Triệu Sơn trong hai năm 1976- 1977 đã được Chính phủ tặng cờ “Đơn vị khá nhất’ và được Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh về thăm (năm 1976), Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm (năm 1977).

          Đến năm 1975, hợp tác xã nông nghiệp Minh Sơn vẫn duy trì 9 đội sản xuất cơ bản về trồng trọt. Diện tích canh tác 562,7 mẫu, diện tích có thể trồng lúa cả năm là 1015 mẫu. Đàn trâu, bò có 114 con trâu, 92 con bò, tổng cộng là 207 con. Về ngành nghề có 1 tổ nuôi cá, 1 tổ chăn nuôi lợn và vịt, 1 đội lò gạch và 1 tổ xây dựng cơ bản.

          Sản xuất nông nghiệp của xã năm 1975 đã đạt kết quả như sau: Diện tích lúa cả năm là 961 mẫu, đạt 94% kế hoạch và tăng 71,4 mẫu so với năm 1974, sản lượng là 485,2 tấn (vụ chiêm 372,2 tấn; vụ mùa 113 tấn).Diện tích tăng nhưng sản lượng thấp hơn năm 1974. Diện tích nây màu cả năm là 21 mẫu. Chăn nuôi cả nước ngọt ước đạt 14,4 tấn. Chăn nuôi vịt tuy chỉ đạt 70% kế hoạch nhưng tăng gấp đôi so với năm 1974 cả về đàn con và sản lượng trứng.Về ngành nghề toàn xã có 115 lao động, đạt doanh thu 36.626 đồng. Riêng sản lượng gạch đạt 32 vạn viên, đáp ứng nhu cầu xây dựng của xã viên và phục vụ việc xây dựng cơ sở hạ tầng của xã như nhà kho, sân phơi, cầu cống thuỷ lợi.

          Ngày 7 và 8- 11- 1975, Thường vụ Đảng uỷ xã đã họp bàn về phương hướng xây dựng và nội dung thực hiện 4 chương trình theo kế hoạch của huyện (cải tạo đất, xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng nông thôn mới và xây dựng con người mới). Đến cuối năm 1975, hợp tác xã Minh Sơn đã hoàn thành việc điều tra thổ nhưỡng. Trên cơ sở đó đã phân loại chất đất, định ra cơ cấu cây trồng và mục tiêu phấn đấu cụ thể cho từng vùng về năng suất và sản lượng. Xây dựng chương trình cải tạo đất, căn cứ vào chất đất từng xứ đồng để có chế độ chăm bón thích hợp nhằm tăng độ màu mỡ cho đất và tăng năng suất cây trồng. Củng cố hệ thống cơ sở vật chất như sân phơi, nhà kho, trạm trại chăn nuôi, hệ thống giao thông và mương máng tưới tiêu. Bố trí lại dân cư cho thích hợp, khuyến khích các gia đình phát triển sản xuất vật liệu xây dựng để kiến thiết nông thôn. Nhiệm vụ trước mắt là đẩy mạnh các biện pháp cải tạo đất: cày ải để tăng độ mùn cho đất, phân bón mỗi sào là 10- 15 kg phốt phát, 3- 6 tạ bèo dâu, 3- 6 tạ than bùn khô, 30- 40 kg vôi. Tiếp tục củng cố các đội 202, đội lò gạch, đội chăn nuôi, đội giống. Số diện tích 29 mẫu tại Cống Nấp được giao cho đội 1 là đội chuyên phụ trách sản xuất các loại giống lúa cho hợp tác xã.

          Tháng 8 – 1976, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ VI được tiến hành. Đại hội đã kiểm điểm đánh giá tình hình phong trào trong nhiệm kỳ qua, đề ra phương hướng chung của kế hoạch 5 năm 1976- 1980 là :“Quyết tâm phấn đấu đến năm 1980 thành huyện nông nghiệp thâm canh lúa có năng suất, sản lượng cao; có phát triển và kinh doanh lâm nghiệp, có cơ cấu ngành công nghiệp, điện, cơ khí (sửa chữa),cơ giới (cả vận tải và máy móc nông nghiệp), có công nghiệp chế biến nông sản đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, tổ chức và từng bước cải thiện, nâng cao đời sống của nhân dân, đóng góp ngày càng lớn cho Nhà nước”.

          Tháng 12- 1976, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV đã đề ra đường lối chung của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta và đường lối xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, quyết định phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976- 1980) trong đó trọng tâm là thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, giải quyết cho được vấn đề lương thực, thực phẩm.

          Thực hiện cuộc vận động “tổ chức lại sản xuất, cải tiến một bước quản lý nông nghiệp theo hướng tiến lên sản xuất xã hội chủ nghĩa”, theo tinh thần Nghị quyết số 61-Cp của Hội đồng Chính phủ, Đảng bộ Minh Sơn đã chỉ đạo hợp tác xã nông nghiệp tổ chức lại lao động, cải tiến và nâng cao trình độ quản lý của hợp tác xã. Năm 1977, hợp tác xã có 8 đội sản xuất cơ bản và 1 đội chăn nuôi. Để thực hiện việc tổ chức lao động trong hợp tác xã,từ giữa năm 1978, hợp tác xã tổ chức thêm 4 đội chuyên đặt dưới sự điều hành của ban quản lý hợp tác xã: đội quản lý giống, đội làm phân bón, đội bảo vệ và thủy nông, đội vận chuyển. Các mặt quản lý trong hợp tác xã như quy hoạch, kế hoạch, kỹ thuật, lao động, tài vụ được quan tâm thực hiện. Tuy nhiên trình độ quản lý còn nhiều mặt hạn chế chưa theo kịp yêu cầu của việc quản lý điều hành hợp tác xã cấp cấp cao toàn xã.Qua việc hoàn thành điều tra thổ nhưỡng, hợp tác xã đã xây dựng được bản đố quy hoạch, trên cơ sở đó đã phân loại được chất đất,xác định cơ cấu cây trồng và mục tiêu phấn đấu cụ thể cho từng vùng về năng suất và sản lượng. Công tác khai hoang để mở rộng diện tích gieo trồng, cải tạo đồng ruộng được coi là một nhiệm vụ trọng tâm của các đội sản xuất. Đến tháng 10- 1987 toàn xã đã san ghềnh lấp trũng, khai hoang được 35 mẫu tại Đồng Nẫn, giao cho các đội gieo cấy để xây dựng quỹ đội.

          Cơ sở vật chất của hợp tác xã được tăng cường hơn trước. Đến năm 1978, hợp tác đã xây dựng được 7 gian nhà kho và hệ thống sân phơi, 12 gian chuồng trại chăn nuôi. Đầu năm 1980 trạm bơm chống hạn Đồng Rùa được hoàn thành đưa vào sử dụng có tác dụng đảm bảo khâu nước cho hàng trăm ha đồng ruộng ven sông Nhơm.

          Kết quả sản xuất nông nghiệp giai đoạn này không ổn định, có những năm không đạt kế hoạch do tình hình thời tiết khắc nghiệt gây ra. Tổng sản lượng lương thực vụ mùa năm 1977 của 8 đội sản xuất là 314,47 tấn, vụ chiêm năm 1978 sản lượng lương thực đạt 297,25 tấn vụ mùa. Năm 1978 huyện Triệu Sơn là một trong những huyện bị thiệt hại nặng nề do trận lụt từ ngày 18 đến ngày 22-9 gây ra. Lượng mưa lên tới 630mm làm ngập lụt trên 3000ha lúa mùa. Riêng xã Minh Sơn bị ngập 200ha bằng 93,5% diện tích lúa mùa. Có 28 gia đình bị nước ngập vào nhà. Để kịp thời ổn định mọi mặt sau trận lụt, Đảng bộ và chính quyền, hợp tác xã đã phát động phong trào tập trung chăm bón số diện tích lúa còn lại, làm vệ sinh đồng ruộng, phòng bệnh cho người và gia súc, tổng vệ sinh đường làng. Trước mắt là tạm chia mỗi ngày công 0,5kg lúa, riêng các gia đình chính sách, già cả được ưu tiên tạm bán 20kg lúa tươi. Tập trung nhân lực làm 110 mẫu vụ đông, phát động mỗi hộ làm 1 sào khoai lang để tất cả hộ xã viên trong toàn xã có 60 mẫu khoai lang, tập thể 40 mẫu khoai lang (ở Bái Đâu và khu chăn nuôi), rau màu 10 mẫu. Mỗi hộ phấn đấu trồng 6 gốc bầu bí và xu hào, rau cải….góp phần tăng cường khẩu phần cho bữa ăn gia đình.

          Hội nghị Đảng ủy xã (ngày 18- 10-1978) đã nêu kế hoạch năm 1978 là: Diện tích gieo trồng cả năm là 424ha, sản lượng khoảng 956,4 tấn (vụ chiêm 528 tấn, vụ mùa 428 tấn). Khoai lang 43ha, sản lượng 72 tấn. Chăn nuôi 1500 con lợn trong đó có 300 con nuôi tập thể. Cá đạt 6 tấn,đàn gia cầm 4000 con; gạch đạt 2 triệu viên/năm; xây dựng 1 lò vôi, mỗi tháng nấu 3 lò với sản lượng 9 tấn v.v….

          Vụ chiêm năm 1979, Minh Sơn gieo cấy 409 mẫu, đạt 92,1 % kế hoạch. Sản lượng lương thực đạt 301,12 tấn, trong đó đội 1 có sản lượng cao nhất là 44,65 tấn. Phương án phân phối vụ 5-1979 là: phần nhà nước ( bao gồm thuế, trả nợ và bán nghĩa vụ) là 92,5 tấn, phần hợp tác xã (giống, công ích, chăn nuôi tập thể) là 55 tấn, phần xã viên là 16 tấn. Giá trị ngày công đạt 1kg/công. Tổng thu nhập từ trồng trọt chăn nuôi và ngành nghề  là 198 320 đồng, trong đó trồng trọt chiếm tỷ lệ 73,5%, chăn nuôi chiếm 8,12% và ngành nghề chiếm tỉ lệ 14,25%. Vụ mùa năm 1979 trên diện tích 398 mẫu đạt sản lượng 317 tấn, trong đó làm nghĩa vụ cho Nhà nước là 60 tấn. Vụ đông năm 1979 là vụ có diện tích lớn nhất đạt 130 mẫu (trong đó có 17,5 mẫu là của tập thể), đạt 95% kế hoạch đề ra.

          Về chăn nuôi, xã chủ trương đẩy mạnh phát triển cả chăn nuôi gia đình và tập thể, trong đó đàn lợn tập thể luôn duy trì từ 250-300 con. Hợp tác xã giao nghĩa vụ chăn nuôi cho các gia đình dựa trên diện tích 5% đất đồi vườn và tổng sản thu nhập của gia đình (1). Đàn trâu bò toàn xã duy trì ở mức xấp xỉ 200 con.

          Trong giai đoạn này, tỉnh Thanh Hoá đã khởi công xây dựng một số công trình thuỷ lợi lớn như sông Lý, sông Hoàng, Lạch Bạng, v.v... Năm 1976, Minh Sơn đã huy động hàng trăm lượt lao động tham gia xây dựng trên công trường Quảng Châu (còn gọi là công trình Thống Nhất) góp phần cùng với toàn huyện Triệu Sơn hoàn thành khối lượng đào đắp 180.000m3 đất. Trên công trường bồi trúc đê sông Nhơm, Minh Sơn cũng đã gấp rút hoàn thành chỉ tiêu được giao trong thời gian 3 tháng. Đầu năm 1978, Minh Sơn đã cử đồng chí  Phó Chủ tịch UBND xã đưa quân lên công trường sông Hoàng. Tháng 6-1979, nhân dân Minh Sơn lại cử người tham gia công trường Lạch Bạng và công trường 101. Cuối năm 1979, Minh Sơn tiếp tục huy động thanh niên và đội 202 gồm 100 người tham gia công trường làm đường sắt qua huyện với khối lượng được giao là 6500m3. Trên các công trường giao thông, thuỷ lợi của tỉnh và huyện, các đội thuỷ lợi của xã đều hoàn thành tốt công việc được giao.

          Các lĩnh vực giáo dục, văn hoá xã hội, y tế đều được Đảng bộ quan tâm thực hiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân. Trong những năm 1975-1985, cơ sở vật chất của các trường học còn rất thiếu thốn, phòng học chỉ là các lán tre vách đất trong thời kỳ trước đó được sửa sang lại cho học sinh học tập, nền lớp học là nền đất. Thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục, từ năm 1975-1976 Trường phổ thông cấp I, II Minh Sơn được tách thành 2 trường cấp I và cấp II. Thầy Trịnh Xuân Thiêm (Tân Thành) là Hiệu trưởng Trường cấp II Minh Sơn, thầy Hoàng Văn Trạch (Hoằng Đồng) là Hiệu trưởng trường cấp I Minh Sơn.Tổng số giáo viên của 2 trường là 40 thầy cô. Năm học 1975-1976, Trường cấp I có 18 lớp với 820 học sinh, trường cấp II có 9 lớp với 415 học sinh. Đến năm học 1979 – 1980 trường cấp I có 20 lớp với 535 học sinh, trường cấp II có 10 lớp với 391 học sinh. Thầy và trò cấp I, cấp II Minh Sơn đã tích cực phấn đấu thi đua “Dạy tốt, học tốt”. Tỉ lệ đậu tốt nghiệp hàng năm đạt từ 82-96%, số học sinh giỏi và khá hàng năm của trường cấp I từ 37% (năm học 1975-1976) tăng lên là 55% (năm học 1979-1980), tỉ lệ này ở trường cấp II trong hai năm học trên là 40% tăng lên là 50%. Hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo do hợp tác xã nông nghiệp chi trả chế độ công điểm cho các cô nuôi dạy và trông coi các cháu. Khối vỡ lòng có 4 lớp ở 4 khu vực dân cư  để các cháu đến lớp thuận tiện.

          Phong trào văn hoá văn nghệ của xã ngày càng góp phần thiết thực phục vụ đời sống nhân dân trong xã. Đội văn nghệ xã có 12 người do ông Mai Văn Minh là đội trưởng. Đạo diễn và cố vấn cho đội là ông Mai Văn Uyển. Đội đã thường xuyên luyện tập các tiết mục văn nghệ để biểu diễn phục vụ nhân dân trong xã vào các ngày kỷ niệm, lễ tết được nhân dân đánh giá cao. Tháng 10-1977 xã khai trương Thư viện xã với hàng trăm đầu sách phục vụ bạn đọc. Phong trào xây dựng đời sống văn hoá tiếp tục được đẩy mạnh. Năm 1979, nhân dân trong xã đã đóng góp mỗi hộ 20 đồng để xây dựng hệ thống loa kim đến tận các gia đình, góp phần truyền tải các chủ trương chính sách của các cấp đến mọi người dân.

          Địa phương đã giành ngân sách để xây dựng trạm xá xã vào năm 1977 gồm 4 phòng, chất lượng khám và chữa bệnh cho nhân dân được nâng lên. Trạm đã tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền và tích cực tuyên truyền vận động nhân dân xây dựng 3 công trình vệ sinh (nhà tiêu, nhà tắm, giếng nước). Công tác tiêm phòng được chú trọng.

          Trong giai đoạn này, tình hình biên giới nước ta đã có những diễn biến phức tạp. Từ năm 1978-1979, hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc nổ ra. Ở phía Tây Nam, tập đoàn phản động ở Campuchia tấn công lấn chiếm lãnh thổ nước ta. Tháng 2-1979, giới lãnh đạoTrung Quốc huy động hơn 60 vạn quân  tấn công xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Tháng 3-1979, Chủ tịch nước công bố lệnh “Tổng động viên” trong cả nước. Thực hiện nghĩa vụ công dân khi tổ quốc lâm nguy, hàng trăm thanh niên xã Minh Sơn đã hăng hái gia nhập lực lượng vũ trang, nhiều đồng chí tham gia trực tiếp chiến đấu tại hai tuyến biên giới. Trong các cuộc chiến đấu đã có 9 người con của Minh Sơn  hy sinh anh dũng ở mặt trận phía Tây Nam và biên giới phía Bắc, góp phần bảo vệ Tổ quốc.

          Thực hiện Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ về quân sự hoá toàn dân, vũ trang toàn dân, Đảng uỷ đã thành lập Ban chỉ huy quân sự do đồng chí Bí thư Đảng uỷ làm trưởng ban, các đồng chí Xã đội trưởng và  Trưởng Công an xã làm phó ban. Đảng bộ đã chú trọng phổ biến cho toàn dân về tình hình và nhiệm vụ mới, phát động toàn dân chuẩn bị chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Lực lượng dân quân mỗi thôn duy trì 1 trung đội, toàn xã có 1 trung đội mạnh. Các đơn vị dân quân tích cực tham gia huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật quân sự, sẵn sàng chiến đấu khi có tình huống bất ngờ xảy ra. Lực lượng công an luôn được củng cố, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới.

          Trong giai đoạn 1975-1980, Đảng bộ Minh Sơn đã không ngừng nâng cao vai trò và năng lực lãnh đạo để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của thời kỳ mới vừa có hoà bình, vừa có chiến tranh. Mọi chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên được quán triệt đến đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đảng bộ đã tổ chức cho đảng viên học tập 10 nhiệm vụ, 5 tiêu chuẩn của đảng viên. Đặc biệt, việc thực hiện Chỉ thị 192, Nghị quyết 23, Thông tư 22 của Trung ương và Chỉ thị 13 của Tỉnh uỷ Thanh Hoá đã được chỉ đạo chặt chẽ, góp phần nâng cao chất lượng đảng viên, củng cố tổ chức cơ sở Đảng. Đảng bộ đã lấy việc thực hiện nhiệm vụ chính trị cơ sở, việc chấp hành chỉ thị, nghị quyết, làm nghĩa vụ cho Nhà nước, việc thực hiện điều lệ Đảng và việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên soi rọi vào từng đảng viên để tiến hành kiểm điểm. Kết quả phân loại đảng viên vào tháng 5-1975, có 88 đồng chí đủ tư cách đạt 79,2%, 23 đồng chí chưa đủ tư cách chiếm 20,8% (tổng số đảng viên là 125 đồng chí, sinh hoạt trong 11 chi bộ, trong đó có 14 đồng chí già yếu được xét miễn sinh hoạt). Năm 1976, kết quả phân loại đảng viên theo Thông tri 315 là: tổng số đảng viên dự phân loại 113 đồng chí. Loại tích cực và khá là 89 đồng chí (78,8%), loại trung bình 21 đồng chí (18,6%) và vận động làm đơn xin ra đảng 3 đồng chí (2,6%). Thực hiện Thông tri 22 về việc giải quyết đảng viên yếu kém, trong năm 1978 đã đưa ra khỏi đảng 9 đảng viên. Năm 1980 tiếp tục đưa ra khỏi đảng 6 đảng viên không đủ tư cách.

          Để tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, thực hiện chủ trương của huyện, Đảng bộ Minh Sơn đã tiến hành việc xây dựng trường Đảng xã. Cơ sở vật chất còn rất thiếu thốn, Đảng bộ đã huy động mỗi đảng viên đóng góp 3 đồng để bổ sung cùng với nguồn ngân sách xã và hợp tác xã được 337 đồng dùng để mua 10 bộ bàn ghế cho trường. Ngày 21-10-1975 trường Đảng của xã đã khai giảng lớp học đầu tiên (1).

          Về công tác tổ chức, từ đầu năm 1976, Đảng uỷ thống nhất thành lập thêm chi bộ lò gạch (đồng chí Đội bí thư), chi bộ đội 202 (đồng chí Lê Phú Vinh bí thư) và chi bộ chăn nuôi (đồng chí Mai Văn Uyên bí thư, từ năm 1978 đồng chí Lê Phú Nhự bí thư).  Đến năm 1979, Đảng bộ Minh Sơn có 13 Chi bộ, trong đó có 7 chi bộ đội sản xuất (từ 1 đến 7) và 6 chi bộ ngành: chăn nuôi, đội giống, lò gạch, nhà trường, cửa hàng và trạm xá. Từ năm 1980, chấp hành Nghị quyết của Huyện uỷ, Đảng bộ Minh Sơn thành lập 2 chi bộ cơ quan trực thuộc Đảng uỷ là chi bộ 1 (gồm đảng viên khối trực Đảng uỷ, UBND xã), chi bộ 2 (gồm đảng viên khối hợp tác xã nông nghiệp – ban chủ nhiệm và 2 bộ môn giúp việc).

          Tháng 3-1978, Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XVII đã được tiến hành. Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng ủy xã gồm 11 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Tài Tâng được bầu làm Bí thư đảng ủy,đồng chí Lê Thị Bang được bầu làm Phó bí thư,Chủ tịch UBND xã(2).

Nhằm từng bước triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Triệu Sơn lần thứ VI (đầu tháng 5-1979), từ ngày 18 đến 20-5-1979, Đại hội Đảng bộ xã Minh Sơn lần thứ XVIII đã được tổ chức với sự tham dự của 94 đảng viên trong 13 chi bộ. Đại hội đã tiến hành kiểm điểm kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 1978-1979, đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ mới. Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ khoá 19 gồm 10 đồng chí(2). Phiên họp đầu tiên của Ban chấp hành Đảng bộ đã bầu đồng chí Lê Thị Bang làm Bí thư Đảng uỷ, đồng chí Nguyễn Sơn Giang được bầu làm Phó Bí thư - Chủ tịch UBND xã.

Như vậy, qua 5 năm sau ngày đất nước thống nhất, Đảng bộ và nhân dân Minh Sơn đã nỗ lực vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Tuy nhiên, tình hình sản xuất nông nghiệp thời gian này đã bộc lộ nhiều hạn chế. Năng suất lúa, màu không ổn định và đang có nguy cơ giảm sút. Vấn đề thiếu lương thực chưa được giải quyết cơ bản. Công tác quản lý kinh tế tài chính, đất đai, lao động của hợp tác xã nông nghiệp còn chưa đáp ứng được yêu cầucủa một hợp tác xã toàn xã. Bộ máy tổ chức quản lý vừa thiếu vừa có hạn chế về nhiều mặt, v.v...

          Lúc này, nhu cầu bức thiết là phải có một cơ chế mới trong nông nghiệp. Giữa lúc đó, chủ trương khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động của Ban Bí thư Trung ương Đảng được ban hành đã mở ra một thời kỳ phát triển mới trong nông nghiệp và nông thôn nước ta.

II. MINH SƠN THỰC HIỆN KHOÁN SẢN PHẨM TRONG NÔNG NGHIỆP, THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC 5 NĂM LẦN THỨ BA (1981-1985)

          Từ cuối thập kỷ 70 của thế kỷ XX, nền kinh tế nước ta ở trong tình trạng khủng hoảng gay gắt, lương thực và các mặt hàng thiết yếu khác đều thiếu thốn. Bên cạnh những khó khăn khách quan, chế độ quản lý hành chính bao cấp là một nguyên nhân cản trở rất lớn đến sự phát triển của nền kinh tế. Cơ chế quản lý kinh tế ngày càng bộc lộ những hạn chế và không còn phù hợp với tình hình mới. Trong nông nghiệp, người nông dân trở nên thụ động, không chú trọng đến hiệu quả công việc mà chỉ chú ý đến công điểm. Tệ làm dối, làm ẩu xảy ra ở nhiều nơi.

          Trước tình hình trên, Ban chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương biện pháp để khắc phục tình hình, đưa nền nông nghiệp vượt qua khó khăn để ổn định và từng bước phát triển. Tại Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 9 (khoá IV) tháng 12-1980 bàn về phương hướng nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 1981, Đảng đã nêu chủ trương mở rộng việc thực hiện và hoàn thiện các hình thức khoán sản phẩm trong nông nghiệp. Tiếp đó, tháng 11-1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị 100/CT-TW về khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã sản xuất nông nghiệp (còn gọi là “khoán 100”).

          Thực hiện chủ trương khoán mới, Đảng bộ và chính quyền xã Minh Sơn đã tổ chức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn xã học tập và triển khai từ vụ chiêm xuân năm 1981. Đảng bộ đã quán triệt mục đích, yêu cầu, nội dung của việc khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động theo Chỉ thị 100 và Nghị quyết 10 của Huyện uỷ Triệu Sơn.

          Tại Hội nghị Đảng uỷ - UBND và hợp tác xã nông nghiệp Minh Sơn ngày 25-11-1980, kế hoạch giao khoán của hợp tác xã trong vụ chiêm năm 1981 là: Tổng diện tích của 9 đội sản xuất (gồm 8 đội cơ bản và 1 đội chăn nuôi) là 417 mẫu 2 sào 12 thước, tổng số lao động là 1074 lao động, trong đó lao động trồng trọt là 722 lao động (67,2%), tổng sản là 364,27 tấn. Bình quân diện tích trồng trọt mỗi lao động chính là 7 sào 2 thước. Tính đến năm 1981, toàn xã có 751 hộ, 3185 khẩu trong đó có 30 hộ làm thương nghiệp.

          Ngày 7-1-1981, Đảng ủy xã đã họp mở rộng thông qua phương hướng nhiệm vụ năm 1981 của xã là:

          - Diện tích lúa cả năm: 700 mẫu, năng suất 140kg/sào/vụ, cả năm đạt 5,6 tấn/ha. Sản lượng 980 tấn.

          - Diện tích vụ đông: 200 mẫu, năng suất 250kg/sào, sản lượng 500 tấn bằng 166 tấn qui thóc.

          - Chăn nuôi: Đàn trâu bò 200 con, lợn nuôi khu vực gia đình xã viên 1100 con, khu vực hợp tác xã 500 con, vịt gốc 600 con, cá 12 tấn.

          - Sản xuất gạch ngói: 2 triệu viên.

          Thực hiện khoán mới, hợp tác xã nông nghiệp Minh Sơn tiếp tục tổ chức thành một số tổ chuyên khâu làm những khâu công việc quan trọng, đòi hỏi kỹ thuật gắn với việc sử dụng các cơ sở vật chất kỹ thuật (làm đất, thủy nông, giống mạ, quản lý và phân phối phân bón, phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ mùa màng). Đội kỹ thuật giống có 26 lao động, đội vận chuyển xe bò 20 lao động, đội 202 có 80 lao động, đội bốc vác có 27 lao động, đội chăn nuôi cá, vịt, lợn có 36 lao động. Đối với các đội chuyên khâu này, hợp tác xã khoán việc cho từng tổ. Lao động gián tiếp có 84 người. Về phân bón hợp tác xã đầu tư 1 sào là 3kg phân đạm, các loại phân bón, phốt phát, vôi đầu tư theo khả năng. Vận động xã viên phấn đấu mỗi sào có 500 kg phân hữu cơ.Về giống, đầu tư vụ chiêm 7kg/sào, vụ mùa 6kg/sào. Cơ cấu giống lúa chủ yếu là 388 (50% diện tích), 314, Nông nghiệp 22, X1, Đông Xuân 2, Nông nghiệp 8, Trân châu lùn v.v….

          Đối với những công việc dựa vào cách làm thủ công (cấy, chăm sóc, thu hoạch) thì các đội sản xuất giao cho nhóm hoặc người lao động đảm nhiệm, trả công với mức 18 kg lúa 1 sào.

          Về chăn nuôi, xã giao sản lượng cho hộ gia đình theo số khẩu: từ 1- 3 khẩu là 10kg lợn hơi, 4- 5 khẩu là 15 kg, 6 khẩu trở lên là 20kg. Ngoài ra, đất 5% giao nghĩa vụ 1 thước (33m2) là 30 kg lợn hơi,những hộ có trên 2 sào đất đồi thì cứ mỗi sào làm nghĩa vụ 5 kg lợn hơi. Toàn bộ diện tích hồ Đồng Chùa, Tân Phong, Non Kỵ, Ao Rồng, Rọc Đong… thực hiện khoán sản lượng cho các gia đình nhận thầu nuôi cá.

          Chỉ thị 100 về khoán mới đã tạo nên động lực mới thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện khai thác sử dụng tốt hơn mọi tiềm năng về đất đai, lao động, ngành nghề của các hộ xã viên, làm cho nông dân phấn khởi ra sức thi đua thâm canh tăng năng suất. Việc thực hiện khoán mới đã hạn chế được các hiện tượng tiêu cực như lười lao động, chạy theo công điểm v.v…

          Thực hiện kế hoạch của huyện, để khắc phục những hạn chế yếu kém về quản lý, điều hành sản xuất, từ giữa năm 1981, hợp tác xã toàn xã Minh Sơn phân chia thành 3 hợp tác xã nhỏ:

          - Hợp tác xã Hoàng Đồng có 262 hộ, 1086 khẩu, 429 lao động, 113,54 ha đất canh tác;  đồng chí Lê Văn Tắc là chủ nhiệm hợp tác xã.

          - Hợp tác xã Ninh Phong có 244 hộ, 1164 khẩu, 448 lao động, 113,5 ha đất canh tác, đồng chí Sương là chủ nhiệm hợp tác xã.

          - Hợp tác xã Tân Thành có 210 hộ, 919 khẩu, 334 lao động, 72,72 ha đất canh tác . Đồng chí Trịnh Huy Tập  là chủ nhiệm hợp tác xã.

          Đàn trâu bò của 3 hợp tác xã lúc này là 169 con (Hoàng Đồng 71, Ninh Phong 51, Tân Thành 47). Đàn bò tư nhân 50 con, đàn lợn 706 con (Hoàng Đồng 292, Ninh Phong 244, Tân Thành 170.). Tuy chia thành 3 hợp tác xã nhưng các đội cơ bản vẫn duy trì như cũ , diện tích giao khoán cho xã viên và tài sản vật chất ở các khu vực vẫn giữ nguyên.     

          Từ ngày 23 đến 26- 12- 1981, Đại hội Đảng bộ xã Minh Sơn lần thứ XIX nhiệm kỳ 1981- 1983 đã được tiến hành. Đảng bộ kiểm điểm quá trình lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 1979- 1981, thảo luận và đề ra phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 1981- 1983. Đại hội đã xác định phương hướng chung là: quán triệt mọi quan điểm chủ trương của cấp trên, phát huy tiềm năng của Minh Sơn, phát huy tinh thần làm chủ tập thể của nhân dân, tập trung giải quyết vấn đề  lương thực, thực phẩm để ổn định đời sống nhân dân… Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành khóa mới gồm 11 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Tài Tâng được bầu làm Bí thư Đảng ủy, đồng chí Lê Phú Cốc được bầu làm phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã, đồng chí Trần Thắng  là Thường vụ - trực Đảng ủy.

          Tháng 3- 1982 Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V đã diễn ra tại thủ đô Hà Nội. Đại hội đã đề ra kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ ba (1981- 1985) với 4 mục tiêu và 10 chính sách lớn, trong đó nông nghiệp tiếp tục được coi là trọng tâm cùng với công nghiệp tiêu dùng và công nghiệp nặng.

          Thực hiện Nghị quyết Đảng bộ các cấp, Đảng bộ Minh Sơn tiếp tục lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh sản xuất trên cơ sở thực hiện tốt Chỉ thị 100, cải tiến công tác khoán để phát huy hơn nữa tính tích cực, tự giác của xã viên. Thực hiện Chỉ thị của Ban thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, Minh Sơn đã chú ý chấn chỉnh những sai lệch trong quá trình thực hiện khoán như việc “khoán trắng” cho xã viên, chưa quan tâm chỉ đạo 5 khâu mà hợp tác xã đảm nhiệm. Việc giao khoán đã đảm bảo hài hòa giữa 3 lợi ích. Các gia đình tập trung đầu tư phân bón, tận dụng mọi nguồn phân để chăm sóc lúa, tăng cường phòng trừ sâu bệnh v.v…..Vụ chiêm xuân năm 1981, diện tích giao khoán cho 3 hợp tác xã là 353 mẫu 7 sào 10 thước, trong đó hợp tác xã Hoàng Đồng 127 mẫu 9 sào 12 thước; hợp tác xã Ninh Phong 127 mẫu 2 sào 13 thước; hợp tác xã Tân Thành 98 mẫu 5 sào. Vụ mùa diện tích giao khoán là 401 mẫu: Hoàng Đồng 160 mẫu, Ninh Phong 136 mẫu, Tân Thành 105 mẫu. Kết quả sản xuất từ năm 1983 đến 1986 như sau:

          Năm 1983: Vụ chiêm đạt sản lượng 525 tấn, vụ mùa sản lượng đạt 610 tấn, sản lượng cả năm là 1165 tấn. Trong năm 1983,3 hợp tác xã đã hoàn thành 100% nghĩa vụ huy động lương thực cho Nhà nước là 50 tấn (Hoàng Đồng 18 tấn, Ninh Phong 18 tấn, Tân Thành 14 tấn).

          Vụ chiêm năm 1984 năng suất đạt 150kg/sào, sản lượng 540 tấn, vụ mùa do mất lụt phần lớn diện tích nên sản lượng chỉ đạt 73 tấn.

          Vụ chiêm năm 1985 đạt sản lượng 504 tấn, vụ mùa do mất lụt nên chỉ đạt 85 tấn.

Vụ chiêm năm 1986 gieo cấy 380 mẫu, năng suất đạt 3,08 tấn/ha, đạt sản lượng 585 tấn, vụ mùa đạt sản lượng 360 tấn. Sản lượng cả năm là 945 tấn.

          Sản xuất vụ đông tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và được nhân dân tích cực thực hiện. Đặc biệt là cây khoai lang hàng năm xã có từ 50- 100 ha, năng suất khoảng 150-200kg/sào. Cụ thể diện tích và sản lượng khoai lang các năm như sau: Năm 1983: 70 ha đạt 280 tấn (qui ra lúa là 93 tấn). Năm 1984 đạt 50 ha, sản lượng 200 tấn (bằng 66 tấn lúa). Năm 1985 đạt 75 ha, sản lượng 100 tấn. Năm 1986 đạt 120 mẫu, sản lượng đạt 240 tấn (bằng 80 tấn lúa).

          Trên đất vườn đồi, nhân dân phát triển trồng sắn, một loại cây lương thực rất quan trọng của giai đoạn này. Diện tích sắn từ 20 ha (1983) tăng lên 45 ha (năm 1984); sản lượng tăng từ 80 tấn (năm 1983) lên 180 tấn (năm 1094). Trong 3 năm 1983- 1985, sản lượng sắn thu được là 366 tấn (bằng 122 tấn qui thóc) góp phần bổ sung và giải quyết nhu cầu lương thực cho nhân dân địa phương.

          Lĩnh vực chăn nuôi, đặc biệt là nuôi lợn tiếp tục được duy trì và củng cố. Đàn trâu bò đến năm 1983 có 252 con (hợp tác xã Hoàng Đồng 105 con, hợp tác xã Ninh Phong 95 con, hợp tác xã Tân Thành 52 con).

          Hoạt động của hợp tác xã tín dụng và mua bán vẫn đóng góp đáng kể đối với sản xuất và đời sống ở địa phương. Hợp tác xã tín dụng đã có nhiều cố gắng trong việc động viên nhân dân gửi tiền tiết kiệm, số dư tiền gửi tiết kiệm đến năm 1985 là 46.864 đồng. Toàn xã có 52 sổ tiết kiệm, bình quân mỗi khẩu gửi 120 đồng (gấp 3 lần năm 1984).Quỹ bảo thọ xã có 326 cụ thamgia với số tiền là 20.912 đồng. Mặc dù lúc này tình hình hàng hóa khan hiếm, tiền vốn ít nhưng hợp tác xã mua bán đã đáp ứng nhu cầu phục vụ các mặt hàng thiết yếu như dầu đèn, muối ăn, phân, đạm…. Tính trong năm 1985, hợp tác xã mua bán Minh Sơn mua vào là 550.000 đồng, bán ra là 1.087670 đồng (trong đó có hàng đại lý, hàng kinh doanh và hàng ủy thác). Hàng địa phương có 33 tấn lúa, 13 tấn lợn hơi…bình quân 1 hộ bán 403 đồng cho hợp tác xã mua bán.

          Về giao thông thủy lợi, Minh Sơn đã huy động hàng nghìn ngày công đóng góp vào các công trình giao thông của huyện và của tỉnh. Trong 7 ngày đầu tháng 12 năm 1981, Minh Sơn  đã huy động 350 lao động, 23 xe bò tham gia trên công trình giao thông Nưa- Gốm với 2500 ngày công. Lực lượng thanh niên và đội 202 của xã là lực lượng chủ lực trên các công trường. Trên địa bàn xã 3 hợp tác xã tiếp tục huy động lao động tu sửa các trục đường chính, nạo vét hệ thống kênh mương tưới tiêu, bờ vùng bờ thửa trên các xứ đồng.

          Trong cơ chế khoán mới, các hoạt động văn hóa xã hội ở địa phương gặp nhiều khó khăn. Một số hoạt động văn nghệ, thể thao của các tổ chức đoàn thể không sôi nổi như trước. Tuy vậy hoạt động văn hóa, thông tin tuyên truyền vẫn được duy trì.Tổ văn hóa thông tin của xã có 6 người đã duy trì các hoạt động thông tin cổ động, kẻ vẽ khẩu hiệu…nhất là và dịp kỷ niện các ngày lễ lớn. Mạng lưới truyền thanh xây dựng từ năm 1975 với hệ thống koa kim đến từng gia đình đã phát huy tác dụng tuyên truyền thông tin chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trong cộng đồng dân cư.

          Trong giai đoan này, trường cấp I và cấp II Minh Sơn hàng năm có từ 25– 27 lớp với tổng số học sinh từ 898 em (năm học 1981- 1982 ) xuống còn 745 em ( năm học 1985- 1986). Từng năm tỷ lệ tốt nghiệp cấp I đạt 100%, cấp II đạt 90- 98%. Trong 5 năm học, khối cấp I có 34 lượt học sinh đạt học sinh giỏi cấp huyện. Về chất lượng văn hoá hàng năm có 50- 57% học sinh đạt loại giỏi và khá. Tuy nhiên đây là giai đoạn giáo dục gặp nhiều khó khăn, chất lượng dạy và học có những năm có chiều hướng đi xuống. Đội ngũ giáo viên vừa thiếu vừa yếu về chuyên môn.

          Đảng bộ Minh Sơn đã chăm lo xây dựng chính quyền cơ  sở và các đoàn thể quần chúng ngày càng vững mạnh. Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân xã từng bước củng cố, bàn bạc và quyết định các biện pháp phát triển kinh tế, quản lý xã hội về mọi mặt, tổ chức và động viên nhân dân lao động sản xuất, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã. Nhân dân Minh Sơn đã hăng hái tham gia bầu cử Quốc hội khóa 7 và ngày 6- 5- 1984 gần 100% cử tri trong xã đã tham gia bầu cử Hội đồng nhân dân cấp huyện và xã,21 đại biểu đã trúng cử Hội đồng nhân dân xã nhiệm kỳ 1987- 1989. Các tổ chức quần chúng có nhiều hoạt động thiết thực, vận động hội viên tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Trong 2 năm 1983- 1984, nhân dân Minh Sơn đã tích cực tham gia phong trào mua công trái xây dựng Tổ quốc. Xã đã động viên xã viên bán lúa tiết kiệm cho Nhà nước hàng chục tấn.

          Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (tháng 3- 1982), Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa và Đảng bộ huyện Triệu Sơn, Đảng bộ Minh Sơn đã tập trung vào nhiệm vụ củng cố xây dựng Đảng bộ vững mạnh. Ngày 29 - 4-  1981, Huyện ủy Triệu Sơn đã ra quyết định thành lập các chi bộ khu vực Hoàng Đồng, Ninh Phong, Tân Thành; các chi bộ nhỏ giải tán để thành lập các tổ đảng trực thuộc chi bộ. Năm 1981 Đảng bộ có 130 đảng viên thì đến năm 1984 toàn Đảng bộ có 11 chi bộ với 172 đảng viên  (Khu vực Hoàng Đồng có 3 chi bộ gồm 62 đảng viên. Khu vực Tân Thành có 2 chi bộ gồm 41 đảng viên. Khu vực Ninh Phong có 4 chi bộ gồm 58 đảng viên. Chi bộ nhà trường 6 đảng viên và chi bộ trạm xá 5 đảng viên).

          Đảng bộ Minh Sơn đã xác định đúng đắn nhiệm vụ chính trị và có biện pháp tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trên tất cả các lĩnh vực. Thường xuyên chú trọng giáo dục, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, củng cố và cải tiến chế độ sinh hoạt, kiểm tra công tác, kiểm tra tư cách đảng viên, giúp đảng viên phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm. Chế độ sinh hoạt được thực hiện nghiêm túc: Sinh hoạt chi bộ vào ngày 25, Đảng ủy ngày 27, Đảng bộ ngày 29, các tổ chức quần chúng vào ngày mùng 5 hàng tháng. Nội dung sinh hoạt là sơ kết công tác tháng trước và bàn phương hướng nhiệm vụ tháng sau. Từ năm 1980 tiến hành phát thẻ đảng cho đảng viên đợt đầu, đến năm 1982 Đảng bộ đã cơ bản hoàn thành việc phát thẻ cho đảng viên, Nắm vững nguyên tắc “Thẻ đảng viên chỉ phát cho đảng viên có đủ tư cách và làm tròn nhiệm vụ đảng viên”, Đảng bộ đã xác định việc phát thẻ đảng là để giáo dục nâng cao phẩm chất cách mạng vai trò tiên phong của người đảng viên. Sau khi nhận thẻ, chất lượng đảng viên được nâng cao hơn, công tác quản lý đảng viên ngày càng đi vào nề nếp. Việc kiểm tra chất lượng đảng viên theo Thông tri 22 và 83 được tiến hành thường xuyên.Qua phân loại chất lượng đảng viên 6 tháng đầu năm 1984, trong tổng số 160 /172 đảng viên dự phân loại có 147 đảng viên đủ tư cách hoàn thành nhiệm vụ ( tỉ lệ 91,8%) trong đó có 27 đồng chí đạt xuất sắc, 13 đảng viên không đủ tư cách (tỉ lệ 8,2%). Qua khảo sát chất lượng đảng viên năm 1985, về trình độ văn hóa có 2 đồng chí trình độ đại học, 24 đồng chí tốt nghiệp cấp 3 (13,3%), 117 đồng chí tốt nghiệp cấp 2 (64,6%), 38 đồng chí tốt nghiệp cấp 1 ( 21%),Về trình độ lý luận có 10 đồng chí trung cấp, 16 đồng chí sơ cấp.

          Ngày 15 và 16-11- 1985, Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XX đã được tổ chức. Đại hội đã kiểm điểm  tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị nhiệm kỳ trước, đặc biệt là việc thực hiện công tác khoán trong nông nghiệp theo Chỉ thị 100. Tiếp đó Đại hội rút ra bài học kinh nghiệm và chỉ ra phương hướng giai đoạn tiếp theo. Ban chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 1985 - 1987 được bầu gồm có 11 đồng chí. Đồng chí Lê Phú Thơm được bầu làm Bí thư Đảng ủy, đồng chí Lê Phú Cốc tiếp tục được bầu làm Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã, đồng chí Nguyễn Văn Tính là ủy viên Thường vụ, Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp.

                                                  *   *

                                                     *  

          Nhìn lại 10 năm khôi phục kinh tế, Đảng bộ và nhân dân Minh Sơn đã vượt qua nhiều thử thách khó khăn do thiên tai, địch họa gây ra, từng bước phát triển sản xuất, ổn định đời sống.Với việc thực hiện khoán 100, nông nghiệp Minh Sơn  đã có sự khởi sắc. Năng suất và sản lượng lương thực tăng hơn so với trước, nạn thiếu đói từng bước bị đẩy lùi. Văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng được giữ vững. Nhưng nhìn chung Minh Sơn cũng như cả nước vẫn chưa thoát khỏi tình trạng khó khăn: cơ chế quản lý và kế hoạch  mang nặng tính quan liêu bao cấp; đất nước trong tình trạng vừa có hoà bình vừa có nguy cơ xảy ra chiến tranh, giá cả thị trường diễn biến phức tạp. Chính sách khoán mới tuy đã bước đầu phát huy tiềm năng về đất đai, sức lao động nhưng bắt đầu bộc lộ những hạn chế làm cho năng suất lao động và hiệu quả sản xuất giảm dần, có nhiều năm chưa đạt kế hoạch đề ra. Ngành nghề chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của địa phương…..Thực trạng đó đã đặt ra những đòi hỏi, yêu cầu mới với Đảng bộ và nhân dân Minh Sơn. Những bài học kinh nghiệm quí báu trong quá trình lãnh đạo chỉ đạo của Đảng bộ và chính quyền xã trong 10 năm qua sẽ là hành trang quí giá để Đảng bộ lãnh đạo nhân dân trong xã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, bước vào thời kỳ mới – thời kỳ đổi mới toàn diện do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.

 


CHƯƠNG V

ĐẢNG BỘ XÃ LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN THỰC HIỆN

CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI (1986-1995)

 

I. THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC 5 NĂM 1986-1990.

          Đảng bộ và nhân dân Minh Sơn bước vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội giai đoạn này sau 10 năm đất nước thống nhất, công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã đạt dược những thành tựu bước đầu. Tuy nhiên, đất nước ta đang đứng trước nhiều khó khăn gay gắt, sự giảm sút của sản xuất vào cuối những năm 70 cùng với những sai lầm trong bố trí cơ cấu kinh tế đã để lại hậu quả nặng nề. Lưu thông không thông suốt, phân phối rối ren và giá cả tăng nhanh, lạm phát trầm trọng gây tác động tiêu cực đối với sản xuất, đời sống. Đảng ta đã nhận định, những khó khăn trên một phần là do khách quan, nhưng chủ yếu là do sai lầm trong chính sách kinh tế, tư tưởng chỉ đạo chủ quan, nóng vội, bảo thủ, do cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp về căn bản chưa bị xóa bỏ v.v…

          Với thái độ của Đảng ta trong việc đánh giá tình hình là “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, tháng 12- 1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện trên tất cả các lĩnh vực nhằm đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng để tiếp tục phát triển. Đại hội lần thứ VI xác định: “nhiệm vụ bao trùm, mục tiêu tổng quát của những năm còn lại của chặng đường đầu tiên là ổn định mọi mặt tình hình kinh tế - xã hội, tiếp tục xây dựng những tiền đề cần thiết cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong những chặng đường tiếp theo”(1). Đại hội nêu chủ trương đổi mới về nhiều mặt: đổi mới tư duy, đổi mới tổ chức; đổi mới đội ngũ cán bộ, đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác. Về các chính sách kinh tế là tập trung vào việc tổ chức thực hiện ba chương trình kinh tế lớn về lương thực – thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu .

Đường lối đổi mới của Đảng đã tạo ra một bước ngoặt lịch sử, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong quá trình đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đáp ứng yêu cầu phát triển tất yếu của đất nước.

          Thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy Triệu Sơn, Đảng bộ xã Minh Sơn đã tổ chức triển khai đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn học tập quán triệt Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng tới toàn thể cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ. Qua đó đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức các vấn đề như đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế; đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, thực hiện phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội 5 năm 1986-1990 mà trọng tâm là  Ba chương trinh kinh tế lớn .

          Về sản xuất nông nghiệp, năm 1986 Minh Sơn có diện tích gieo cấy 556 mẫu (riêng vụ chiêm là 309 mẫu), sản lượng lúa đạt 458 tấn (riêng vụ chiêm 349 tấn, trong đó làm nghĩa vụ lương thực cho Nhà nước 143,1 tấn). Vụ mùa năm 1987 đạt sản lượng 210 tấn, trong đó phần xã viên là 65 tấn (chiếm 31%), bán hàng hai chiều cho Nhà nước 38 tấn. Đàn lợn duy trì khoảng 3700 con , trọng luợng lợn hơi xuất chuồng năm 1986 là 12.092 kg, năm 1987 là 12.675 kg. Đàn trâu bò có 268 con (trong đó của hợp tác xã là 148 con, gia đình xã viên có 120 con).

          Để thực hiện tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ VI về đổi mới cơ chế kinh tế, giải phóng mọi năng lực sản xuất hiện có, khai thác mọi khả năng tiềm tàng của đất nước, ngày 5-4-1988, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/BTC về đổi mới cơ chế khoán, thực hiện khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động. Tiếp đó Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ra Chỉ thị số 15 về việc triển khai Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị trên địa bàn toàn tỉnh.

          Trước năm 1988, trên địa bàn Minh Sơn, việc thực hiện khoán theo Chỉ thị 100 ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế: Các khâu do hợp tác xã đã nhiệm đã không được thực hiện tốt, tình trạng “khoán trắng” diễn ra ở mộ vài nơi, việc phân phối giữa 3 lợi ích (Nhà nước, hợp tác xã và xã viên) đưa được hài hòa, bình quân mức ăn theo khẩu phần năm 1985 chỉ đạt 2,4kg/tháng, giá trị ngày công chỉ đạt 0,65kg lúa (1), vụ mùa năm 1987 giá trị ngày công cũng chỉ đạt 0,6kg lúa. Tổng nợ khê đọng sản từ năm 1988 trở về trước là 220 tấn lúa.Cũng như các địa phuơng khác trong huyện, nửa đầu năm 1988, Minh Sơn diễn ra tình trạng thiếu đói gay gắt. Nhà nước cấp cho xã 1 tấn gạo, mỗi đội bình chọn 10 người khó khăn nhất để được cấp gạo. Các chi bộ phân công đảng viên theo dõi các hộ khó khăn, lập ban vận động quyên góp để ủng hộ những gia đình quá khó khăn. Ở các đội đều thành lập tổ tương trợ tiết kiệm và phát động nhân dân tương trợ giúp đỡ nhau, phát động trồng cây lương thực hoa màu ngắn ngày để giải quyết vấn đề lương thực. Ban chủ nhiệm hợp tác xã chuẩn bị giống rau muống cho mỗi hộ 1 lạng để gieo trồng kịp thời. Do thực hiện nhiều biên pháp cứu đói, đời sống nhân dân dần ổn định, trong tháng 3- 1988 đã đảm bảo cho mỗi khẩu có 2kg lưong thực.

          Từ đầu năm 1988, Đảng ủy Minh Sơn đã họp bàn kế hoạch khoán sản trong nông nghiệp. Trong cuộc họp ngày 1-3-1988, Đảng ủy xã đã nêu phương hướng nhiệm vụ năm 1988 là: Tổng diện tích 2 vụ lúa cả năm là 686 mẫu 4 sào (vụ chiêm 373 mẫu 4 sào, vụ mùa 313 mẫu). Sản lượng vụ chiêm là 410,7 tấn (năng suất 110kg/sào); vụ mùa là 306,74 tấn (năng suất 98 kg/sào); sản luợng cả năm là 717,48 tấn.

          Cùng với toàn huyện Triệu Sơn, Minh Sơn triển khai cơ chế khoán mới từ vụ mùa năm 1988(2). Thực hiện Hướng dẫn của UBND huyện ngày 7- 10- 1988 về phân chia ruộng đất giao khoán của hợp tác xã, xã đã phân loại hộ khoán gồm có:

-  Hộ loại 1: có điều kiện sản xuất (về lao động, vật tư, tiền, vốn, kinh nghiệm sản xuất ), có đầu óc làm kinh tế, giao nộp sản phẩm sòng phẳng, chấp hành tốt chủ chương chính sách của Nhà nước.

- Hộ loại 2; có điều kiện sản xuất trung bình.

- Hộ loại 3: Khó khăn về điều kiện sản xuất, nợ sản.

- Hộ chính sách: là hộ thân nhân liệt sĩ, thương binh, gia đình có công,

hưu trí địa phương.

          Về phân loại ruộng đất giao khoán phải đảm bảo đựơc nhu cầu về lưong thực tối thiểu 20-22 kg/người/tháng. Ruộng đất đựoc chia theo nhân khẩu: hộ loại 1 là 1 sào/khẩu; hộ loại 2 là 12 thước /khẩu; hộ loại 3 là 7- 9 thước /khẩu. Hộ chính sách, hưu trí nằm ở hộ loại nào thuộc 3 loại trên đựơc nhận số diện tích của hộ loại đó nhưng được ưu tiên nhận ruộng tốt, ruộng gần, có điều kiện thuận lợi hơn trong sản xuất. Quỹ đất mỗi đội được giành ra 3 mẫu (toàn xã là 24 mẫu) và các khu đồng Lào Đáo Nội, Lào Đáo Ngoại, Cây Gai được dành để các hộ loại 1 tham gia đấu thầu (năng suất đấu thầu phải cao hơn tối thiểu là 15% so với mức khoán).

          Thực hiện cơ chế khoán mới, quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh của hợp tác xã và hộ xã viên đựơc phát huy, nhất là trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất, điều chỉnh bước đầu về cơ cấu cây, con, ngành nghề. Tiềm năng lao động, đất đai, tiền vốn của tập thể và nhân dân đựơc khai thác, sử dụng hợp lý hơn. Hộ xã viên đã trở thành đợn vị nhận khoán, đơn vị kinh tế tự chủ, ra sức đầu tư công sức vào sản xuất, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, mua sắm thêm công cụ.

Bộ máy quản lý hợp tÁc xã đựơc bố trí lại theo hướng gọn nhẹ hơn. Hợp tác xã đã tổ chức thực hiện có hiệu quả hơn các khâu dịch vụ kỹ thuật. Riêng hai khâu giống và phân bón trứớc đây do hợp tác xã đảm nhận thì từ vụ mùa năm 1988 chuyển cho xã viên tự đảm nhiệm. Trong các năm 1988- 1990, xã tiến hành lắp đặt thêm 3 cụm máy bơm chống hạn, củng cố trạm bơm Núi Rùa và trạm bơm Xã Mèo để đảm bảo nước tưới cho toàn bộ diện tích các đội 6, 7, 8. Các con mương Núi Rùa và Xã Mèo, mương Minh Châu về Đồng Quan, đường từ Ông Săng vào Núi Rùa cũng đựoc tu sửa nâng cấp. Cầu Bái Đâu được xây dựng cùng lúc với cầu máng lâm nghiệp để tưới nước cho đồng ruộng Đại Phong. Hợp tác xã đảm bảo khâu nước tưới cho đồng ruộng đến hệ thống kênh mương cấp 3 trên các cánh đồng.

          Vụ mùa năm 1988 do bão lụt nên diện tích 303,8 mẫu của Minh Sơn bị mất không thu hoạch hoặc thu hoạch với năng suất chỉ bằng một phần kế hoạch. Do vậy, sản lượng luơng thực chỉ đạt 159.394 kg, trong đó phần phân phối cho xã viên là 51,7% (82.406kg). Năm 1989, diện tích gieo trồng là 643 mẫu 1 sào 11 thước, sản lượng lương thực đạt 601.094 kg (chưa kể số diên tích nhân dân tự khai hoang khoảng 30 mẫu, cho sản lượng khoảng 35 tấn). Đời sống nhân dân đi vào ổn định hơn trước. Theo kết quả khảo sát phân loại năm 1989, có 30% số hộ đủ ăn và có một phần dự trữ, 40% số hộ cơ bản được ổn định,có thiếu nhưng không đáng kể và 30% số hộ thiếu lương thực triền miên.

          Thực hiện chương trình xuất khẩu, năm 1986 Minh Sơn trồng được 19,5 mẫu lạc (đạt 43% kế hoạch) với sản lượng đạt 16 tấn. Đến năm 1988 trồng được 10 mẫu với sản lượng 5,32 tấn. Kế hoạch trồng 15 ha cây công nghiệp và 20 ha chè xanh không thực hiện đựoc. Thực hiện Quyết định 184/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng và Nghị quyết của Đảng bộ xã về giao đất giao rừng cho hộ sản xuất kinh doanh, năm 1989 toàn xã trồng đựoc 3 ha cây lâm nghiệp, chỉ đạt 20% kế hoạch.

          Chăn nuôi lợn tập thể được giải thể. Năm 1987 sản lượng thịt lợn đạt 12675 kg. Năm 1988 sản lượng khoán là 28.167kg. Đàn trâu bò chuyển nhượng cho hộ xã viên, tổng đàn năm 1988 là 239 con, năm 1990 tăng lên 250 con.

          Trong điều kiện khó khăn thiếu thốn về mọi mặt, Đảng bộ Minh Sơn tiếp tục chú trọng việc xây dựng cơ sở vật chất phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Trong năm 1986 đã xây dựng được 2 phòng học, 2 phòng làm việc của trạm xá, 2  gian phòng làm việc của UBND xã và 3 nhà trẻ. Năm 1988 bằng vốn huy động của dân và tạm mượn tiền bán nhựơng trâu bò, Minh Sơn đã huy động 13 triệu đồng mua và lắp đặt 1 trạm biến thế  180KVA tại thôn Tân Ninh. Năm 1989, mua và lắp đặt 1 trạm biến thế 320KVA giá trị 30 triệu đồng tại thôn Tân Ninh thay thế cho trạm biến thế cũ. Tiếp tục tu bổ các công trình phúc lợi của xã, xây nhà bảo vệ biến thế, nhà trẻ đội 1, làm cầu máng dẫn nước. Hàng năm đều thường xuyên mua sắm và tu sửa bàn ghế học sinh của các trường học. Thực hiện khoán thầu chợ Mốc, thàng 5- 1989 đã xây dựng xong 16 gian bán hàng bằng gạch ngói với số tiền 2,4 triệu đồng do người trúng thầu bỏ vốn xây dựng.

          Hàng năm, xã đã làm nghĩa vụ đóng góp lương thực, thực phẩm cho Nhà nước theo quy định. Năm 1987 xã làm nghĩa vụ thực phẩm cho Nhà nước 7,6 tấn thịt lợn hơi (chiếm 60% khối lượng thịt lợn hơi trong năm). Vụ chiêm năm 1988, ngoài nộp thuế nông nghiệp 55 tấn lúa, hơp tác xã bán hàng hai chiều cho Nhà nước là 157 tấn lúa. Năm 1989, Minh Sơn đạt tổng mức huy động cho Nhà nước là 104 tấn (trong đó nợ cũ 34 tấn ). Hưởng ứng cuộc vận động mua công trái quốc gia xây dựng Tổ quốc, đến đầu năm 1988, nhân dân Minh Sơn đã mua công trái 125 nghìn đồng.

Trong giai đoạn 1986- 1990,hoạt động giáo dục, văn hóa xã hội gặp nhiều khó khăn. Từ năm học 1986-1987, hai trường cấp I và cấp II của xã tháp nhập thành trường phổ thông cơ sở Minh Sơn, đến năm học 1990 – 1991 lại tách ra như trước. Sau  khi thực hiện cơ chế khoán mới; từ năm học 1988- 1989, học sinh các cấp có hiện tượng bỏ học nhiều hơn. Quy mô giáo dục giảm sút, số lớp học từ 25 lớp giảm còn 19 lớp, tổng số học sinh từ 745- 800 học sinh của 5 năm học trước đó giảm xuống còn 610- 620 học sinh. Đời sống giáo viên gặp nhiều khó khăn, phụ huynh ít chăm lo đến việc học hành của con em mình. Tuy vậy nhưng tập thể giáo viên và học sinh nhà trường vẫn cố gắng thi đua “Dạy tốt, học tốt’’.Hàng năm tỉ lệ học sinh tốt nghiệp đạt 95-98%. Một số cơ quan xí nghiệp đóng trên địa bàn xã (nhà máy cơ khí Sông Chu) đã hỗ trợ gạch ngói cho nhà trường xây thêm một số phòng học thay thế cho các phòng tranh tre mái lá.

          Ngành y tế đã có nhiều cố gắng trong công tác khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân Năm 1986 trạm đã khám cho 610 lượt bệnh nhân, điều trị cho 452 lượt bệnh nhân. Đầu năm 1987, trạm được tổ chức UNICEF tài trợ 69 mặt hàng thiết bị y tế, góp phần tăng cường điều kiện khám chữa bệnh cho nhân dân. Các công tác truyền thông dân số, vệ sinh phòng bệnh được chú trọng. Tuy nhiên tỉ  lệ phát triển dân số giai đoạn này còn quá cao (năm 1988 là 4,6% ).

          Minh Sơn là địa phương có nhiều cơ quan đơn vị đóng trên địa bàn (Trường công nhân kỹ thuật, Công ty vật tư nông nghiệp, Xí nghiệp may mặc thương binh, Xí nghiệp Tiến Thắng,Công ty xat xát lương thực, Bệnh viện huyện, Tòa án huyện, Viện kiểm sát nhân dân huyện, Công đoàn huyện v.v…). Do đó việc bảo đảm an ninh trên địa bàn xã là nhiệm vụ gặp nhiều khó khăn hơn các địa phương khác. Tình hình trật tự an toàn xã hội có lúc diễn biến phức tạp, một số vụ trộm cắp, lấn chiếm đất đai chưa phát hiện và giải quyết kịp thời. Việc chấp hành pháp luật như làm nghĩa vụ thuế nông nghiệp, thuê công thương nghiệp, qui ước bảo vệ hoa màu của hợp tác xã còn chưa nghiêm minh. Trước tình hình đó, Ban công xã đã đề ra nhiều biện pháp nhằm đảm bảo trật tự an toàn xã hội, xây dựng phong trào an ninh toàn dân. Từ năm 1986 đến năm 1990 hàng năm đã xử lý hàng chục vụ vi phạm pháp luật. Lực lượng dân quân tự vệ không ngừng được củng cố.

          Trong 5 năm 1986- 1990, Đảng bộ Minh Sơn đã tổ chức 2 kỳ đại hội. Tháng 11- 1987, Đại hội Đảng bộ lần thứ XXI đã bầu Ban chấp hành gồm 11 đồng chí, đồng chí Lê Phú Thơm tiếp tục được bầu làm Bí thư, đồng chí Lê Thị Bang được bầu làm Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã, đồng chí Trần Thắng là Thường vụ Đảng ủy.

          Tháng 11- 1988,Đại hội Đảng bộ lần thứ XXII đã bầu đồng chí Trịnh Huy Tập làm Bí thư, đồng chí Trần Thắng làm Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã, đồng chí Trịnh Ngọc Phẩm là Thường vụ Đảng ủy, Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp.

          Các tổ chức cơ sở Đảng và chính quyền địa phương từng bước đựoc kiện toàn. Từ năm 1990 hệ thống tổ chức cơ sở theo đội sản xuất được chuyển sang mô hình thôn xóm. Toàn xã đã giải thể 8 đội sản xuất để lập 6 thôn ở Hoàng Thôn, Hoàng Đồng, Đồng Cát, Tân Thành, Tân Phong, Tân Ninh, mỗi thôn bầu

1 thôn trưởng được UBND xã giao quyền theo Nghị định 787 của UBND tỉnh, là người đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch của UBND xã và hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thôn. Các chi bộ Đảng chuyển từ sinh hoạt theo đội sản xuất sang sinh hoạt theo đơn vị thôn.

          Đến đầu năm 1989, Đảng bộ Minh Sơn có 184 đảng viên. Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ đã chú trọng xây dựng Đảng cả về ba mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức. Bước vào thời kỳ mới, cán bộ đảng viên trong toàn Đảng bộ đã được học tập quan điểm của Đảng về đường lối đổi mới nhằm khắc phục tư duy bao cấp, tiếp cận với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khi triển khai thực hiện khoán mới, Đảng bộ đã tổ chức cho đảng viên và quần chúng thảo luận, học tập sâu rộng để đi đến thống nhất nhận thức về chủ trương của cấp trên. Chính nhờ sự nhất trí cao trong toàn Đảng bộ đã tạo thuận lợi cho việc thực hiện “Khoán 10” trên địa bàn xã. Đảng bộ đã triển khai thực hiện Chỉ thị số 21 của Ban Bí thư về việc tự phê bình và phê bình trong dịp kiểm điểm 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng. Năm 1988 Đảng bộ lại thực hiện cuộc vận động “Làm trong sạch và nâng cao sức chiến đẩu của tổ chức Đảng và bộ máy Nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội” theo tinh thần Nghị quyết 04 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 16 của Ban Bí thư. Qua đó Đảng bộ đã xem xét và xử lý kỷ luật những cán bộ có vi phạm về lĩnh vực kinh tế hoặc vi phạm Điều lệ Đảng.

          Các tổ chức đoàn thể có nhiều hoạt động đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội của xã. Mặt trận Tổ quốc có xã đã vận động nhân dân mua công trái, mua xổ số kiến thiết xây dựng đất nước; đẩy mạnh phong trào gửi tiền tiết kiệm với số dư đến năm 1989 là 205.619 đồng, xây dựng quĩ bảo thọ đạt 217600 đồng với 450 người tham gia. Hội phụ nữ phát động phong trào giúp đỡ nhau làm kinh tế, nuôi con khỏe dạy con ngoan, thực hiện chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình. Đoàn thanh niên đi đầu trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh tăng vụ, cải tạo đồng ruộng. Thanh niên cũng là lực lượng xung kích trên mặt trận thủy lợi, xây dựng các công trình địa phương và Nhà nước, xây dựng nếp sống văn minh. Thực hiện luật nghĩa vụ quân sự, trong 2 năm 1988- 1989 đã có 20 thanh niên trong xã lên đường làm nghĩa vụ quân sự. 

          II. ĐẢNG BỘ LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI (1991-1995).

          Đảng bộ và nhân dân Minh Sơn bước vào thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội giai đoạn này trong điều kiện tình hình quốc tế và trong nước hết sức phức tạp, khó khăn. Trong lúc đất nước chưa thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế xã hội, những biến động của tình hình thế gới đã tác động đến một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên và nhân dân. Đó là sự sụp đổ và tan rã của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô. Bên cạnh đó là sự hình thành và vận hành của nền kinh tế thị trường đã mang theo mặt trái của nó là lối sống thực dụng, coi chủ nghĩa cá nhân cao hơn lợi ích tập thể v.v…Tình hình đó làm cho một số đảng viên và quần chúng hoang mang dao động, giảm sút niềm tin vào công cuộc đổi mới, vào chủ nghĩa xã hội. Các tổ chức quần chúng khó tập hợp hội viên, hoạt động rời rạc.

          Trước tình hình đó, tháng 6- 1991, Đại hội Đảng lần thứ VII của Đảng đã được tiến hành. Đại hội đã phân tích, đánh giá về tình hình trong nứơc và thế giới, khẳng định tiếp tục lãnh đạo thực hiện sự nghiệp đổi mới, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Đại hội đã đề ra mục tiêu tổng quát của kế hoạch 5 năm (1991-1995) là: “vượt qua khó khăn, thử thách, ổn định và phát triển kinh tế xã hội, tăng cường ổn định chính trị, đẩy lùi tiêu cực và bất công xã hội, đưa nước ta cơ bản ra khỏi tình trạng khủng hoảng hiện nay”.(1)

          Tháng 10- 1991, Đại hội Đảng bộ huyện Triệu Sơn lần thứ XII đã đề ra nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong những năm 1991- 1995. Mục tiêu tổng quát mà Đại hội đề ra cho đến năm 1995 là: “Chủ động vượt qua khó khăn, thử thách, làm chuyển biến hiện trạng kinh tế; ổn định và từng bước đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp toàn diện; thu được kết quả đáng kể về khai thác kinh tế đồi rừng; khôi phục và phát triển đa dạng các hình thức sản xuất tiểu thủ công nghiệp, tạo ra khối lượng nông lâm sản hàng hóa lớn; tạo địa bàn và công ăn việc làm cho người lao động, làm tròn nghĩa vụ đối với Nhà nước; ổn định và nâng cao một bước đời sống nhân dân; ổn định tư tưởng và tổ chức, giữ vững an ninh chính trị, đẩy lùi tiêu cực và tham nhũng, từng bước làm lành mạnh các quan hệ xã hội”.

          Đảng bộ xã Minh Sơn đã triển khai đợt sinh hoạt chính trị nhằm quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VII và các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và huyện. Mọi cán bộ đảng viên trong toàn Đảng bộ đã học tập, thấm nhuần về “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” và “Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế xã hội đến năm 2000” cùng với các mục tiêu kinh tế của kế hoạch 5 năm 1991-1995.

          Được sự chỉ đạo của Huyện ủy, ngày 26-8-1991, Đại hội Đảng bộ xã Minh Sơn lần thứ XXIII nhiệm kỳ 1991- 1993 đã diễn ra tại hội trường xã. Đại hội kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội của nhiệm kỳ trước, khẳng định những thành tựu đạt được. Trên cơ sở đó, Đại hội đề ra mục tiêu, phương hướng của nhiệm kỳ 1991- 1993 là: Sản lượng lương thực hàng năm đạt 1350 tấn, mức ăn bình quân đạt 36kg/người/tháng. Chú ý các biện pháp kỹ thuật về cơ cấu cây trồng, giống, thủy lợi, sức kéo. Mở rộng diện tích vụ đông, đẩy mạnh khai hoang phục hóa. Xây dựng kinh tế vườn đồi, lấy cây chè xanh làm loại cây trồng chính v.v…

          Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Đảng bộ xã gồm 11 đồng chí. Đồng chí Đỗ Thành Vinh được bầu làm Bí thư Đảng ủy, đồng chí Trần Thắng được bầu làm Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã, đồng chí Trịnh Ngọc Phẩm là Thường vụ Đảng ủy, Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp.

          Đối với nhiệm vụ lãnh đạo phát triển kinh tế, Đảng bộ Minh Sơn đã triển khai nhiều chủ trương, giải pháp để đẩy mạnh sản xuất. Các điều kiện cho sản xuất nông nghiệp được quan tâm thực hiện. Riêng trong năm 1991, khối lượng làm thủy lợi (nạo vét, tu sửa kênh mương là 10.093m3). Đầu tư 10 triệu đồng nâng cấp trạm bơm núi Rùa, cầu Lâm nghiệp, trạm bơm dã chiến Tân Phong. Về giống, hợp tác xã xây dựng vùng đồng chuyên làm giống và hộ chuyên giống. Cơ cấu mùa vụ được đổi mới, vụ chiêm xuân đưa giống 13/2, C71 vào phần lớn diện tích, vụ mùa đưa giống CR203 đạt 70% diện tích. Hợp tác xã đầu tư một phần sức kéo cho xã viên, đến năm 1991 tổng đàn trâu bò là 316 con. Năm 1993 bình quân 3 hộ có 1 con trâu, bò.         

Về sản xuất lương thực, vụ chiêm năm 1991, tổng cộng 6 hợp tác xã trong toàn xã đạt sản lượng 331.783 kg (hai hợp tác xã có sản lượng lúa cao nhất là Tân Ninh 85 tấn và Tân Thành 66 tấn. 4 hợp tác xã khác đạt sản lượng mỗi hợp tác xã trên 40 tấn). Sản lượng qui thóc năm 1991 là 1040 tấn ( trong đó có 30 tấn qui thóc từ 30 ha cây vụ đông 1990- 1991). Phần phân phối theo 3 lợi ích, xã viên được hưởng 73%, Nhà nước 18% và tập thể 9% sản lượng. Năm 1992 đạt sản lượng 1100 tấn. Đối với việc phát triển kinh tế vùng đồi, địa phương đã có sự đấu mối với công ty chè có cơ chế khuyến khích mở rộng diện tích trồng chè theo chủ trương của huyện. Từ năm 1991- 1993, diện tích cây chè trên đất Minh Sơn duy trì ở mức 13,3 ha. Năm 1995 diện tích chè búp tăng lên 20 ha. Trên các vùng đất đồi, nhân dân còn phát triển trồng cây bạch đàn với diện tích 14 ha.

          Từ cuối năm 1992, Minh Sơn triển khai thực hiện Chỉ thị 07 của Tỉnh ủy và Quy định 117 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc giao quyền sử dụng đất lâu dài cho hộ nông dân. Đảng ủy đã họp thông qua kế hoạch điều chỉnh ruộng đất. Hợp tác xã phối hợp cùng UBND xã kiểm tra lại diện tích, số hộ, số khẩu trên địa bàn toàn xã. Theo số liệu chốt đến ngày 1-4-1993 (trong phương án giáo đất phê duyệt tháng 5- 1993), toàn xã có 220 ha đất gieo trồng, 1067 hộ, 4408 khẩu (trong đó có 4009 khẩu nông nghiệp). Căn cứ vào thực hiện diện tích và nhân khẩu, xã đã phân chia thành 3 loại đối tượng với mức giao đất cụ thể là:

          - Khẩu loại 1 (đã hoàn thành các nghĩa vụ đối với Nhà nước và tập thể, không nợ nần dây dưa): 12 thước

          - Khẩu loại 2 (còn nợ sản của tập thể và Nhà nước): 8 thước

          - Khẩu loại 3 (khê đọng sản phẩm nhiều): 5 thước.

          Đối với các thôn còn thừa diện tích, sau khi đã chia cho 3 loại khẩu thì điều chỉnh cho các đơn vị còn thiếu hoặc cho đấu thầu. Những người về địa phương không nhập khẩu hoặc trốn tránh trách nhiệm đóng góp thì cho nhập khẩu để cấp ruộng nhưng  phải hoàn thành các nghĩa vụ đóng góp từ trước đến nay. Trong những năm 1993-1995, xã đã cơ bản hoàn thành việc giao quyền sử dụng ruộng đất ổn định lâu dài cho hộ nông dân. Đến tháng 7- 1995 UBND huyện đã cấp trích lục (sổ đỏ ) cho 787 hộ, đạt 74%.

          Ngày 18 và 19- 12- 1993, Đại hội Đảng bộ xã Minh Sơn khóa XXIV nhiệm kỳ 1994- 1996 đã đựơc triệu tập với sự tham dự của 147 trong tổng số 186 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đại hội kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng bộ trong nhiệm kỳ vừa qua, đánh giá những thành tích đạt được, đồng thời cũng chỉ ra những hạn chế khó khăn cần khắc phục: Sản xuất còn độc canh, ngành nghề chưa phát triển, khê đọng sản có xu hướng tăng lên từ 380 tấn năm 1991 lên 700 tấn năm 1993(1) v.v…Đại hội nêu phương hướng nhiệm kỳ 1994- 1995 là: “Tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới của Đảng, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, giải quyết tốt các vấn đề nông dân, nông nghiệp, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết lần thứ VII và Nghị quyết Trung ương V, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân”.

          Đại hội đã nêu mục tiêu nhiệm vụ của giai đoạn 1994- 1996 như sau:

- Sản lượng lương thực qui thóc 1500 – 1550 tấn

- Chăn nuôi lợn có tổng đàn 1000- 1599 con, vịt thời vụ 5000 con. Đàn bò 400- 450 con. Sản lượng cá 40 tấn.

        - Tập trung cải tạo 30 ha vườn tạp, đưa các loại cây có giá trị cao vào sản xuất.

- Hoàn thành mạng lưới điện.

- Giảm tỉ lệ phát triển dân số xuống 1,9%.

       - Xây dựng Đảng bộ vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức.

Giải pháp đẩy mạnh phát triển cây lương thực, thực phẩm là: đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp bằng thâm canh, tăng vụ, mở rộng diện tích. Đổi mới cơ cấu mùa vụ, đầu tư giống cấp 1 trên địa bàn, làm tốt các khâu dịch vụ. Phấn đấu đưa vụ đông chiếm 1/4 diện tích canh tác, với diện tích 100- 120 mẫu, mở rộng vụ hè thu…

          Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ khóa XXIV gồm 11 đồng chí. Đồng chí Đỗ Thành Vinh  được bầu làm Bí thư Đảng ủy, đồng chí Ngô Đức Thiện là Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã.

          Thực hiện các chủ trương giải pháp đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, chức năng và nhiệm vụ của hợp tác xã nông nghiệp đuợc xác định ngày càng rõ: Hợp tác xã có trách nhiệm lập kế hoạch sản xuất và chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung ứng giống mới, dự báo và phòng trừ sâu bệnh, dịch vụ tưới tiêu nước đến hộ xã viên. Hợp tác xã chịu sự trực tiếp chỉ đạo và quản lý kinh tế kế hoạch của UBND xã. Việc giao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài đã khuyến khích nông dân yên tâm đầu tư cải tạo đất, đầu tư thâm canh, sử dụng ruộng đất có hiệu quả. Trong 2 năm 1994- 1995, trong diễn biến thời tiết phức tạp, vụ chiêm xuân bị hạn nặng, sâu bệnh phát triển trên diện rộng nhất là dịch bọ xít, vụ mùa thì mưa bão gây úng lụt, nhưng Minh Sơn đã phấn đấu đạt diện tích gieo trồng hàng năm 210- 220 ha, sản lượng lương thực hàng năm đạt 1575 tấn, tăng so với bình quân 2 năm 1992- 1993 là 37%. Bình quân lương thực theo đầu người là 344kg/năm. Tình hình căng thẳng do thiếu lương thực trong những tháng giáp hạt đã cơ bản chấm dứt. Mức thu nhập của các hộ nông dân ngày càng tăng lên.

          Sản xuất lương thực thực phẩm tăng lên đã tạo điều kiện phát triển chăn nuôi. Đàn lợn năm 1990- 1991 tuy có giảm so với giai đoạn trước đó nhưng hàng năm đều duy trì trên 1000 con. Tử năm 1993 đàn lợn tăng lên là 1650 con, năm 1995 phát triển lên 2110 con, bình quân 1 hộ đã có gần 2 con lợn, nhiều hộ nuôi 3-5 con. Đàn trâu bò có 551 con, bình quân đạt 2 hộ/con. Đàn vịt thời vụ có hơn 5000 con.

          Các ngành nghề cũng phát triển nhanh như sản xuất gạch ngói có 10 cơ sở thu hút hàng trăm lao động, hàng năm sản xuất khoảng 40-50 vạn viên gạch. Các nghề thợ nề, thợ mộc đã hình thành các tổ lao động từ 5- 10 người. Về phương tiện vận tải, toàn xã có 102 xe trâu bò kéo và xe vận tải bằng động cơ. Các ngành nghề dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống có 24 máy nghiền xát, hàng chục cửa hàng kinh doanh phân bón, hàng tiêu dùng. Nhiều hộ đã bắt đầu tiếp cận với dịch vụ kinh doanh buôn bán. Số hộ có đời sống khá và trung bình đạt 81,5%, hộ khó khăn giảm còn 18,5%.

          Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5 (khóa VII) về nông nghiệp – nông dân - nông thôn, Minh Sơn đã tạo được bước khởi sắc đi lên. Trong 2 năm 1994- 1995 xã đã hoàn thành nhiệm vụ lương thực với Nhà nước, trở thành một trong những đơn vị khá của huyện về công tác huy động lương thực. Cũng trong 2 năm, Minh Sơn đã giải quyết trả được một số khoản nợ từ nhiều năm với ngân hàng và một số đơn vị khác.

          Công tác thu chi ngân sách đã đáp ứng các hoạt động kinh tế xã hội trong xã, đồng thời góp phần thúc đẩy việc đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi công cộng phục vụ sản xuất và đời sống. Nổi bật nhất là việc hoàn thành công trình đường điện trong xã vào năm 1994 sau hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ khóa XXIV. Năm 1993 Minh Sơn đã hoàn thành việc lắp đặt 2 trạm biến thế 180KVA ở khu vực Cồn Mắm (Hoàng Thôn) và cửa hàng Mốc (Tân Thành) cùng với 3,5km đường dây điện cao thế trên địa bàn xã với tổng giá trị là 374 triệu đồng. Để có được nguồn vốn trên, Minh Sơn đã huy động sự đóng góp của nhân dân toàn xã với mức 250 nghìn đồng/hộ nộp trong 3 năm. Ngoài ra xã còn thanh lý một số tài sản cố định của tập thể lâu nay không sử dụng và thanh lý cửa hàng mua bán được 57 triệu đồng( bằng 15% tổng nguồn vốn của công trình). Từ lúc này nguồn điện sáng đã tỏa đến hầu hết các thôn trong xã, phục vụ đắc lực nhu cầu sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của nhân dân.

          Lĩnh vực văn hóa xã hội có bước phát triển hơn trước. Công tác giáo dục  có chuyển biến toàn diện: Số học sinh bỏ học giảm, chất lượng dạy và học đuợc nâng lên. Ở bậc tiểu học, 2 năm học có 42 học sinh đạt loại giỏi, 238 học sinh đạt loại khá, thi hết cấp năm học 1994- 1995 đạt 89,4%. Khối cấp 2 có 7 lớp với 240 học sinh, có 98% tốt nghiệp trong đó 25% khá và giỏi. Trường mẫu giáo năm học 1992- 1993 huy động được 71% số cháu trong độ tuổi ra lớp với 7 lớp, 182 cháu.

          Tổ chức và hoạt động của mạng lưới y tế xã thôn đựơc duy trì và củng cố. Trang thiết bị của trạm y tế được tăng cường đảm bảo cho công tác điều trị của trạm. Năm học 1991, trạm được tổ chức UNFA cung cấp 91 dụng cụ y tế. Các chương trình quốc gia về tiêm chủng mở rộng được thực hiện đầy đủ. Hàng năm trên 90% số cháu trong độ tuổi được uống vitamin A và tiêm phòng . Riêng năm 1991 đã tổ chức tiêm phòng 6 bệnh truyền nhiễm cho 304 cháu. Công tác truyền thông dân số được đẩy mạnh nhằm thực hiện chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình. Các hoạt động như mở “hội hạnh phúc” được duy trì thường xuyên cùng với việc thực hiện các biện pháp đặt vòng, đình sản. Tỉ lệ phát triển dân số đã giảm xuống 2,3% năm 1992, đến năm 2005 giảm còn 1,8%.

          Công tác thông tin tuyên truyền được đẩy mạnh. Năm 1994 đã mua sắm thêm 9 loa tăng âm để trang bị cho 7 thôn và tập thể. Mọi thông tin đến với nhân dân kịp thời nhanh chóng. Đời sống của các đối tượng già cả, neo đơn, bệnh tật và các hộ chính sách ngày càng được quan tâm hơn. Các chính sách đối với các đối tượng trên được thực hiện đầy đủ, kịp thời.Phong trào “đền ơn đáp nghĩa” được phát động rộng rãi và được sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân và các đoàn thể trong xã. Xã đã làm thủ tục đề nghị Nhà nước phong tặng và trao tặng danh hiệu  cho 6 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trong 2 đợt phát động đã xây dựng được 6 ngôi nhà tình nghĩa tặng các hộ chính sách và khó khăn.

          Về công tác an ninh quốc phòng, Minh Sơn tiếp tục thực hiện Chỉ thị 27 của UBND tỉnh Thanh Hóa về quản lý, giáo dục cảm hóa những người lầm lỗi, Chỉ thị 135/ĐBT về truy quét tội phạm.Lực lượng công an xã đã phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời nhiều vụ việc xảy ra. Công tác tuần tra ban đêm,giữ gìn trật tự trị an trong thôn xóm được duy trì thường xuyên. Ở các xóm đều thành lập các tổ an ninh bảo vệ xóm. Có 7 tổ hòa giải ở 7 thôn, mỗi thôn có 4 người do trưởng thôn làm tổ trưởng có nhiệm vụ làm hòa giải những mâu thuẫn xích mích trong nhân dân. Lực lượng dân quân tự vệ thường xuyên tham gia các kế hoạch tập dượt phòng chống bạo loạn,các đợt huấn luyện theo định kỳ đảm bảo chất lượng và con số tham gia.Năm 1991, trung đội dân quân cơ động của xã tham gia diễn tập A2-TH-91 đảm bảo yêu cầu đề ra.Qua các đợt tuyển quân hàng năm, từ năm 1991 đến 1995 có 14 thanh niên trong xã lên đường làm nghĩa vụ quân sự.

          Bộ máy và hoạt động của chính quyền xã được củng cố. Thực hiện Nghị định của HĐBT về biên chế cán bộ, qua những lần lồng ghép các chức danh theo mô hình kiêm nhiệm, số cán bộ của ba khối Đảng ủy, UBND và hợp tác xã nông nghiệp giảm từ 45 xuống còn 27 người. Từ năm 1994, UBND xã được tăng cường thêm 1 cán bộ Thống kê- Kế hoạch và 1 cán bộ thú y phụ trách chăn nuôi – phòng dịch. Từ năm 1995, thành lập Ban tư pháp xã gồm 5 người do 1 đồng chí Phó chủ tịch UBND xã làm trưởng ban. UBND xã đã thể hiện được vai trò quản lý và điều hành của chính quyền cơ sở trong khi thực hiện cơ chế mới. Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 1989- 1994 có 24 đại biểu đã nâng cao vai trò trách nhiệm của mình là cơ quan quyền lực ở cấp cơ sở, ban hành nhiều Nghị quyết góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Tháng 5- 1994 nhân dân Minh Sơn đã tham gia bầu cử HĐND ba cấp. HĐND xã nhiệm kỳ 1994- 1999 được bầu gồm 24 đại biểu.

          Các tổ chức đoàn thể quần chúng được kiện toàn và củng cố, có những tiến bộ rõ rệt trong hoạt động. Mặt trận Tổ quốc có phong trào “ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”. Hội phụ nữ xã có 7 tổ với số hội viên là 720 người. Hội đã thực hiện tốt các chương trình phụ nữ góp nhau làm kinh tế,hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học, nuôi con khỏe dạy con ngoan. Đoàn thanh niên có phong trào “áo lụa, áo ấm tặng bà”, “nói lời hay, làm việc tốt”. Hội nông dân có phong trào gia đình sản xuất giỏi, xây dựng gia đình văn minh văn hóa. Năm 1991, Huyện ủy Triệu Sơn ra Quyết định thành lập Hội cựu chiến binh cấp xã . Tháng 11-1991, Đại hội cựu chiến binh xã Minh Sơn lần thứ nhất được tổ chức. Đại hội thông qua quyết định thành lập Hội cựu chiến binh xã nhằm tập hợp lực lượng cựu chiến binh trong xã phát huy truyền thống của người chiến sĩ quân đội trong công cuộc xây dựng quê hương. Hội có 31 hội viên, ông Trương Đình Cung đựoc bầu làm Chủ tịch Hội. Năm 1994, Hội người cao tuổi xã cũng được thành lập.

          Đảng bộ xã Minh Sơn ngày càng lớn mạnh, đảm bảo vai trò lãnh đạo nhân dân thực hiện các nhiệm vụ kinh tế xã hội của địa phương. Đảng bộ đã tổ chức học tập, phổ biến quán triệt các Chỉ thị, Nghị quyết của cấp trên, đồng thời xây dựng chương trình hành động của địa phương để thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Đội ngũ cán bộ đảng viên đã bước đầu đổi mới tư duy, nắm bắt cơ chế mới, nêu cao vai trò tiên phong gương mẫu trong mọi phong trào của xã. 70% đảng viên trong Đảng bộ đã tham gia lớp bồi dưỡng lý luận phổ thông cơ sở, nhiều cán bộ đương chức được cử đi học các lớp trung cấp lý luận tại chức do huyện mở. Toàn bộ 8 chi bộ cơ cở đựoc củng cố, kiện toàn. Tháng 8- 1992 Đảng ủy ra quyết định giải thể chi bộ cửa hàng, chuyển các đảng viên về sinh hoạt ở các chi bộ theo địa dư thôn. Các chi bộ duy trì chế độ sinh hoạt đều đặn, đúng nguyên tắc và  Điều lệ Đảng. Đối với công tác phát triển đảng viên, Đảng ủy nêu mục tiêu phấn đấu mỗi chi bộ hàng năm phải kết nạp được 1 đảng viên. Trong 2 năm 1994- 1995, Đảng bộ đã chọn cử 13 quần chúng ưu tú đi học lớp đối tượng đảng, qua đó lựa chọn kết nạp được 6 đảng viên mới. Qua phân loại tổ chức cơ sở Đảng hàng năm, năm 1992 trong số 8 chi bộ có 5 chi bộ đạt loại 1, 2 chi bộ đạt loại 2 và 1 chi bộ đạt loại 3. Đảng bộ tự xếp loại khá. Năm 1995 có 6 chi bộ đạt loại 1, Đảng bộ được công nhận danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh.

          Về kết quả phân loại đảng viên, năm 1992 trong số 192 đảng viên có 125 đồng chí đạt loại 1 (60%), 47 đồng chí đạt loại 2 (24,5%), 15 đồng chí đạt loại 3 (7,8%) và 4 đồng chí loại 4. 16 đồng chí đựoc biểu dương thành tích trước Đảng bộ. Năm 1993 trong số 182 đảng viên đự phân loại có 136 đồng chí đạt loại 1 (74,7%), 31 đồng chí đạt loại 2 (17%), 12 đồng chí đạt loại 3 (6,6%) và 3 đồng chí đạt loại 4.

          Công tác kiểm tra đảng được Đảng bộ tiến hành thường xuyên, tập trung vào việc thực hiện Chỉ thị, Nghị quyết, thực hiện nhiệm vụ chính trị, chấp hành Điều lệ Đảng. Qua đó đã uốn nắn những lệch lạc, góp phần nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Từ năm 1991 đến 1995 đã thi hành kỷ luật với các hình thức đưa ra khỏi đảng 4 đảng viên, cách chức 1 đảng ủy viên, cảnh cáo 15 đảng viên.

          Đảng bộ khóa XXIV tiếp tục quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương  (khóa VII) về công tác chỉnh đốn đảng, Nghị quyết 24 của Tỉnh ủy Thanh Hóa về cuộc vận động nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng và bộ máy Nhà nước.

Qua các đợt sinh hoạt chính trị và thực hiện công tác xây dựng chi bộ, Đảng bộ trong sạch vững mạnh, nhận thức của cán bộ, đảng viên được nâng lên rõ rệt. Vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng được củng cố là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cuộc phát triển kinh tế xã hội ở Minh Sơn

          Qua 10 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Minh Sơn đã giành được những thắng lợi quan trọng. Đảng bộ xã đã lãnh đạo nhân dân địa phương khắc phục khó khăn phấn đấu vượt qua khó khăn của thời kỳ bao cấp,  mạnh dạn đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế, tập trung nguồn lực để tạo ra bước chuyển trong việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế.Sản xuất nông nghiệp có những bước tiến vững chắc. Trong cơ chế thị trường địnhhướng xã hội chủ nghĩa, hộ gia đình đã được tự chủ trong sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh việc đầu tư thâm canh, sử dụng ruộng đất có hiệu quả hơn để tăng năng suất và sản lượng. Các ngành nghề phát triển mạnh tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhân dân địa phương. Hệ thống chính trị ngày được củng cố vững mạnh. Thu nhập và đời sống mọi mặt của nhân dân được cải thiện, nhiều gia đình đã từng bước thoát khỏi đói nghèo.Cùng với cả nước Minh Sơn đã vượt qua thời kỳ khủng hoảng kinh tế xã hội.Tuy nhiên cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, sản xuất lương thực có tăng nhưng thiếu vững chắc; tiềm năng về đất đai,lao động của địa phương chưa được phát huy v.v…

          Những kết quả mà Đảng bộ và nhân dân Minh Sơn đạt được trong 10 năm đã tạo điều kiện vật chất và tinh thần để Minh Sơn cùng với cả nước tiến bước vào thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.


CHƯƠNG VI.

ĐẢNG BỘ XÃ MINH SƠN LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN MỤC TIÊU CÔNG NGHIỆP HOÁ HIỆN, ĐẠI HOÁ NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN

(1996-2013)

I.ĐẢNG BỘ MINH SƠN LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KINH TẾ XÃ HỘI 5 NĂM (1996 - 2000)

Sau 10 năm thực hiện công cuộc đổi mới, tình hình kinh tế xã hội của đất nước đã có những biến chuyển to lớn, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân cả nước bước vào thời kỳ phát triển mới. Trong không khí thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, ngày 5- 12- 1995, tại Hội trường xã, Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXV đã được tổ chức. Đại hội đã tiến hành kiểm điểm đánh giá các mặt hoạt động của Đảng bộ trong nhiệm kỳ 1993- 1995 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu cho nhiệm kỳ 5 năm (1996- 2000). Trong phần đánh giá kết quả, Đại hội đã nêu những thành tích nổi bật là :

          - Sản xuất nông nghiệp đạt kết quả tốt, sản lượng lương thực hàng năm đã vượt ngưỡng 1500 tấn/năm, chấm dứt tình trạng căng thẳng do thiếu lương thực trong những tháng giáp hạt như trước đây. Các ngành nghề phát triển nhanh, đặc biệt là sản xuất gạch ngói, ngành nghề dịch vụ.

          - Công tác văn hoá có bước phát triển mới theo hướng tích cực. Cơ sở vật chất được tăng cường. Đặc biệt đã hoàn thành việc đưa nguồn điện sáng đến các thôn trong xã, góp phần cải thiện điều kiện sinh hoạt và sản xuất.

          - Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể nhân dân được củng cố ngày càng vững mạnh.

          Đại hội đề ra phương hướng nhiệm vụ của nhiệm kỳ 1996- 2000 là: Phát huy thắng lợi đã đạt được, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới. Khai thác tiềm lực sẵn có của địa phương, làm chuyển biến một bước cơ bản cơ cấu kinh tế để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn. Tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống nhân dân, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, làm tốt công tác quốc phòng an ninh, tiếp tục đổi mới, chỉnh đốn Đảng, giữ vững sự ổn định chính trị, xây dựng đơn vị trong sạch vững mạnh…

          Đại hội Bầu Ban chấp hành Đảng bộ khoá mới gồm 11 đồng chí. Ban Thường vụ gồm 3 đồng chí, đồng chí Đỗ Thành Vinh được bầu làm Bí thư Đảng uỷ, đồng chí Ngô Đức Thiện được bầu làm Phó Bí thư - Chủ tịch UBND xã, đồng chí Trịnh Công Sĩ là Trực đảng uỷ xã.

          Tháng 3- 1996, Đảng bộ huyện Triệu Sơn tiến hành Đại hội lần thứ XIII. Đại hội tổng kết 10 năm đổi mới và đề ra những nhiệm vụ, giải pháp trong những năm 1996- 2000. Đại hội nêu phương hướng tổng quát 5 năm 1996- 2000 là: Làm chuyển biến một bước cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhằm đạt tới tốc độ tăng trưởng cao trên tất cả các ngành và các lĩnh vực kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức bách, nâng cao mức sống nhân dân, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

          Tháng 6- 1996, Đại hội Đảng toàn quốc  lần thứ VIII tiếp tục khẳng định việc đẩy mạnh đường lối đổi mới một cách toàn diện và đồng bộ, trong đó đặc biệt coi trọng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nôngthôn.

          Năm 1996 là năm đầu tiên Đảng bộ và nhân dân Minh Sơn bắt đầu thực hiện những nhiệm vụ, mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ khoá XXV đề ra. Tình hình thời tiết năm 1996 hết sức bất lợi ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp. Đợt rét đậm dưới 100C kéo dài hàng tuần vào đầu năm 1996 làm cho lúa chết hàng loạt, tiếp đó vụ mùa 1996 bão lụt làm cho phần lớn diện tích lúa bị ngập úng, trong đó diện tích bị mất trắng là 80 mẫu, 105 gia đình bị nước ngập vào nhà, 150 mẫu ngô và khoai lang vụ đông không có thu hoạch. Thiên tai gây ra nhiều khó khăn cho sản xuất lương thực, nhưng Đảng bộ và nhân dân trong xã đã phấn đấu khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất. Sản lượng lương thực năm 1996 đạt 1215,5 tấn.

          Vụ chiêm năm 1997 Đảng bộ tiếp tục chỉ đạo nhân dân trong xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống lúa có năng suất cao vào đồng ruộng như 13/2, X2, X21……đưa tỉ lệ giống cấp 1 đạt 70- 80%. Thực hiện Nghị quyết 09 của Tỉnh uỷ Thanh Hoá về việc đổi mới hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, tháng 3 - 1997, Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp Minh Sơn được thành lập để điều hành các khâu phục vụ sản xuất nông nghiệp như tưới tiêu, bảo vệ, phòng trừ sâu bệnh. Ban quản trị hợp tác xã gồm 5 người, chủ nhiệm hợp tác xã là ông Trịnh Tiến Anh.Hoạt động của hợp tác xã trong những năm đầu còn hạn chế về nhiều mặt do nguồn vốn ít, số xã viên đóng góp có phần chiếm tỉ lệ còn thấp.

          Trong các năm 1997- 2000, sản lượng lương thực đạt trung bình mỗi năm là 1867tấn. (Năm 1997 đạt 1833 tấn, năm 1998 đạt 1712 tấn, năm 1999 đạt 1950 tấn và năm 2000 đạt 1892tấn), mức bình quân lương thực theo đầu người hàng năm đạt 480 kg, giải quyết cơ bản được vấn đề lương thực. Ngoài cây lúa là cây trồng chính, vụ đông luôn được chú trọng với diện tích hàng năm đạt 50- 80 mẫu, riêng vụ đông năm 1998 sản lượng khoai tây đạt hơn 200 tấn và khoai lang 170 tấn.

          Về chăn nuôi vẫn là lĩnh vực cho giá trị thu nhập chiếm tỉ trọng đáng kể trong sản xuất nông nghiệp của Minh Sơn mặc dù giá cả thị trường biến động thất thường ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển đàn gia súc, gia cầm. Đàn lợn năm 1997 có 959 con đến năm 1998 có 1506 con và đầu năm 2000 là 2560 con, trong đó có 226 lợn nái sinh sản, trọng lượng xuất chuồng ước đạt 30- 40 tấn. Đàn trâu bò phát triển theo hướng tăng đàn sinh sản lấy thịt, giảm đàn cày kéo (do sự phát triển của các loại nông cụ cơ giới nhỏ). Số lượng trâu bò năm 1996 là 307 con, năm 1998 là 336 con, trong đó có 32 con được lai sin hoá theo chương trình khuyến nông.

          Kinh tế vườn đồi ngày càng được quan tâm và mở rộng với diện tích 166 ha vườn đồi (trong đó 77,8 ha đất đồi và 88,2 ha đất vườn). Các hộ nông dân trong xã đã tích cực cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn đồi với các loại cây có giá trị cao hơn như vải, nhãn, hồng xiêm, na dai. Một số hộ ở thôn 2, 3, 4 chuyển đổi sang trồng mía theo dự án phát triển mía đường của huyện. Đến năm 1999 toàn xã đã trồng được 19 ha mía đồi với năng suất đạt khoảng 65 tấn/ha.

          Sản xuất thiểu thủ công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn xã tiếp tục được đẩy mạnh. Đến năm 1998 toàn xã có 9 tổ mộc và 2 cụm rèn. Ở Đại Sơn có gần 805 số hộ tham gia sản xuất gạch ngói. Theo số liệu điều tra thời điểm 1/4/1999 về phương tiện sản xuất, toàn xã có 12 xe công nông, 8 đầu máy kéo và máy cày tay, 13 máy tuốt lúa có động cơ và 30 máy xay xát nghiền. Dịch vụ buôn bán phát triển mạnh ở khu vực Tân Phong, Tân Thành thu hút 108 hộ tham gia.

          Công tác xây dựng cơ bản, giao thông thuỷ lợi, quản lý đất đai luôn được Đảng bộ và chính quyền quan tâm chỉ đạo. Trong 5 năm (1996- 2000) đã xây dựng được một số công trình phục vụ sản xuất và đời sống như: hoàn chỉnh đường điện đi thôn 3 và núi Rùa, phòng sản trạm xá, cống tiêu Hoàng Đồng, tu sửa khu làm việc của Đảng ủy-UBND xã và 3 trường học. Để ghi nhớ công ơn của các liệt sĩ trong xã đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, năm 1997 Minh Sơn đã tổ chức khánh thành Đài tưởng niệm liệt sĩ của xã với kinh phí 141 triệu đồng do nguồn vốn ngân sách xã và nhân dân đóng góp. Tổng giá trị xây dựng cơ bản trong 4 năm (1996- 1999) là 822,8 triệu, chiếm gần 50% tổng thu ngân sách của xã trong 4 năm.

          Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư” do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, nhân dân Minh Sơn đã tích cực tham gia phong trào xây dựng làng văn hoá và gia đình văn hoá. Năm 1995, làng Hoàng Thôn khai trương xây dựng làng văn hoá, mở đầu cho phong trào xây dựng làng văn hoá của xã. Đảng bộ chỉ đạo các thôn học tập, đăng ký thực hiện và hàng năm tổ chức bình xét khu dân cư an toàn làm chủ. Năm 1998,  thôn 1 và thôn 5 được tỉnh cấp giấy chứng nhận cụm dân cư tiên tiến. Số gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá năm 1996 là 80 gia đình, năm 1999 tăng lên 120 gia đình.

          Công tác xoá đói giảm nghèo đã đem lại kết quả thiết thực. Đến cuối năm 1999, số tiền vay của nhân dân trong xã để phát triển kinh tế gia đình là 1,2 tỷ đồng, trong đó có một tỷ lệ đáng kể là tiền vay của hộ nghèo với lãi suất thấp. Tỉ lệ hộ nghèo trong xã ngày càng giảm rõ rệt. Năm 1995 toàn xã có 21% hộ nghèo và 4% hộ đói. Năm 2000 hộ nghèo giảm còn 15% và không còn hộ đói. Đời sống sinh hoạt của nhân dân được cải thiện. Đến giữa năm 1999 có 76,6% số hộ có nhà kiên cố và bán kiên cố, 96,2% số hộ có điện thắp sáng. Số hộ có nhà vệ sinh là 92% ; số hộ dùng nước sạch là 97,3%(1).

          Thực hiện Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về việc thực hiện nếp sống mới trong cưới, tang, lễ hội, UBND xã đã ban hành quy định chỉ đạo các thôn thực hiện nghiêm gắn với việc xây dựng qui ước nông thôn. Việc cưới, tang được thực hiện theo nếp sống mới không ăn uống kéo dài, không hút thuốc lá, loại bỏ dần những tập tục lạc hậu. Các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức thường xuyên. Hoạt động thông tin tuyên truyền được tăng cường, với vịêc với lắp đặt 2 cụm loa FM, trang bị cho 8 thôn và 2 trường các thiết bị thông tin đảm bảo phục vụ kịp thời công tác tuyên truyền. Các phương tiện nghe nhìn như ti vi, vi deo ngày càng phổ biến. Đến giữa năm 1999, 595 hộ có ti vi chiếm 45,85% tổng số hộ toàn xã. Với truyền thống “lá lành đùm lá rách”, trong 5 năm qua nhân dân trong xã đã xây dựng được 4 ngôi nhà tình nghĩa, tặng 30 sổ tiết kiệm và 20 phiếu công trái tình nghĩa cho các hộ chính sách, quyên góp hàng chục triệu đồng ủng hộ nhân dân Cu Ba, ủng hộ đồng bào các vùng bị lũ lụt.

          Đảng bộ đã tổ chức học tập, quát triệt Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII) về công tác giáo dục đào tạo, thấm nhuần quan điểm coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học được quan tâm tu sửa, bổ sung thường xuyên nhằm đảm bảo cho việc dạy và học của 3 trường trong xã. Các trường tuy chưa được xây dựng cao tầng nhưng đều đã được xây dựng bằng gạch ngói kiên cố có đủ nơi học tập cho học sinh. Chất lượng dạy và học có chiều hướng đi lên. Khối mầm non năm học 1996- 1997 có 8 lớp với 190 học sinh, đến năm 1998 có 985 cháu trong độ tuổi đến lớp, năm 2000 có 280 cháu đến lớp. Bậc tiểu học hàng năm có 18- 19 lớp với số học sinh từ 468 – 478 em. Năm 1998 xã đã hoàn thành chương trình xoá mù bậc tiểu học, năm 2000 được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học. Bậc trung học cơ sở hàng năm có 10 lớp, số học sinh năm hoạc 1996- 1997 là 299 em, năm học 1999- 2000 là 327 em. Xếp loại học lực năm học 1998- 1999 có 0,3% học sinh khá, 67% học sinh trung bình và 2,6% học sinh yếu. Số học sinh thi đậu vào trung học phổ thông ngày càng tăng, riêng năm học 1996- 1997 có 84% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung học phổ thông.

          Ngành y tế xã có 5 cán bộ chuyên môn tại trạm và 6 y tá thôn đã đạt nhiều kết quả trong công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân. Chế độ trực trạm được duy trì, năm 1996 đã khám và chữa cho 3968 lượt người , 8 tháng đầu năm 2000 khám và điều trị cho 1323 lượt người. Các chương trình y tế quốc gia được duy trì thường xuyên. Trạm đã tổ chức cùng ngành thăm khám một số bệnh cho các cháu học sinh của học sinh 3 cấp trong xã; cho trẻ em uống vitaminA đầy đủ, khám bệnh theo lịch cho các đối tượng chính sách. Hàng tháng kết hợp với hội phụ nữ mở hội hạnh phúc, chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em, phòng chống suy dinh dưỡng, hướng dẫn thực hiện kế hoạch hoá gia đình, góp phần hạ tỉ lệ phát triển dân số từ 1,57% năm 1997 xuống còn 1,29% năm 1998 và 1,06% năm 1999. Công tác vệ sinh môi trường được thực hiện thường xuyên tuy kết qủa còn hạn chế. Trong 5 năm không có dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn xã.

          Về an ninh, lực lượng công an xã đã được củng cố thường xuyên, duy trì tốt chế độ thường trực, tuần tra, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội, trên địa bàn xã. Lực lượng  công an viên được tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ do công an huyện tổ chức. Năm 1996 giải quyết 29 vụ việc, năm 1997 giải quyết 12 vụ việc, năm 1998 giải quyết 30 vụ việc. Trong công tác đảm bảo an ninh đã có sự phối hợp với các xã xung quanh và đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn xã. Tổ chức tốt việc theo dõi, truy quét tệ nạn xã hội như trộm cắp, cờ bạc, mê tín dị đoan v.v…Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 135 của Chính phủ về truy quét tội phạm, Nghị định 19/CP và Chỉ thị 27 của UBND tỉnh về cảm hoá giáo dục những người lầm lỗi. Việc quản lý hộ tịch, hộ khẩu có nhiều tiến bộ.

          Lực lượng dân quân tự vệ được tổ chức mỗi thôn 1 trung đội, ở xã có 1 trung đội mạnh là lực lượng sẵn sàng để cùng với công an phòng chống bạo loạn, ứng cứu khi thiên tai xảy ra. Trung đội mạnh gồm 45 người tổ chức thành 3 tiểu đội. Định kỳ hàng năm, dân quân xã đã thực hiện tốt kế hoạch huấn luyện. Năm 1998 đã tổ chức diễn tập theo cơ chế 02 cho trung đội nòng cốt đạt kết quả khá. Lực lượng dân quân còn tham gia tích cực trong công tác làm đường giao thông nông thôn, chống hạn cho lúa và hoa màu.

          Thực hiện vai trò của cơ quan quyền lực ở địa phương, Hội đồng nhân dân xã nhiệm kỳ 1994- 1999 đã tăng cường chức năng giám sát, đề ra các nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Hoạt động của UBND xã có nhiều tiến bộ về lề lối làm việc, thể hiện được vai trò quản lý điều hành của cấp chính quyền cơ sở. UBND xã đã triển khai thực hiện qui chế dân chủ ở cơ sở theo Nghị định 29 của chính phủ (năm 1998), hoàn thành chuyển đổi hợp tác xã dịch vụ theo hình thức cổ phần. Chỉ đạo các thôn làm tốt chương trình hiện đại hoá kênh mương, xây dựng hệ thống giao thông nông thôn và thuỷ lợi nội đồng, xây dựng cơ sở vật chất trường học, xây dựng làng văn hoá, tổng điều tra dân số và nhà ở ( 4- 1999), tổ chức bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp (11/1999). Thực hiện tốt chính sách xã hội với các gia đình chính sách, thực hiện chương trình xoá đói giảm nghèo, dân số kế hoạch hoá gia đình.

          Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng đã bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương trong từng giai đoạn để tuyên truyền, vận động hội viên tham gia thực hiện. Nhiều phong trào đã được sự ủng hộ của đông đảo hội viên các đoàn thể như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư” do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, phong trào “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, phong trào “xoá đói giảm nghèo”,  phong trào thanh niên lập thân lập nghiệp v.v…Các đoàn thể đã tập hợp được đoàn viên, hội viên tham gia sinh hoạt ngày càng đông đảo. Số lượng đoàn viên thanh niên tham gia sinh hoạt là 328 người đạt tỉ lệ 54,2%, trong đó có 177 đoàn viên. Hội phụ nữ đã tập hợp được 713 hội viên tham gia sinh hoạt ở 8 tổ , tích cực thực hiện các phong trào nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc, giúp nhau làm kinh tế gia đình. Hội nông dân đã kết nạp được 448 hội viên, chiếm gần 50% nông dân toàn xã v.v…Hoạt động của các tổ chức quần chúng đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế xã hội mà nghị quyết của Đảng bộ và Hội đồng nhân dân xã đề ra.

          Trong 5 năm 1996- 2000, Đảng bộ Minh Sơn đã tập trung xây dựng Đảng về tất các các lĩnh vực. Đảng bộ đã kịp thời triển khai các nghị quyết của Đảng bộ các cấp, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 2, Nghị quyết Trug ương 6 (khoá VIII), Quy định của Bộ Chính trị về 19 điều đảng viên không được làm. Qua 2 năm học tập triển khai với 189 đồng chí tham gia (đạt 92,1%), nhận thức của đảng viên được nâng lên rõ rệt. Với quan điểm tập thể kiểm điểm trước cá nhân, lãnh đạo làm trước, đảng viên kiểm điểm sau, 10 chi bộ đã tham gia kiểm điểm phê bình Ban Thường vụ, BCH Đảng uỷ và UBND xã với 102 ý kiến thẳng thắn, trung thực. Đảng bộ đã gắn việc kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 với phân tích chất lượng đảng viên 6 tháng đầu năm 2000. Qua phân loại 196/205 đảng viên trong Đảng bộ, có 172 đồng chí đạt loại 1 chiếm 87,8%, 16 đồng chí loại 2 chiếm 8,25 và 8 đồng chí loại 3 chiếm 4%. Việc đánh giá phân loại chất lượng đảng viên 6 tháng và hàng năm được thực hiện nghiêm túc. Hàng năm số đảng viên loại 1 đạt 85-90%, số chi bộ đạt trong sạch vững mạnh chiểm 60%. Đảng bộ trong 3 năm 1996, 1997, 1998 được công nhận đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh.

          Công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực trình độ cho đảng viên được chú ý, đã tổ chức cho đảng viên tham gia các lớp bồi dưỡng chính trị cơ sở, bồi dưỡng 3 chuyên đề. Hơn 80% cán bộ đảng viên và chính quyền được cử đi học tập các lớp trung cấp quản lý Nhà nước, các bộ chuyên môn đi học các lớp bồi dưỡng chuyên môn do huyện và tỉnh tổ chức theo hình thức tại chức và tập trung.

          Công tác phát triển Đảng là một nhiệm vụ thường xuyên của các chi bộ. Trong 5 năm, Đảng bộ đã kết nạp được 31 đảng viên mới, bình quân mỗi năm kết nạp 6 đồng chí. Số đảng viên mới hầu hết là đoàn viên thanh niên đã được rèn luyện trong các phong trào quần chúng. Công tác kiểmn tra Đảng được chú ý nhằm phát hiện những lệch lạc, yếu kém để cấp uỷ có kế hoạch chỉnh đốn, uốn nắn kịp thời. Trong 5 năm đã xử lý luật 31 đảng viên, trong đó đưa ra khỏi Đảng 5 đồng chí, trong đó có cả các cán bộ chủ chốt.

          Nhìn chung trong 5 năm 1996- 2000, Đảng bộ và nhân dân Minh Sơn đã phấn đấu hoàn thành cơ bản các mục tiêu nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ 17 (tháng 5- 1995) đề ra. Hoạt động kinh tế khởi sắc trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, vườn đồi, dịch vụ thương mại. Đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được cải thiện, xoá được đói, giảm được nghèo. Hiệu lực quản lý điều hành của chính quyền được nâng cao, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đảng bộ được củng cố ngày càng vững mạnh. Khuyết điểm tồn tại cần phải khắc phục là: Chế độ tự phê bình và phê bình trong BCH Đảng uỷ chưa nghiêm dẫn đến những vi phạm của cán bộ về luật đất đai, tài chính ngân sách để cấp trên phải xử lý kỷ luật. Vai trò tập thể lãnh đạo chưa được phát huy. Việc triển khai thực hiện qui chế dân chủ còn hạn chế, đồng thời chưa chỉ đạo kiên quyết kịp thời dẫn đến nhiều vụ lấn chiếm đất đai, không hoàn thành chỉ tiêu giao nộp cho Nhà nước. Công tác dồn điền đổi thửa chưa thực hiện được, tỉ lệ hộ nghèo còn cao hơn 3,5% so với mức bình quân chung toàn huyện v.v…Đó là những vấn đề đặt ra đỏi hỏi Đảng bộ và nhân dân Minh Sơn phải khắc phục trong thời gian trưứoc mắt để tiếp tục đưa công cuộc xây dựng quê hương tiến lên đạt nhiều thành tựu to lớn.

II. ĐẢNG BỘ MINH SƠN KHOÁ XXVI,XXVII,XXVIII TIẾP TỤC LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN ĐẨY MẠNH CÔNG CUỘC XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG ( 2000- 2013).

          Trong hơn mười năm đầu của thế kỷ XXI, Đảng bộ và nhân dân Minh Sơn tiếp tục bước vào thờii kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiêp hoá hiện đại hoá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX( 2001), lần thứ X(2006) và lần thứ XI (2011). Đối với một xã nông nghiệp như Minh Sơn, nội dung trọng tâm của công nghiệp hoá, hiện đại hoá chính là thực hiện công nghiệp hoá hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn như Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (khoá IX) đề ra.

          Thực hiện chủ trương của Huyện uỷ Triệu Sơn, trong hai ngày 28 và 29 tháng 8 năm 2000, tại Hội trường xã, Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Minh Sơn lần thứ XXVI đã được tổ chức. Đại hội đã tiến hành đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ chính trị nhiệm kỳ 1996- 2000 và đề ra phương hướng của nhiệm kỳ mới. Bên cạnh thành tích đạt được, Đại hội cũng vạch ra những hạn chế, khuyết điểm: cơ cấu kinh tế chuyển đổi chậm, các công trình phúc lợi xuống cấp, tỉ lệ hộ nghèo còn cao, vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính, quản lý đất đai, nhiều vụ lấn chiếm đất đai chưa được giải quyết, nợ khê đọng kéo dài, một số tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng.

          Đại hội đã đề ra phương hướng của nhiệm kỳ 2000- 2005: Giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, tăng cường kết cấu hạ tầng cơ sở, phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần; tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa vụ đông thành vụ sản xuất chính, gắn tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội, củng cố an ninh quốc phòng; đẩy mạnh hoạt động văn hoá xã hội, xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, phấn đấu xây dựng Đảng bộ đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh.

          Đại hội đã bầu ban chấp hành Đảng bộ gồm 11 đồng chí. Trong phiên họp đầu tiên, BCH Đảng bộ bầu đồng chí Trịnh Công Sĩ làm Bí thư Đảng uỷ; đồng chí Lê Phú Thành làm Phó Bí thư, Chỉ tịch UBND xã; đồng chí Trịnh Tiến Anh, Uỷ viên Ban thường vụ - Trực Đảng uỷ xã.

          Sau Đại hội, Đảng bộ đã tập trung triển khai các nhiệm vụ trên toàn bộ các lĩnh vực, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là lãnh đạo phát triển kinh tế. Kết quả trong 5 năm 2001- 2005 tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 12,26%, tỷ trọng cơ cấu kinh tế nông nghiệp- tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ là 59,5%- 21%- 19,5%.

          Trong sản xuất nông nghiệp, Đảng bộ đã quan tâm lãnh đạo công tác quản lý đất đai, đẩy mạnh công tác thuỷ lợi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Năm 2001, Minh Sơn đã tiến hành đổi điền dồn thửa trên phạm vị 8 thôn. Kết quả đã giảm số thửa từ 4772 thửa xuống còn 4047 thửa. Hàng năm nhân dân trong xã đã tham gia đào đắp hàng nghìn mét khối đất để tu bổ hệ thống giao thông nội đồng, nạo vét kênh mương tưới tiêu. Năm 2001, Minh Sơn đã xây dựng được 707 mét mương bê tông với kinh phí 153 triệu đồng chủ yếu do nhân dân đóng góp. Từ nửa cuối năm 2004, UBND xã đã giao quyền quản lý, bảo vệ và đầu tư nâng cấp các tuyến giao thông và kênh mương nội đồng trên địa bàn các thôn (gồm 38 tuyến, 19643m) cho các thôn quản lý, tạo quyền chủ động cho các thôn trong việc tu bổ nâng cấp các công trình phục vụ sản xuất. Hoạt động của hợp tác xã dịch vụ ngày càng có hiệu quả, trả được nợ và bắt đầu mở rộng các lĩnh vực hoạt động trong các dịch vụ bảo vệ đồng điền, thuỷ lợi, cung ứng giống. Hợp tác xã bố trí 1 ha vùng lúa giống tại Tân Ninh. Riêng trong 2 năm 2003 đã cung cấp cho các hộ 2,13 tấn giống lúa lai. Hợp tác xã đã phối hợp với phòng nông nghiệp, trạm khuyến nông - khuyến lâm huyện tổ chức được một số lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi cho hàng trăm hộ nông dân, từ đó nâng cao kiến thức và kỹ năng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhân dân trong xã còn mua sắm 25 máy cày bừa, 15 xe công nông góp phần đẩy mạnh cơ giới hoá nông nghiệp. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng được Đảng bộ xã xác định là một biện pháp quan trọng để nâng cao năng suất và sản lượng lương thực. Đảng bộ đã tập trung chỉ đạo việc đưa các giống lúa lai vào thâm canh với diện tích ngày càng mở rộng thay cho các giống lúa cũ. Diện tích lúa lai năm 2001 đạt 35% diện tích, năm 2005 đạt 85 ha, năng suất cao hơn các giống lúa khác và đạt 5 tấn/ha trở lên. Diện tích vụ đông cũng được mở rộng từ 32 ha năm 2001 lên 40,7 ha năm 2004, chủ yếu là cây ngô và khoai lang, sản lượng qui thóc hàng năm đạt 90- 135 tấn.

          Với diện tích lúa chiêm hàng năm từ 220- 230 ha, vụ mùa hàng năm xấp xỉ 200 ha, năm 2001 Minh Sơn đạt sản lượng lương thực là 1810 tấn (tính cả màu qui thóc), năm 2003 đạt 1650 tấn bằng 79% kế hoạch (do vụ mùa bị ngập lụt). Năm 2004 đạt 2028 tấn bằng 95,4% kế hoạch và năm 2005 đạt 1813,8 tấn bằng 84,36% kế hoạch (vụ mùa bị mất lụt). Tính bình quân hàng năm Minh Sơn đạt sản lượng lương thực là 1825 tấn.

          Kinh tế vườn đồi có những chuyển dịch mạnh mẽ. Từ năm 2001 cây mía đã thay cho cây bạch đàn với diện tích 14 ha, năm 2003 tăng lên 19,5 ha với năng suất 50 tấn/ha cho thu hoạch khoảng 975 tấn mía cây. Việc đưa cây mía vào canh tác đã làm bật dậy tiềm năng của kinh tế vườn đồi ở Minh Sơn. Từ năm 2003 Minh Sơn đã xây dựng được vùng dứa theo kế hoạch của huyện giao với diện tích hàng năm 19- 20 ha, tuy nhiên việc tiêu thụ sản phẩm đã gặp không ít khó khăn. Cây cà phê có 7 ha chưa cho thu hoạch. Cây ăn quả (chủ yếu là vải thiều) có 6 ha bắt đầu cho thu hoạch.

          Về chăn nuôi, đàn lợn tăng nhanh từ 1993 con (năm 2001) lên 272 con (năm 2004). Có 1 hộ lập trang trại nuôi từ 40- 70 con, một số hộ nuôi hàng chục con. Đàn trâu bò tăng nhanh từ 250 con năm 2001 lên 451 con năm 2003 và 714 con năm 2005. Trong tổng số đàn gia súc, đàn bò chiếm tỉ lệ tới 93%. Riêng giống bò lai sin có giá trị kinh tế cao đến năm 2004 đã có 25 con. Toàn xã có 16 hộ nuôi từ 3 con bò cái trở lên trong đó có 1 hộ nuôi 10 con bò cái sinh sản. Riêng các loại gia cầm như gà, vịt có số lượng khoảng 25000 con (năm 2002) đã giảm xuống còn khoảng 16000 con (năm 2005) do ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm năm 2004.

          Sản xuất tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ tiếp tục phát triển với hơn 205 số hộ tham gia và ngày càng chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế. Thôn Đại Sơn tiếp tục phát triển sản xuất vật liệu xây dựng với 3 cơ sở sản xuất gạch thông tâm, hơn 30 hộ sản xuất gạch thủ công. Đến năm 2003 toàn xã có 129 hộ kinh doanh bán lẻ các mặt hàng phục vụ sản xuất và tiêu dùng, hơn 450 lao dộng (chiếm 22% lao động nông thôn) làm nghề thợ xây, thợ mộc, điện, gò hàn cơ khí, vận tải…

          Thực hiện phương châm “Tích cực phát huy nội lực, kết hợp giữa Nhà nước, tập thể và nhân dân cùng làm”, Đảng bộ Minh Sơn đã đặc biệt quan tâm đến việc đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân trong xã. Đảng bộ đã lãnh đạo thực hiện tập trung nguồn ngân sách kết hợp với sự tham gia đóng góp của nhân dân, sự quan tâm giúp đỡ của huyện và tỉnh để đầu tư cho xây dựng cơ bản trong 5 năm là gần 4 tỉ đồng. Năm 2002 hoàn thành xây dựng khu nhà làm việc 2 tầng của Đảng uỷ xã với kinh phí 460 triệu đồng, khu hội trường xã với kinh phí 270 triệu đồng. Năm 2003 hoàn thành xây dựng trường tiểu học 2 tầng với 10 phòng học và 2 phòng chức năng,kinh phí  gầ n 1 tỉ  đồng( trong đó nhân dân đóng góp 450 triệu đồng). Năm 2004 hoàn thành xây dựng trường trung học cơ sở với 8 phòng học, kinh phí 925 triệu đồng. Bưu điện văn hoá xã và Đài truyền thanh cũng được đầu tư xây dựng với kinh phí gần 100 triệu đồng. Xã lập Ban chỉ đạo phát triển giao thông hàng năm đều phát động chiến dịch ra quân làm giao thông thuỷ lợi với sự tham gia đóng góp của nhân dân trong xã. Hệ thống giao thông, thuỷ lợi được huy động mỗi năm hàng trăm triệu đồng, hàng nghìn ngày công để mở rộng hầu hết các tuyến đường giao thông liên thôn, cơ bản hoàn thành việc rải sỏi phần lớn các trục giao thông liên thôn và nội đồng. Quy chế dân chủ được phát huy, việc thực hiện công khai minh bạch trong thu chi đã được nhân dân đồng tình và  hăng hái đóng góp.

          Kinh tế tăng trưởng đã tạo thuận lợi để Minh Sơn đẩy mạnh các hoạt động văn hoá xã hội. Cơ sở vật chất cho giáo dục được nâng cấp khang trang đảm bảo phục vụ tốt cho nhiệm vụ dạy và học. Khối mẫu giáo huy động được 805 số cháu  trong độ tuổi đến lớp. Năm 2001 xã Minh Sơn được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Các nhà trường đã tăng cường kỷ cương, nề nếp dạy và học, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, nghiêm túc thực hiện các qui định dạy và quản lý nhà trường. Năm 2005 Trường tiểu học được công nhận đạt chuẩn quốc gia.Tháng 4 năm 2001, Hội khuyến học xã được thành lập gồm 2 chi hội nhà trường, đến năm 2005 có thêm 5 khu dân cư và xây dựng được chi hội.

          Trạm y tế tiếp tục thực hiện tốt chương trình chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Trong 4 năm ( 2001, 2003, 2004, 2005) đã khám 18591 lượt người (trung bình mỗi năm 4647 lượt người), trong đó khám tại trạm 6885 lượt người (năm 2001), 214 lượt người (năm 2003), 68 lượt người (năm 2004) và 195 lượt người (năm 2005). Ngoài ra trong 3 năm 2003, 2004, 2005 trạm còn điều trị ngoại trú cho 2056 lượt người bệnh. Tỉ lệ phát triển dân số của xã trung bình hàng năm là 0,8- 0,9%. Tuy nhiên vẫn còn một số trường hợp sinh con thứ 3.

          Quán triệt nội dung Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 ( khoá VIII) về xây dựng nền văn hoá tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng bộ đã tập trung chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” với 5 nội dung, 7 phong trào cụ thể. Trong nhiệm vụ xây dựng làng văn hoá, làng Hoàng Thôn đã được công nhận làng văn hoá cấp tỉnh năm 2001. Khai trương thêm 4 đơn vị văn hoá là các thôn Hoàng Đồng, Đồng Cát, Tân Ninh và Trường tiểu học. Tất cả các thôn đều xây dựng được nhà văn hoá và qui ước văn hoá. Phong trào đăng ký xây dựng gia đình văn hoá được nhân dân hưởng ứng rộng khắp. Năm 2003 có 72,8% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá, năm 2004 là 78,8% và năm 2005 là 70,08%. Cùng với việc xây dựng đài truyền thanh xã, trang thiết bị phục vụ công tác văn hoá thông tin, được đầu tư bổ sung với hệ thống loa truyền thành toả khắp các khu dân cư trong xã. Phong trào văn hoá văn nghệ được tổ chức thường xuyên vào các ngày lễ lớn góp phần tạo không khí vui tươi phấn khởi trong nhân dân. Hoạt động thể thao như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông cũng được tổ chức rộng kháp từ xã đến các thôn.

          Các hoạt động tình nghĩa, chăm sóc gia đình chính sách, hỗ trợ gia đình khó khăn được quan tâm. Các hộ nghèo được vay vốn theo chương trình Ngân hàng phục vụ người nghèo và chương trình dự án giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hộ nông dân. Tính đến năm 2003 có 407 hộ được vay với số vốn 841 triệu đồng. Đến năm 2005 toàn xã đã xây dựng được 27 ngôi nhà mới theo chương trình xoá nhà tranh tre dột nát, cơ bản xoá xong nhà dột nát tạm bợ. Số hộ nghèo giảm xuống còn 122 hộ, chiếm tỉ lệ 11,6%, 975 số hộ có nhà kiên cố và nửa kiên cố, trong đó số nhà mái bằng và cao tầng chiếm xấp xỉ 30%, 40% số hộ có xe máy. Bộ mặt thôn quê từng bước đổi thay.

          Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân nhiệm kỳ 1999- 2004 (khoá 16) đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, cụ thể hoá được các Nghị quyết của Đảng bộ huyện và xã, chỉ đạo và điều hành hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục trong 5 năm đạt trên 10%. Mỗi năm chính quyền và các đoàn thể đã rà soát và bổ sung qui chế hoạt động, điều hành có hiệu quả hơn. Việc thực hiện qui chế dân chủ được xác định là một trọng điểm của việc nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở. Các qui định của Nhà nước và địa phương, các thủ tục hành chính được công khai phổ biến rộng rãi. Nhân dân được bàn bạc và tham gia ý kiến nhiều công việc quan trọng. Chất lượng và hiệu quả các kỳ họp được nâng cao, thực hiện dân chủ công khai, minh bạch trong thu chi ngân sách đầu tư, chi phí có hiệu quả, đúng kế hoạch đề ra. HĐND đã làm tốt công tác giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân là trong lĩnh vực đất đai, các quỹ huy động sức dân để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội.

          Các đoàn thể quần chúng đến năm 2005 đã tổ chức và tập hợp được hơn 2000 hội viên, đoàn viên (Hội nông dân 362 hội viên, Hội phụ nữ 782 hội viên, Hội cựu chiến binh 210 hội viên, Đoàn thanh niên 172 đoàn viên thanh niên, Hội người cao tuổi 506 hội viên). Các đoàn thể đã thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của địa phương, các chương trình công tác của đoàn thể mình. Các phong trào thi đua và các cuộc vận động lớn được Mặt trận và các đoàn thể phát động đã lôi cuốn đông đảo hội viên, đoàn viên tham gia. Đặc biệt là Hội cựu chiến binh và Hội ngưòi cao tuổi hàng năm đều ra được các số báo tường. Hội phụ nữ đã xây dựng được tủ sách với hơn 400 đầu sách góp phần phục vụ để nâng cao kiến thức cho hội viên.

          Đảng bộ Minh Sơn tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị trung ương 6 (lần 2) khoá VIII và cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng, đề ra nhiều chủ trương biện pháp xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh. Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, thực hiện tự phê bình và phê bình, tăng cường đoàn kết thống nhất trong tư tưởng và hành động. Nhờ vậy vai trò và uy tín của Đảng bộ được khôi phục và nâng cao.

          Công tác cán bộ và phát triển đảng viên mới được quan tâm. Phương án qui hoạch các chức danh chủ chốt được thực hiện dân chủ công khai theo đúng qui trình hướng dẫn của cấp trên. 12 cán bộ được cử đi học về lý luận và chuyên môn nghiệp vụ, đảm bảo hơn 90% cán bộ chuyên trách xã có trình độ Trung cấp chính trị và quản lý Nhà nước, 100% bí thư chi bộ thôn, trưởng được đào tạo trình độ chính trị từ sơ cấp trở lên. Các cấp uỷ chi bộ thường xuyên được kiện toàn củng cố. Trong nhiệm kỳ đã giới thiệu 67 đoàn viên và quần chúng ưu tú đi học cảm tình đảng, qua đó kết nạp được 30 đảng viên mới. Đồng thời tổ chức kiểm tra hơn 200 lượt đảng viên và 15 cuộc kiểm tra các chi bộ, xử lý kỷ luật 12 đảng viên. Ban Tuyên giáo và ban Dân vận của Đảng bộ được thành lập và bước đầu đi vào hoạt động.

Công tác đánh giá chất lượng đảng viên và chi bộ được tiến hành theo định kỳ. Qua phân loại hàng năm, năm 2003 có 226 đảng viên dự phân loại, đảng viên loại 1 là 162 đồng chí chiếm 86%, loại 2 là 25 đồng chí chiếm 13% và loại 3 là 2 đồng chí chiếm 1%. Có 5 chi bộ đạt trong sạch vững mạnh, 5 chi bộ khá và không có chi bộ yếu kém. Năm 2004 có 237 đảng viên dự phân loại, 191 đồng chí đạt loại 1chiếm 95,9%, 8 đồng chí đạt loại 2 chiếm 4,1% và không có đảng viên loại 3. 8 chi bộ đạt trong sạch vững mạnh, 2 chi bộ đạt loại khá, không có chi bộ yếu kém. Năm 2005 có 160 đảng viên đạt loại 1 chiếm 88%  và 22 đảng viên loại 2 chiếm 12%. Trong 4 năm từ năm 2002 đến năm 2005, Đảng bộ được Huyện uỷ công nhận đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh.

          Từ cuối năm 2005, địa giới hành chính và dân cư xã Minh Sơn được thu hẹp một phần để mở rộng thị trấn Triệu Sơn. Thực hiện Quyết định 622/QĐ- CT ngày 21- 7- 2005 của Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn về việc thực hiện quy hoạch mở rộng thị trấn Triệu Sơn, ngày 27-7-2005, UBND xã Minh Sơn đã bàn giao cho UBND Thị trấn Triệu Sơn tiếp nhận toàn bộ thôn Tân Phong với diện tích tự nhiên 82,7ha,1184 khẩu, 742 lao động. Chi bộ thôn 5 gồm 40 đảng viên cũng được chyển về sinh hoạt tại Đảng bộ thị trấn Triệu Sơn. Từ thời điểm này, xã Minh Sơn có 7 thôn. Cuối năm 2005, xã đã cấp bán đất ở theo Quyết định của UBND huyện cho 26 hộ tại khu vực Lào Đáo và Đồng Bông.

          Thực hiện chủ trương của Huyện uỷ Triệu Sơn, trong 2 ngày 25 và 26 tháng 7 năm 2005, Đại hội Đảng bộ xã Minh Sơn lần thứ XXVII nhiệm kỳ 2005- 2010 đã được tổ chức tại hội trường xã. Đại hội đã nghe và đóng góp ý kiến vào Báo cáo chính trị và Báo cáo kiểm điểm của BCH Đảng bộ khoá 18. Đại hội đã ra Nghị quyết thống nhất quyết định về những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2001- 2005, đề ra phương hướng nhiệm vụ và những giải pháp cụ thể cho nhiệm kỳ 2005- 2010. Đại hội nêu rõ phương hướng tổng quát là: Tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, tận dụng triệt để những thuận lợi, khắc phục khó khăn, sử dụng có hiệu quả những tiềm năng ngoại lực và nội lực để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương phát triển cân đối, đồng bộ. Phát triển công nghiệp và dịch vụ, ổn định và giữ vững tốc độ tăng trưởng bình quân 10% /năm. Ưu tiên đặc biệt cho xây dựng công trình phúc lợi, cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc xây dựng đời sống văn hoá. Bảo vệ môi trường, củng cố vững chắc an ninh quốc phòng, từng bước xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, giải quyết kịp thời những bức xúc của nhân dân. Thực hiện tốt qui chế dân chủ, xây dựng Đảng, chính quyền và các ngành, đoàn thể thật sự trong sạch vững mạnh.

          Trong phiên họp đầu tiên, Ban chấp hành Đảng bộ bầu đồng chí Trịnh Công Sĩ làm Bí thư Đảng uỷ, đồng chí Lê Phú Thành được bầu làm Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã, đồng chí Trịnh Tiến Anh được bầu làm Phó Bí thư, Trực Đảng uỷ xã.

 Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2005- 2010, ngày 20-7-2010, Đại hội Đảng bộ xã Minh Sơn lần thứ XXVIII đã được tổ chức. Đại hội tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng bộ trong việc hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ của những năm 2005- 2010 và đề ra phương hướng nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2010- 2015. Đại hội bầu BCH Đảng uỷ gồm 13 đồng chí, đồng chí Lê Phú Thành được bầu làm Bí thư Đảng uỷ xã, đồng chí Trịnh Công Sĩ làm Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã và đồng chí Trịnh Tiến Anh làm Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã.

          Quán triệt Nghị quyết Đại hội các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Triệu Sơn lần thứ XV (tháng 10- 2005). Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXVII và XXVIII , trong 8 năm (2006- 2013) Đảng bộ xã đã lãnh đạo nhân dân trong xã thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra bằng những giải pháp cụ thể. Đảng bộ vẫn tiếp tục xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

          Trên lĩnh vực kinh tế, trong bối cảnh lạm phát ngày càng tăng, giá cả mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất (giống, vật tư, phân bón) trên thị trường biến chuyển theo chiều hướng tăng cao, thời tiết diễn biến thất thường (khô hạn vụ chiêm, úng lụt vụ mùa), dịch bệnh cây trồng và vật nuôi liên tục xảy ra đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh. Song với sự nỗ lực phấn đấu của nhân dân trong xã, sự lãnh đạo điều hành của Đảng bộ và chính quyền, các nhiệm vụ kinh tế xã hội của 2 kỳ Đại hội Đảng bộ đề ra đã được hoàn thành cơ bản.

          Về sản xuất nông nghiệp, Đảng bộ Minh Sơn tiếp tục quan tâm công tác thuỷ lợi và giao thông nội đồng nhất là sau khi hoàn thành dồn điền đổi thửa lần 2. Căn cứ vào qui chế dân chủ cơ sở, UBND xã đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thôn chủ động lập kế hoạch và tổ chức thực hiện việc nâng cấp hệ thống thuỷ lợi và giao thông nội đồng . Khối lượng đào đắp kênh mương, thuỷ lợi nội đồng năm 2009 là 13000m3, rải sỏi 974 m3. Riêng kinh phí đầu tư công trình cải tạo nâng cấp đường Đồng Nẫn là 246 triệu đồng. Năm 2011 công trình hồ chứa nước Rọc Đong do tỉnh đầu tư với giá trị gần 900 triệu đồng đã hoàn thành, góp phần nâng cao khả năng tưới tiêu cho hàng trăm mẫu ruộng của Minh Sơn. Trong 2 năm 2011- 2012 đã đào đắp 4517m3 đất, rải sỏi 1874m3, nạo vét hàng chục km kênh mương nội đồng, lắp thêm một số cống tiêu, xây dựng được 6,04 km đường bê tông nội đồng và 1,7 km mương bê tông.

          Đi đôi với công tác thuỷ lợi, Minh Sơn đã xây dựng được vùng lúa có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao với diện tích 130 ha. Một số giống lúa có năng suất chất lượng cao được đưa vào gieo trồng. Công tác khuyến nông, bảo vệ thực vật, phòng trừ sâu bệnh được tăng cường. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp gặp khó khăn do thiếu nguồn vốn, giá cả vật tư phục vụ nông nghiệp tăng cao nên hoạt động chủ yếu thông qua dịch vụ điều hành tưới tiêu với diện tích đảm nhận 193,43ha.

          Minh Sơn có diện tích vụ chiêm hàng năm 175- 195 ha, năng suất từ 4,8 tấn – 5,8 tấn/ ha; diện tích vụ mùa 170- 177ha, năng suất từ 4,1 – 4,5 tấn/ha. Diện tích vụ đông hàng năm từ 20- 36 ha cho sản lượng qui thóc từ 80 – 140 tấn. Sản xuất rau màu và vụ đông nhiều năm chỉ đạt 50-60% kế hoạch.

          Kết quả sản xuất lương thực của Minh Sơn qua các năm như sau:

          - Năm  2006 được mùa lớn đạt sản lượng cao nhất là 2027,3 tấn (cao hơn 4% so với kế hoạch, bình quân lương thực đạt 482kg/người/năm).

          - Năm 2007: 1823,2 tấn (đạt 96% kế hoạch)

          - Năm 2008: 1890,6 tấn, đạt 97,5% kế hoạch

          - Năm 2009: 2000 tấn, đạt 100% kế hoạch

          - Năm 2010: 1780 tấn, đạt 89% kế hoạch

          - Năm 2011: 1662 tấn, đạt 86% kế hoạch

          - Năm 2012: 1710 tấn, đạt 90% kế hoạch

          Do diện tích gieo trồng của xã hàng năm giảm từ hơn 400 ha ( năm 2006 – 2007) xuống còn 390ha ( năm 2008) và 350- 360 ha ( năm 2011- 2012), sản lượng lương thực của xã đã giảm xuống trong những năm gần đây. Đó cũng là qui luật chung khi tỉ trọng GDP trong nông nghiệp giảm dần để tăng GDP trong các lĩnh vực kinh tế khác. Tính bình quân trong 7 năm, sản lượng lương thực bình quân hàng năm của xã là 1841,8 tấn. Ngành trồng trọt luôn chiếm tỉ trọng lớn nhất trong tổng giá trị thu nhập về nông nghiệp của xã.

          Về chăn nuôi, đàn lợn hàng năm có số lượng cao nhất là năm 2007 với 4000 con ( trong đó có 20% là lợn nái). Năm 2008 do dịch bệnh tai xanh đã phải tiêu huỷ 55% đàn lợn với thiệt hại khoảng 40- 60 tấn lợn hơi. Từ năm 2008 đến năm 2010 đàn lợn duy trì ở mức dưới 2000 con. Từ năm 2011 đến nay tăng lên từ 2300 – 2887 con ( trong đó có 23% lợn nái). Đàn trâu bò những năm 2006- 2007 có từ 746 – 862 con, từ năm 2008 đến nay liên tục giảm xuống còn 413 con ( năm 2009), 443 con (năm 2011) và hiện nay là 376 con. Đàn gia cầm ổn định về số lượng từ 20000- 23000 con, Năm 2012 đã hình thành 2 trang trại nuôi gà thả vườn v ới quy mô mỗi trang trại hơn 1000 con. Diện tích nuôi cá toàn xã có trên 30 ha, mỗi năm cho thu hoạch 40- 50 tấn cá.

          Kinh tế vườn đồi tiếp tục được duy trì và phát triển, đặc biệt là các loại cây lấy gỗ, cây chè đạt được hiệu quả kinh tế và tương đối ổn định. Riêng cây dứa năm 2006 trồng 20,5ha nhưng đến các năm sau do không có thị trường tiêu thụ nên diện tích bị phá hỏ hầu hết. Cây mía từ năm 2008 về trước mỗi năm trồng được khoảng 20 ha cho thu nhập 500 – 600 tấn. Từ năm 2009 đến nay do khâu tiêu thụ và giá cả không đảm bảo nên thu hẹp còn khoảng 10 ha. Từ năm 2010 có 15 hộ tham gia trồng cây giống lâm nghiệp với diện tích khoảng 3 ha.

          Sản xuất tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ tuy gặp nhiều khó khăn những vẫn đạt mục tiêu và có mức tăng trưởng khá. Các ngành nghề chế biến bông lâm sản, vận tải, sản xuất vật liệu xây dựng, mộc, nề v.v..thu hút nhiều lao động và đem lại nguồn thu nhập lớn cho nhiều gia đình. Đến đầu năm 2012 toàn xã có 14 ô tô vận tải, 36 máy làm đất, 18 cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, 3 doanh nghiệp, 25 cơ sở sản xuất và chế biến nông lâm sản, đại lý buôn bán. Một số danh nghiệp có doanh thu ổn định như danh nghiệp Thương Thu , xăng dầu Việt Anh, HTX may mặc Vương Sánh v.v…Tỉ trọng sản xuất tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu tổng thu nhập toàn xã giai đoạn 2006- 2012 hàng năm từ 52%- 60%.

          Kinh tế phát triển đã tạo điều kiện để Minh Sơn tiếp tục đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt với số kinh phí đầu tư lớn hơn rất nhiều so với giai đoạn 2000- 2005. Ngoài ra đã đầu tư hàng chục tỉ dồng vào cho xây dựng cơ bản. Thực hiện Nghị quyết chyên đề của Đảng bộ xã về phát triển giao thông nông thôn, tháng 7- 2006, UBND xã đã xây dựng Đề án xây dựng và phát triển nông thôn xã giai đoạn 2006- 2010, lập dự án quy hoạch bê tông hoá với kế hoạch huy động nguồn vốn đóng góp của nhân dân từ vụ 10 năm 2006 đến hết năm 2009. Năm 2007 đầu tư 750 triệu đồng xây dựng 2,2 km giao thông tuyến thôn 4, thôn5 và thôn 7. Năm 2009 đầu tư 1,68 tỉ đồng  xây dựng các tuyến giao thông thôn 1,2,3. Từ cuối năm 2011 đến năm 2012 phong trào làm đường giao thông được đẩy mạnh với sự hưởng ứng đóng góp nhiệt tình của nhân dân toàn xã cả về tiền của và công sức. Với nguồn vốn được huy động là 5,5 tỉ, Minh Sơn đã hoàn thành 6,8km đường giao thông nông thôn, nâng tổng số đường nội thôn và liên thôn được bê tông hoá lên 13,8km. Năm 2006 trạm y tế xã đã đượ xây dựng khang trang tại khu vực trung tâm với sự hỗ trợ của huyện và nguồn ngân sách xã, tổng kinh phí xây dựng là 300 triệu đồng. Năm 2009, xã tiếp tục đầu tư xây dựng Trường mầm non khu trung tâm với giá trị 1,3 tỉ đồng.

          Công tác giáo dục của xã trong giai đoạn này có nhiều thuận lợi. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học được tăng cường đáng kể. Sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền và toàn xã hội đối với công tác giáo dục đã tạo nên môi trường thuận lợi đẩy mạnh hơn nữa việc dạy và học trong các nhà trường. Các trường đều hoàn thành tốt nhiệm vụ của các năm học, triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “ Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” do Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo phát động với nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực. Hàng năm số học sinh của 3 khối trường là 600- 650 học sinh, trong đó bậc mầm non có 175 – 185 cháu, bậc tiểu học có 260- 265 em, bậc trung học cơ sở có 160- 210 em. từ năm 2007 trường mầm non đã tổ chức được lớp học bán trú ở khu trung tâm. Hàng năm số học sinh lên lớp và đậu tốt nghiệp chiếm tỉ lệ trên 90% ,trong đó học sinh khá giỏi chiếm 42- 46%. Năm học 2007- 2008 có 93% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, 455 học sinh đậu vào trung học phổ thông. Năm học 2009- 2010 có 47 em đậu vào trường phổ thông, đến năm 2010- 2011 tỉ lệ này là 98%. Trong 2 năm học 2009- 2010 và 2010- 2011 có 5 học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh, 106 học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện. Có 1 giáo viên giỏi cấp tỉnh và 10 giáo viên giỏi cấp huyện. 2 năm gần đây mỗi năm có 20 học sinh đậu vào các trường Đại học, Cao đẳng.

          Hoạt động khuyến học, khuyến tài trong các thôn xóm và dòng họ được đẩy mạnh. Hàng năm khi bước vào năm học mới, các cấp ủy chi bộ đã phối hợp với hội khuyến học thôn tổ chức hội nghị biểu dương các gia đình và con em học giỏi, tặng quà cho học sinh giỏi các cấp và học sinh thi đỗ đại học để động viên các cháu. Từ năm 2006, trung tâm học tập cộng đồng xã đi vào hoạt động đã mở được nhiều lớp học phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật nông nghiệp, tuyên truyền phổ biến pháp luật với hàng nghìn lượt người tham gia (năm 2006 tổ chức đựơc 13 lớp, năm học 2007 tổ chức được 4 lớp, năm 2011 tổ chức đựơc 7 lớp).

          Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân từng bước được nâng cao. Năm 2007 Minh Sơn đựơc công nhận là xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Trong 3 năm 2006, 2007, 2008 trạm y tế xã đã khám chữa bệnh cho 9279 lượt người, trong đó điều trị nội trú tại trạm cho 208 lượt người. Trong 2 năm 2011- 2012 đã khám bệnh cho 4957 lượt người, trong đó điều trị nội ngoại trú cho 447 lượt người, điều trị kết hợp y học cổ truyền cho 42 lượt người. Việc tuyên truyền kiến thức bảo vệ sức khoẻ, phòng chống dịch bệnh, thực hiện vệ sinh môi trường, tiêm chủng mở rộng được duy trì tốt,không để dịch bệnh phát sinh trên địa bàn. Trẻ em trong độ tuổi được tiêm phòng vắc xin thường xuyên. Hàng năm trạm đã tổ chức khám sức khoẻ cho học sinh 3 nhà trường của xã, khám phụ khoa và đặt vòng tránh thai cho phụ nữ. Tỉ lệ tăng dân số hàng năm duy trì ở mức 0,8- 0,9% ( riêng 2 năm 2010 và 2011 tăng lên mức 1,3 – 1,4%). Vẫn còn có những trường hợp sinh con thức 3. Tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm từ 21% (năm 2006) xuống còn 15,6% ( năm 2011).

          Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được nhân dân đồng tình ủng hộ, hưởng ứng ngày càng rộng rãi. Hàng năm có từ 69- 85% số gia đình được công nhận là gia đình văn hoá, nhiều gia đình được công nhân danh hiệu “gia đình ông bà bố mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”. Khu dân cư thôn 1 đạt nhiều tiêu chí cơ bản của tiêu chí xây dựng khu dân cư tiên tiến. Năm 2008 Minh Sơn khai trương phát động xây dựng xã văn hoá, cuối năm 1912 đã được Ban chỉ đạo xây dựng đời sống văn hoá huyện công nhận đạt danh hiệu xã văn hoá. Đến nay cả 7 thôn đều được công nhận là danh hiệu làng văn hoá. Các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao phát triển mạnh và rộng khắp ở các thôn, các đoàn thể và nhà trường trong xã. Hoạt động thông tin tuyên truyền được duy trì thường xuyên góp phần tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, nhiệm vụ của địa phương đến toàn thể nhân dân trong xã.

          Việc thực hiện chính sách đối với người có công, hộ nghèo, chế độ bảo trợ xã hội và bảo hiểm xã hội được Đảng bộ và chính quyền đặc biệt quan tâm. Cuộc vận động nhân dân đóng góp xây dựng quĩ tình nghĩa và cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” đạt kết quả tốt. Riêng năm 2007 đã cấp được 13 số tiết kiệm mỗi sổ 150 nghìn đồng, năm 2012 lập được 25 sổ tiết kiệm với số tiền 14,5 triệu đồng tặng các gia đình chính sách gặp khó khăn. Các hộ nghèo trong xã còn được các cấp huyện, xã và cộng đồng dân cư hỗ trợ làm nhà ở theo chương trình xoá nhà tạm bợ. Chương trình thực hiện trong 4 năm (2004- 2007) đã xoá được 73 nhà tạm bợ với tổng giá trị xây dựng nhà mới là 600 triệu đồng. 100% hộ nghèo được làm sổ khám chữa bệnh miễn phí. Tỉ lệ hộ nghèo ( theo tiêu chí mới) năm 2007 là 210 hộ chiếm 17,8%, năm 2012 giảm xuống còn 134 hộ chiếm 10,5%; hộ cận nghèo còn 137 hộ chiếm 10,83%.

          Cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội, Đảng bộ Minh Sơn hết sức coi trọng công tác an ninh, quốc phòng và đã triển khai sâu rộng nhiệm vụ an ninh, quốc phòng theo đúng kế hoạch đề ra. Năm 2007, Đảng bộ đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về nhiệm vụ quốc phòng và an ninh trật tự, thực hiện tốt kế hoạch xây dựng xã an toàn làm chủ. Lực lượng công an đã duy trì công tác tuần tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật. Tính trong 7 năm (2006- 2012) đã giải quyết 113 vụ việc (trong đó chuyển huyện giải quyết 12 vụ). Từ năm 2008, thực hịên Quyết định 375 của UBND tỉnh và kế hoạch số 60 của Giám đốc công an tỉnh, xã đã thành lập 7 tổ an ninh trật tự với 21 người và 69 tổ an ninh xã hội gồm 1975 thành viên, góp phần bảo đảm tốt hơn an ninh trậT tự và an toàn xã hội trên địa bàn xã. Từ năm 2008, thực hiện Hướng dẫn số 144 của Giám đốc Công an tỉnh, công an xã đã thực hiện việc tuần tra ngăn chặn, xử lý hàng trăm vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông, từ việc vi phạm luật giao thông đến việc lấn chiếm, sử dụng lề đường trái phép, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường của xã. Năm 2011 và 1012, nhân dân và cán bộ xã Minh Sơn đã được Bộ Công an tặng Bằng khen.

          Chấp hành kế hoạch huấn luyện hàng năm của Ban chỉ huy quân sự huyện, Ban chỉ huy quân sự xã đã thực hiện tốt kế hoạch huấn luyện dân quân tự vệ, xây dựng các kế hoạch chiến đấu trị an, kế hoạch phòng chống cháy nổ, cứu hộ cứu nạn, kế hoạch phòng chống bão lụt. Lực lượng dân quân xã thường xuyên được củng cố, bổ sung ,được tổ chức theo đơn vị dân cư thôn và 1 trung đội dân quân cơ động gồm 38 người đã thường xuyên luyện tập các phương án chiến đấu, sẵn sàng làm nhiệm vụ tác chiến trị an, phối hợp với các lực lượng khác bảo đảm an ninh trật tự và xử lý các tình huống đột xuất, bất ngờ xảy ra. Công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ được thực hiện tốt từ việc tuyên truyền luật nghĩa vụ quân sự đến việc lập danh sách thanh niên trong độ tuổi, thông báo thời gian và kế hoạch tuyển quân. Mỗi năm toàn xã có 4- 8 thanh niên nhập ngũ.

 Đảng bộ đã chú trọng công tác xây dựng chính quyền và các đoàn thể chính trị vững mạnh, xây dựng và thực hiện tốt qui chế phối hợp giữa cấp uỷ và chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các ngành, đoàn thể trong xã.H ĐND các nhiệm kỳ 2004- 2009 và 2009- 2014 đã và đang phát huy tốt vai trò là cơ quan quyền lực ở địa phương, cụ thể hoá các nhiệm vụ mục tiêu của Đảng bộ bằng các nghị quyết  được triển khai có hiệu quả. Chức năng giám sát đối với hoạt động của UBND, với việc tổ chức thực hiện nghị quyết và thực thi pháp luật, tiếp xúc cử tri và đôn đốc việc trả lời các kiến nghị của nhân dân được tăng cường. UBND đã làm tốt chức năng quản lý, chỉ đạo, điều hành thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ của địa phương. Trong những năm qua, UBND xã đã tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: công tác quản lý, qui hoạch sử dụng đất đai, đổi điền dồn thửa lần 2, xây dựng cơ sở hạ tầng, bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011- 2016, thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012- 2015. Thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính, từ cuối năm 2005 UBND xã đã ra Quyết định thành lập Ban chỉ đạo cải cách hành chính của xã, tổ chức xây dựng đề án cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, ban hành qui chế tổ chức và hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả và thành lập Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả gồm 4 người. Bộ phận này đã đi vào hoạt động ổn định và có hiệu qủa, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và công dân khi giải quyết công việc. Từ năm 2006 xã đã lập được tủ sách pháp luật với 315 đầu sách (đến nay là 382đầu sách) phục vụ công tác xây dựng văn bản và tìm hiểu pháp luật. Minh Sơn là xã được huyện đánh giá là đơn vị thực hiện tốt qui định về soạn thảo, ban hành văn bản.

          Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội đã đẩy mạnh việc tổ chức vận động hội viên, đoàn viên thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức mình, tham gia các phong trào thi đua lớn như cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, giúp nhau xoá đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, chúng tay xây dựng nông thôn mới, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, đóng góp xây dựng sổ tiết kiệm, xây nhà tình nghĩa tặng các hộ chính sách khó khăn v.v…Hội phụ nữ xã có phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Đoàn thanh niên thực hiện phong trào “Thanh niên tình nguyện” đảm nhận thi công các công trình thuỷ lợi, đi đầu trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế, tham gia nghĩa vụ quân sự. Các đoàn thể như Hội cựu chiến binh, Hội nông dân, Hội người cao tuổi cũng có nhiều hoạt động đóng góp vào phong trào của địa phương. Đến năm 2013, số hội viên, đoàn viên của các đoàn thể là: Hội phụ nữ có887 hội viên, Đoàn thanh niên có 326 đoàn viên, Hội cựu chiến binh có 348 hội viên, Hội nông dân có 564 hội viên, Hội người cao tuổi có 613 hội viên

          Công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh trong những năm qua là nhân tố quyết định mọi thắng lợi và thành công của Minh Sơn trên tất cả các lĩnh vực. Đảng bộ đã thường xuyên tổ chức nhiều đợt học tập để triển khai, quán triệt các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Trug ương, Tỉnh uỷ Thanh Hoá và Huyện uỷ Triệu Sơn đến toàn bộ cán bộ đảng viên. Trên cơ sở đó Đảng bộ đã ban hành nhiều nghị quyết xây dựng các chương trình công tác và tổ chức lãnh đạo thực hiện có kết quả trên các lĩnh vực.

          Trong giai đoạn 2006- 2013, Đảng bộ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 06 của Bộ chính trị về việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Gần 95% cán bộ đảng viên đã tham gia học tập và viết bài thu hoạch.Phong trào đã được phổ biến đến các tổ chức đoàn thể trong xã với những hoạt động bổ ích như phát động cuộc thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng bản tiêu chí làm theo lời Bác treo tại các nhà văn hoá thôn để cán bộ và quần chúng tự soi mình và học tập tấm gương của Bác. Hoạt động của báo cáo viên được duy trì thường xuyên. Ban tuyên giáo xã đã tham mưu cho Đảng uỷ tổ chức có hiệu quả nhiều đợt tuyên truyền, phối hợp với Ban dân vận tổ chức cuộc thi “Dân vận khéo”, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân, tổ chức vận động nhân dân thực hiện đường lối, Nghị quyết của Đảng đề ra. Năm 2010 Đảng bộ tiếp tục thực hiện cuộc vận động với chủ đề “Xây dựng Đảng ta thật sự vững mạnh, là đạo đức là văn minh”. Năm 2012 Đảng bộ tổ chức thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khoá XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Đảng bộ đã tiến hành kiểm điểm đánh giá nghiêm túc về tồn tại, hạn chế theo 3 nội dung hướng dẫn.

          Trong công tác tổ chức cán bộ, Đảng bộ đã chú trọng xây dựng và thực hiện việc qui hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, xây dựng phương án qui hoạch nguồn cán bộ kế cận đến năm 2020. Mỗi nhiệm kỳ, Đảng bộ đều cử hàng chục đồng chí đi học lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ tại huyện và tỉnh để tạo điều kiện cho cán bộ đảng viên có thêm kiến thức để hoàn thành nhiệm vụ . Đến nay gần 100% cán bộ chủ chốtvà công chức xã có đủ tiêu chuẩn về năng lực, trình độ theo qui định, Ban chấp hành Đảng bộ, chi uỷ các chi bộ phần lớn là các đồng chí có đủ năng lực và phẩm chất để đảm đương các nhiệm vụ được giao. Đảng bộ đã giới thiệu các đồng chí đảng viên có tín nhiệm để bầu vào các chức danh của Hội đồng nhân dân, UBND và lãnh đạo các đoàn thể. Đội ngũ cán bộ luôn được bổ sung, kiện toàn.

          Đảng bộ đã thực hiện nghiêm túc nguyên tác tập trug dân chủ, qui chế làm việc và sinh hoạt Đảng, chế độ tự phê bình và phê bình trong Đảng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Hàng năm, Đảng bộ đều tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các đồng chí cán bộ chủ chốt. Công tác bình xét, đánh giá phân loại đảng viên được tiến hành thường xuyên. Số đảng viên hoàn thành nhiệm vụ luôn chiếm tỉ lệ cao. Năm 2011 có 189/211 đồng chí tham gia phân loại thì có 172 đồng chí (91%) hoàn thành tốt nhiệm vụ (trong đó có 30 đồng chí xuất sắc), 17 đồng chí (9% hoàn thành niệm vụ). 8 chi bộ được xếp loại trong sạch vững mạnh, 2 chi bộ đạt loại khá. Năm 2012 có 192 đảng viên tham gia xếp loại, 172 đồng chí hoàn thành tốt nhiệm vụ (89,6%) trong đó có 36 đồng chí xuất sắc, 19 đảng viên hoàn thành nhiệm vụ (9,9%) và 1 đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ. Tất cả 10 chi bộ đạt trong sạch vững mạnh. Trong 4 năm (2009- 2012) có 67 đồng chí trong Đảng bộ được tặng Huy hiệu đảng viên 30 năm đến 65 năm tuổi Đảng. Công tác kiểm tra đã được Uỷ ban kiểm tra Đảng uỷ thực hiện theo định kỳ, qua đó đã kiểm tra giám sát được việc thực hiện điều lệ Đảng và thực hiện nhiệm vụ của đảng viên, thực hiện 19 điều không được làm đối với đảng viên theo qui định của Bộ chính trị. Số ít đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm tư cách đảng viên đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo. Phần lớn đảng viên trong Đảng bộ đã nếu cao được phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống gương mẫu trong công tác và sinh hoạt. Trong công tác tổ chức phát triển Đảng, trong các năm 2006, 2008, 2010, 2011, 2012 Đảng bộ đã kết nạp được 28 đảng viên. Tính đến tháng 7- 2013, toàn Đảng bộ có 213 đảng viên tham gia sinh hoạt trong 10 chi bộ. Kết quả lãnh đạo của Đảng bộ đã được Huyện uỷ Triệu Sơn công nhận đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh 7 năm liên tục (2006- 2012). Đảng bộ đã được BCH Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa tặng 4 Bằng khen về thành tích trong sạch vững mạnh tiêu biểu trong năm 2007, 2008, 3 năm 2008- 2010, 3 năm 2010- 2012, được BCH Đảng bộ huyện Triệu Sơn tặng 3 Giấy khen.

          Năm 2013, năm bản lề của kế hoạch nhiệm kỳ 2010- 2015, Đảng bộ và nhân dân Minh Sơn đang chung sức chung lòng, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành các nhiệm vụ mục tiêu kinh tế xã hội trong năm, góp phần thực hiện thắng lợi phương hướng của Đại hội lần thứ XXVIII (tháng 7- 2010) đề ra là: “Đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững; phát huy tốt nguồn lực ; tạo thời cơ để tranh thủ nguồn ngoại phục vụ phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hậ tầng. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, đáp ứng và hoàn thành niệm vụ chính trị, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hoá đất nước”. Có sự lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền và sự phối hợp hành động của các ngành, đoàn thể trong xã nhân dân Minh Sơn đã và đang đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình mục tiêu trọng điểm như chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng cánh đồng thâm canh tăng năng suất chất lượng cao, phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại; phát triển giao thông thuỷ lợi, nâng cao chất lượng hoạt động văn hoá xã hội, xây dựng Đảng và hệ thốngchính trị vững mạnh. Những thành tích mà nhân dân Minh Sơn đạt được trong thời kỳ 1996- 2013 là nền móng vững chắc để Đảng bộ và nhân dân trong xã vững bước tiến lên trên con đường công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước , quê hương, trước mắt là hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới .


KẾT LUẬN

Minh Sơn – xã đồng bằng bán sơn địa ở khu vực phía bắc huyện Nông Cống trước đây nay là vùng trung tâm huyện Triệu Sơn là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử và văn hoá. Trài qua quá trình lịch sử lâu dài, các thế hệ cư dân nơi đây đã đổ bao mồ hôi công sức để khai phá và chinh phục đất đai, cải tạo tự nhiên, biến những dải đất ven sông Nhơm và những vùng đồi rậm rạp thành những xóm làng đông vui, đồng ruộng phì nhiêu. “Đất lành chim đậu”, các dòng họ từ nhiều vùng quê trong và ngoài tỉnh đã lần lượt về đây sinh cơ lập nghiệp mang theo những nét riêng của nhiều vùng đất với những phong tục lối sông khác nhau. Điều đó đã tạo nên sự phong phú đa dạng trong truyền thống văn hoá của Minh Sơn, thể hiện qua các sinh hoạt văn hoá phong phú trong các dịp lễ hội, các tập tục trong đời sống và tín ngưỡng thờ các vị thần. Trong quá trình lao động và dựng xây, người Minh Sơn đã làm phong phú thêm những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Đó là tinh thần vượt khó vươn lên sự cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, là tình yêu quê hương, đất nước, kiên cường dũng cảm trong chiến đấu chống kẻ thù xâm lược; là tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau những lúc gặp khó khăn, hoạn nạn v.v…

           Từ năm 1930, khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, cuộc đấu tranh của dân tộc ta giành quyền tự do, độc lập dù trải qua muôn vàn khó khăn giam khổ những đã giành được thắng lợi cuối cùng. Mùa thu tháng Tám năm 1945, nhân dân Hoàng Thôn, Mỹ Phong, Sinh Ý, Đồng Cát, Phụng Lộc đã cùng với cả tổng Lai Triều, cùng với cả nước đứng lên tổng khởi nghĩa lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân. Từ đây nhân dân Minh Sơn đã trở thành công dân của một nước tự do, độc lập.

           Nền độc lập vừa mới giành lại được thì cả nước lại bứơc vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp quay lại xâm chiếm nước ta một lần nữa. Thực hiện chủ trương kháng chiến kiến quốc của Đảng, nhân dân các làng thuộc xã Minh Đức, Minh Nông đã khắc phục khó khăn để xây dựng và củng cố chính quyền, ổn định đời sống, ra sức thi đua diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Phong trào tăng gia sản xuất được đẩy mạnh. Nạn thiếu đói, đứt bữa lần lượt được đẩy lùi. Phong trào bình dân học vụ đã diễn ra sôi nổi, kết quả từ chỗ gần 90% dân số mù chữ, đa số nhân dân đã biết đọc, biết viết. Tháng 8- 1953, xã Minh Sơn đựơc thành lập. Nhân dân Minh Sơn tiếp tục đóng góp sức người sức của cho kháng chiến chống Pháp giành được thắng lợi hoàn toàn với chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân Minh Sơn đã hăng hái tham gia đóng góp cho kháng chiến trong các phong trào mua công phiếu kháng chiến, công trái quốc gia, dân công, thuế nông nghiệp v.v… Toàn xã có 12 liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến.

           Tiếp đó trong hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ, nhân dân Minh Sơn đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để duy trì và phát triển sản xuất, ổn định đời sống, đồng thời làm tròn nghĩa vụ của hậu phương với tiền tuyến. Người nông dân Minh Sơn sau cải cách ruộng đất đã có ruộng cày, tiếp đó đã hăng hái gia nhập hợp tác xã sản xuất nông nghiệp theo chủ trương của Đảng. Công cuộc hợp tác hoá đã tạo điều kiện cho việc đẩy mạnh việc kiến thiết đồng ruộng, xây dựng  cơ sơ vật chất, khai hoang mở rộng diện tích, tăng năng suất cây trồng. Đời sống lúc này còn gặp nhiều khó khăn, mức sống còn thấp nhưng nhân dân Minh Sơn luôn hoàn thành tốt mọi nghĩa vụ chi viện nhân tài vật lực cho sự nghiệp kháng chiến. 308 thanh niên trong xã đã hăng hái lên đường nhập ngũ, trực tiếp cầm súng chiến đấu trên khắp các chiến trường ác liệt. 99 ngưòi con thân yêu của quê hương đã hy sinh cả cuộc đời mình vì sự nghiệp giải phóng đất nước. Nhiều đồng chí khác còn mang trên mình những vết thương do bom đạn địch gây ra.

           Ở hậu phương, nhân dân Minh Sơn đã phải đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ với mức độ tàn khốc chưa từng thấy. Là nơi đóng quân của các đơn vị bộ đội và kho tàng của Nhà nước, địa bàn Minh Sơn đã trở thành một mục tiêu đánh phá của không quân Mỹ với hàng trăm tấn bom đạn trút xuống. Nhiều làng mạc, nhà cửa, trường học của Minh Sơn đã bị bom đạn phá huỷ. Hàng trăm người chết và bị thương. Nhưng nhân dân Minh Sơn vẫn kiên cường, dũng cảm vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Ngoài việc giúp đỡ, phối hợp với các đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn trong chiến đấu, nhân dân Minh Sơn đã ra sức chi viện tiền tuyến với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một  người” trong hoàn cảnh cuộc sống còn rất thiếu thốn, khó khăn. Dưới bom đạn của kẻ thù, cây lúa trên đồng đất Minh Sơn vẫn hiên ngang mọc lên xanh tốt cho những mùa vàng bội thu. Hơn 1 nghìn tấn lương thực, thực phẩm đã được nhân dân Minh Sơn dành dụm đóng góp gửi ra chiến trường. Ghi nhận những thành tích đóng góp to lớn của Đảng bộ và nhân dân Minh Sơn, năm 2000 Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho cán bộ và nhân dân xã Minh Sơn.

           Bước vào thời kỳ hoà bình, nhân dân Minh Sơn đã phấn đấu vượt qua 10 năm đầy khó khăn thử thách của thời kỳ khủng hoảng kinh tế xã hội; duy trì và ổn định sản xuất, bảo đảm đời sống nhân dân. Tiếp đó trong gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ Minh Sơn đã nắm vững, vận dụng đúng đắn chủ trương đổi mới của Đảng vào thực tiễn địa phương, lãnh đạo và tổ chức nhân dân trong xã phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Từ chỗ độc canh trồng lúa nước, Minh Sơn đã chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ  thuật vào thâm canh để không ngừng tăng năng suất, sản lượng và giá trị sản phẩm hàng hoá. Năm 1965 sản lượng lương thực mới chỉ đạt 527,7 tấn, năm 1986 đạt 945 tấn và mấy năm gần đây đạt 1800- 1900 tấn. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và thương mại . Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ buôn bán phát triển đa dạng. Kinh tế vườn đồi ngày càng phát triển, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong hơn 10 năm gần đây tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt trung bình hơn 10%.

           Kinh tế phát triển, đời sống của nhân dân ngày càng đuợc cải thiện về mọi mặt. Cách đây 15 năm, những phương tiện như xe máy, ti vi, tủ lạnh còn là mơ ước của nhiều gia đình thì đến nay đa số các gia đình đều mua sắm được. Cơ sở hạ tầng và đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Những ngôi nhà kiên cố cao tầng hoặc mái bằng, mái ngói đã vĩnh viễn thay thế những mái nhà tranh vách đất. Đường làng ngõ xóm rộng rãi phong quang được kiên cố hoá bằng bê tông thay thế cho những con đường đất lầy lội ngày trước. Từ chỗ hầu hết dân số mù chữ, đến nay Minh Sơn đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở . Tất cả các phòng học lớp 1 đến lớp 9 được cao tầng hoá, con em Minh Sơn đang được học tập trong những điều kiện tốt hơn.Trường tiểu học, Mầm non, Trung học cơ sở luôn giữ vững danh hiệu trường chuẩn quốc gia. Minh Sơn cũng được công nhận là xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Năm 2012 xã đạt danh hiệu xã văn hoá, năm 2016 xã đạt xã Nông thôn mới.

            

          

 

 

 

 



(1) Theo bản gia phả họ Nguyễn Đăng hiện còn lưu giữ, họ Nguyễn Đăng có nguồn gốc ở làng Đồng Pho (Đông Hoà, Đông Sơn)

 

(1) Hương ước làng Hoàng lập ngày 27 tháng 8 năm Thành Thái 10 (1898) do lý trưởng Nguyễn Văn Sách phụng sao, hương kiểm Hoàng Văn Cải, hương lão Nguyễn Tài Thiện, hương bạ Nguyễn Văn Tấn ký. Bản dịch của  Viện Hán Nôm, Hà Nội.

 

(1) Đoạn thơ sau nói về nghề lấy gỗ của người dân trong làng như sau:

 May nhờ ông núi bà non /Cơm đùm cơm nắm rìu mòn hao dư / Nửa đêm gà gáy canh tư / Rủ nhau một lũ đến dư mười người / Vào rừng đi khắp mọi nơi/ Tìm củi tìm gỗ nói cười râm ran/ Ra về trời tối nhá nhem/ Đến mai xuống chợ giò nem rượu chè/Bõ công trèo núi lội khe/ Ăn cho thỏa thích chẳng dè làm chi/ Ngày mai nghe hú lại đi/ Anh em ta cứ việc ni ta làm

                                                                                                                                                   (Thơ Nguyễn Tài Vạn)

 

(1) Vị thần Cao Sơn Đại Vương nhân dân ở đây gọi là ông Hùng. Ở Thanh Hoá có 411 nơi thờ vị thần này trong đó có cả làng Phụng Lộc

(1) Bản khoán ước này lập ngày 24 tháng 4 năm 1901 gồm 65 điều do lý trưởng phụng sao nguyên bản (đóng dấu) và Hương bạ Mai Văn Huyền ký tên. Bản khóan ước hiện đã được dịch ,lưu tại Viện Hán Nôm ở Hà Nội.

 

 

(1) Theo nghiên cứu  của PGS Phạm Xuân Nam trong bài “Mấy nét về đời sống kinh tế xã hội của nông dân Việt Nam thời cận đại".

(1) Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa tập I (1930-1945). Tr117. Tỉnh ủy Thanh Hóa biên soạn năm 2001.

(1) Ông Nguyễn Văn Long là cán bộ của Thọ Xuân cử về sau khi khởi nghĩa thắng lợi là Ủy viên quân sự của Ủy ban nhân dân lâm thời huyện Nông Cống

 

(1) BCH chi uỷ gồm 9 đồng chí: Nguyễn Tài Cấp, Lê Thọ Ẩm, Trịnh Văn Hạp, Trần Trọng Tôn, Nguyễn Duy Nho, Mai Văn Phong, Trịnh Thị Quy, Hoàng Văn Nhi, Lê Trọng Túc.

(1) 12 liệt sỹ là  các anh: Nguyễn Văn Hoài, Nguyễn Văn Ru, Nguyễn Văn Tích, Lê Đình Ngôn, Mai Văn Kiểu, Nguyễn Văn Bản, Vũ Văn Hiên, Nguyễn Văn Ngọ, Nguyễn Văn Ngữ, Nguyễn Văn Gián, Trịnh Trọng Giảng, Trịnh Ngọc Ấm.

 

(1) Đại Phong là hợp tác xã ở huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình là lá cờ đầu của phong trào thi đua cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp của toàn miền Bắc.

(1) BHC Đảng uỷ gồm các đ/c Nguyễn Văn Minh, Ngyễn Văn Toàn, Mai Văn Đốc, Mai Văn Lâm, Nguyễn Thị Chế, Lê Hữu Miêng, Ngô Văn Xe, Hoàng Văn Nhi, Nguyễn Sơn Giang.

(1) Đảng uỷ làm việc ở nhà ông Dịch Nghị, ông Lê Văn May, UBHC xã làm việc ở nhà ông Nguyễn Văn Ty, ông Nguyễn Tài Thú .

(1) Số liệu lưu tại UBND huyện Triệu Sơn

(1) Theo số liệu UBND huyện: HTX Tân Phong khai hoang 7 ha đất đồi và 3,6 ha đất đồng bãi ( gọi là đất mặt ruộng). HTX Hoàng ĐỒng khai hoang 9 ha đất đồi. HTX Tân Thành khai hoang 6 ha đất đồi và 5 ha đất đồng bãi. HTX Tân Ninh khai hoang 7 ha đất đồi và 9 ha đất đồng bãi.

(1) BCH Đảng ủy gồm các đồng chí: Trịnh Hữu Quế, Mai Văn Viễn, Lê Thị Bang, Ngô Văn Pháo, Nguyễn Tài Tâng, Nguyễn Văn Châu, Mai Văn Dụng, Nguyễn Sơn Giang, Hà Văn Tự .... Trong cuộc họp Đảng ủy ngày 18-4-1976 đ/c Giang Phó Chủ tịch được phân công làm Chủ tịch UBND, đ/c Mai Văn Viễn  làm Chủ nhiệm HTX.

1 Tính 100kg lương thực có 12kg chất bột. Cứ 6kg chất bột giao nghĩa vụ là 1kg lợn hơi. Từ năm 1979 giao thêm cho mỗi hộ 2 thửa đất phục vụ chăn nuôi gia đình, mỗi thước phải làm nghĩa vụ 3kg lợn hơi. Các gia đình có trên 2 sào đồi vườn thì cứ 5 thước thu 3,5kg lợn hơi.

1 Đồng chí Nguyễn Tài Tâng là giám đốc trường, đồng chí Nguyễn Tài Cấp và Lê Thị Chén là phó giám đốc. Giáo viên là 4 đồng chí: Cấp, Trạch, Hợi, Thơm.

(2)  Tháng 3-1979 đ/c Tâng đi học, đ/c Bang phụ trách quyền Bí thư .

 

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, NXB Sự thật, Hà Nội- 1987.Tr.42.

(1) Theo báo cáo tổng kết HĐND xã năm 1986

(2) Có ý kiến cho rằng toàn huyện triển khai khoán mới từ vụ chiêm 1988. Nhưng Nghị quyết 10 tháng 4 năm 1988 mới ban hành.

(1) Đảng cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI. NXB Sự thật Hà Nội 1991. Tr.60

(1) Năm 1991 có 824 hộ trong tổng số 1119 hộ khê đọng sản, chiếm 73,6% tổng số hộ

(1) Số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở 1/4/1999 ( Thống kê tỉnh)

Lịch sử hình thành xã Minh Sơn

Đăng lúc: 11/08/2020 16:29:09 (GMT+7)

Xã Minh Sơn lịch sử hình thành và phát triển

                                                   CHƯƠNG I

MINH SƠN – VÙNG ĐẤT,CON NGƯỜI VÀ TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ VĂN HÓA

I.VỊ TRÍ ĐỊA LÝ VÀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN- XÃ HỘI

Minh Sơn là xã thuộc vùng bán sơn địa của huyện Triệu Sơn tỉnh Thanh Hóa, nằm ở khu vực trung tâm của huyện, ngay sát Thị trấn Triệu Sơn (Quán Giắt). Khu trung tâm hành chính của huyện nằm lọt ở giữa địa bàn Minh Sơn. Vì thế ở cả ba mặt bắc, tây và nam của trung tâm huyện đều tiếp giáp với xã Minh Sơn, trung tâm xã chỉ cách trung tâm huyện hơn 1km về phía tây. Địa giới của xã Minh Sơn còn tiếp giáp với các xã: phía bắc giáp xã Dân Lực và xã Thọ Tân; phía nam giáp xã Hợp Thắng và xã An Nông; phía tây giáp xã Thọ Tân và xã  Hợp Thắng; phía đông giáp xã Minh Châu và Thị trấn Triệu Sơn. Từ Minh Sơn đến Thành phố Thanh Hoá có khoảng cách hơn 20km về phía đông.

Minh Sơn có tổng diện tích tự nhiên là 666,95ha (tương đương 6,67km2) bằng 2,28% diện tích tự nhiên toàn huyện, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 308,41ha; riêng đất trồng lúa là 205,26ha; diện tích đất lâm nghiệp là 74,78 ha; diện tích nuôi trồng thuỷ sản 45,5ha; đất ở 72,6 ha; diện tích còn lại là các loại đất chuyên dùng, đất sông suối, đất chưa sử dụng v.v. ....

Là cửa ngõ tiếp giáp giữa khu vực đồng bằng Triệu Sơn (các xã vùng Tam Dân và Minh Dân, Minh Châu) với các xã vùng Tứ Hợp (thuộc vùng bán sơn địa), địa bàn xã Minh Sơn mang tính chất của vùng chuyển tiếp giữa hai dạng địa hình nói trên. Vì thế địa hình của xã tương đối đa dạng, vừa có những đồi đất bazan, vừa có địa hình đồng bằng với những cánh đồng ven chân đồi và ven sông; có những hồ lớn nằm rải rác trên địa bàn xã, dòng sông Nhơm lượn mình uốn khúc chảy dọc phía tây bắc rồi lượn về phía đông, qua cầu Nhơm để đổ xuống vùng đồng ruộng phía nam của xã thuộc địa bàn làng Tân Ninh.

Trên địa bàn Minh Sơn có hàng loạt quả đồi thấp với độ cao trên dưới 10m (so với mặt ruộng) nằm rải rác từ bắc xuống nam, từ đông sang tây. Ở khu vực trung tâm xã có đồi Mốc với diện tích 20ha (nằm giữa địa bàn 3 làng Tân Thành, Hoàng Đồng và Đồng Cát), phía nam đồi Mốc là đồi Nhơm rộng trên 20ha (thuộc Hoàng Đồng và Tân Ninh, chuyển về Thị trấn từ năm 1988), phía đông xã thuộc địa bàn dân cư làng Tân Thành là đồi Thị. Phía tây bắc xã là hai ngọn đồi thấp là đồi Trúc và đồi Trẩu thuộc địa bàn thôn Đồng Cát. Đa số các khu dân cư ở Minh Sơn (trừ Đại Sơn) đều nằm trên vùng đất đồi với loại đất chính là đất ba zan và đất pha sỏi. Phía tây nam làng Hoàng Thôn qua một khoảng đồng là núi Rùa với diện tích gần 40 ha, độ cao khoảng 8- 10m nằm nghiêng mình bên dòng sông Nhơm. Xưa kia khi rừng rậm còn lan rộng xuống vùng này, hệ thực vật và động vật rừng trên các vùng đồi của Minh Sơn rất phong phú với hàng trăm loại cây và nhiều loại thú hiếm. Đặc sản miền trung du mà điển hình là cây chè xanh cùng với mít, cau có mặt ở vùng đồi Minh Sơn đã từ lâu. Gần đây một số loại cây ăn quả, cây lấy gỗ đã được đưa vào trồng trên các vùng đất đồi của xã.

Trên địa bàn xã Minh Sơn có 6 hồ lớn với diện tích gần 50ha. Lớn nhất là hồ Than bùn ở phía tây nam làng Tân Thành với diện tích 228550m2 (khoảng 47 mẫu), tiếp đến là hồ Dọc Đong ở phía tây bắc làng Tân Thành có diện tích 82217m2 (khoảng 16,4 mẫu) và ở Hoàng Thôn có hồ Non Kỵ (gần 18 mẫu) và đập Hoàng Đồng (4,5 mẫu). Ở Hoàng Đồng có hồ Ao Rồng (5,6 mẫu), ở Tân Ninh có hồ Đồng Chùa (gần 6 mẫu). Phần lớn diện tích ao hồ được sử dụng để nuôi thả cá, phục vụ tưới tiêu cho đồng ruộng hoặc trồng lúa.

Dọc theo phía tây xã Minh Sơn là con sông Nhơm chảy từ phía tây bắc trên đồng đất xã Thọ Tân) men theo sườn tây núi Rùa (Hoàng Thôn) đến đồng đất thôn Đại Sơn thì chảy theo hướng tây - đông rồi chảy dọc theo và ra cầu Nhơm trên tỉnh lộ 514 sau đó chảy ngoằn ngoèo trên các xứ đồng của làng Tân Ninh để đổ ra khu đồng  của xã An Nông, với chiều dài trên địa bàn xã khoảng 3km. Đây là con sông phát nguyên từ vùng rừng núi Như Xuân với chiều dài 67km, trong đó đoạn chảy trên đất Triệu Sơn dài 31,6km trước khi chảy xuôi vào Nông Cống để đổ ra cửa Lạch Ghép. Đoạn đầu của sông Nhơm chảy trên đất Minh Sơn (khoảng hơn 1 km) cũng là ranh giới tự nhiên với xã Hợp Thắng ở phía hữu ngạn sông. Phù sa sông Nhơm đã góp phần bồi đắp một số vùng đồng ruộng ven sông. Đây cũng là nguồn nước tưới tự nhiên phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp của địa phương. Tuy nhiên sông Nhơm có nhiều đoạn uốn khúc, độ dốc lại thấp nên tốc độ dòng chảy không lớn. Cũng vì thế sông rất khó tiêu nước trong mùa mưa lũ và thường gây ra nạn lụt úng cho các xứ đồng ven sông của các làng Hoàng Thôn, Đại Sơn, Tân Ninh.

Khí hậu ở Minh Sơn mang đặc điểm chung của khí hậu nhiệt đới gió mùa, thuộc tiểu vùng khí hậu của vùng chuyển tiếp giữa đồng bằng và vùng bán sơn địa; nền nhiệt độ cao, mùa đông lạnh, ít xảy ra sương muối. Mùa hè không nóng quá, có những ngày chịu ảnh hưởng của gió tây khô nóng (gió Lào). Mưa ở mức trung bình. Tổng nhiệt độ năm 8500 - 86000C, 4 tháng (tháng 12 đến tháng 3 năm sau) có nhiệt độ trung bình ≤ 200C, 5 tháng từ tháng 5 đến tháng 11 có nhiệt độ trung bình ≥ 250C. Lượng mưa trung bình/năm 1500 - 1900mm, mùa mưa kéo dài 6 tháng (từ tháng 5 đến tháng 10), mưa nhiều nhất trong 2 tháng 8 và 9. Độ ẩm không khí trung bình năm 85 - 86%; độ ẩm lớn nhất vào các tháng 1, 2, 3. Trong năm có 2 mùa gió thịnh hành là gió Bắc và Đông Bắc vào mùa đông, gió Nam và Đông Nam vào mùa hè. Có nhiều năm xảy ra nhiều đợt không khí lạnh tràn về gây ra rét đậm, rét hại làm cho mạ chết hàng loạt gây khó khăn cho việc gieo cấy hoặc lúa chết trên diện tích rộng, cây màu vụ đông cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Vào mùa mưa bão, lượng mưa lớn gây ra lụt úng ở những cánh đồng lúa thuộc vùng trũng, nhất là khu vực ven sông Nhơm thuộc diện tích canh tác của 5 thôn trong xã. Điều kiện thời tiết trên địa bàn xã tuy gây ra những bất lợi nhưng nhìn chung những yếu tố của khí hậu nóng ẩm quanh năm tương đối thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, thâm canh cây lương thực, rau màu, cây trồng vườn đồi và chăn nuôi.

Đất đai của xã Minh Sơn gồm 3 dạng đất chính: đất phù sa cổ, đất phù sa do sông Nhơm bồi đắp và đất đồi bazan. Loại đất phù sa cổ hình thành trong quá trình bồi tích của đồng bằng Thanh Hóa, phân bố ở thềm cao hơn so với phù sa mới. Loại đất do sự bồi tụ của phù sa sông Nhơm phân bố dọc theo dòng chảy của con sông trên đất Minh Sơn từ phía tây thôn Hoàng Đồng đến Đại Sơn và Tân Ninh. Theo số liệu năm 1975, trong 3 loại đất chính loại đất cát pha chiếm gần 50% diện tích trồng trọt của Minh Sơn phân bố ở các xứ đồng như đồng Mau (64mẫu), Đồng Trong (35 mẫu), Đồng Rùa (30 mẫu), Bái Đâu 24 mẫu, Lào Đáo Cao, Đu Chanh v.v…Loại đất này có 70% cát, 30% sét, nghèo mùn. Loại đất thịt nhẹ chiếm khoảng 45% diện tích trong đó có 1/5 là diện tích lầy thụt, tầng canh tác 15- 20 phân , phân bố ở Đồng Nẫn (36 mẫu), Quân Y (20 mẫu), Cây Nắng (20 mẫu), Đồng Quan (20 mẫu), Đồng Bến (11 mẫu), Đầm Đưng 10 mẫu v.v…Loại đất thịt trung bình chiếm chưa đến 10% diện tích (gần 40 mẫu) là loại đất sét chiếm 60- 70 %, cát 20- 30 % nghèo mùn, phân bố ở Cồn Ổi, Nổ Củi, Đáo Sâu….Cả 3 loại đất trên rất phù hợp cho việc gieo trồng và thâm canh cây lương thực, chủ yếu là cây lúa nước. Diện tích trồng lúa của xã Minh Sơn chiếm khoảng 1/3 tổng diện tích tự nhiên toàn xã. Dạng đất đồi phân bố chủ yếu ở khu dân cư các thôn 1, 2, 3, 4, 5, 7 và ở khu vực đồi Mốc.  Loại đất này thích nghi cho việc trồng cây công nghiệp ngắn và dài ngày cùng với các loại cây ăn quả. Mít và chè là cây đặc sản truyền thống của xã.

Minh Sơn có địa thế "Nhất cận lộ, nhị cận giang" như người xưa đã đúc kết. Dòng sông Nhơm từ thế kỷ XIX về trước có thể là tuyến giao thông thủy quan trọng để nối liền Minh Sơn với mọi miền xa gần từ miền ngược đến miền xuôi. Sự giao lưu buôn bán các sản phẩm từ miền biển, đồng bằng với miền núi một phần được thực hiện qua tuyến giao thông này. Khi hệ thống đường bộ ngày càng phát triển, vị trí của giao thông đường thủy từng bước bị thu hẹp. Nhưng lợi thế lớn nhất của Minh Sơn là giao thông đường bộ. Trên địa bàn xã có 2 tuyến đường giao thông lớn đi qua. Tỉnh lộ 506 từ Cầu Quan (Nông Cống) đi Quán Chua chạy dọc theo hướng Nam - Bắc có 1,2km chạy xuyên qua địa bàn thôn Tân Phong (nay thuộc thị trấn Triệu Sơn) và phía đông địa bàn thôn Tân Thành 5. Tỉnh lộ 514 từ Cầu Thiều (Dân Lý) theo hướng đông - tây đi Sim (Hợp Thành) chạy qua địa bàn phía bắc thôn Tân Ninh rồi qua thôn Đại Sơn với chiều dài trên địa bàn xã là 2,3 km. Đây là 2 tuyến đường chính có từ xa xưa tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc giao lưu về mọi mặt giữa cư dân khu vực Minh Sơn với các vùng trong huyện, trong tỉnh. Từ tỉnh lộ 506 chỉ đi gần 20km là đến Cầu Quan (trước năm 1965 là huyện lỵ huyện Nông Cống cũ); hoặc đi ngược về phía bắc gần 20km để đến vùng Thọ Xuân. Từ Minh Sơn qua tỉnh lộ 514 đến ngã baThiều(xã Dân Lý) gặp Quốc lộ 47 xuôi về phía đông là đến tỉnh lị Thanh Hóa (nay là Thành phố) cũng chỉ khoảng 20km. Ngược về phía tây, qua Sim có thể đến vùng rùng núi phía tây Triệu Sơn và khu vực Cán Khê (Như Thanh), Yên Cát (Như Xuân). Trên địa bàn Minh Sơn còn có tuyến đường từ thị trấn đi xã Thọ Tân với chiều dài 1,3km qua xã. Từ đó qua Thọ Tân có thể ra vùng Đà (Thọ Dân) chưa đầy 10km, từ đó ngược theo quốc lộ 47 để tới vùng Sao Vàng, Bái Thượng (Thọ Xuân).

Từ năm 1965 khi thành lập huyện Triệu Sơn, Minh Sơn có vị trí tiếp giáp thị trấn huyện lị. Cùng với sự thuận lợi của hệ thống giao thông, vị trí thuận lợi này tạo cho Minh Sơn những lợi thế rất lớn trong việc mở rộng, phát triển kinh tế và văn hóa xã hội. Việc đẩy mạnh giao lưu, trao đổi hàng hóa, hình thành vành đai sản xuất thực phẩm và các ngành tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ ở khu vực ngay sát thị trấn chắc chắn sẽ có nhiều tiềm năng và triển vọng, nhất là trong bối cảnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang diễn ra ngày càng nhanh.

Về dân số, theo thống kê gần đây nhất (năm 2012), xã Minh Sơn có 1251 hộ với 4248 khẩu (chiếm 2% dân số toàn huyện), mật độ dân số là 629,6 người/km2, thấp hơn mật độ bình quân chung toàn huyện là 90người/km2. Số người trong độ tuổi lao động là 2747 người, chiếm 53,81% dân số, trong đó có 40% lao động qua đào tạo; số lao động trong các ngành dịch vụ thương mại, tiểu thủ công nghiệp chiếm xấp xỉ 20%.

Là xã thuần nông, kinh tế nông nghiệp chiếm tỉ trọng cao nhất trong cơ cấu kinh tế của Minh Sơn. Trong các loại cây lương thực, lúa là cây trồng chủ yếu với diện tích là 205,6ha (chiếm 66,7% diện tích đất sản xuất nông nghiệp).

Do địa hình không đồng nhất, ruộng đất ở Minh Sơn nơi thì cao ghềnh, nơi thấp trũng, có nơi ruộng đất phần lớn là ruộng bậc thang, do đó việc tưới tiêu không chủ động. Phần lớn diện tích không có hệ thống kênh mương tự chảy mà phải phụ thuộc vào hệ thống bơm dầu và bơm điện. Từ khi thực hiện "khoán 10" năng suất và sản lượng lương thực của Minh Sơn không ngừng tăng lên, những năm gần đây  đạt sản lượng hàng năm từ 1800 – 2000 tấn. Ngoài trồng lúa, Minh Sơn có gần 70ha đất có khả năng trồng màu (vụ đông) với các loại cây chủ yếu như ngô, khoai lang... Minh Sơn đã và đang xây dựng mô hình cánh đồng 50 triệu đồng trở lên/1ha/năm với cơ cấu 2 lúa + 1 màu hoặc cá - lúa - vịt kết hợp. 5 thôn có diện tích vùng đồi đã phát huy tiềm năng kinh tế vườn đồi, bên cạnh việc duy trì các loại cây truyền thống như chè xanh, mít, cây lấy gỗ... đã đưa vào canh tác các loại cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị như mía, vải thiều, măng bát độ thay cho các loại cây không có hiệu quả (dứa, cà phê). Lĩnh vực chăn nuôi gia súc gia cầm chiếm tỉ trọng ngày càng lớn trong kinh tế nông nghiệp của xã. Đàn bò từ 250 con (năm 2001) đến năm 2010 là 430 con; đàn lợn hàng năm có 3500 - 4000 con. Một số hộ gia đình đã hình thành gia trại chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp.

Với vị thế là vùng cận kề Thị trấn Triệu Sơn, các ngành nghề thương mại, dịch vụ ở Minh Sơn tương đối phát triển, hình thành 2 cụm dịch vụ ở khu vực Tân Thành sát đường 506 và khu vực Tân Ninh sát tỉnh lộ 514. Cùng với 2 cụm dịch vụ trên, trên địa bàn xã có 25 - 30% hộ buôn bán nhỏ và hoạt động trong các lĩnh vực chế biến nông sản thực phẩm, cơ khí, đồ mộc, hàng tiêu dùng, sản xuất gạch .... tạo việc làm cho hàng trăm lao động, đáp ứng nhu cầu đời sống của nhân dân. Khu chợ Mốc ở Tân Thành có khuôn viên với diện tích hơn 1 mẫu, tuy chưa được nâng cấp nhưng cũng là một địa điểm buôn bán tạo thuận lợi cho sinh hoạt của người dân. Hàng hóa mua bán chủ yếu là sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi.

Cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã ngày càng được tăng cường nhằm phục vụ tốt hơn cho phát triển sản xuất và đời sống. Hệ thống thủy lợi của xã gồm 16km kênh mương tưới tiêu, trong đó có 8,2km do xã quản lý, đến nay đã bê tông hóa được 50%. Đường trục chính nội đồng của xã dài 8,8km cũng đã kiên cố hóa được 34%. Toàn xã có 5 trạm bơm tưới (Xã Mèo, Cầu Sắt, Nổ Củi, Lào Đáo, Núi Rùa và 1 trạm bơm tiêu Ninh Phong). Hệ thống điện có 3 trạm biến áp ở Tân Thành, Hoàng Đồng và Tân Ninh với tổng công suất 330KVA cùng hệ thống đường dây tải điện đến 7 thôn trong xã, đảm bảo 100% số hộ có điện sinh hoạt và phục vụ sản xuất kinh doanh.

Hệ thống giao thông ở Minh Sơn tạo thành mạng lưới giao thông phân bố hợp lý, đảm bảo đi lại thuận tiện. Toàn xã có 13 tuyến đường liên thôn với chiều dài hơn 10km, trong đó có 2 tuyến đường chính là tuyến từ Bệnh viện Triệu Sơn (trên đường 514) đi thôn 3 (Đồng Cát) dài 2164m và tuyến từ Trường trung học phổ thông Triệu Sơn I (trên đường 506) đến thôn 2 (Hoàng Đồng) dài 2446m. Tổng chiều dài đường nội thôn (gồm 22 tuyến) là 7,4km; đường ngõ xóm là 8,3km. Phong trào làm đường giao thông nông thôn trong những năm qua đã được Đảng ủy, chính quyền xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Với phương châm huy động sự đóng góp của nhân dân là chính, đến nay đã có76,65 % đường liên thôn và nội thôn (13,4km), 36,5% đường ngõ xóm (3km) đã được bê tông hóa.

Về cơ sở vật chất: Khu công sở của xã được xây dựng năm 2000 trên trục đường liên xã đi Thọ Tân, phía đông làng Hoàng Thôn với tổng diện tích khuôn viên là 3350m2, có 1 hội trường và 15 phòng làm việc. Cả 3 trường trung học cơ sở, tiểu học và mầm non đều đã được xây dựng kiên cố với 28 phòng học, đảm bảo phục vụ nhu cầu học tập của con em trong xã. Trường Tiểu học Minh Sơn đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Xã cũng đã hoàn thành chương trình phổ cập Trung học cơ sở. Trạm y tế xã cũng đã được xây dựng kiên cố với đầy đủ các phòng làm việc, phòng điều trị, phòng sản. Năm 2008 xã đã được công nhận là xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Cả 7 thôn trong xã đều xây dựng được nhà văn hóa và 6 thôn đạt tiêu chí làng văn hóa cấp huyện, 1 thôn đạt tiêu chí làng văn hóa cấp tỉnh. Đến năm 2012 toàn xã có gần 90% số hộ có đủ 3 công trình (nhà tắm, nhà vệ sinh, bể nước), 85% số hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Từ năm 2007 xã đã hoàn thành xóa nhà tranh tre tạm bợ. Đến nay toàn xã có 98 % hộ có nhà ngói, trong đó nhà mái bằng và cao tầng chiếm hơn 1/3. Số hộ nghèo năm 2012 giảm xuống còn 134 hộ chiếm tỉ lệ 10,93% tổng số hộ. Năm 2008, xã khai trương xây dựng xã văn hóa và năm 2012 đã được công nhận đạt danh hiệu xã văn hoá.

Hiện nay, trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng bộ và nhân dân Minh Sơn đã và đang khai thác, sử dụng một cách có hiệu quả những yếu tố thuận lợi về điều kiện tự nhiên để đẩy mạnh công cuộc phát triển kinh tế xã hội, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

II. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH LÀNG XÃ VÀ TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ VĂN HOÁ

Xã Minh Sơn ngày nay có tất cả 7 thôn (gồm có thôn 1, 2, 3, 4, 5, 7, 8) với 4 cụm dân cư cách biệt nhau. Từ khu trung tâm xã đến phía tây bắc là cụm dân cư gồm 3 thôn liền nhau là Hoàng Thôn (thôn 1), Hoàng Đồng (thôn 2) và Đồng Cát (thôn 3 ). Phía tây và tây bắc xã là cụm dân cư Tân Thành (gồm thôn Tân Thành 4 và Tân Thành 5). Phía nam xã là cụm dân cư thôn Tân Ninh; phía tây xã là cụm dân cư thôn Đại Sơn. Ngoài ra còn một số cụm dân cư nhỏ khoảng một vài chục hộ ở ven chân núi Rùa và xung quanh hồ Dọc Đong. Không kể thôn Đại Sơn thành lập cách đây chưa lâu trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương, 5 thôn còn lại đều có một quá trình dựng xóm lập làng lâu đời cách đây hàng vài trăm năm.

Có thể nhận định rằng, so với một số vùng trong huyện Triệu Sơn, Minh Sơn là vùng đất được con người khai phá muộn hơn. Những dãy đồi Mốc, đồi Nhơm, đồi Thị là điểm tận cùng về phía đông - đông nam của dãy đồi núi kéo dài từ miền tây ở các huyện Như Xuân, Thường Xuân xuống vùng đồng bằng Triệu Sơn. Dấu vết dưới lòng đất về những dải than bùn (ở khu vực hồ Than bùn) dưới chân đồi Mốc là những minh chứng xác thực cách đây chưa lâu lắm vùng này còn là những cánh rừng bạt ngàn. Gia phả họ Nguyễn Đăng ở Hoàng Thôn và gia phả một số họ ở Sinh Ý cũng cho biết rằng nhiều dòng họ đến cư trú trên đất Minh Sơn cũng chỉ khoảng cách đây trên dưới hai thế kỷ.

Vào đầu thế kỷ XIX, dưới thời vua Gia Long (1802 - 1820), các làng Thị, Mỹ Nhậm, Hoàng, Phụng Lộc thuộc xã Minh Sơn đều thuộc tổng Lai Triều, huyện Nông Cống, phủ Tĩnh Gia. Huyện Nông Cống lúc này có 9 tổng, tổng Lai Triều có 12 xã thôn (nay là một số làng thuộc các xã Minh Sơn, Hợp Thắng, Vân Sơn, Hợp Thành). Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, cấp tổng được bãi bỏ để thành lập các đơn vị hành chính mang tên xã. Các làng thuộc xã Minh Sơn nay trực thuộc xã Minh Đức, huyện Nông Cống. Xã này có 9 thôn: Sinh Ý, Mỹ Phong, Hoàng Thôn, Đồng Thôn, Phụng Lộc, Thiện Chính, thôn Thượng, thôn Hạ, thôn Tự và xóm Trại Cống(sau đổi là Tân Lương-nay thuộc xã Hợp Thắng). Năm 1948, toàn huyện Nông Cống chia thành 15 xã, xã Minh Nông  gồm các làng thuộc 3 xã Minh Sơn, Minh Dân, Minh Châu hiện nay. Đến năm 1953, 15 xã lớn chia thành 44 xã nhỏ, xã Minh Nông được tách thành 3 xã Minh Sơn, Minh Dân và Minh Châu. Xã Minh Sơn gồm có 6 làng: Sinh Ý, Mỹ Phong, Hoàng Thôn, Đồng  Thôn, Phụng Lộc,Tân Lương. Năm 1965, theo quyết định 177- CP ngày 16-12-1964 của Hội đồng chính phủ về việc điều chỉnh địa giới các huyện Thọ Xuân, Nông Cống thuộc tỉnh Thanh Hoá, huyện Triệu Sơn được thành lập gồm 33 xã. Từ đây xã Minh Sơn thuộc địa bàn của huyện mới Triệu Sơn. Năm 1965 thôn Tân Lương được cắt chuyển về xã Hợp Thắng. Đến năm 1988 khi thành lập thị trấn Triệu Sơn (theo quyết định 99- HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng), một phần dân cư và diện tích của xã Minh Sơn thuộc làng Tân Ninh (phía bắc tỉnh lộ 514) và làng Tân Phong (phía tây tỉnh lộ 506) cắt chuyển về thị trấn Triệu Sơn. Đến tháng 7- 2005, thực hiện chỉ thị 364/TTg của thủ tướng chính phủ về việc mở rộng địa giới hành chính thị trấn Triệu Sơn, toàn bộ làng Tân Phong (phía tây tỉnh lộ 506) và một phần làng Tân Thành tách khỏi xã Minh Sơn để chuyển về trực thuộc Thị trấn Triệu Sơn. Hiện nay, xã Minh Sơn có 7 thôn: Hoàng Thôn (thôn 1), Hoàng Đồng (thôn 2), Đồng Cát (thôn 3), Tân Thành 4, Tân Thành 5, Tân Ninh (thôn 7), Đại Sơn (thôn 8) . Lịch sử hình thành và phát triển của các làng trong xã đã thể hiện truyền thống lịch sử, văn hoá của vùng đất Minh Sơn một cách rõ nét và rất đặc sắc phong phú.

  Làng Hoàng Thôn

Làng ở vị trí trung tâm của xã, có vị trí tiếp giáp với làng Hoàng Đồng ở phía bắc, khu phố Bà Triệu của thị trấn Triệu Sơn và làng Tân Ninh ở phía Nam, đồi Mốc và đồi Nhơm ở phía đông, ở phía tây là cánh đồng tiếp giáp với núi Rùa và sông Nhơm, bên kia sông là địa phận xã Hợp Thắng. Diện tích tự nhiên của làng là gần70 mẫu, trong đó diện tích 12 xứ đồng là gần 50 mẫu, đất thổ cư là 18 mẫu. Các xứ đồng lớn là Mau Sâu, Trước Nhà, Mau Cao, Mau Sườn,Ngoại đê Tân Thành,Ngoại đê ông Hà vv….

Đến nay không rõ thôn Hoàng Thôn được thành lập đầu tiên vào khi nào với tên gọi là Mốc Vàng. Nhưng đầu thế kỷ XIX, vào thời vua Gia Long (1802-1820), thôn Hoàng (cùng với các thôn Thị, Phụng Lộc, Thục ) thuộc xã Cổ Mộc, tổng Lai Triều, huyện Nông Cống. Có lẽ sau đó vì một lý do nào đó dân cư trong làng bị phiêu tán, lưu lạc một thời gian. Vì thế vào thời vua Nguyễn Hiến Tổ, niên hiệu Thiệu Trị thứ 5 (1845), hai ông Trịnh Hữu Giáp và Trịnh Hữu Trạch làm đơn xin được phục hồi. Năm 1870 (Tự Đức thứ 23), ông Nguyễn Đăng Chất cùng một số người đến khu đất Đồng Ngách khai phá dựng thành một xóm nhỏ(1). Đến năm 1875, ông Nguyễn Tài Hùng chiêu mộ thêm dân ngoại tịch, khai khẩn được hơn 200 mẫu ruộng. Đến cuối năm 1882 (Tự Đức thứ 35), hai ông Nguyễn Đăng Chất và Trịnh Hữu Ứớc trình xin bản xã cho nhận thêm dân đinh, ruộng đất và nhận lĩnh canh. Bốn năm sau đó, khi ông Trịnh Hữu Ước qua đời, ông Nguyễn Đăng Chất là người bỏ nhiều công sức chiêu tập thêm dân đinh, mở mang khai phá thêm ruộng đồng, xây dựng và tu bổ miếu điện thờ thần. Bản hương ước làng Hoàng nêu rõ công tích của ông là người “có công với dân, chí kính với thần. Thần có nơi để kính thờ, dân có chỗ để vui sống, hiện đã thành làng xóm”(1). Họ Trịnh, họ Nguyễn Đăng và Nguyễn Tài là những dòng họ có công lập làng đầu tiên, sau đó có thêm các dòng họ khác đến cư trú. Làng Hoàng có tất cả 8 dòng họ: Trịnh, Nguyễn Đăng, Nguyễn Tài, Phạm, Lê Phụ (Phú), Lê Văn, Hoàng, Vũ. Họ Nguyễn Tài và họ Lê Phụ cũng là 2 họ có nguồn gốc ở Đồng Pho (Đông Hoà, Đông Sơn) di cư lên đây từ thế kỷ XIX. Họ có nhân khẩu đông nhất là họ Nguyễn Đăng và Nguyễn Tài. Các họ Nguyễn Đăng, Nguyễn Tài, Lê Phụ đều xây dựng nhà thờ họ. Đến nay họ Trịnh và họ Phạm là hai họ đã bị lưu tán không còn gia đình nào ở trong làng. Dân số của làng theo số liệu năm 1998 là 117 hộ, 397 khẩu, hiện nay (năm 2013) là 143 hộ, 446 khẩu

Hoàng Thôn có 2 ngôi đình. Đình Nhất xây dựng từ thế kỷ XIX ở phía đông của làng, sau vì xảy ra sự cố nên chuyển sang vị trí khác. Đình gồm 3 gian nhà gỗ lợp tranh, phía sau gian giữa có hậu cung làm nơi thờ phụng. Đình Hai xây dựng ở phía tây làng có 2 gian, sân đình có hai cây trôi to toả bóng mát. Những ngày mùa hè nóng nực, bà con đi làm đồng về thường dừng lại nghỉ ngơi ở đây. Đình Nhất là nơi hội họp của làng, nơi diễn ra các hoạt động tín ngưỡng, vui chơi của dân làng. Hàng năm có 3 ngày đại lễ là lễ xuân tế diễn ra vào ngày 10 tháng 2 âm lịch, lễ kỳ phúc ngày 21 tháng 3 và kính tế cơm mới (lễ thường tân) ngày 10 tháng 10. Ngày 18 tháng giêng hàng năm dân làng còn tổ chức rước kiệu tế thần từ đình làng về chợ Mốc giao lưu với các làng khác. Ngoài ra còn có các ngày lễ nhỏ hơn là ngày lệnh kỵ mùng 10 tháng giêng, khai ấn (lấy con dấu ra ) ngày 25 tháng 5, kính tế cuối năm ngày mùng 9 tháng chạp, lễ hạp ấn (cất con dấu đi) ngày 25 tháng chạp. Làng dành ra một số diện tích đất công để giao cho một số gia đình cày cấy, hàng năm dùng hoa lợi thu được trên phần đất đó để chi phí cho các ngày lễ trong năm. Một số cá nhân và gia đình còn cung tiến thêm ruộng đất cho làng để các gia đình luân phiên lĩnh canh làm nguồn thu cho các hoạt động tế lễ. Vào đầu thời vua Thành Thái (cuối thế kỷ XIX), bà Giảng cung tiến 1 sào 5 khẩu ruộng, ông Lê Phụ Biểu cung tiến 1 sào rưỡi ruộng (đều ở đồng Cồn) cho làng.

  Về phong tục tập quán, làng quy định những người tuổi tròn 50, 60, 70, 80, 90 đều tổ chức khao vọng (thường là 1 cỗ xôi, 1 con lợn và trầu rượu). Sau khi làm lễ thì những người đó được miễn trừ thuế thân và tiền đóng góp, 50 tuổi thì trừ nửa phần tiền đóng góp. Còn có lệ biếu các vị thượng lão vào các ngày đại lễ và lệ biếu cụ thể cho từng hạng tuổi. Các gia đình có con gái gả chồng thì nộp tiền cheo ( gọi là nộp lệ giai) cho làng bằng tiền và rượu. Trong việc khuyến học có quy định đến tuổi vào sổ đinh mà muốn xin đi học thì người đó được miễn trừ sai dịch (việc công) 1 năm để biểu thị sự tôn trọng việc học. Trong việc hiếu, bản thôn cử trai tráng đến giúp nhà có việc tang và bản thôn đi đưa. Việc xong chỉ dùng trầu rượu là lễ, cổ bàn hậu bạc thế nào tuỳ nghi, nếu nhà giàu tuỳ tâm làm cỗ bàn tiếp đãi. Nếu nhà nghèo mời trầu rượu, bản thôn không được hạch hỏi. Trong việc an ninh thôn xóm, những kẻ lấy trộm hoa màu ngoài đồng hoặc đồ vật trong nhà nếu có người bắt được sẽ bị phạt 3 quan tiền và đánh 3 roi v.v….Ở ba phía bắc, đông, nam làng có 3 điếm canh để tuần đinh canh gác bảo vệ an ninh trong làng.

  Trước năm 1945, đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, sinh sống chủ yếu dựa vào nghề trồng lúa. Đồng ruộng Hoàng Thôn đều nằm ven sông Nhơm nên hàng năm về mùa mưa các cánh đồng đều bị ngập lụt gây ra nạn mất mùa, đói kém. Tình cảnh đó đã được phản ánh qua đoạn thơ của ông Nguyễn Tài Vạn:

            “Làng ta bên núi bên sông

Mới mưa nước đã mênh mông đầy đồng

            Chỉ còn điền thổ đinh đông

            Lấy chi sinh sống, cấy trồng hỡi con”

Nghề làm ruộng thì bấp bênh như vậy nên người dân trong làng thường rủ nhau lên rừng lấy gỗ, củi đem về bán ở chợ Nông Trường và một số chợ khác(1).

  Từ năm 1961 khi hệ thống đê chắn nước sông Nhơm dài 1,2km được đắp thì nạn lụt không còn gây thất bát mùa màng nặng nề như trước đây nữa. Tuy nhiên do địa hình không xây dựng được hệ thống nông giang tự chảy nên khâu nước tưới cho cây lúa chủ yếu phải lấy nước từ sông Nhơm qua hệ thống máy bơm.

Vào đầu thời kỳ hợp tác hoá nông nghiệp những năm 1958- 1960, một phần làng Hoàng ở phía bắc và  một phần phía nam làng Đồng Cát được cắt chuyển dân số và diện tích để lập thành thôn mới Hoàng Đồng. Năm 1989, một phần phía đông của làng Hoàng ở ven đồi Nhơm, phía đông đường liên huyện Thị trấn đi Thọ Tân được cắt chuyển về thị trấn Triệu Sơn ( nay thuộc khu phố Bà Triệu).

  Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, nhân dân Hoàng Thôn đã hăng hái đóng góp sức người sức của góp phần vào thắng lợi chung. Làng có hàng trăm người tham gia bộ đội, có 17 liệt sỹ và 11 thương bệnh binh. Trong những năm thực hiện công cuộc đổi mới, Hoàng Thôn là làng khai trương xây dựng làng văn hoá sớm nhất trong toàn xã vào đầu năm 1999. Với sự nỗ lực cố gắng phấn đấu của cán bộ và nhân dân trong làng, cuối năm 2001 làng đạt danh hiệu làng văn hoá cấp huyện và năm 2003 đạt danh hiệu cấp tỉnh. Hiện nay làng có 1 chi bộ đảng gồm 31 đảng viên và các đoàn thể chính trị xã hội hoạt động tốt.

  Làng Hoàng Đồng

Đây là làng mới được thành lập sau khi thành lập xã Minh Sơn, tính ra mới khoảng hơn nửa thế kỷ. Nhưng lịch sử lâu đời của làng gắn liền với lịch sử của hai làng cận kề là Hoàng Thôn và Đồng Cát. Cho mãi đến giai đoạn 1958- 1960, làng Hoàng Đồng mới được thành lập từ một phần diện tích và dân số của Hoàng Thôn và Đồng Cát. Địa giới của làng: Phía bắc giáp Đồng Cát, phía nam giáp Hoàng Thôn, phía đông giáp đồi Mốc và phía tây là cánh đồng làng với các xứ đồng Cồn Lau, Quân Y, khu 13M, Chéo Sông, Cồn Đu v.v…tiếp giáp với xã Hợp Thắng. Hoàng Đồng có diện tích tự nhiên gần 80 mẫu, trong đó diện tích của 11 xứ đồng là hơn 50 mẫu, đất ở 24 mẫu.

  Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ tổ quốc Hoàng Đồng có 24 liệt sĩ và 7 thương bệnh binh. Đặc biệt gia đình mẹ Trịnh Thị Tỵ có 3 người con đều hy sinh trong chiến đấu. Mẹ Trịnh Thị Tỵ đã được nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Năm 2002 làng Hoàng Đồng đã khai trương xây dựng làng văn hoá và đã được công nhận danh hiệu làng văn hoá cấp huyện năm 2006. Hiện nay (năm 2013) làng có 182 hộ, 681 nhân khẩu. Chi bộ đảng có 30 đảng viên.

Làng Đồng Thôn(Đồng Cát).

Làng nằm ở phía tây bắc của xã, phía bắc giáp làng Hoành Suối (xã Thọ Tân), phía nam giáp làng Hoàng Đồng, phía đông giáp hồ Dọc Đong (làng Sinh Ý), phía tây là cánh đồng làng giáp với đồng ruộng xã Hợp Thắng. Làng có diện tích tự nhiên 80 mẫu trong đó đất trồng lúa là gần 55 mẫu, đất ở gần 20 mẫu.

  Theo tài liệu ghi chép và lời kể của những người cao tuổi trong làng, khoảng từ năm 1879 (Kỷ Mão) đến năm 1908, do có việc một nhà hào phú ở làng Thanh Yên tranh giành đất của xã Cổ Mộc nên vào năm Khải Định tam niên (1918), ông Trịnh Văn Quan là cai tổng Lai Triều đã đến triều đình đưa đơn kiến nghị. Vua cho quan về đo đạc và chuẩn y lập làng với giới hạn cụ thể đông tây, nam, bắc, có diện tích 250 mẫu, ngoài ra còn cấp thêm 5 mẫu ruộng công để hàng năm giao cho các hộ luân phiên lĩnh canh lấy hoa lợi dùng vào việc làng. Làng có tên là làng Đồng Thôn thuộc xã Cổ Mộc tổng Lai Triều. Tại thời điểm này một số dòng họ đã di cư đến lập làng, đầu tiên là họ Nguyễn, tiếp đó là các họ Trần, Ngô, Hoàng, Trịnh. Dân số của làng lúc đầu có 25 hộ với 125 khẩu. Trên khu vực định cư của làng có 2 ngọn đồi đất thấp mà dân làng gọi là núi Trúc và núi Trẩu. Có giai đoạn làng chia thành 2 xóm: xóm núi Trúc và xóm Cổ Bầu.

Từ trước năm 1945, làng có bốn ngôi đình: đình Nhất, đình Hai, đình họp và đình thờ. Đình Nhất ở khu vực Đồng Khoai gồm 3 gian và 1 gian chính tẩm. Trên nóc có đôi rồng chầu mặt nguyệt. Phía trước đình có 2 giải vũ có tượng quan văn cầm quyển sách và tượng quan võ xách đại đao đứng uy nghiêm. Hai cột cửa vào sân đình phía trên đầu cột có đắp 2 con nghê trong tư thế ngồi quay ra ngoài. Xung quanh đình trồng các loại cây như bàng, vạn tuế và hải đường, trước đình có ao cá. Hàng năm vào ngày 16 tháng giêng tổ chức lễ tế thần hoàng, làng tổ chức rước kiệu từ đình nhất về chọ Mốc để tham gia lễ hội cùng với bốn làng khác trong xã.

Đình Hai cũng được xây dựng ở khu đất rìa đồng (phía tây làng)  thờ “Sơn tinh công chúa, Dực bảo trung hưng” được triều vua Bảo Đại (1925-1945) phong là “Thượng đẳng thần”. Đình xây 2 gian, xung quanh đình xây tường bao, ngoài sân đình có bệ đặt bát hương và tượng hổ chầu. Còn đình họp 3 gian được xây dựng ở khu vực giữa làng là nơi sinh hoạt cộng đồng. Đình thờ làm ở phía bắc gồm 2 gian để thờ người có công lập làng ( là ông cai tổng Lai Triều Trịnh Văn Quan, thường gọi là ông Cai Quan)

Trong các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, Đồng Cát có 17 liệt sỹ, 7 thương binh. Làng đã khai trương xây dựng làng văn hoá năm 2006 và năm 2009 đã đựoc công nhận là làng văn hoá cấp huyện. Hiện nay làng  có 1 chi bộ đảng gồm 20 đảng viên. Tổng số hộ trong làng có 172 hộ với 620 khẩu.

Làng Sinh Ý(Tân Thành).

Làng nằm ở phía đông bắc xã, giáp làng Xuân Tiên và làng Thục (Thiện Chính) của xã Dân Lực ở phía bắc, Thị trấn Triệu Sơn ở phía nam, làng An Mộc (xã Dân Lực) và phố Tân Phong (thị trấn Triệu Sơn) ở phía đông, làng Hoàng Đồng và Đồng Cát ở phía tây (qua đồi Mốc). Làng có 14 xứ đồng lớn là Đồng năm tấn, đồng Nẫn Sâu, đồng Trước Chợ, Đồng Cát, Đồng Cao, Quân Y, Đồng Vàn, Đồng Mới, Cây Nắng 1, 2, 3, Đá bia cao v.v…. Về địa thế, làng nằm trên một quả đồi thấp mang tên là đồi Thị, nửa trên quả đồi này là đất đỏ pha sỏi, nửa dưới là đất ba zan. Đây có thể coi là điểm tận cùng của một dãy núi từ phía tây xuống đến phía đông của địa hình huyện Triệu Sơn. Trước đây dân làng cư trú ven sườn đồi phía đông và phía nam, sau đó mở rộng ra các khu vực khác.

Theo nguồn tài liệu văn bản còn lưu trữ, cách đây hơn 200 năm vào thời vua đầu tiên của nhà Nguyễn là Gia Long (1802- 1820) vùng đất này mang tên là thôn Thị thuộc xã Cổ Mộc, tổng Lai Triều, huyện Nông Cống, phủ Tĩnh Gia (cùng xã còn có các thôn Thục, Hoàng, Đồng, Phụng Lộc). Đến thời vua Tự Đức (1848- 1883), thôn Thị đổi tên thành làng Sinh Ý và từ đó đến trước năm 1945 đều thuộc xã Cổ Mộc. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, làng Sinh Ý lại đổi tên thành làng Tân Thành thuộc xã Cổ Mộc, từ năm 1946 thuộc xã Minh Đức rồi sau đó vài năm là xã Minh Nông. Năm 1953, thành lập xã Minh Sơn, Tân Thành là một trong 5 làng của xã Minh Sơn. Từ tháng 6- 1996 chia thành 2 thôn Tân Thành 4 và Tân Thành 5

Làng Thị trước đây có nhiều họ từ các vùng khác đến cư trú. Từ ngoài Bắc vào có các họ như họ Đàm, họ Ngô và họ Nguyễn. Họ Lê từ Đông Sơn lên, họ Trịnh ở Vĩnh Lộc sang, họ Hoàng ở Thọ Phú đến. Các họ Trịnh, Ngô, Lê, Đàm, Nguyễn, Hoàng được coi là những dòng họ đến cư trú sớm nhất từ đầu thế kỷ XIX, đến nay đã hơn 200 năm. Như vậy, nhiều dòng họ đã có mặt và sinh sống ở đây đến ngày nay khoảng 8- 10 đời.

Theo gia phả họ Lê, người đầu tiên trong họ đến lập nghiệp ở đây là ông Lê Ngọc Trầu người làng Ngọc Bôi, tổng Thạch Khê, huyện Đông Sơn. Khoảng đầu thế kỷ XIX (thời vua Gia Long), ông đến xã Cổ Mộc mở lớp dạy học chữ Nho, sau đó ông lấy vợ ở đây (bà Trịnh Thị Hẩy), đến nay đã được 8 đời. Gia phả họ Đàm ghi: Họ Đàm vốn gốc ở thôn Xuân Dục, xã Yên Trường, huyện Đông Anh, tỉnh Bắc Ninh (người thuộc Hà Nội). Đến đời thứ 7 có ông Đàm Huy Khiên vào Thanh Hoá lập nghiệp, sinh sống ở xã Cổ Mộc, đến cháu chắt hiện nay là đời thứ 12. Gia phả họ Trịnh cũng cho biết, ông tổ dòng họ là Trịnh Văn Đạt chuyển đến thôn Thị từ nửa thế kỷ XIX, lấy bà Trịnh Thị Duyệt sinh ra 5 người con trai (nay là 5 chi họ Trịnh).

Làng có 3 ngôi đình gồm đình lớn, đình trên và đình Miễu. Đình lớn ở khu vực giữa làng được xây dựng vào thời Tự Đức gồm năm gian nhà lợp ngói và một gian hậu cung, bên cạnh là nhà sắc. Đây là nơi thờ thành hoàng làng và là nơi hội họp của làng. Theo tài liệu biên soạn từ thời vua Thành Thái (1889- 1907) thì thôn Thị thờ hai vị thần là Cao Sơn Đại Vương (còn gọi là Đức Thánh Cả) và Tham sung Tá quốc tôn thần(1). Đình trên có 3 gian ở khu vực Ao Sải. Đình Miễu (được gọi là đình bà Chúa) thờ “Bạch y công chúa nhàn uyển trung hưng đẳng thần”(còn gọi là bà chúa Ơn). Làng còn có một miếu thờ thần và 1 ngôi chùa thờ Đức Phật. Làng giành ra 3 sào ruộng gọi là ruộng chùa để cày cấy dùng vào việc chùa.

Ở xã Cổ Mộc xưa, hàng năm vào ngày 18 tháng giêng có tục rước thần linh 5 làng trong xã từ đình làng về chợ Mốc (ở khu vực Xuân Tiên, Dân Lực hiện nay). Làng Sinh Ý cũng như các làng Thục, Hoàng Thôn, Phụng Lộc, Đồng Thôn, mỗi làng tổ chức rước 2 kiệu long đình và bát cống về chợ Mốc. Việc rước kiệu được tổ chức rất long trọng với sự tham gia đông đảo của nhân dân. Mỗi năm một làng đăng cai phụ trách việc cỗ bàn tế thần, sau đó phần cỗ chia đều cho các làng. Ngoài các vị thần được rước kiệu về đây như một dịp giao lưu giữa các vị thần linh, vị thần được toàn xã Cổ Mộc thờ là Đại ứng Thái Sơn tôn thần. Tại khu vực chợ Mốc vào dịp này, ngoài việc rước thần,tế lễ, nhiều trò chơi được tổ chức như đánh vật, đánh cờ người, chơi xóc đĩa v.v…rất đông vui, náo nhiệt. Các hoạt động này diễn ra trong 2 ngày 18 và 19, đến chiều ngày 19 mới kết thúc.

Ngoài ra làng Sinh Ý còn có lễ hội rước sắc và đặc biệt nhất là lễ thành hoàng làng vào ngày 15- 5 hàng năm .

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhân dân làng Sinh Ý đã góp nhiều sức người sức của cho các cuộc kháng chiến. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh biên giới, làng có hàng trăm người tham gia bộ đội, 27 người đã hy sinh trên các chiến trường. Tân Thành 4 có 12 liệt sĩ, Tân Thành 5 có 15 liệt sĩ, 24 người là thương bệnh binh. Có 3 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt nam anh hùng là các mẹ: Trịnh Thị Dụ và Lê Thị Lé (nay thuộc Tân Thành 4) và Trịnh Thị Độ (nay thuộc Tân Thành 5). Nhiều gia đình và cá nhân được Nhà nước tặng nhiều bằng khen, giấy khen, huân huy chương các loại, bằng Tổ quốc ghi công.

Từ tháng 10- 1996, làng Tân Thành chia thành 2 thôn: Tân Thành 4 và Tân Thành 5. Thôn Tân Thành 4 có diện tích trồng lúa gần 50 mẫu, đất ở gần 30 mẫu.Thôn có 215 hộ, 823 khẩu. Chi bộ đảng có 25 đảng viên . Năm 2006 thôn Tân Thành 4 khai trương xây dựng làng văn hóa, năm  2009 được công nhận làng văn hóa cấp huyện.

Thôn Tân Thành 5 có diện tích tự nhiênhơn 60 mẫu, trong đó diện tích trồng lúa 36 mẫu, đất ở 23 mẫu. Thôn có 186 hộ, 662 khẩu, chi bộ đảng  có 21 đảng viên. Năm 2004 thôn Tân Thành 5 khai trương xây dựng làng văn hóa và tháng 12 năm 2008 đã đạt danh hiệu làng văn hóa cấp huyện.

Làng Mỹ Phong(Tân Ninh).

Lúc đầu có tên là Nghĩa Nhậm với dòng họ đến định cư đầu tiên là họ Hà. Tương truyền có thời kỳ dân làng gặp nạn phải lưu tán đi các nơi khác sinh sống. Đến năm Bảo Thái thứ 3 (1722) đời vua Lê Dụ Tông, cụ thuỷ tổ họ Mai là Mai Du quê giáp Đa Phúc, thôn Thượng Thọ, xã Cao Vịnh, huyện Nga Sơn đã đến đây chiêu tập dân chúng, dựng nên xóm làng và đặt tên bản ấp là Mỹ Nhậm. Cho đến đầu thế kỷ XIX thời vua Gia Long, thôn Mỹ Nhậm thuộc xã Cương Đôi, tổng Lai Triều, huyện Nông Cống. Đến thời vua Tự Đức (1848- 1883), vì phải kiêng tên hiệu của Tự Đức là Hồng Nhậm nên đổi tên thôn Mỹ Nhậm thành thôn Mỹ Phong. Đến thời Đồng Khánh (1885- 1888), khi dân cư đã trở nên đông đúc, Mỹ Phong phát triển thành “nhất xã nhất thôn” gọi là xã Mỹ Phong thuộc tổng Lai Triều. Đầu thế kỷ XX dưới thời thuộc Pháp còn gọi là làng Nhơm, một tên gọi gắn với địa danh ngọn đồi ở phía bắc làng có tên là đồi Nhơm. Từ năm 1959 đổi tên là làng Tân Ninh (từ năm 1991còn gọi là thôn 7).

Địa thế của làng ở biệt lập với các làng xung quanh bởi những cánh đồng ở 3 phía tây, đông, nam; phía bắc là đồi Nhơm cây cối rậm rạp, um tùm (nay thuộc thị trấn Triệu Sơn). Các cánh đồng của làng ở phía nam giáp với xã An Nông, phía đông giáp với xã Minh Châu, phía tây giáp với làng Phu (xã Hợp Thắng). Dọc theo phía bắc của làng từ xưa có một đường giao thông lớn qua làng chạy theo hương đông – tây, gọi là tỉnh tộ số 9 từ thành phố Thanh Hoá đi Sim và khu vực Như Xuân.

Tân Ninh có diện tích tự nhiên là136 mẫu, trong đó diện tích trồng lúacủa 14 xứ đồng là110 mẫu, đất thổ cư gần 20 mẫu. Các khu đồng lớn là Bái Đâu (18,7 mẫu), Đồng Bến (9,37 mẫu), Nán Tre (7 mẫu), Đồng Đung (5,3 mẫu), Nổ Củi (4,6 mẫu)v.v….. Đồng ruộng Tân Ninh đều nằm ở phía tây nam và phía nam của làng. Sông Nhơm chảy qua nhiều xứ đồng với 9 đoạn khúc ngoằn ngèo dài hàng km. Sông có tác dụng chống hạn tích cực vào vụ chiêm, nhưng trước đây khi hệ thống đê chưa được củng cố, nhiều năm nước sông dâng cao do mưa lớn thường gây ngập lụt phá hoại mùa màng.

Trước năm 1945 trong làng có 6 dòng họ cùng sinh sống là các họ: Hà, Mai, Nguyễn, Đỗ, Lê, Trần, trong đó họ Hà và họ Mai là 2 họ đến đầu tiên. Sau đó có thêm các dòng họ khác là họ Đăng, Đinh, Cù, Khương, Lại. Trước năm 1945 làng có đầy đủ quần thể hệ thống đình, chùa, đền. Hai ngôi đình là đình lớn và đình hai. Đình lớn nằm ở giữa làng gồm 5 gian xây dựng vào giữa thế kỷ XIX, sau đó được trùng tu vào năm 1930 (năm 1954 đình bị dỡ để lấy vật liệu xây dựng trụ sở huyện Nông Cống). Đình hai gồm 3 gian dựng cách đình lớn khoảng 300 mét về phía đông. Một ngôi đền thờ thành mẫu Liễu Hạnh ở xứ Ao Hâm ngoảnh mặt về hướng nam. Dưới chân núi Nhơm là ngôi chùa dựng ở xứ Đồng Để quay hướng đông nam. Làng giành ra 6 sào ruộng ở Bái Đâu làm ruộng chùa giao cho thủ từ (người trông giữ chùa) cày cấy, thu hoạch để sắm lễ vật cúng vào các kỳ lễ tiết trong năm như tết thượng nguyên ( rằm tháng giêng ), lễ tắm Phật tháng 4 v.v…Hàng năm làng tổ chức các ngày lễ như lễ thượng tiêu (dựng cây nêu), tháng chạp, tế xuân 20 tháng 2, lễ kỳ phúc 13 tháng 4, lễ thường tân tháng 10. Trước ngày tế lễ, lý trưởng trình với dân bản xã tập hợp ở đình để phân bổ việc đóng góp lễ vật. Sau khi tế xong, kính biếu lễ vật cho quan viên chức sắc, hội võ, các cụ thượng lão, sau đó mọi người cùng ăn uống. Có những kỳ tế thần, các vị cao tuổi được rước ra đình ngồi vào hàng chiếu cao nhất.

Phong tục tập quán của xã Mỹ Phong có nhiều tục lệ đã thành nề nếp đã được phản ánh cụ thể trong bản khoán ước lập năm Thành Thái 13 (1901)(1). Về việc học, trong xã có người đỗ đạt trong các kỳ thi đều được bản xã chi tiền thưởng:  đỗ đại khoa mừng 10 quan tiền, đỗ trung khoa mừng 8 quan tiền, đỗ tiểu khoa mừng 6 quan tiền, đỗ nhất, nhị trường mừng 3 quan tiền. Những người đỗ từ tiểu khoa đến trung khoa, đại khoa được dân xã đi đón tiếp về tận nhà. Những người trong xã tình nguyện đi học được bản xã cấp tiền mua giấy bút mỗi năm là 3 quan tiền. Người nào được bổ vào các chức võ quan cũng đều được bản xã mừng từ 3 đến 12 quan tiền. Về lệ khao vọng, những người đủ 50 tuổi, lễ lão 60 tuổi và 70 tuổi, khao lão từ 90 tuổi đến 100 tuổi đều quy định mức khao lão khác nhau. Trong việc cưới xin, trai gái lấy nhau thì nộp tiền lan nhai (nộp cheo) cho bản xã. Ngoài ra còn có những quy định về hình thức phạt tiền đối với các vi phạm như trộm cắp, uống rượu say ăn nói càn rỡ, có người ngủ qua đêm không khai báo, đánh chửi nhau v.v…Riêng tội trộm cắp dù lớn hay nhỏ ngoài việc phạt 3 quan tiền còn bị đánh 30 roi…..Trải qua nhiều năm tháng, đến nay hầu như nhiều tục lệ đã không còn trong nếp sống sinh hoạt của nhân dân trong làng, thay vào đó là việc xây dựng và thực hiện quy ước văn hoá làng.

Trước năm 1945, xã Mỹ Phong có khoảng gần 40 hộ với hơn 200 nhân khẩu. Dân cư sống thưa thớt, đường đi trong làng chủ yếu là ven sườn đồi, chỉ có một con đường chính vào trong làng phải đi qua một điếm canh. Trong làng chỉ có 3 nhà ngói, số còn lại đều là nhà tranh. Có 2 gia đình ông Nguyên, ông Đức mời thầy dạy học người Nghệ An dạy học tại nhà. Số người đỗ đạt cũng rất ít, cả xã chỉ có vài người được đi học ở trường tiểu học Cổ Định. Trong xã có 9 hộ có từ 1 mẫu ruộng đất trở lên. Các cánh đồng trong xã là Đồng Bến, Bái Đâu, Nán Tre, Nổ Củi, Bờ Khe, Đồng Rào, Cây Bừng, Rọc Sâu, Đồng Quan, Kỳ Lân, Đồng Đung, Mụ Toạ, Rọc Phu, Ruộng Cạn v.v…..Ngoài làm ruộng, người dân Mỹ Phong còn có nghề đi rừng lấy củi về bán ở các chợ. Đời sống nhân dân  đa phần đều túng thiếu, nhất là vào những năm xảy ra thiên tai, lũ lụt lớn.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nhân dân làng Mỹ Phong đã hăng hái xây dựng cuộc sống mới và đóng góp vào hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, làng Mỹ Phong -Tân Ninh có 80 người tham gia bộ đội, 15 liệt sỹ và 8 thương bệnh binh. Làng đã đạt được nhiều thành tựu trong công cuộc đổi mới. Năm 2005 làng Tân Ninh đã khai trương xây dựng làng văn hoá và đã đạt danh hiệu làng văn hoá cấp huyện vào năm 2009 Làng hiện nay có 214 hộ, 821khẩu. Chi bộ đảng có 22 đảng viên.

Làng Đại Sơn.

Đại Sơn là làng nhỏ mới thành lập, nằm về phía tây nam xã Minh Sơn, có vị trí tiếp giáp làng Hoàng Thôn ở phía đông bắc, làng Phu (xã Hợp Thắng) ở phía nam, thị trấn Triệu Sơn ở phía đông và làng Quán Châu (xã Hợp Thắng) ở phía tây. Khu dân cư của làng chạy dài gần 1 km theo hướng đông – tây dọc đường giao thông 514.

Vào khoảng trước năm 1945, một số gia đình ở làng Phụng Lộc thuộc xã Cổ Mộc đến đây khai hoang và lập thành trại như trại ông Hường, trại ông Kiểm Xe v.v…Đến giữa năm 1969, tỉnh thành lập ở khu vực này Xí nghiệp gạch ngói Đại Phong có nhiệm vụ sản xuất gạch ngói cung cấp cho nhu cầu xây dựng của huyện. Một thời gian sau, trường Trung cấp lâm nghiệp Thanh Hoá cũng được xây dựng ở đây. Cách đây khoảng trên hai mươi năm khi hai cơ quan trên chuyển đi nơi khác, một số gia đình cán bộ, công nhân viên ở lại lập nghiệp trên vùng đất này. Một số gia đình ở Hoàng Thôn, Hoàng Đồng, Tân Phong và xã Hợp Thắng cũng chuyển về sinh sống ở đây lập thành xóm Đại Phong. Năm 1989, huyện ra quyết định thành lập thôn Đại Sơn trực thuộc xã Minh Sơn (tên làng là gộp từ chữ Đại của xóm Đại Phong và Sơn của xã Minh Sơn). Lúc này thôn có 64 hộ, 247 khẩu.

Sau hơn 20 năm xây dựng, đến nay đời sống của nhân dân thôn Đại Sơn (thôn 8) đã được nâng cao đáng kể cả về vật chất và tinh thần. Ngoài nghề làm ruộng với số diện tích canh tác ít nhất trong xã (18 mẫu), diện tích tự nhiên chưa đến 30 mẫu, Đại Sơn đã phát triển mạnh nghề sản xuất vật liệu xây dựng và ươm trồng cây giống lâm nghiệp. Trên địa bàn thôn có nhiều gia đình tham gia sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó có những xí nghiệp có quy mô sản xuất với hàng chục lao động. Từ 1 chi bộ Đảng có 6 đảng viên (năm 1989), đến nay chi bộ có 17 đảng viên. Dân số tính đến nay có 139 hộ, 487 khẩu. Tháng 4 năm 2006, thôn Đại Sơn đã khai trương xây dựng làng văn hoá và tháng 12- 2008 đã được công nhận là làng văn hoá cấp huyện.

*  *

*

Như vậy, cho đến đầu thế kỷ XIX cách đây hơn hai thế kỷ, các cộng đồng dân cư làng xã đã hình thành và ổn định trên đất Minh Sơn. Trải qua nhiều thế hệ,các gia đình và dòng họ từ nhiều vùng trong tỉnh và ngoài tỉnh đã đến đây tạo làng lập xóm,khai  phá và cải tạo các vùng đất bãi ven sông Nhơm, các vùng đồi gò rậm rạp thành những đồng lúa, vườn cây. Làng mạc Minh Sơn phân bố dọc các thế đất cao ở vùng chân đồi tạo thành những thôn xóm ven sông, ven đồi. Mỗi làng là một điểm tụ cư của nhiều dòng họ khác nhau, đến từ nhiều nơi trong những điều kiện, hoàn cảnh không giống nhau. Song các dòng họ trong làng cũng như các làng trong xã đã gắn bó đoàn kết vượt qua mọi khó khăn chung sức chung lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Trong quá trình xây dựng và bảo vệ xóm làng, nhân dân Minh Sơn đã tạo dựng nên những truyền thống văn hóa và phong tục tập quán tốt đẹp.

  Minh Sơn là xã có nhiều dòng họ từ khắp nơi đến lập nghiệp và sinh sống  mang theo phong tục, lối sống và nét đặc trưng văn hóa của nhiều vùng quê; từ đó tạo nên sự phong phú và đa dạng trong đời sống văn hóa tinh thần. Mỗi làng đều có một không gian văn hóa với các công trình kiến trúc như đình, đền, nghè, miếu, gắn với việc thờ cúng, lễ hội thể hiện sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng. Truyền thống văn hóa còn thể hiện trong tình làng nghĩa xóm, trong sự tương trợ giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn hoạn nạn. Việc giáo dục cũng rất được đề cao. Hương ước của các làng trong xã đều khuyến khích việc học hành, có những qui định về việc hỗ trợ đối với người đi học cũng như qui định phần thưởng đối với những người đỗ đạt. Các phong tục như trọng người cao tuổi, thờ cúng tổ tiên, thờ cúng các vị thần, tế lễ thành hoàng đã tạo thành nét đẹp văn hóa của quê hương Minh Sơn, góp phần phát huy những nét đẹp trong bắn sắc văn hóa của dân tộc.

Từ thuở lập làng, người dân Minh Sơn đã phải chống chọi với dòng sông Nhơm đã gây ra nhiều trận lũ lụt, phải đối mặt với nạn thú rừng từ các vùng đồi rậm rạp tràn xuống phá hại cây trồng, đe dọa tính mạng con người. Rồi hạn hán, dịch bệnh, mất mùa đói kém xảy ra thường xuyên. Trong hoàn cảnh đó mỗi con người nơi đây đã rèn luyện đức tính cần cù nhẫn nại, kiên trì phấn đấu vượt mọi khó khăn để biến những bãi đất ven đồi thành những cánh đồng mùa màng tươi tốt, những dải đất ven đồi thành xóm, thành làng. Ngoài trồng lúa nước, nhân dân trong xã đã phát triển trồng các loại cây hoa màu, cây lương thực và cây ăn quả, mở rộng các ngành nghề phụ phục vụ cuộc sống và sinh hoạt. Ngày nay dưới chế độ mới, truyền thống lao động cần cù đã tạo nên ý chí, nghị lực cho các thế hệ người dân Minh Sơn vươn lên xóa đói giảm nghèo và từng bước làm giàu cho gia đình và quê hương.

Trong sự nghiệp chống ngoại xâm để bảo vệ đất nước, ở bất kỳ thời kỳ nào, nhân dân Minh Sơn đều tham gia đóng góp sức người, sức của. Vùng đất Minh Sơn chắc hẳn đã là địa bàn hoạt động của nghĩa quân bà Triệu Thị Trinh và nghĩa quân Chu Đạt ( thế kỷ III) chống quân xâm lược nhà Ngô. Trong phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX, nhân dân Minh Sơn đã tích cực tham gia vào các đội nghĩa binh chống Pháp. Từ khi có Đảng lãnh đạo, truyền thống yêu nước chống ngoại xâm của nhân dân Minh Sơn càng được phát huy. Trong các cuộc kháng chiến của dân tộc, hàng trăm lượt con em Minh Sơn hăng hái  gia nhập quân đội, chiến đấu trên các chiến trường và hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc. Hậu phương Minh Sơn cũng không yên tiếng súng mà đã phải đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại tàn khốc của quân xâm lược gây bao đau thương tang tóc. Nhân dân Minh Sơn đã vượt qua mọi khó khăn thử thách, xây dựng hậu phương vững chắc và tích cực đóng góp chi viện cho tuyền tuyến. Những truyền thống mà các thế hệ nhân dân Minh Sơn đã tạo dựng nên đang được thế hệ hôm nay giữ gìn và phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.


CHƯƠNG II.

MINH SƠN TRONG THỜI KỲ ĐẤU TRANH GIÀNH ĐỘC LẬP                                     DÂN TỘC, CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (1930-1954).

I.TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI MINH SƠN DƯỚI ÁCH THỐNG TRỊ CỦA THỰC DÂN PHÁP .

Năm 1858, các chiến hạm của thực dân Pháp từ ngoài biển nổ súng đánh vào Đà Nẵng, mở đầu cho việc xâm lược nước ta. Triều đình nhà Nguyễn dưới thời vua Tự Đức (1848- 1883) lúc đầu đã có một số hoạt động chống Pháp nhưng càng về sau càng lộ rõ sự thỏa hiệp, đầu hàng. Trong bối cảnh đó, một số đại thần trong triều đình có tinh thần yêu nước đã lập ông vua trẻ Hàm Nghi làm minh chủ để phát động phong trào đấu tranh vũ trang chống Pháp dưới danh nghĩa Cần Vương. Phong trào này đã diễn ra rộng khắp từ Nam chí Bắc, nhất là sau khi thực dân Pháp đưa quân ra xâm chiếm Bắc Kỳ từ năm 1873. Thanh Hóa là tỉnh có phong trào phát triển mạnh mẽ với các cuộc khởi nghĩa lớn như Ba Đình, Hùng Lĩnh. Trên địa bàn huyện Nông Cống, nghĩa quân Nguyễn Phương hoạt động ở vùng phía nam huyện, lập căn cứ tại Ổn Lâm – Kỳ Thượng. Nghĩa quân Tống Duy Tân hoạt động ở nhiều vùng trong huyện, tấn công tiêu diệt đồn núi Mưng ở Cầu Quan và tổ chức phục kích nhiều trận thắng lợi tại vùng Yên Thái (phía bắc huyện), Vân Đồn (nay thuộc xã Hợp Lý) v.v…Nhân dân trong huyện trong đó có xã Cổ Mộc đã tích cực tham gia vào lực lượng nghĩa quân chống Pháp. Ở Hoàng Thôn có ông Nguyễn Đăng Yến tham gia nghĩa quân Cần Vương, giữ chức Đốc vận quân lương. Nhưng rồi trước kẻ thù là đội quân xâm lược nhà nghề có ưu thế về vũ khí, các cuộc khởi nghĩa lần lượt bị dập tắt, các lãnh tụ nghĩa quân bị bắt rồi bị hành hình. Khoảng năm 1895, phong trào Cần Vương hoàn toàn thất bại.

          Sau khi đàn áp xong các cuộc khởi nghĩa, thực dân Pháp đã chia nước ta thành 3 kỳ với 3 chế độ cai trị khác nhau. ở Thanh Hóa cũng như khu vực Trung Kỳ, chúng thiết lập chế độ bảo hộ, duy trì bộ máy cai trị kết hợp giữa chính quyền thực dân và chính quyền tay sai là người bản địa. Bộ máy chính quyền được lập ra từ tỉnh xuống đến huyện, tổng và làng xã để cai trị và đàn áp, bóc lột nhân dân. Ở mỗi làng có đội ngũ các chức dịch thừa hành (lý trưởng, phó lý và 5 chức

danh gọi chung là ngũ hương) để thực hiện các công việc của làng xã như lập sổ thuế thân, thuế điền, nhập sổ hương ẩm, phân chia công điền, xét xử vi phạm luật lệ hoặc kiện tụng nhỏ theo lệ làng v.v…

          Thực dân Pháp thi hành nhiều chính sách làm cho nông dân càng bần cùng, ruộng đất ngày càng tập trung vào tay giai cấp địa chủ. Tính chung trong cả nước, “giai cấp địa chủ chỉ bằng 9% tổng số chủ ruộng trong cả nước  nhưng lại tập trung trong tay trên 50% diện tích canh tác” (1). Ở Minh Sơn một gia đình địa chủ lớn ở Đồng Thôn có tới hàng trăm mẫu ruộng. Người nông dân không có ruộng hoặc có ít ruộng phải lĩnh canh ruộng đất của địa chủ. Họ cày cấy trên phần đất lĩnh canh đó, đến khi thu hoạch phải nộp cho địa chủ từ 1/3 đến 1/3 hoa lợi. Lúc giáp hạt các gia đình thiếu đói phải vay lúa cuả nhà giàu, đến mùa trả lãi bằng 60% đến 100% hoặc phải bán công non, phải trả công bằng sức lao động vào ngày mùa hoặc bán lúa non (khi lúa chín chủ nợ cho người đến gặt). Trong huyện Nông Cống thực dân Pháp đã chiếm đất của nông dân ở nhiều vùng để lập các đồn điền. Ở Minh Sơn, chúng chiếm đất đai của một quả đồi thuộc làng Đồng Thôn để trồng cây trẩu lấy dầu (vì thế sau này nhân dân địa phương gọi quả đồi này là núi Trẩu).

          Chính quyền thực dân phong kiến đặt ra rất nhiều loại thuế để bóc lột nhân dân. Người dân phải đóng thuế điền, thuế thân, thuế lao dịch và nhiều loại thuế gián thu khác. Thuế điền đánh vào ruộng canh tác và thổ cư và thu bằng tiền, lúc đầu là 1,5 đồng/mẫu, đến những năm 30 của thế kỷ XX tăng lên 2,5 đồng (tương đương vài tạ lúa). Từ khi thực dân Pháp đô hộ nước ta, số ngày lao dịch trong 1 năm được ấn định khoảng 30- 40 ngày. Đến tuổi trai đinh phải đóng tiền sưu hàng năm 1-2 đồng bạc Đông Dương mới được cấp thẻ đỏ, thẻ xanh để đựơc quyền đi lại khỏi nơi cư trú mà không bị hạch hỏi, phạt tiền. Các chức dịch trong làng xã còn dùng mọi thủ đoạn để tước đoạt thêm ruộng đất và hoa lợi trên đất của người nông dân, thu thêm các khoản theo “lệ làng”. Các hủ tục như người dân mỗi khi vào làng, lên lão v.v…đều phải làm lễ khao vọng rất tốn kém đã gây cho người dân bao nhọc nhằn vất vả, nhiều gia đình phải vay mượn để bày vẽ ăn uống tốn kém, cũng là để trả nợ miệng.

          Dưới chế độ cũ, đời sống của nhân dân Minh Sơn rất thiếu thốn, khổ cực. Hệ thống đê điều, thủy lợi chưa có, mỗi khi mua lụt thì hầu hết diện tích vụ mùa ở các xứ đồng, nhất là khu vực gần sông Nhơm bị ngập úng không có thu hoạch. Do kỹ thuật canh tác và các điều kiện chăm sóc cây trồng đều thiếu thốn và lạc hậu nên năng suất cây trồng rất thấp, cây lúa chỉ đạt 30-50kg/sào. Những lúc mất mùa đói kém, người dân trong xã phải rủ nhau lên rừng đốn gỗ, kiếm củi về bán để lấy tiền đong gạo.

          Điều kiện ăn ở của các gia đình rất thấp kém, lạc hậu. Nhà ở hấu hết là nhà tranh tre hoặc luồng, mái lợp bằng tranh rạ. Cả xã chỉ hơn chục gia đình có nhà ngói, nhà gỗ. Đường làng ngõ xóm quanh co, nhỏ hẹp, về mùa mưa rất lầy lội. Mỗi làng có 1-2 cái giếng đất để lấy nước ăn uống. Công trình vệ sinh như nhà tiêu, nhà tắm không có. Một số loại bệnh tật phát sinh và nhiều khi lan tràn thành dịch như đau mắt hột, tả lỵ, đậu mùa….Khi đau ốm người dân điều trị chủ yếu bằng thuốc thuốc nam và cúng bái. Cả mấy làng chỉ có vài người làm nghề thầy thuốc như ông Trần Văn Chư ở Mỹ Phong chuyên chữa bệnh về mắt. Ở Sinh Ý có ông Chuẩn và ông Thưởng chữa cảm mạo, ông Tứ chữa bỏng, bà Vuông chữa bệnh trẻ em.

          Với chủ trương thực hiện chính sách ngu dân để dễ bề cai trị, ở Minh Sơn cũng như tình trạng chung của cả nước có tới 90% dân số mù chữ. Năm 1927 ở tổng Cổ Định mới có 1 trường tiểu học Pháp – Việt đặt ở làng Cổ Định (nay thuộc xã Tân Ninh) và 1 trường ở làng Hà Nhuận cho con  em trong cả mấy tổng xung quanh theo học. Vì vậy, dưới thời Pháp thuộc mỗi làng chỉ khoảng vài người học hết bậc tiểu học . Cả xã Mỹ Phong có ông Mai Văn Hanh và ông Mai Văn Hào học ở trường Cổ Định và đậu Primair (tương đương lớp 3 hiện nay). Làng Hoàng có 3 người đậu Primair. Hương ước một số làng có ghi việc hỗ trợ việc học nhưng cũng chỉ là khuyến khích một phần nên nhiều gia đình bần cố nông không thể có đủ tiền lo cho con ăn học. Ở các làng có một số gia đình khá giả mời thầy về dạy tại nhà cho con em mình như ở Mỹ Phong có ông Lê Văn Cư (cố Liên) nuôi thầy Vịnh ( người Nghệ An) dạy chữ quốc ngữ, gia đình cố Huỳnh, cố Nguyên, cố Đức cũng mời thầy về dạy học cho con em trong nhà và các gia đình trong xóm.

          Cuộc sống đói nghèo lạc hậu của nhân dân Minh Sơn kéo dài trong suốt thời kỳ phong kiến, đặc biệt là từ khi thực dân Pháp hoàn thành việc đàn áp phong trào Cần Vương. Đầu thế kỷ XIX, chúng tiến hành hai đợt khai thác thuộc địa với quy mô lớn, vơ vét nguồn nhân lực vật lực của thuộc địa để phục vụ nước Pháp .

          Từ năm 1940, khi phát xít Nhật xâm lược Đông Dương, chúng đã cấu kết với thực dân Pháp để bóc lột nhân dân ta ngày càng thậm tệ. Khi Nhật cho xây sân bay Lai Thành (thuộc địa phận T.P Thanh Hóa nay), chúng bắt nhân dân ta phải đi phu làm sân bay rất khổ cực. Nhiều trai đinh của xã Cổ Mộc cũng bị bắt đi dân công làm sân bay cho chúng. Chính sách bóc lột của bọn đế quốc thực dân đã gây nên nạn đói nghiêm trọng đầu năm 1945 làm cho hơn hai triệu đồng bào miền Bắc chết đói. Ở xã Mỹ Phong và xã Cổ Mộc cũng chịu chung thảm cảnh đó. Riêng xã Mỹ Phong có 5 người chết đói. Nhiều gia đình phải bán con, nhiều gia đình phải đi tha phương cầu thực.

          Chính sách cai trị tàn bạo của chế độ thực dân phong kiến đã biến nước ta từ chế độ phong kiến độc lập trở thành xã hội thuộc địa nửa phong kiến . Mâu thuẫn giữa dân tộc ta với chính quyền tay sai ngày càng gay gắt . Độc lập, tự do là yêu cầu căn bản, là nguyện vọng cấp bách của nhân dân ta. Sau khi phong trào Cần Vương tan rã, trong những thập niên đầu thế kỷ XX, phong trào yêu nước lại được nhen nhóm, một số tổ chức cách mạng  được thành lập. Nhưng phải đến năm 1930 khi Đảng cộng sản Việt Nam đựơc thành lập, thời kỳ phong trào yêu nước khủng hoảng bế tắc về đường lối đã chấm dứt. Cách mạng nước ta từ đây chuyển sang một thời kỳ mới.

II. PHONG TRÀO ĐẤU TRANH GIÀNH CHÍNH QUYỀN (1930-1945).

          Ngày 3-2-1930, hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam đã được tổ chức tại Hưong Cảng (Trung Quốc) dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tuyên bố thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, thông qua Chính cương vắn tắt và sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ tóm tắt của Đảng. Từ đây, Đảng đã tập hợp và lãnh đạo nhân dân cả nước bước vào thời kỳ đấu tranh kiên cường để giành lại độc lập cho dân tộc.

Sau khi thành lập, hệ thống cơ sở Đảng được phát triển khắp mọi miền trong cả nước. Tại Thanh Hóa, từ tháng 6 đến tháng 7 năm 1930 đã có 3 chi bộ cộng sản được thành lập ở các huyện Đông Sơn, Thiệu Hóa, Thọ Xuân. Ngày 29-7-1930, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã được thành lập. Từ đây phong trào cách mạng tỉnh nhà đã có Đảng trực tứêp lãnh đạo.“Tính đến năm 1939 toàn tỉnh đã có 9 chi bộ với 50 đảng viên”(1). Đảng bộ Thanh Hóa đã tổ chức và lãnh đạo nhiều phong trào cách mạng, đặc biệt là cao trào phản đế cứu qưốc (1940-1941), xây dựng lực lựơng mọi mặt, đấu tranh giành chính quyền (1942- 1945).

          Sau khi tiếp thu Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 (tháng 11- 1939) về chuyển hướng chỉ đạo chiến lược tập trung vào nhiệm vụ “phản đế”, Mặt trận Việt Minh và các đội tự vệ phản đế cứu quốc đựoc thành lập ở nhiều nơi trong tỉnh. Đầu tháng 6- 1941, Tỉnh ủy phân công đồng chí Trần Hoạt (Bí thư Tỉnh ủy) cùng đồng chí Bùi Lâm (Xứ ủy viên Bắc Kỳ) và đồng chí Hoàng Sĩ Oánh (Tỉnh ủy viên) vào Nông Cống và Như Xuân để xây dựng phong trào.

          Cuối năm 1941, địch mở đợt khủng bố phong trào trong tỉnh, nhiều cán bộ cách mạng bị địch bắt giam như các đồng chí Hoàng Sĩ Oánh, Đặng Châu Tuệ, Đặng Văn Hỷ v.v…Cuối tháng 11- 1941, Tỉnh ủy lâm thời được thành lập tại Mao Xá (Thiệu Toán, Thiệu Hóa) để thay thế cho các đồng chí vừa bị địch bắt. Đồng chí Hoàng Văn Ngữ (Tỉnh ủy viên) đã cùng với một số tự vệ huyện Thọ Xuân ( xã Thọ Phú và Thọ Thế) tổ chức rải truyền đơn cách mạng dọc tuyến đường Quán Giắt đi Sim và treo cờ đỏ sao vàng tại 2 địa điểm ở làng Vân Đồn (nay thuộc xã Hợp Lý, Triệu Sơn).

          Từ năm 1943 ở Nông Cống đã xây dựng được một số cơ sở Việt Minh ở các làng Thổ Vị, Ngọ Vực, Ban Thọ….Tháng 5- 1945 tại nhà ông Nguyễn Hữu Trí làng Ngọ Vực, ban lãnh đạo Việt Minh huyện Nông Cống đựoc thành lập gồm 3 người: Võ Danh Thùy, Nguyễn Hữu Trí, Trần Ngọc Quế. Sau khi Việt Minh huyện được thành lập, phong trào xây dựng lực luợng tự vệ cứu quốc được xúc tiến ở nhiều nơi trong huyện. Mặt trận Việt Minh huyện đã tổ chức nhiều cuộc mít tinh ở các địa điểm như sân Bái Đa (nay thuộc xã Vạn Thiện, Nông Cống), chợ Nưa (nay thuộc xã Tân Ninh, Triệu Sơn) để tuyên truyền ủng hộ Việt Minh.

          Đêm 9-3-1945, Nhật làm đảo chính hất cẳng Pháp ra khỏi Đông Dương. Từ ngày 9 đến 12-3-1945, Hội nghị Trung ương Đảng họp chủ trương nêu khẩu hiệu “Đánh đuổi phát xít Nhật” thay cho khẩu hiệu “đánh đuổi Nhật – Pháp”, phát động cao trào chống Nhật cứu nước, gấp rút tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Phong trào gia nhập Việt Minh và dân quân tự vệ ở các làng phát triển mạnh. Làng Hoàng Thôn có 16 hội viên Việt Minh và 12 đội viên tự vệ, làng Mỹ Phong có 7 hội viên đồng thời là đội viên tự vệ, làng Sinh Ý có 9 hội viên Việt Minh đồng thời là đội viên tự vệ.

          Ngày 15- 8- 1945, phát xít Nhật thua trận phải chấp nhận đầu hàng quân Đồng Minh. Quân Nhật chiếm đóng ở Đông Dương hoang mang, tan rã từng mảng. Điều kiện khởi nghĩa đã chín muồi, thời cơ cách mạng “nghìn năm có một” đã đến, Đảng ta quyết định ra chủ trương tổng khởi nghĩa. Ngày 13- 8- 1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào ( Tuyên Quang) quyết định thông qua Lệnh tổng khởi nghĩa, kêu gọi đồng bào cả nước tiến lên giành chính quyền. Ở Thanh Hóa, hội nghị Tinh ủy (ngày 13 đến ngày 15- 8- 1945) tại Mao Xá đã phát động toàn dân nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền, phân công cán bộ lãnh đạo khởi nghĩa ở các phủ huyện trong tỉnh, thành lập Ủy ban khởi nghĩa và Ủy ban nhân dân lâm thời các phủ huyện. Đêm 18 rạng  ngày 19- 8- 1945, Ủy ban khởi nghĩa tỉnh phát lệnh khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh. Ngày 19- 8, khởi nghĩa thắng lợi tại các huyện Thọ Xuân, Đông Sơn, Quảng Xương, Thiệu Hóa, Yên Định, Vĩnh Lộc, Thạch Thànr, Hậu Lộc, Hà Trung, Nga Sơn.

Tại Nông Cống, cuộc nổi dậy giành chính quyền nổ ra muộn hơn so với nhiều huyện trong tỉnh. Chiều 19- 8- 1945, tại nhà ông Nguyễn Hữu Trí ( Ngọ Vực) đã diễn ra cuộc họp đại diện các tổ chức Việt Minh trong huyện. Cuộc họp đã bầu Ủy ban khởi nghĩa huyện Nông Cống gồm 11 người do ông Võ Danh Thùy làm Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa.

          Ở khu vực Cổ Mộc và Mỹ Phong, không khí chuẩm bị khởi nghĩa ngày càng sôi sục. Nhiều thanh niên tham gia lực luợng tự vệ và tuyên truyền xung phog. Ông Lê Thọ Ẩm là hội viên Việt Minh đựoc ông Lê Văn Lãnh (Ủy viên , Ủy ban khởi nghĩa huyện Nông Cống, quê xã Minh châu nay ) giao làm nhiệm vụ tuyên truyền cách mạng tại Mỹ Phong và Hoàng Thôn. Ông Lê Thọ Ẩm đã cùng các ông Mai Văn Nguyên, Mai Văn Viễn (Mỹ Phong) quyên tiền mua vải may cờ đỏ sao vàng. Đêm 16-17 tháng 8- 1945, ba ông tổ chức dán truyền đơn kêu gọi khởi nghĩa ở đình Mỹ Phong và điếm làng. Đội tự vệ cứu quốc thôn Mỹ Phong gồm các ông Lê Thọ Ẩm, Mai Văn Hòa, Mai Văn Viễn, Mai Văn Hào, Mai Văn Nguyên, Hà Văn Sáu, Mai Văn Lâm. ĐỘi tự vệ Hoàng Đồng có 16 người trong đó có 2 ông Lê Phú Đạt và Nguyễn Đăng Thiện.Việt Minh huyện đã cử 2 ông Lê Thế Đông (người Hoằng Hóa) và Hoàng Đình Cầu về hướng dẫn các đội tự vệ luyện tập trong hai tuần trước khi tổng nghĩa . Nhận đuợc lệnh khởi nghĩa của Ủy ban khởi nghĩa huyện, tối ngày 18-8 lực lượng  tự vệ tập hợp để duyệt đội hình tại sân nhà thờ họ Mai (ở Mỹ Phong), sau đó kéo về Hoàng Thôn tập trung tại nhà ông Cựu Thiện (Nguyễn Văn Sách), chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để tham gia giành chính quyền .

          Ngày 20-8- 1945, lực lượng tự vệ huyện giành chính quyền ở đồn điền Yên Mỹ. Đêm ngày 20 rạng 21-8-1945 lệnh khởi nghĩa được truyền đi trong toàn huyện Nông Cống. Theo lệnh của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh, Ủy ban khởi nghĩa huyện Thọ Xuân điều động một đơn vệ tự vũ trang về Nông Cống để hỗ trợ cho nhân dân Nông Cống giành chính quyền(1). Trong ngày 21- 8, các ông Võ Danh Thùy và Đặng Văn Tường chỉ huy lực lượng khởi nghĩa tấn công đánh chiếm huyện lỵ Cầu Quan, giải tán chính quyền địch, thành lập chính quyền cách mạng. Các đội tự vệ Hoàng Thôn, Mỹ Phong,Sinh Ý được lệnh tiến về Cầu Quan nhưng khi đến nơi  sáng 21- 8 thì lực lượng tại chỗ đã làm chủ hoàn toàn huyện lỵ trước đó vài giờ. Cùng ngày, ở tất cả các tổng,làng trong huyện Nông Cống, lực lượng cách mạng đã giành chính quyền thắng lợi. Tại Sinh Ý, lý trưởng và hương bạ đã nộp ấn t ín, bàn giao sổ sách về đinh điền cho ông Nguyễn Văn Định là người phụ trách khởi nghĩa tổng Lai Triều tại nhà ông Kiểm Bính ( Trịnh Văn Bính) ở làng Thục (nay là Thiện Chính xã Dân Lực).

          Ngày 25-8-1945,Ủy ban nhân dân lâm thời huyện Nông Cống tổ chức cuộc mít tinh lớn chào mừng chính quyền dân chủ nhân dân ra mắt tại sân vận động huyện lỵ (nay thuộc xã Trung Ý, huyện Nông Cống). Nhân dân và tự vệ các làng thuộc xã Minh Sơn (nay) đã cùng hơn một vạn đồng bào và lực lượng tự vệ của các làng,các tổng trong huyện tham gia cuộc mít tinh.Ông Đặng Văn Tường,Chủ tịch Ủy ban nhân dân lâm thời huyện trịnh trọng tuyên bố chính quyền dân chủ nhân dân được thành lập, kêu gọi đồng bào trong huyện ra sức xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng. Ủy ban nhân dân lâm thời huyện đã tuyên thệ trước toàn thể nhân dân, nguyện đem hết sức mình phục vụ Tổ quốc và nhân dân. Sau cuộc mít tinh, quần chúng tổ chức tuần hành biểu dương lực lượng tỏa về các làng trong huyện.

          Cùng với toàn huyện Nông Cống, ở tổng Lai Triều, chính quyền cách mạng lâm thời được thành lập từ tổng đến các làng xã để điều hành công việc của chế độ mới.

          Như vậy qua 15 năm đấu tranh kiên cường, nhân dân các làng thuộc xã Minh Sơn đã góp sức mình cùng với cả huyện,cả tỉnh vùng dậy đập tan toàn bộ chế độ cai trị của thực dân phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng. Từ đây, nhân dân Minh Sơn đã vĩnh viễn thoát khỏi ách nô lệ của người dân mất nước, đứng lên làm chủ cuộc sống của mình, bắt đầu tiến hành công cuộc xây dựng quê hương dưới chế độ mới,đồng thời chuẩn bị bướcvào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược

III. XÂY DỰNG VÀ CỦNG CỐ CHÍNH QUYỀN CÁCH MẠNG, ỔN ĐỊNH ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN (1945-1947)

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, chế độ mới ra đời là nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Dân tộc ta từ cuộc đời nô lệ, lầm than, từ thân phận người dân mất nước đã giành được cuộc sống tự do, độc lập. Cùng với cả nước, ở các làng thuộc tổng Lai Triều cũng như huyện Nông Cống trong những ngày đầu tháng 9- 1945, không khí hân hoan phấn khởi trào dâng khắp mọi xóm làng.

Để bảo vệ thành quả cách mạng và xây dựng cuộc sống mới, nhiệm vụ hàng đầu đặt ra lúc này là xây dựng bộ máy chính quyền mới thay thế bộ máy cai trị cũ vừa bị đập tan. Tuy địa phương chưa có đảng viên nhưng đội ngũ cán bộ xuất thân trong tổ chức Việt Minh và lực lượng tự vệ đã trở thành nòng cốt để từ đó chọn lựa những người tiêu biểu vào các vị trí của chính quyền cách mạng. Cùng với việc thành lập bộ máy chính quyền huyện Nống Cống, Uỷ ban nhân dân lâm thời các cấp được lập ra để chỉ đạo công việc của cơ sở, thực hiện các nhiệm vụ của huyện đề ra. Ở các thôn làng đều thành lập bộ máy điều hành do Chủ tịch Uỷ ban lâm thời đứng đầu phối hợp với tổ chức Việt Minh làm nhiệm vụ quản lý an ninh trật tự và xây dựng đời sống mới.

Cũng như tình hình cả nước và trong tỉnh, trong huyện, chính quyền và nhân dân các làng thuộc tổng Lai Triều lúc này gặp rất nhiều khó khăn, thử thách. Đó là nền kinh tế thấp kém, đồng ruộng phần lớn thuộc diện “chiêm khê mùa thối”, hết nắng hạn lại đến mưa to gây lụt úng, năng suất bình quân trên đơn vị canh tác rất thấp gây ra nạn thiếu lương thực trầm trọng. Nạn đói năm 1945 gây ra thảm cảnh cho nhiều gia đình vẫn chưa giải quyết xong hậu quả (riêng làng Sinh Ý có 6 người chết đói, có gia đình chết 3 người như gia đình ông Cương). Nguy cơ của một nạn đói tiếp theo đang đe doạ cuộc sống của người dân. Trình độ dân trí rất thấp, gần 90% dân số mù chữ. Các tệ nạn xã hội, các hủ tục của chế độ cũ như mê tín dị đoan, cờ bạc rượu chè …còn chưa triệt để chấm dứt đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến công cuộc xây dựng đời sống mới. Một trong những khó khăn lớn nhất lúc này là chính quyền cách mạng mới thành lập, đội ngũ cán bộ còn hạn chế trong công tác cả về kinh nghiệm và năng lực trình độ. Tổ chức đảng cũng chưa có nên việc lãnh đạo điều hành của chính quyền còn nhiều lúng túng v.v…Những khó khăn đó đặt ra cho chính quyền cách mạng lâm thời những nhiệm vụ nặng nề cần phải tập trung sức giải quyết để bảo vệ thành qủa cách mạng, củng cố chế độ mới ngày càng vững mạnh.

Đất nước ta lúc này vừa mới giành được độc lập đã phải đối phó với tình thế thù trong giặc ngoài vô cùng hiểm nguy. Ở miền Bắc, 20 vạn quân Tưởng tràn vào kéo theo các lực lượng phản động người Việt với mưu đồ thủ tiêu chính quyền cách mạng, thành lập chính phủ phản động. Ở miền Nam, ngày 23 – 9- 1945 thực dân Pháp theo chân quân Anh đã nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai.

Trước tình hình đó, Đảng và Hồ Chủ tịch đã sáng suốt đề ra những chủ trương và biện pháp đúng đắn làm thất bại mọi âm mưu và hành động của các thế lực đế quốc thực dân, bảo vệ và củng cố chế độ mới, ổn định đời sống nhân dân. Ngày 3-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Hồ CHủ Tịch đã đề ra việc thực hiện ngay 6 nhiệm vụ cấp bách là: Phát động phong trào tăng gia sản xuất để chống đói, mở cuộc quyên góp gạo giúp đỡ người nghèo, mở chiến dịch chống nạn mù chữ, gấp rút tổ chức một cuộc tổng tuyển cử v.v….

Thực hiện chủ trương của Trung ương, cuối năm 1945, huyện Nông Cống tiến hành sắp xếp lại các đơn vị hành chính, bỏ đơn vị cấp tổng và thành lập cấp xã. Các tổng của huyện Nông Cống được giải thể để thành lập các xã mới. Xã Cổ Mộc lúc này có 6 thôn: Sinh Ý, Hoàng Thôn, Mỹ Phong, Đồng Thôn, Phụng Lộc, Thiện Chính. Chính quyền lâm thời xã đã được thành lập để điều hành công việc.

Ngày 25- 11- 1945 Ban thường vụ trung ương Đảng ra chỉ thị “Kháng chiến, kiến quốc”, xác định nhiệm vụ và những chính sách lớn để chỉ đạo hành động của toàn Đảng, toàn dân trong giai đoạn trước mắt. Các nhiệm vụ cơ bản là bảo vệ và củng cố chính quyền cách mạng, chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản; cải thiện đời sống nhân dân. Các nhiệm vụ của cách mạng nước ta lúc này được khái quát thành khẩu hiệu chiến lược: “Kháng chiến và kiến quốc”.

Tại xã Cổ Mộc, cùng với việc kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền, việ xây dựng các đoàn thể quần chúng và lực lượng dân quân du kích được quan tâm thường xuyên. Mặt trận Việt Minh được chấn chỉnh và củng cố, số hội viên Việt Minh ngày càng đông đảo. Chủ nhiệm Việt Minh xã là ông Trịnh Ngọc Đa (Phụng Lộc). Số hội viên Việt Minh tính đến tháng 1- 1946 là: Hoàng Thôn 62 người, Đồng Cát 102 người, Sinh Ý 85 người, Phụng Lộc 450 người, Mỹ Phong 36 người, Trại Cống 45 người. Các đòan thể quần chúng như Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ lão cứu quốc được lập ra đã kết nạp hàng trăm hội viên. Lực lượng dân quân tự vệ xã  gồm hàng trăm người : Làng Phụng Lộc 44 người, làng Mỹ Phong 36 người, làng Hoàng Thôn 25 người, làng Sinh Ý 25 người, làng Đồng Cát 12 người, Trại Cống 13 người.  Lực lượng dân quân tự vệ đẩy mạnh việc luyện tập quân sự, tuần tra canh gác làm nhiệm vụ bảo vệ chính quyền và giữ gìn trật tự an ninh trong thôn xóm.

Thực hiện lời kêu gọi của Đảng và Hồ Chủ tịch, cũng như trong toàn huyện Nông Cống, chính quyền các làng trong xã Cổ Mộc đã tích cực hưởng ứng và triển khai các phong trào cấp bách lúc này là diệt 3 thứ giặc: “giặc đói”,  “giặc dốt” và “giặc ngoại xâm”  .

Đứng trước những khó khăn về kinh tế, nhất là nạn đói mới đang có nguy cơ đe doạ, chủ tịch Hồ Chí Minh và chính phủ đã đề ra nhiều sáng kiến cứu đói như tổ chức lạc quyên, tổ chức “ngày đồng tâm bớt bữa”, lập “hũ gạo cứu đói” v.v…Với tinh thần tương thân tương ái, nhường cơm sẻ áo, ở các làng trong xã Cổ Mộc, các gia đình đều lập các hũ gạo cứu đói, mỗi lần nấu cơm bớt ra bỏ vào hũ gạo một nắm, cuối tuần tập trung lại để cứu giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở các địa phương khác. Ở các làng còn phát động phong trào “đồng tâm không đỏ lửa”, cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa để tiết kiệm gạo cho cuộc vận động cứu đói. Ở Hoàng Thôn, gia đình các ông Nguyễn Văn Sách, Nguyễn Văn Huệ còn nấu cháo chia cho các hộ nghèo. Kết quả đóng góp hũ gạo cứu đói, các làng thuộc xã Minh Sơn (nay) đã quyên góp được 24,65 tạ gạo và 185 đồng bạc: làng Hoàng 185 đồng, làng Đồng Cát 1023kg, làng Sinh Ý 182kg, làng Phụng Lộc 106kg, xóm Trại Cống 200kg. Những biện pháp tạm thời này đã giải quyết được một số khó khăn trước mắt. Nhưng biện pháp toàn diện phải là đẩy mạnh phong trào tăng gia sản xuất, làm ra nhiều lương thực để đảm bảo nhu cầu lương thực cho nhân dân. Thực hiện cuộc vận dộng “Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa!”, nhân dân các làng trong xã đã phấn đấu cày cấy hết diện tích, khai hoang phục hoá để đất đai không bị bỏ hoang. Làng Sinh Ý đã lấy 20 mẫu ruộng công chia cho các gia đình nghèo trong làng để họ có đất canh tác. Nhiều bãi hoang, ruộng hoang đều được khai thác để cấy lúa, trồng màu. Nhân dân trong xã còn hưởng ứng chủ trương của huyện, tham gia đắp kênh mương, làm thuỷ lợi. Tất cả những việc làm đó đã góp phần khắc phục những khó khăn, đẩy lùi nạn đói đang rình rập cuộc sống của nhân dân, khôi phục dần sản xuất nông nghiệp.

Phong trào xây dựng đời sống mới được nhân dân hưởng ứng sôi nổi. Nhiều hủ tục tồn tại bao đời nay đã được xoá bỏ như tục vào làng, khao vọng lên lão, cờ bạc trong dịp tết và lễ hội, chia phe giáp trong làng v.v…Ở các làng bước đầu thực hiện những quy định mới trong việc cưới, việc tang, thực hiện tiết kiệm, không phô trương lãng phí bày ra nhiều lễ hội, cỗ bàn trong các dịp khánh tiết.

Hưởng ứng chiến dịch chống nạn mù chữ do chính phủ phát động, công tác xoá nạn mù chữ là một trong ba nhiệm vụ cấp bách đã được chính quyền các cấp đặc biệt chú trọng. Ở mỗi làng đều lập Ban bình dân học vụ do một trưởng ban phụ trách. Phong trào diệt giặc dốt và bình dân học vụ đã diễn ra sôi nổi với sự hưởng ứng nhiệt tình của các đoàn thể và toàn dân, thực hiện lời dạy của Hồ Chủ tịch với tinh thần “….vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo”, mọi người mọi nhà đều tranh thủ đi học. Nhiều lớp học được mở khắp các thôn, xóm, trong gia đình, trong nhà dân. Phương tiện học tập giai đoạn này rất thiếu thốn nhưng mọi người đã có cách khắc phục. Không có giấy bút, phấn bảng, thì dùng que tre, gạch non, mảnh lá, nền nhà, cánh cửa để làm giấy bút. Các lớp học được mở vào cả buổi trưa, buổi tối cho phù hợp với điều kiện học của nhiều đối tượng khác nhau. Ở chợ Mốc, chợ Sen đều lập các cổng ở đầu chợ để đố chữ cho người đến chợ để kiểm tra kiến thức và nhắc nhở mọi người phấn đấu học tập. Ai đọc thuộc một số chữ ghi trên bảng thì được đi vào “cổng vinh quang”, ai chưa thuộc thì phải đi vào “cổng mù”. Giáo viên bình dân học vụ trong giai đoạn này là các ông bà Nguyễn Văn Thịnh, Nguyễn Duy Nho, Nguyễn Văn Nhị, Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Tài Khánh, Nguyễn Thị Chế (Hoàng Thôn), Trịnh Văn Biển, Đàm Huy Thọ (Sinh Ý), Lê Văn Lương, Mai Văn Thưởng (Mỹ Phong). Nhờ sự hăng say cố gắng của mọi người, chỉ sau một thời gian ngắn, nhiều người đã biết đọc biết viết và biết làm bốn phép tính đơn giản. Trình độ dân trí của nhân dân được nâng lên. Phong trào “chống giặc dốt” chỉ trong vài năm đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi, một thành tích to lớn của chế độ mới mà hàng trăm năm chế độ thực dân đã không muốn và không thể thực hiện.

Thực hiện kế hoạch Tổng tuyển cử bầu Quốc hội hoá I, được sự chỉ đạo của chính quyền và Mặt trận Việt Minh huyện Nông Cống, từ cuối năm 1945 nhân dân trong xã đã được tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa của cuộc bầu cử và nghĩa vụ, trách nhiệm của người công dân khi cầm lá phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khoá đầu tiên của chế độ mới.

Ngày 6-1-1946, cùng với cả nước, đại đa số của tri các làng trong xã đã hăng hái tham gia bầu cử để thực hiện quyền công dân của mìn. Đây là lần đầu tiên người dân được tự tay cầm lá phiếu bầu những người đủ đức đủ tài vào cơ quan quyền lực cao nhất. Sau đó, tháng 4- 1946, nhân dân các làng trong xã Cổ Mộc lại được tham gia bầu Uỷ ban hành chính các cấp để xây dựng chính quyền cách mạng. Sau thời điểm này, xã Cổ Mộc được nhập với các làng (thuộc xã Minh Dân nay) lập thành xã Minh Đức gồm các làng Sinh Ý, Phụng Lộc, Hoàng Thôn, Đồng Thôn, Mỹ Phong, Thiện Chính, Thượng Thôn, Hạ Thôn, Tự Thôn. Uỷ ban hành chính xã Minh Đức được bầu ra sau cuộc bầu cử tháng 4 – 1946 gồm: ông Trịnh Nhật Tân (Đồng Thôn) là chủ tịch UBHC xã, ông Trịnh Ngọc Năm (Phụng Lộc) là phó Chủ tịch UBHC xã, ông Nguyễn Văn Ca (Sinh Ý) là trưởng công an xã, ông Mai Văn Phong (Mỹ Phong) là xã đội trưởng, ông Trịnh Ngọc Đa (Phụng Lộc) làm chủ nhiệm Việt Minh xã. Các đoàn thể có ông Đàm Huy Thọ (Sinh Ý) phụ trách thanh niên, bà Trịnh Thị Thuận (Phụng Lộc) phụ trách phụ nữ v.v….

Như vậy qua hơn một năm xây dựng và củng cố chính quyền mới cùng với các đoàn thể quần chúng, ổn định đời sống nhân dân, nhân dân các làng trong xã Cổ Mộc đã cùng với chính quyền vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để xây dựng một chế độ mới độc lập, tự do, do nhân dân và vì nhân dân. Cuộc sống mới tuy còn nhiều thiếu thốn nhưng mọi người đều phấn khởi, tin tưởng vào tiền đồ của đất nước, của dân tộc. Những thắng lợi bước đầu của cuộc xây dựng chính quyền cách mạng, ổn định đời sống nhân dân đã đặt nền móng vững chắc cho nhân dân trong xã chủ động bước vào giai đoạn mới của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược để bảo vệ những thành quả của nền độc lập vừa mới giành lại được.

IV. CHI BỘ VÀ NHÂN DÂN XÃ MINH NÔNG XÂY DỰNG HẬU PHƯƠNG VỮNG MẠNH, CÙNG TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP THẮNG LỢI (1947-1954)

Cùng với việc xây dựng chế độ mới, nhân dân Việt Nam phải tiến hành cuộc đấu tranh chống lại âm mưu của các thế lực thù địch, đặc biệt là mưu đồ xâm lược lần thứ hai của thực dân Pháp.

Ở miền Nam từ cuối năm 1945 quân và dân ta đã phải chiến đấu chống lại đội quân xâm lược Pháp đang mở rộng đánh chiếm ra toàn Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Ở miền Bắc, chúng ta phải hoà hoãn, nhân nhượng với quân Tưởng đồng thời ký với Pháp Hiệp định sơ bộ 6- 3- 1946 và Tạm ước 14- 9- 1946. Nhưng thực dân Pháp ngày càng lấn tới, mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Trước tình thế khẩn cấp đó, ngày 19- 12- 1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã quyết định phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên phạm vị cả nước. Lời kêu gọi toàn quốc của Hồ Chủ tịch truyền đi: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc thuổng gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.”

Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, địa bàn tỉnh Thanh Hoá cùng với Nghệ An và Hà Tĩnh là vùng tự do nằm trong sự kiểm soát của chính quyền cách mạng đã trở thành một hậu phương lớn của cuộc kháng chiến. Tháng 2- 1947, Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Thanh Hoá. Người đã động viên khen ngợi quân và dân Thanh Hoá, đồng thời giao nhiệm vụ cho cán bộ và nhân dân trong tỉnh là phải “Xây dựng Thanh Hoá thành tỉnh kiểu mẫu”. Đây là nguồn động viên, cổ vũ lớn lao cũng là trách nhiệm nặng nề của nhân dân Thanh Hoá.

Thực hiện chủ trương của Đảng và lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch, nhân dân xã Minh Đức đã gấp rút tiến hành mọi công tác chuẩn bị cho cuộc kháng chiến. Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài, việc củng cố chính quyền tiếp tục được tiến hành. Từ năm 1947, thực hiện chủ trương của cấp trên, bên cạnh Uỷ ban hành chính, Uỷ ban kháng chiến xã Minh Đức được thành lập để chuyên trách về công tác chuẩn bị kháng chiến. Ông Nguyễn Văn Sách (làng Hoàng Thôn) được cử làm chủ tịch Uỷ ban kháng chiến xã Minh Đức. Đến cuối năm 1947, các xã được mở rộng địa dư lớn hơn trước. Các làng trong xã Minh Đức cùng với các làng Hà Nhuận, Lượng Thôn (nay thuộc xã Minh Châu) được sáp nhập thành xã lớn lấy tên là xã Minh Nông. Lúc này các Uỷ ban hành chính và Uỷ ban kháng chiến được sáp nhập thành Uỷ ban kháng chiến hành chính (UBKHHC). Ông Hoàng Văn Thung (người Nghệ An) là Chủ tịch UBKCHC, ông Phạm Văn Thuận (Minh Dân nay) là phó Chủ tịch UBKHHC xã Minh Nông. Thực hiện chỉ thị của cơ quan quân sự cấp trên, Ban chỉ huy xã đội các xã cũng được thành lập được tham mưu cho chính quyền về kế hoạch xây dựng và huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ trong xã. Ông Nhuận Mẹo (Minh Dân nay) được cử làm xã đội trưởng, ông Trịnh Văn Nhương (Sinh Ý) được cử làm chính trị viên xã đội xã Minh Nông.

Sau khi UBKCHC xã được thành lập, các ban ngành, đoàn thể trong xã cũng được kiện toàn. Ông Tuấn Tiến (Minh Dân) được bầu làm chủ nhiệm Việt Minh (từ cuối năm 1951 là Mặt trận Liên Việt). Ông Lê Hữu Mông (Minh Dân) làm Bí thư Hội nông dân cứu quốc, bà Hà Thị Tằm (Minh Châu nay) làm Bí thư phụ nữ cứu quốc, ông Đàm Huy Thọ (Sinh Ý) làm Bí thư thanh niên cứu quốc, ông Hà Xuân Chầm (Minh Châu nay) làm Hội trưởng Hội phụ lão kháng địch, bà Phẩm(Minh Châu nay) làm Hội trưởng Hội mẹ chiến sĩ.

Trong năm 1947, thực dân Pháp mở nhiều cuộc tấn công vào vùng tự do Thanh Hoá, nhất là khu vực phía bắc của tỉnh, các huyện ven biển và một số vị trí quan trọng ở miền núi phía tây, chiếm đóng được một số khu vực. Chiến tranh ngày càng lan rộng, nhân dân xã Minh Nông khẩn trương chuẩn bị mọi mặt để chủ động đối phó với tình hình mới. Lực lượng dân quân tự vệ toàn xã được củng cố và phát triển dưới sự chỉ đạo thống nhất của Ban chỉ huy xã đội. Mỗi làng đều thành lập từ một tiểu đội đến một trung đội dân quân. Các đơn vị tăng cường luyện tập với các phương án tác chiến, tập ném lựu đạn, bắn sung, đánh chông….Thực hiện chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”, các lực lượng dân quân du kích của xã đã tham gia cùng với các xã khác đào phá một số tuyến giao thông quan trọng trong vùng nhằm chặn bước tiến của kẻ thù nếu chiến sự xảy ra. Chủ trương xây dựng làng kháng chiến cũng được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Ở mỗi làng đều tiến hành việc rào làng kháng chiến, xây dựng hệ thống giao thông hào và hầm trú ẩn cá nhân tránh bom đạn. Riêng làng Sinh Ý đã đào được 300 mét hào giao thông và 400 hầm trú ẩn. Các làng đều có chốt canh gác ở các vị trí quan trọng. Các đội tự vệ túc trực canh gác cả ban ngày và ban đêm làm nhiệm vụ bảo mật phòng gian, báo động sẵn sàng chiến đấu. Trên địa bàn xã có những nơi rất thuận lợi cho việc đổ bộ của địch từ đường không như các vùng đồi Mốc, đồi Nhơm, đồi Thị, núi Rùa. Lực lượng dân quân đã tổ chức lực lượng tuần tra thường xuyên ở các vị trí nói trên, đồng thời tiến hành cắm chông ở một số điểm cao để đề phòng địch nhảy dù xuống địa bàn.

Chiến tranh ngày càng ác liệt, nhu cầu chi viện cho chiến trường, đặc biệt là sức người ngày càng trở nên cấp bách. Nhiều thanh niên của xã Minh Nông đã lên đường nhập ngũ, tham gia vào Vệ quốc đoàn như các ông Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Văn Thìn, Nguyễn Văn Ngọ (Hoàng Thôn). Làng Mỹ Phong có các ông Mai Văn Cửu, Mai Văn Uyên, Mai Văn Uyển. Làng Sinh Ý có các ông Nguyễn Văn Tích, Ngô Văn Tịnh, Trịnh Văn Thậm, Trịnh Văn Chu.

Cho đến cuối năm 1945, trên địa bàn huyện Nông Cống chưa có đảng viên và tổ chức Đảng. Nhiệm vụ đặt ra lúc này là phải tổ chức và phát triển cơ sở Đảng để lãnh đạo công cuộc xây dựng và bảo vệ hậu phương. Tỉnh uỷ Thanh Hoá đã bổ sung về Nông Cống một số cán bộ để giúp huyện thành lập và phát triển tổ chức cơ sở Đảng. Ngày 18- 2- 1946 tại làng Bi Kiều, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Lê Chủ (Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá), chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Nông Cống đã được thành lập gồm 9 đảng viên do đồng chí Lê Thế Nguyên (tức Trần Văn Đông), cán bộ của tỉnh tăng cường trực tiếp làm Bí thư chi bộ. Đây là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng: từ đây phong trào cách mạng trong huyện đã có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng. Đến giữa năm 1946, một số chi bộ khác trong huyện cũng được thành lập (thường là chi bộ liên xã gồm 2- 3 xã có địa dư gần nhau). Tỉnh uỷ Thanh Hoá đã phân công đồng chí Hà Nam Lâu và đồng chí Trực (người Nghệ An) về chỉ đạo công tác phát triển Đảng ở khu vực bắc Nông Cống (3 tổng Lai Triều, Đô Xá, Hữu Định). Đến năm 1947 trên địa bàn xã Minh Nông đã có 2 cán bộ ưu tú được vinh dự kết nạp vào Đảng đầu tiên là đồng chí Hoàng Văn Đỉnh (Minh Dân nay) và đồng chí Hoàng Văn Thu (người Nghệ An), đương kim Chủ tịch UBKCHC xã. Chi bộ xã Minh Nông được thành lập năm 1947 là một sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu sự phát triển của phong trào trong xã, đồng thời mở ra một giai đoạn cách mạng mới để phong trào của xã có sự lãnh đạo của tổ chức chi bộ Đảng. Tiếp đó trong các năm 1948- 1949, nhiều quần chúng ưu tú tiếp tục được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Làng Hoàng Thôn có 5 đồng chí: Lê Phụ Đạt, Lê Thị Rong, Trần Trọng Tân, Nguyễn Tài Cấp, Nguyễn Vân Cát. Làng Mỹ Phong có 10 đồng chí: Mai Văn Viễn, Mai Văn Nguyên, Mai Văn Hào, Lê Thọ Ẩm, Đỗ Thị Huy, Hà Văn Sáu, Mai Văn Lâm, đ/c Hội, đ/c Chư, đ/c Tưởng. Tổ đảng Mỹ Phong do đồng chí Mai Văn Viễn làm tổ trưởng. Làng Sinh Ý có 4 đồng chí: Nguyễn Văn Ca, Trịnh Văn Nhương, Đàm Huy Thọ, Lê Trọng Túc. Tổ đảng Sinh Ý do đồng chí Nguyễn Văn Ca làm tổ trưởng.

Từ năm 1947 đến năm 1953, chi bộ Minh Nông đã tiến hành 4 kỳ đại hội. Nội dung các kỳ đại hội là tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển Đảng, củng cố các tổ chức đoàn thể quần chúng, kiểm điểm việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về sản xuất, bảo vệ hậu phương, xây dựng lực lượng dân quân du kích, sẵn sàng chiến đấu và làm tốt nhiệm vụ của hậu phương v.v…Hoạt động của chi bộ lúc này rất khó khăn vì kinh phí không có. Ban kinh tài đã tổ chức cho một số đảng viên làm thịt lợn, thịt bò để bán hoặc bán thuốc bắcđể lấy kinh phí hoạt động. Các gia đình cảm tình đảng trong các làng(thuộc xã Minh Sơn nay) còn đóng góp cho quĩ chi bộ được 18 tạ thóc và 747 đồng bạc (cao nhất là làng Sinh Ý đóng góp 600 đồng và 7 tạ thóc).

Bí thư chi bộ Minh Nông lần lượt qua 4 kỳ Đại hội là các đồng chí: Hoàng Văn Đỉnh (Minh Dân nay) nhiệm kỳ 1947- 1948, đồng chí Lê Hữu Mông (Minh Dân nay) nhiệm kỳ 1949- 1950, đồng chí Trần Văn Lộng (Minh Châu nay) nhiệm kỳ 1951- 1952 và đồng chí Lê Phụ Đạt (Hoàng Thôn) nhiệm kỳ 1953- 1954. Một số đảng viên của xã Minh Sơn (nay) đảm nhiệm các cương vị trong chi bộ và chính quyền xã Minh Nông như các đồng chí Đàm Huy Thọ, Nguyễn Văn Ca, Trịnh Văn Nhương, Lê Trọng Túc, Trịnh Văn Hộ (Sinh Ý) là Chi uỷ viên của chi bộ xã trong 1 đến 2 nhiệm kỳ .

Để xây dựng nền kinh tế kháng chiến,góp sức vào việc “Xây dựng Thanh Hoá thành tỉnh kiểu mẫu” và là hậu phương vững chắc của cuộc kháng chiến, chính quyền và nhân dân xã Minh Nông đã đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất. Nông dân tích cực khai hoang phục hoá, đưa nhiều diện tích hoang hoá vào trồng lúa, khoai, đậu và các loại cây hoa màu khác. Việc đào mương chống hạn, xây dựng các công trình thuỷ lợi được chú trọng. Để tạo điều kiện phát triển nông nghiệp, thu hẹp quyền lực của địa chủ, Đảng và Chính phủ đã đề ra nhiều biện pháp để sửa đổi chế độ ruộng đất ở vùng nông thôn. Ruộng công và ruộng vắng chủ tiếp tục được chia cho các hộ có ít ruộng cày cấy. Sau khi có sắc lệnh giảm tô 25% (sắc lệnh 78/SL ngày 14- 7- 1949) xã Minh Nông đã thành lập Ban giảm tô giảm tức để chỉ đạo điều hành việc thực hiện trong xã. Chính quyền và ban giảm tô đã phát động quần chúng, làm cho quần chúng hiểu rõ quyền lợi, từ đó tự nguyện đứng lên đoàn kết đấu tranh, vạch trần các thủ đoạn bóc lột của địa chủ. Kết quả là các địa chủ có ruộng đất phát canh thu tô đã thực hiện giảm tô 25% cho nông dân. Các địa chủ cho vay nặng lãi và thực hiện các hình thức bóc lột nông dân đều phải giảm tức, trả lại tiền công sòng phẳng cho nông dân. Thắng lợi của cuộc vận động giảm tô, giảm tức đã đem lại quyền lợi thiết thực cho nông dân, làm cho nhân dân xã Minh Nông thêm phấn khởi, tin tưởng vào chính quyền mới. Thắng lợi này cũng tạo đà thuận lợi cho việc thực hiện cải cách ruộng đất vào năm 1954.

Trong nông nghiệp từ năm 1950 xã đã vận động nhân dân các làng xây dựng tổ vần công, đổi công để giúp đỡ nhau sản xuất, nhất là khâu nhân lực. Riêng ở Mỹ Phong đã thành lập được 2 tổ đổi công: Tổ Tân Ninh do ông Mai Văn Viễn làm tổ trưởng và tổ Tân An do ông Hà Văn Tự làm tổ trưởng. Các tổ vần công, đổi công đã góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết trong nông dân, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển.

Sau chiến thắng Việt Bắc thu đông năm 1947, cục diện chiến tranh thay đổi có lợi cho cách mạng nước ta. Chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của thực dân Pháp hoàn toàn bị phá sản. Do yêu cầu của cuộc kháng chiến ngày càng tăng, Đảng và chính quyền đã phát động nhiều cuộc vận động, kêu gọi nhân dân vùng tự do ủng hộ kháng chiến. Các cuộc vận động mua công trái quốc gia, công phiếu kháng chiến, bán lúa cho Hồ Chủ tịch khao quân, đóng góp quĩ mua súng, quĩ ủng hộ kháng chiến v.v….đã được nhân dân xã Minh Nông hăng hái tham gia. Trong cuộc vận động mua công trái quốc gia, làng Mỹ Phong mua 25 phiếu và 7,7 tạ thóc; làng Hoàng Thôn mua 31 phiếu và 6,2 tạ; làng Đồng Cát mua 47 phiếu và 10,9 tạ; làng Sinh Ý mua 14,8 tạ thóc. Trong đợt bán lúa cho Hồ Chủ tịch khao quân làng Mỹ Phong đóng 745 kg, Hoàng Thôn 477kg, Đồng Cát 1727kg, Sinh Ý 312kg. Mua công phiếu kháng chiến: Mỹ Phong 31 phiếu là 1910 đồng, Hoàng Thôn 33 phiếu là 6600 đồng, Đồng Cát 36 phiếu là 7200 đồng, Sinh Ý là 3700 đồng. Quỹ mua súng đóng góp là 591 đồng (Mỹ Phong 50 đồng, Sinh Ý 50 đồng, Hoàng Thôn 34 đồng). Ủng hộ quĩ đảng bộ tỉnh, huyện và chi bộ là: Mỹ Phong 484 đồng và 2,6 tạ thóc; Hoàng Thôn 56 đồng và 3,9 tạ thóc; Đồng Cát 53 đồng; Sinh Ý 800 đồng và 7 tạ thóc. Ủng hộ bộ đội địa phương là: Mỹ Phong 9459 đồng, 1,6 tạ thóc và 2 mẫu ruộng, Hoàng Thôn 656 đồng; Đồng Cát 36000 đồng và 1,5 tạ thóc; Sinh Ý 39980 đồng. Những con số  đóng góp này đặt vào tình hình hoàn cảnh lúc đó  là một con số rất có ý nghĩa, thể hiện tấm lòng yêu nước, hết lòng vì sự nghiệp kháng chiến của nhân dân các làng trong xã Minh Nông. Để động viên phong trào,chi bộ và chính quyền xã đã có nhiều hình thức biểu dương đối với các gia đình nhiệt tình ủng hộ cách mạng. Những người đóng góp nhiều được ngồi ghế danh dự, người đóng góp cao nhất được mời ngồi ghế quán quân như ông Nguyễn Văn Hoạt (Sinh Ý), ông Nguyễn Văn Sách (Hoàng Thôn).

Trong chín năm kháng chiến, Nông Cống nằm trong vùng tự do Thanh Hoá nên c ũng là “An toàn khu” để các cơ quan của Trung ương, của Khu 4 và tỉnh về sơ tán, là nơi luyện binh của các đơn vị bộ đội trước khi ra chiến trường. Trung tâm lãnh đạo Khu 4 đặt tại khu vực Sim, UBKCHC khu 4 và Bộ chỉ huy Quân sự Khu 4 cũng đặt trụ sở làm nơi ở khu vực xã Minh Nông và các xã xung quanh. Năm 1949, một trung đoàn bộ đội đóng ở khu vực Minh Sơn (hiện nay) để tổ chức Đại hội tập, đắp chiến luỹ và giao thông hào, tập đánh trận tại khu vực Áng Ma (Sinh Ý). Đồng chí Nguyễn Chí Thanh ( lúc này là Bí thư khu uỷ khu 4) trong dịp đến làm việc ở làng Thượng Thôn, xã Minh Nông đã đến chỉ đạo Đại hội tập. Thiếu tướng Nguyễn Sơn( Tư lệnh Quân khu 4) cũng đã đến dự và chỉ đạo trong dịp này (Bộ tư lệnh Quân khu 4 lúc này đặt trụ sở làm việc ở xã Thọ Phú). Một số đơn vị bộ dội đóng quân ở các làng Sinh Ý, Mỹ Phong đã được nhân dân trong làng giúp đỡ chu đáo, thu xếp nơi ở, tổ chức phòng gian bảo mật bảo đảm bí mật, an toàn trong suốt thời gian dài. Nhân dân làng Mỹ Phong còn giúp đỡ 27 hộ dân từ Hải Phòng, Nam Định tản cư vào.

Các đoàn thể trong xã như Hội phụ nữ cứu quốc, Hội phụ lão cứu quốc cùng với Hội mẹ chiến sĩ luôn đi đầu trong các cuộc vận động nhân dân ủng hộ bộ đội. Các thành viên của các tổ chức đã đến từng nhà vận động, quyên góp “quỹ mùa đông binh sĩ” để mua áo ấm gửi ra cho các chiến sĩ đang chiến đấu ngoài chiến trường. Ngoài ra còn vận động nhân dân quyên góp tiền mua thuốc men, quà bánh tặng thương binh, vận động nhân dân đón thương binh về nhà nuôi dưỡng v.v..

Trong lúc tình hình diễn biến cuộc chiến tranh đang thay đổi có lợi cho cách mạng nước ta, Đại hội lần thứ hai của Đảng (tháng 2- 1951) đã quyết định đưa Đảng ra hoạt động công khai và lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu bước trưởng thành của Đảng, tạo ra điều kiện mới rất thuận lợi để Đảng lãnh đạo cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Tại xã Minh Nông, chi bộ xã tổ chức cuộc mít tinh chào mừng Đảng ra hoạt động công khai với sự tham gia dự của toàn thể đảng viên trong chi bộ cùng với các đoàn viên, hội viên xuất sắc của các tổ chức quần chúng. Đồng chí Trần Văn Lộng Bí thư chi bộ đã phát biểu tại cuộc mít tinh, nêu rõ ý nghĩa của việc Đảng ra hoạt động công khai, kêu gọi đảng viên và nhân dân trong xã tiếp tục ra sức xây dựng hậu phương và đóng góp cho kháng chiến.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ Thanh Hoá về công tác xây dựng Đảng từ năm 1948, chi bộ xã cùng với các chi bộ trong huyện đã phát động phong trào xây dựng chi bộ “gương mẫu,tự động, tiến bộ” nhằm nâng cao sức chiến đấu của chi bộ, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới. Một số đảng viên trình độ văn hoá thấp tiếp tục được đi học văn hoá tại các lớp bình dân học vụ. Đảng viên lần lượt được cử tham gia các lớp bồi dưỡng lý luận và kinh nghiệm công tác. Chi bộ phát huy tinh thần tự phê và phê bình để giúp nhau phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Công tác phát triển Đảng từ khi Đảng ra hoạt động công khai được thực hiện chặt chẽ và thận trọng hơn, khắc phục tình trạng kết nạp ồ ạt không đảm bảo về chất lượng. Chi bộ đã triển khai cuộc đấu tranh chính trị, đưa những người không đủ tiêu chuẩn ra khỏi Đảng. Ban chấp hành chi uỷ thường xuyên được kiện toàn. Các tiểu tổ ở các làng được củng cố. Đội ngũ cán bộ và đảng viên luôn gương mẫu tiên phong trong các phong trào, không ngại khó khăn gian khổ. Một số đồng chí ở các làng thuộc xã Minh Sơn nay đã đảm nhận nhiệm vụ quan trọng trong chi uỷ, chính quyền xã Minh Nông và có nhiều đóng góp cho phong trào của xã.

Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng và chính quyền xã, nhân dân xã Minh Nông tiếp tục đẩy mạnh phong trào tăng gia sản xuất và thực hiện tiết kiệm để đóng góp ngày càng nhiều hơn cho kháng chiến. Người nông dân chú ý hơn về kỹ thuật gieo trồng và chăm sóc cây trồng, nhờ vậy năng suất lúa, màu không ngừng tăng lên. Năm 1954, đập Bái Thượng bị máy bay giặc Pháp ném bom phá hoại, hàng trăm ha ruộng đất của xã  trong các huyện từ Thọ Xuân đến Nông Cống bị thiếu nước tưới, ảnh hưởng lớn tới năng suất cây trồng. Nhân dân Minh Nông đã tổ chức đắp bờ giữ nước, tận dụng nước sông  Nhơm và đào thêm giếng lấy nước để có nước tưới cho cây trồng. Một số khu đồng được chuyển hướng canh tác trồng các loại cây màu thay cho cây lúa. Nhân dân Minh Nông đã vượt qua khó khăn, duy trì ổn định các mặt sản xuất và đời sống .

Để tăng cường tiểm lực vật chất cho kháng chiến, đặc biệt là yêu cầu ngày càng lớn về nhiệm vụ phục vụ cho chiến trường trong thời kỳ “chuyển mạnh sang tổng phản công”, năm 1951 Chính phủ ban hành Sắc lệnh thuế nông nghiệp. Dưới sự chỉ đạo của chi uỷ và chính quyền, sau khi các gia đình kê khai diện tích, sản lượng, ban thuế nông nghiệp xã đã tiến hành kiểm kê ruộng đất phân thửa, định dạng và tính thuế cho từng hộ. Quá trình triển khai chính sách thuế nông nghiệp đã được nhân dân trong xã tích cực hưởng ứng và thực hiện tốt. Trong ba năm đầu thực hiện chính sách thuế nông nghiệp (1951, 1952, 1953) nhân dân các làng trong xã đã hoàn thành nghĩa vụ đóng góp cho Nhà nước hàng trăm tấn lương thực. Kết quả đóng góp thuế nông nghiệp của các làng trong 3 năm 1951- 1952- 1953 là: Mỹ Phong 814,69 tạ; Hoàng Thôn 698,74 tạ; Đồng Cát 185,44 tạ; Sinh Ý 828,07 tạ; Phụng Lộc 457,33 tạ và Trại Cống 816,79 tạ. Tính theo năm thì năm 1951 là 1089,5 tạ; năm 1952 là 1217,07 tạ, năm 1953 là 1129,7 tạ. Tổng cộng 3 năm là 115,213 tấn thóc. Đây là kết quả của việc huy động sức dân mà tất mọi nhà dù giàu hay nghèo đều được góp phần mình vào sự nghiệp kháng chiến của dân tộc. Hạt gạo mà người nông dân “một nắng hai sương” làm ra đã được gửi ra chiến trường để bộ đội ta “ăn no, đánh thắng”.

Phong trào bình dân học vụ tiếp tục được duy trì. Mỗi làng đều tổ chức được một lớp học cho những người chưa biết chữ với tinh thần “người biết hai chữ dạy cho người biết một chữ ”. Mọi người dân đều nhận thức được tầm quan trọng của công tác “diệt giặc dốt”. Nhờ vậy nhiều nông dân thuộc thành phần bần cố nông nhờ đi học đã biết đọc, biết viết, lớp người trẻ thì có điều kiện để học lên lớp cao hơn. Đầu năm 1953 một số làng đã cơ bản thanh toán được nạn mù chữ.

Cùng với việc phát triển phong trào bình dân học vụ, từ khoảng năm 1950 nhiều con em ở các làng xã Minh Sơn (nay) được học tập ở trường cấp I xã Minh Nông lúc này đặt tại làng Sen( nay thuộc xã Minh Châu). Nhà trường lúc đầu có 3 lớp, mỗi lớp 25- 30 học sinh, học từ lớp 1 đến lớp 4.

Cuộc vận động xây dựng đời sống mới đem lại những kết quả khả quan về mọi mặt. Nhân dân giác ngộ bỏ được nhiều hủ tục trong đình đam, ma chay, cưới xin. Việc phổ biến về vệ sinh thường thức ngày càng được chú ý để nâng cao nhận thức của nhân dân về công tác bảo vệ sức khoẻ, giữ vệ sinh, phòng bệnh v.v…Tuy nhiên trong điều kiện còn thiếu thốn về đội ngũ cán bộ y tế và thuốc men, nhiều loại bệnh tật (đặc biệt là sốt rét) vânc chưa có thể thanh toán triệt để. Nhận thức của người dân về vệ sinh ăn ở cũng còn hạn chế.

Sau chiến thắng Biên giới (tháng 3- 1950), cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn mới: giai đoạn quân và dân ta nắm quyền chủ động trên chiến trường chính Bắc Bộ, bắt đầu tổ chức những cuộc tấn công và phản công qui mô lớn, dồn địch vào thế bị động đối phó.

Từ cuối năm 1950 đến giữa năm 1953, quân đội ta mở một loạt các chiến dịch lớn giành thắng lợi như các chiến dịch Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Hoà Bình, Thượng Lào, tạo ra thế và lực mới cho cuộc tiến công chiến lược Đông xuân 1953- 1954 với đỉnh cao là trận Điện Biên Phủ. Bị thua đau trên chiến trường chính Bắc Bộ, địch tăng cường uy hiếp và đán phá vào vùng tực do Thanh Hoá. Riêng ở địa bàn xã Minh Nông. Năm 1951 máy bay địch bắn 15 quả bom xuống khu vực chợ Mốc ( gần đuởng tỉnh lộ) làm chết 3 người và phá huỷ 1 ngôi nhà. Ngày 20-3-1952 máy bay địch ném bom xuống Phụng Lộc phá huỷ 3 ngôi nhà nhưng không gây thương vong về người. Tháng 7- 1952 máy bay địch tiếp tục ném bom nhằm vào mục tiêu kho quân nhu nhưng cả 7 quả bom đều rơi xuống cánh đồng Nổ Củi  không gây thiệt hại.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá lần thứ IV (năm 1952) đã xác định vị trí của tỉnh là căn cứ địa của chiến trường chính và của liên khu: “đối với chiến trường chính là một vị trí cơ động, tiến lui thuận lợi, đối với Thượng Lào là một bàn đạp vững mạnh, đối với toàn quốc và liên khu là một hậu phương dồi dào. Thanh Hoá phải cung cấp nhiều công, nhiều của cho chiến trường”. Đại hội đề ra nhiệm vụ chúng của Đảng bộ là: Phát triển sản xuất để cải thiện dân sinh và đẩy mạnh kháng chiến, đẩy mạnh phục vụ tiền tuyến và bảo vệ địa phương, củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân, phá tan âm mưu của địch “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh,dùng người Việt đánh người Việt”.

Cùng với toàn tỉnh và toàn huyện, nhân dân xã Minh Nông vừa ra sức xây dựng quê hương vững mạnh về mọi mặt, vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đóng góp sức người sức của cho cuộc kháng chiến của toàn dân tộc. Ngoài việc hăng hái tham gia các cuộc vận động quyên góp ủng hộ kháng chiến, đóng góp lương thực, tiền bạc, nhân dân trong xã đã tích cực tham gia tòng quân, đi thanh niên xung phong, dân công tiếp vận phục vụ các chiến dịch.

Thực hiện chủ trương của tỉnh, trong năm 1953 huyện Nông Cống đã tiến hành phân chia lại địa giới hành chính các xã trong huyện, chia 15 xã lớn trước đó thành 44 xã. Tháng 8- 1953, xã Minh Nông được chia làm 3 xã: Minh Sơn, Minh Dân và Minh Châu. Xã Minh Sơn được thành lập gồm 6 làng: Mỹ Phong, Hoàng Thôn, Phụng Lộc, Đồng Cát,Trại Cống. Bộ máy Đảng, chính quyền của xã Minh Nông cũng được giải thể để kiện toàn lại theo đơn vị xã mới. Chi bộ Minh Nông được chia thành 3 chi bộ.

Tháng 8-1953, Đại hội chi bộ xã Minh Sơn lần thứ I được tiến hành. Đại hội đã đề ra nhiệm vụ của chi bộ trong thời gian trước mắt và bầu 9 đồng chí vào Ban chấp hành chi uỷ(1) nhiệm kỳ 1953- 1954. Đồng chí Nguyễn Tài Cấp (Hoàng Thôn) được bầu làm Bí thư chi bộ. Đồng chí  Lê Thọ Ẩm (Mỹ Phong) được bầu làm Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính xã, đồng chí Nguyễn Duy Nho là Phó Chủ tịch uỷ ban kháng chiến hành chính xã. Chi bộ Minh Sơn lúc này lúc này có 47 đảng viên chia thành 6 tổ đảng ở 6 làng. Các tổ chức đoàn thể quần chúng trong xã như Mặt trận, Nông hội, Thanh niên, Phụ nữ cũng được thành lập và đi vào hoạt động.

Sự kiện thành lập xã Minh Sơn và chi bộ Minh Sơn là một sự kiện quan trọng đối với nhân dân trong xã.Từ đây chi bộ và nhân dân xã mới Minh Sơn tiếp tục làm tròn nhiệm vụ xây dựng hậu phương và đóng góp cho tiền tuyến trong giai đoạn quyết định thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp. Chi bộ đã ban hành các Nghị quyết về “tích cực đóng góp sức người sức của cho kháng chiến” và Nghị quyết về “đắp đê chống lụt cứu đói cho dân. Thực hiện nghị quyết của chi bộ, nhân dân Minh Sơn đã hăng hái tham gia bộ đội, dân công, đóng thuế nông nghiệp. Nhân dân toàn xã đã tổ chức việc đắp đê từ Mỹ Phong đi Xã Mèo, sau đó kéo dài vào Non Kỵ và Bái Đâu.

Cuối năm 1953, tướng Pháp Nava tập trung lực lượng xây dựng Điện Biên Phủ ( thuộc khu vực Tây Bắc) thành một cứ điểm quân sự lớn. Ngày 6-2-1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, chọn đây là trận giao chiến quyết định. Ngày 3- 3- 1954, bộ đội ta bắt đầu nổ súng tấn công vào Him Lam mở đầu cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Đến chiều ngày 7- 5- 1954, sau 55 ngày đêm tấn công, tập đoàn cứ điểm Điện Biên đã bị tiêu diệt. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi cuộc tổng tiến công chiến lược đông xuân 1953- 1954 của quân và dân ta, tạo cơ sở cho cuộc đấu tranh ngoại giao ở Giơnevơ thắng lợi. Ngày 21- 7-1954, hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự, lập lại hoà bình ở Việt Nam đã được ký kết.

Trong đợt dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, xã Minh Sơn đã huy động hàng trăm người (biên chế thành 1 tiểu đoàn gồm 3 đại đội) có nhiệm vụ vận chuyển gạo để cung cấp cho chiến trường. Ông Đàm Huy Thọ (Sinh Ý) làm tiểu đoàn trưởng, ông Nguyễn Văn Ca và ông Trịnh Văn Nhương phụ trách 1 đại đội. Tuyến đường vận chuyển là từ Nông Cống đi Bái Thượng qua Ngọc Lặc, Lang Chánh, tập kết ở Hồi Xuân, La Hán (Bá Thước). Mỗi chuyến đi kéo dài 10- 15 ngày. Có những người đã không quay trở về quê hương trong đợt vận chuyển này như ông Nguyễn Văn Ngôn (Hoàng Thôn) bị cảm sốt, chết trên đường vận chuyển, ông Cửu (Mỹ Phong) bị mất tích.

Trong 9 năm kháng chiến, 38 thanh niên trong xã đã tham gia vào bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, 86 người tham gia du kích và 123 người tham gia tự vệ, 318 lượt người đi dân công hoả tuyến, vận chuyển hàng chục tấn lương thực và hàng hoá ra các chiến trường. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ này, 12 người con của quê hương Minh Sơn đã anh dũng hy sinh, 14 người là thương binh(1).

Nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân xã Minh Sơn đã vinh dự được Nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quý:

- 7 Huân chương Kháng chiến hạng Ba

          - 83 Huy chương Kháng chiến hạng Nhất và hạng Nhì

          - 96 Bằng khen và 340 Giấy khen cho gia đình và cá nhân.

Những hy sinh, đóng góp của nhân dân và cán bộ xã Minh Sơn là minh chứng hùng hồn tinh thần yêu nước và truyền thống cách mạng của nhân dân Minh Sơn trong 9 năm kháng chiến và xây dựng.Công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương đã đạt được những thành quả bước đầu, góp phần củng cố và làm tròn vai trò của một vùng  hậu phương đối với tiền tuyến. Tổ chức chi bộ đảng và chính quyền, đoàn thể cũng như từng cán bộ đảng viên trong xã đã trưởng thành về mọi mặt.

Tự hào và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chủ tịch, nhân dân Mnh Sơn từ đây lại bước tiếp vào một thời kỳ mới không kém phần gian khổ và đầy chông gai thử thách nhưng cũng rất hào hùng: cùng nhân dân miền Bắc tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ hậu phương, đánh bại hai đợt chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần vào sự nghiệp giải phóng và thống nhất nước nhà.


CHƯƠNG III.

CHI BỘ - ĐẢNG BỘ MINH SƠN LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI VÀ CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC (1954-1975)

 

I. KHẮC PHỤC HẬU QUẢ CHIẾN TRANH, KHÔI PHỤC KINH TẾ, TIẾN HÀNH CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT, THỰC HIỆN HỢP TÁC HOÁ NÔNG NGHIỆP (1954- 1960)

      Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (tháng 5- 1954), Hiệp định Giơnevơ được ký kết ngày 21- 7- 1954. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Miền Nam tạm thời dưới sự thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai. Nhân dân miền Bắc từ đây tiến hành hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội làm hậu phương vững chắc để cùng với nhân dân miền Nam đấu tranh cho sự nghiệp thống nhất Tổ quốc.

      Hoà bình lập lại, nhân dân Minh Sơn cùng với toàn miền Bắc bắt tay vào công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế và bước đấu phát triển văn hoá một cách có kế hoạch. Tuy vậy, cũng như tình hình chung, nhân dân trong xã gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất và đời sống. Sau những năm dốc toàn lực phục vụ kháng chiến, tiềm lực cả nhân, tài, vật lực đều sa sút đáng kể. Sản xuất nông nghiệp chủ yếu theo phương pháp thâm canh cũ lạc hậu, năng suất thấp. Đập Bái Thượng bị phá huỷ làm cho một số diện tích trồng lúa thiếu nuớc trầm trọng. Từ tháng 9 đến tháng 10 năm 1954 ở tỉnh ta đã xảy ra hai trận lụt lớn nhất trong vòng nửa thế kỉ gây ngập lụt lớn ở nhiều vùng. Nạn đói đã xảy ra ở nhiều nơi, toàn tỉnh có hàng trăm nguời bị chết đói. Ở Minh Sơn nhiều gia đình bị đứt bữa phải ăn củ chuối, rau cháo thay cơm. Đầu năm 1955 khi lúa chiêm sắp trổ lại bị hạn hán gây ảnh huởng lớn đến sản luợng thu hoạch. Vì thế nạn đói còn kéo dài đến vụ mùa năm 1955. Do mới chia tách xã nên bộ máy tổ chức Đảng và chính quyền còn lúng túng và chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý kinh tế xã hội. Các tổ chức đoàn thể chưa có điều kiện củng cố lại.

      Những khó khăn đó đặt ra nhiệm vụ rất nặng nề cho chi bộ Đảng và chính quyền xã Minh Sơn. Mặc dù vậy, hoà bình được lập lại đã làm cho toàn dân rất phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Đó là thuận lợi rất cơ bản để nhân dân Minh Sơn bước vào công cuộc khôi phục sản xuất, ổn định đời sống. Để khắc phục hậu quả nạn đói,chi bộ Đảng và chính quyền đã huy động lực lượng khẩn trương tiêu thuỷ cứu lúa, sửa chữa nhà cửa hư hỏng và tích cực thực hiện các biện pháp chống đói. Thực hiện lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch và phương châm của Trung ương đề ra là: “sản xuất tự cứu, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau”, nhân dân xã Minh Sơn đã phát động phong trào tương trợ giúp đỡ nhau từ bát cháo, củ khoai đến giống má, nhân công để ổn định cuộc sống và sản xuất. Nắm vững phương châm: “tự cứu là chính”, nhân dân trong xã đã đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, tận dụng diện tích gõ bãi, đồng cạn để trồng khoai lang và các loại rau ngắn ngày mà chủ yếu là rau muống để chống đói. Nhờ có nhiều biện pháp thiết thực nên nạn đói đã được đẩy lùi.

      Cách mạng tháng Tám thành công đã thay đổi thân phận của mỗi người người dân Việt Nam từ người dân mất nước trở thành người làm chủ xã hội. Nhưng đời sống của nông dân còn nhiều khó khăn thiếu thốn mà nguyên nhân quan trọng là do không có hoặc có rất ít ruộng đất để cày cấy. Trong chín năm kháng chiến, nhất là từ khi thực hiện thuế nông nghiệp, một số nhà giàu đã phân tán bớt ruộng nhưng họ vẫn chiếm đoạt một tỉ lệ ruộng đất lớn. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp gần bước vào giai đoạn kết thúc, Trung ương Đảng đã có chủ trương cải cách ruộng đất nhằm thực hiện khẩu hiệu “người cày có ruộng” là một nhiệm vụ trọng tâm của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ. Thực hiện Luật cải cách ruộng đất được Quốc hội thông qua tháng 12- 1953, từ tháng 5- 1954 cuộc cải cách ruộng đất đã được tiến hành trên toàn miền Bắc. Qua 5 đợt thực hiện, tính đến năm 1956 đã tịch thu 81 vạn ha ruộng đất và nhiều nhà cửa, trâu bò, nông cụ của địa chủ chia cho 9,5 triệu hộ nông dân.

      Xã Minh Sơn là một trong 6 xã của huyện Nông Cống (Minh Sơn, Minh Châu, Minh Dân, Dân Lý, Dân Lực, Dân Quyền) được Trung ương và tỉnh chọn làm thí điểm cải cách ruộng đất trong đợt đầu tiên ở Thanh Hoá để từ đó mở rộng ra toàn tỉnh. Đội cải cách gồm 11 người do ông Điền (người Nghệ An) là đội trưởng, có thêm các cố vấn Trung Quốc (ở nhà ông Miên làng Sinh Ý) chỉ đạo đã về xã mở các cuộc hội nghị cho nhân dân học tập chủ trương và yêu cầu, mục đích, nội dung của cuộc cải cách. Tiếp đó là “bắt rễ, xâu chuỗi” trong bần cố nông, phát động nông dân đấu tranh vạch trần những thủ đoạn bóc lột của địa chủ và cuối cùng là tịch thu ruộng đất và tài sản của địa chủ chia cho dân nghèo. Lúc này trong toàn xã có 15 điạ chủ, trong đó có 2 gia đình có trên 50 mẫu, còn phần lớn địa chủ có từ 2- 4 mẫu. Trong kháng chiến chống Pháp, một số gia đình nhiều ruộng đất đã bán bớt cho người nghèo. Khi thực hiện giảm tô nhiều gia đình nông  cũng đã  ruộng công. Vì thế đến khi thực hiện cải cách số ruộng đất của địa chủ không còn nhiều như trước kia.

      Qua 5 tháng tiến hành (từ tháng 5 đến tháng 9- 1954), toàn xã đã tịch thu, trưng thu hàng trăm mẫu ruộng,gian nhà và trâu bò, nông cụ chia cho bần cố nông. Thắng lợi của cải cách ruộng đất đã làm cho uy thế của nông dân được nâng cao, chế độ chiếm hữu ruộng đất của địa chủ bị xoá bỏ. Mục tiêu “người cày có ruộng” đã được thực hiện triệt để, người nông dân đã thực sự làm chủ ruộng đồng.

      Cùng với thực hiện cải cách ruộng đất là tiến hành công tác chỉnh đốn tổ chức, chủ yếu là kiện toàn và sắp xếp lại bộ máy Đảng, chính quyền. Đội cải cách đã bồi dưỡng kết nạp một số đảng viên từ thành phần “chổi rễ” cốt cán bần   cố nông. Các chức danh chủ chốt trong bộ máy Đảng, chính quyền xã bị tạm thời đình chỉ công tác. Tháng 5- 1954, đồng chí Ngô Văn Pháo thay đồng chí Nguyễn Tài Cấp làm Bí thư chi bộ Minh Sơn, đồng chí Mai Văn Đốc làm Chủ tịch UBHC xã thay đồng chí Lê Thọ Ẩm. Ban chấp hành chỉ uỷ cũng được thay thế. Một số đảng viên bị xoá đảng tịch vì liên quan đến thành phần bóc lột.

      Tuy đạt được những thành tựu căn bản, những cải cách ruộng đất ở Minh Sơn nói riêng và miền Bắc nói chung đã phạm những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài. Phương pháp đấu tranh còn nặng về đấu tố mà coi nhẹ giáo dục chính trị. Việc xác định đối tượng đấu tranh đã mở rộng tràn lan dẫn đến một số cá nhân và gia đình bị qui oan. Chi bộ và chính quyền cơ sở không được thực hiện quyền lãnh đạo gây khó khăn cho việc điều hành các mặt công tác ở địa phương. Việc chỉnh đốn tổ chức cũng phạm sai lầm nghiêm trọng làm suy yếu tổ chức Đảng cơ sở.

      Phát hiện sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã đề ra chủ trương kiên quyết sửa sai. Từ cuối năm 1956, nhân dân Minh Sơn đã tổ chức học tập Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 10 (khoá II) và thư của Hồ Chủ tịch về công tác sửa sai. Việc thực hiện chủ trương sửa chữa sai lầm trong cải cách ruộng đất gồm một số vấn đề chủ yếu: công bố Quyết định của UBHC tỉnh về việc sửa lại thành phần cho những người bị qui sai là địa chủ, phú nông, đền bù tài sản thích đáng cho những gia đình bị quy sai, kiện toàn tổ chức chính quyền v.v… Chi bộ Minh Sơn đã ban hành nghị quyết về việc thực hiện nhiệm vụ sửa sai. Cuối năm 1957, công tác sửa sai đã căn bản hoàn thành. Toàn xã có 13 địa chủ được hạ thành phần xuống trung nông,4 phú nông được hạ thành phần xuống trung nông. Một số đảng viên bị qui kết sai đã được phục hồi danh dự, khôi phục đảng tịch và cương vị công tác. Chính quyền và các đoàn thể quần chúng được chỉnh đốn và ổn định lại mọi hoạt động.

      Tháng 10- 1957, Đại hội chi bộ Minh Sơn lần thứ II nhiệm kỳ 1957- 1958 đã được tổ chức.Đại hội đã tổng kết thắng lợi và sai lầm của cải cách ruộng đất, bàn phương hướng nhiệm vụ của chi bộ mà nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục thực hiện sửa sai cải cách ruộng đất và kiện toàn chi uỷ để tiếp tục lãnh đạo công cuộc khôi phục kinh tế xã hội của xã. Đại hội đã bầu 9 đồng chí vào Ban chấp hành. Đồng chí Nguyễn Tài Cấp được bầu làm Bí thư chi bộ, đồng chí Lê Thọ Ẩm đựoc bầu làm Phó Bí thư - Chủ tịch Uỷ ban hành chính xã.

      Sau cải cách ruộng đất, những người nông dân nghèo nhất trong xã đã có ruộng đất, nhưng sản xuất vẫn gặp nhiều khó khăn do cách làm ăn vẫn theo kiểu manh mún, chưa có sự tương trợ giúp đỡ nhau rộng rãi trong thôn xóm về nhân lực, nông cụ, sức kéo…Để khắc phục tình trạng trên, chi bộ đã tập trung chỉ đạo việc đẩy mạnh xây dựng các tổ đổi công, vần công. Chi bộ ra nghị quyết thực hiện xây dựng tổ đổi công, lấy Hoàng Thôn và Mỹ Phong làm điểm. Phong trào đã thu hút đông đảo nhân dân trong xã tham gia. Ở Mỹ Phong đã thành lập hai tổ đổi công: tổ Tân Ninh do ông Mai Văn Viễn làm tổ trưởng, tổ Tân An do ông Hà Văn Tự làm tổ trưởng. Ở Hoàng Thôn có tổ đổi công do ông Lặt làm tổ trưởng. Làng Sinh Ý có 2 tổ đổi công là tổ Tân Thành do ông Trịnh Văn Hộ làm tổ trưởng và tổ Tân Lập do ông Ngô Văn Pháo làm tổ trưởng. Tổ đổi công được thành lập đã tạo điều kiện cho các hộ nông dân có điều kiện giúp đỡ nhau trong các khâu sản xuất. Nội dung đổi công thực hiện từ thấp lên cao, từ đổi công từng vụ việc đến đổi công thường xuyên rồi phát triển sang thực hiện bình công chấm điểm. Hoạt động của tổ đổi công đã bước đầu hướng dẫn cho nông dân đi vào con đường làm ăn tập thể. Không chỉ vậy, hình thức tổ đổi công còn là sợi dây đoàn kết gắn bó nguời dân với nhau, củng cố tình làng nghĩa xóm, hun đúc truyền thống tương thân tương ái, khó khăn gian khổ có nhau.

      Tháng 11-1958, Hội nghị 14 Ban chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra chủ trương cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế. Trong kế hoạch 3 năm cải tạo xã hội chủ nghĩa (1958-1960), nhiệm vụ cải tạo trong nông nghiệp có vị trí quan trọng nhất. Phương hướng cải tạo xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp là đưa nhân dân vào con đường làm ăn tập thể (thành lập hợp tác xã nông nghiệp)

      Tháng 11-1958, chi bộ Minh Sơn tiến hành Đại hội lần thứ III. Đại hội đánh giá kết quả 3 năm thực hiện kế hoạch khôi phục kinh tế (1954-1957), đề ra phương hướng nhiệm kỳ mới và bầu Ban chấp hành chi bộ gồm 11 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Tài Cấp tiếp tục được bầu làm Bí thư chi bộ. Đồng chí Lê Thọ Ẩm làm Phó Bí thư, chủ tịch UBHC xã. Về phương hướng nhiệm kỳ 1958-1959, nghị quyết của Đại hội nêu rõ nhiệm vụ tập trung lãnh đạo nhân dân thực hiện kế hoạch 3 năm phát triển kinh tế, văn hoá giai đoạn 1958-1960 mà trọng tâm là phát động phong trào xây dựng “Ba ngọn cờ hồng” ở nông thôn, đưa nông dân vào làm ăn tập thể thông qua việc xây dựng hợp tác xã nông nghiệp.

      Thực hiện phương châm “dân chủ, tự nguyện, cùng có lợi”, nhân dân trong xã đã được tổ chức học tập chủ trương đường lối của Đảng và nhà nước về việc xây dựng hợp tác xã, thấy rõ lợi ích của việc đi vào làm ăn tập thể để từ đó tự nguyện tham gia. Đảng viên trong chi bộ là những người guơng mẫu, đi đầu trong việc vận động gia đình mình đưa ruộng đất, trâu bò tự nguyện vào hợp tác xã ngay từ đợt đầu. Sau thời gian học tập, tìm hiểu chính sách và Điều lệ hợp tác xã nông nghiệp, đã có nhiều gia đình viết đơn xin gia nhập hợp tác xã. Hai hợp tác xã đầu tiên trong xã được thành lập tháng 7-1959 là hợp tác xã Tân Đức (làng Hoàng Thôn) do ông Nguyễn Văn Cần làm chủ nhiệm, hợp tác xã Tân Ninh (làng Mỹ Phong) do ông Mai Văn Viễn làm chủ nhiệm. Đến năm 1960, Minh Sơn tiến hành phát triển và xây dựng hợp tác xã một cách rộng khắp, triển khai đồng loạt ở tất cả các xóm, mỗi xóm thành lập một hợp tác xã:

-  Hợp tác xã Tân Lập (làng Sinh Ý) do ông Ngô Văn Pháo làm chủ nhiệm.

-  Hợp tác xã Tân Thành (làng Sinh Ý) do ông Vũ Văn Toán làm chủ nhiệm.

-  Hợp tác xã Tân Phong (làng Phụng Lộc) do ông Hoàng Văn Nhi làm chủ

nhiệm.

-  Hợp tác xã Tân Sinh (làng Đồng Cát) do ông Nguyễn Văn Đài làm chủ

nhiệm.

-  Hợp tác xã Tân Phúc (làng Hoàng Thôn) do ông Nguyễn Tài Tường làm chủ

nhiệm. (lúc này nhập hợp tác xã Tân Đức vào với hợp tác xã của xóm Tân Phúc)

     - Hợp tác xã Tân Lương do ông Trịnh Hữu Huấn làm chủ nhiệm.

      Việc thành lập các hợp tác xã là một thắng lợi to lớn thể hiện lòng tin tuởng tuyệt đối của nhân dân lao động trong xã đối với đường lối chính sách của Đảng và chính phủ. Chi bộ và chính quyền xã đã đặt nhiệm vụ xây dựng hợp tác xã là nhiệm vụ trọng tâm của công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, đã tuyên truyền, động viên nhân dân trong xã nhận thức rõ con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa bằng hình thức hợp tác hoá. Các đảng viên trong chi bộ xã là những người đứng ra gánh vác trách nhiệm trong ban chủ nhiệm các hợp tác xã. Với việc hoàn thành việc xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp, xã Minh Sơn đã hoàn thành việc xây dựng được “Ba ngọn cờ hồng” theo chủ trương của Đảng và chính phủ.

      Trước đó từ năm 1958, Minh Sơn đã thành lập được hợp tác xã vay mượn do ông Lê Phú Nhự làm Chủ tịch (đến năm 1963 gọi là hợp tác xã tín dụng. Với nguồn vốn của xã, và bổ sung thêm nguồn vốn của nhà nước, hợp tác xã tín dụng đã giúp nhân dân trong xã nguồn vốn vay để mua trâu bò, lợn giống, nông cụ… góp phần phát triển sản xuất.

      Hợp tác xã mua bán Minh Sơn cũng được thành lập năm 1958, ban đầu là một tổ mua bán gồm 3 người do ông Ngô Văn Xe làm tổ trưởng có nhiệm vụ về các thôn vận động nhân dân đóng góp cổ phần để xây dựng hợp tác xã. Từ năm 1963 thành lập hợp tác xã mua bán do ông Ngô Văn Xe làm chủ nhiệm, cửa hàng đặt tại thôn Tân Ninh. Hợp tác xã có 3 nhân viên bán hàng và thu mua. Hợp tác xã mua bán làm đại lý cho mậu dịch quốc doanh, phục vụ các mặt hàng thiết yếu cho nhân dân như dầu hoả, phân bón, vải vóc, giấy mực…và nông cụ sản xuất. Hợp tác xã đã vận động xã viên đóng góp cổ phần . Hàng năm cửa hàng mua bán đã thu mua cho nhà nước nhiều mặt hàng nông sản, chủ yếu là thực phẩm (thịt lợn và gia cầm).

      Với việc hoàn thành xây dựng “Ba ngọn cờ hồng”, công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở Minh Sơn đã căn bản hoàn thành. Quan hệ sản xuất mới đã được xác lập, tạo điều kiện xây dựng cung cách làm ăn tập thể, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của địa phương.Đây là những tiền đề quan trọng để nhân dân Minh Sơn bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.

II. THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC 5 NĂM LẦN THỨ NHẤT (1961-1965)

      Tháng 9-1960, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III đã đề ra nhiệm vụ của cách mạng nước ta trong giai đoạn mới là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Để xây dựng miền Bắc thành cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh ở miền Nam, Đại hội đã thông qua phương hướng nhiệm vụ của Kế hoạch năm năm lần thứ nhất (1961-1965)

      Từ năm 1961 trở đi, miền Bắc bước vào một thời kì mới lấy xây dựng chủ nghĩa xã hội làm trọng tâm, trong đó việc củng cố phát triển hợp tác xã nông nghiệp là một nhiệm vụ quan trọng trong nông nghiệp. Ở Minh Sơn, việc hoàn thành xây dựng các hợp tác xã đã tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh công tác thuỷ lợi, tăng cường cải tiến kỹ thuật và xây dựng cơ sở vật chất ban đầu cho tập thể. Xã viên trong các hợp tác xã đã hăng hái tham gia các phong trào làm thủy lợi: đắp bờ vùng, bờ thửa, xây dựng kênh mương tưới nước cho các cánh đồng. Đầu năm 1961, xã đã huy động lực lượng dân quân và thanh niên toàn xã đắp con đường từ đồng Quân Y đi núi Rùa dài hơn 1km, rộng 3,5m. Đây là công trình chào mừng kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng đã được hoàn thành trong thời gian ngắn.

      Trong những năm đầu, phần lớn diện tích của các hợp tác xã đều cho năng suất cao hơn thời kỳ làm ăn riêng lẻ và những năm xây dựng tổ đổi công. Các hợp tác xã đã tỏ rõ tính ưu việt trong việc phát huy tinh thần đoàn kết tuơng trợ hơn hẳn lúc làm ăn riêng lẻ, góp phần thực hiện tốt hơn các chính sách của Đảng và chính phủ đề ra.

      Tháng 11-1961, Bộ Chính trị mở cuộc vận động “Cải tiến hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật nhằm phát triển nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc”. Qua việc thực hiện cuộc vận động, trong 3 năm 1963-1965 các hợp tác xã đựơc củng cố thêm một bước, quy mô nhiều hợp tác xã được mở rộng và chuyển lên bậc cao. Ở Minh Sơn, từ hợp tác xã qui mô xóm, đến 1962 đã mở rộng lên hợp tác xã qui mô thôn. Hợp tác xã Tân Lập sáp nhập với hợp tác xã Tân Thành thành hợp tác xã Tân Thành do ông Ngô Văn Pháo làm chủ nhiệm. Ở 5 thôn làng khác đều thành lập hợp tác xã qui mô toàn thôn là các hợp tác xã Tân Ninh (Mỹ Phong), Tân Phong (Phụng Lộc),Tân Phúc (Hoàng Thôn), Tân Sinh (Đồng Cát) và Tân Lương (Trại Cống). Mỗi hợp tác xã có 2- 3 đội sản xuất. Ban quản trị hợp tác xã có 1 chủ nhiệm và 1 phó chủ nhiệm. Các chức danh chủ nhiệm vẫn giữ nguyên như năm 1960, riêng hợp tác xã Tân Sinh từ năm 1962 do ông Nguyễn Sơn Giang làm chủ nhiệm.

      Các hợp tác xã trong xã đã phát động phong trào “Học tập, tiến kịp và vượt hợp tác xã Đại Phong”(1). Phong trào này đã có tác dụng to lớn, cổ vũ mạnh mẽ lòng hăng hái của xã viên.Các hợp tác xã nông nghiệp thực hiện cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật , chi bộ và chính quyền xã tiếp tục đẩy mạnhviệc giáo dục nâng cao giác ngộ và lòng tin tưởng vào con đường làm ăn tập thể, nâng cao ý thức làm chủ hợp tác xã của xã viên, cải tiến quản lý hợp tác xã về các mặt quản lý sản xuất, quản lý lao động, quản lý tài vụ; cải tiến quản lý kỹ thuật, bước đầu xây dựng cơ sở vật chất cho các hợp tác xã.

      Phong trào làm phân xanh, nuôi bèo dâu của thanh niên được phát động rộng rãi, mỗi chi đoàn đều giao chỉ tiêu cho đoàn viên thanh niên về số lượng phân bón, bèo dâu để tăng cường nguồn phân bón phục vụ thâm canh. Các giống lúa mới có năng suất cao hơn như Mộc tuyền,Trân châu lùn được đưa vào gieo trồng thay cho các giống lúa cũ. Các khâu kỹ thuật như ngâm ủ giống theo tỉ lệ 2 sôi 3 lạnh, cày sâu bừa kỹ, cấy lúa thẳng hàng v.v…được các hợp tác xã thực hiện tôt. Tuy nhiên trong thời gian này tình hình sản xuất có nhiều năm sút kém về năng suất và sản lượng. Một số hợp tác xã chậm đuợc củng cố, tinh thần làm chủ tập thể của xã viên còn thấp, công tác quản lý hợp tác xã còn nhiều yếu kém. Cơ sở vật chất còn rất  nghèo nàn. Khó khăn đó đặt ra cho các hợp tác xã những vấn đề cấp bách cần phải chấn chỉnh.

      Trên lĩnh vực chăn nuôi và ngành nghề, từ khi thành lập các hợp tác xã qui mô thôn, các hợp tác xã đều có kế hoạch thành lập các tổ chăn nuôi. Hợp tác xã Tân Thành xây dựng khu chuồng trại chăn nuôi lợn ở khu đồng khoai Bìm Bìm do ông Hoàng Đình Cẩn làm tổ trưởng với số đầu lợn hàng năm khoảng 40- 50 con. Một số hợp tác xã mở rộng các ngành nghề như nấu gạch, nung vôi.

      Công tác văn hoá xã hội tiếp tục được cấp uỷ Đảng và chính quyền tập trung lãnh đạo đạt nhiều kết quả. Các lớp bình dân học vụ, bổ túc văn hoá tiếp tục được duy trì để nâng cao học vấn cho các tầng lớp nhân dân và cán bộ đảng viên. Năm 1960, xã thực hiện xoá xong nạn mù chữ. Năm 1958 ngành học vỡ lòng được thành lập mỗi hợp tác xã có một nhà giữ trẻ để thu hút các cháu trong độ tuổi. Tổ trưởng mầm non là thầy Nguyễn Ngọc Kế.

      Trường cấp I Minh Sơn thành lập năm 1959 tách từ trường cấp I Minh Châu. Trường có 2 phòng học lợp ngói đặt tại đồi Nhơm (Tân Ninh) với 3 lớp học từ lớp 1 đến lớp 3, số học sinh là 135 em. Đội ngũ giáo viên có 3 người do thầy Lê Văn Cương là hiệu trưởng. Học sinh cấp II học tại trường chung với xã Dân Lực. Năm 1955, xã có ban y tế gồm 1 trưởng ban (ông Hà Văn Giàu) và 3 nhân viên ở các thôn. Năm 1964, trạm xá xã được thành lập tại khu vực thôn Tân Ninh. Trạm gồm có 4 cán bộ và nhân viên do ông Nguyễn Văn Đệ làm trạm trưởng. Mặc dù cơ sở vật chất rất thiếu thốn nhưng đội ngũ cán bộ y tế đã phát huy vai trò quan trọng trong việc khám chữa bệnh thông thường cho nhân dân trong xã , đặc biệt là tuyên truyền xây dựng ý thức phòng bệnh và nếp sống vệ sinh ở nông thôn.

      Tháng 1 năm 1963, Đại hội chi bộ xã lần thứ VII đã tổ chức tại trụ sở hợp tác xã Tân Ninh. Tại Đại hội này đã phổ biến quyết định của Huyện uỷ Nông Cống cho phép chi bộ Minh Sơn đựơc chuyển thành Đảng bộ Minh Sơn, 6 tổ đảng ở 6 thôn chuyển thành 6 chi bộ (Tân Phong, Tân Thành, Tân Ninh, Tân Phúc, Tân Sinh, Tân Lương). Ban chấp hành chi uỷ chuyển thành Ban chấp hành Đảng bộ. Ban chấp hành Đảng bộ khoá VIII nhiệm kỳ 1963- 1964 đã được Đại hội bầu gồm 9 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Văn Minh được bầu làm Bí thư Đảng uỷ đầu tiên. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn được bầu làm Phó Bí thư, Chủ tịch UBHC xã(1).

      Thực hiện cuộc vận dộng xây dựng “Chi bộ bốn tốt”, “Đảng viên bốn tốt” do Trung ương  đề ra, Đảng bộ Minh Sơn đã triển khai nghiêm túc và có sự kiểm tra đánh giá thường xuyên. Qua bình xét hàng năm, chi bộ Minh Sơn luôn được công nhận là chi bộ "bốn tốt", số đảng viên đạt danh hiệu “bốn tốt” luôn chiếm tỉ lệ cao. Các đồng chí đảng viên trong toàn Đảng bộ đã thực sự đầu tàu gương mẫu trong mọi phong trào của địa phương.

      Sau hơn 10 năm tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhân dân Minh Sơn đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực, tạo ra những chuyển biến to lớn về kinh tế xã hội. Cuộc cải cách ruộng đất đã thực hiện mơ ước ngàn đời của người nông dân là có ruộng cày. Tiếp đó là đưa nông dân đi vào con đường làm ăn tập thể, tạo điều kiện để đẩy mạnh công tác khai hoang, thuỷ lơi, cải tiến kỹ thuật và xây dựng các công trình phúc lợi tập thể ban đầu. Từ một chi bộ Đảng phát triển thành Đảng bộ, Đảng bộ Minh Sơn ngày càng trưởng thành về mọi mặt. Từ cuối năm 1964 khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc , Đảng bộ Minh Sơn tiếp tục lãnh đạo nhân dân trong xã bước vào một giai đoạn lịch sử mới đầy khó khăn nguy  hiểm những cũng rất vẻ vang, hào hùng.

III. VỪA SẢN XUẤT VỪA SẴN SẰNG CHIẾN ĐẤU VÀ CHI VIỆN TIỀN TUYẾN, GÓP PHẦN VÀO SỰ NGHIỆP GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NỨƠC (1965- 1975)

        Trong lúc nhân dân miền Bắc đang tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghiã xã hội trong không khí hoà bình thì ngày 5- 8- 1964, đế quốc Mỹ đã dựng lên “Sự kiện vịnh Bắc Bộ” để tạo cớ mở rộng chiến tranh ra cả nước. đầu năm 1965, đế quốc Mỹ mở rộng các hoạt động phá hoại thành cuộc chiến tranh qui mô lớn bằng không quân và hải quân ra miền Bắc nhằm phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghiã xã hội ở miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc đối với chiến trường miền Nam và uy hiếp tinh thần của nhân dân ta. Ở Thanh Hoá ngày 3- 4- 1965 chúng cho máy bay bắn phá cầu Hàm Rồng và một số địa điểm khác.

      Trong tình hình cả nướcc có chiến tranh, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 11 (tháng 3- 1965) đã xác định nhiệm vụ của miền Bắc là :Xây dựng thành hậu phương lớn vững chắc của cách mạng miền Nam, đồng thời đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trong bất kỳ tình huống nào. Với tinh thần “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược “ miền Bắc không thể xây dựng như thời bình mà phải chuyển hướng từ xây dựng kinh tế thời bình sang thời chiến, vừa tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa chiến đấu, đồng thời ra sức tăng cường chi viện sức người sức của cho cách mạng miền Nam.

      Từ tháng 2- 1965, xã Minh Sơn được chuyển về trực thuộc sự quản lý, điều hành của huyện Triệu Sơn mới được thành lập theo Quyết định số 177-CP ngày 16- 12- 1964 của Hội đồng Chính phủ. Theo Quyết định này, huyện Triệu Sơn có 33 xã gồm 20 xã tách ra từ huyện Nông Cống và 13 xã tách ra từ huyện Thọ Xuân. Xã Minh Sơn thời điểm này có diện tích canh tác là 892,3 mẫu , số khẩu là 2579 khẩu, chia thành 6 thôn với 6 hợp tác xã nông nghiệp (Tân Thành, Tân Ninh, Tân Phúc, Tân Sinh, Tân Phong, Tân Lương).Tổng số đảng viên trong Đảng bộ là 96 đồng chí. Hội đồng nhân dân xã có 23 đại biểu, tổ chức UBHC xã có 6 chức danh. Từ cuối năm 1965 thôn Tân Lương được huyện cắt chuyển về xã Hợp Thắng, xã Minh Sơn  còn 5 thôn.

      Trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc,Thanh Hoá là một tỉnh có vị trí quan trọng ,là  trọng điểm đánh phá của  không quân Mỹ. Từ tháng 8- 1964 máy bay Mỹ đã ném bom Lạch Trường và đảo Hòn Mê. Ngày 3, 4 tháng 4 năm 1965 địch đánh phá ác liệt vào cầu Hàm Rồng và một số đầu mối giao thông khác trên tuyến quốc lộ số 1 như Đò Lèn, Phà Ghép. Quân và dân Thanh Hoá đã lập chiến công vang dội, bắn rơi 47 máy bay địch.

      Trên địa bàn huyện Triệu Sơn, xã Minh Sơn nằm liền kề ngã tư Giắt là nơi hai tuyến đường giao thông quan trọng giao nhau, lại gần với các cơ quan đầu não của Đảng bộ, chính quyền huyện. Trên địa bàn xã có nhiều cơ quan, xí nghiệp gồm 9 đơn vị bộ đội, kho vật tư xăng dầu, kho lương thực, Xí nghiệp sửa chữa ô tô Thanh Hoá, Xí nghiệp khai thác than bùn, Trường lái xe Thanh Hoá v.v…Đặc biệt có những điểm cao có vị trí quan trọng về quân sự như đồi Nhơm, đồi Thị, núi Rùa là nơi bố trí lực lượng quân sự phòng không rất lợi hại. Với vị trí đó, trên địa bàn Triệu Sơn, xã Minh Sơn là một trong những mục tiêu đánh phá của không quân Mỹ trong chiến tranh phá hoại.

      Tháng 8- 1965, Đảng hội Đảng bộ xã lần thứ 9 đã được tổ chức. Đại hội tập trung thảo luận về tình hình nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, bàn biện pháp chuyển hướng mọi mặt hoạt động từ thời bình chuyển dang thời chiến, đề ra nhiệm vụ vừa sản xuất xây dựng hậu phương, vừa sẵn sàng chiến đấu, đồng thời tiếp tục chi viện sức người sức của cho chiến trường miền Nam . Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 1965- 1967 gồm 9 dồng chí. Đồng chí Nguyễn Văn Minh được bầu làm Bí thư, đồng chí Mai Văn Đốc được bầu làm Phó Bí thư-Chủ tịch UBHC xã.

      Một trong những nhiệm vụ cấp bách là triển khai công tác phòng không nhân dân nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân. Ban phòng không xã đ ược thành lập do ông Chủ tịch xã làm Trưởng ban; các uỷ viên trong Uỷ ban và trưởng các đoàn thể trong xã đều được phân nhiệm vụ cụ thể trong ban phòng không. 7 tổ cứu thương được thành lập sẵn sàng làm nhiệm vụ. Trụ sở Đảng uỷ, Uỷ ban hành chính xã làm việc tại xóm Hoàng Thôn(1). Trường học phân tán thành các lớp học ở vị trí xa nhau thuộc các thôn Tân Thành và Hoàng Thôn, lớp học làm bằng lán nửa chìm nửa nổi có luỹ đất bao quanh và có hệ thống hầm hào trú ẩn liên hoàn. Học sinh đi học đều phải mang mũ rơm để đề phòng bom bi. Hệ thống hào giao thông liên hoàn với chiều dài khoảng 16000m được đào dọc các trục đường chính và nơi tập trung đông người. Mỗi gia đình đều có hầm ở trong nhà và ngoài vườn, tính toàn xã có 1725 hầm chữ A của các gia đình.

      Lực lượng dân quân du kích được tổ chức và bổ sung biên chế gồm 232 người. Ở 5 thôn đều có mỗi thôn 1 trung đội dân quân, mỗi trung đội được trang bị một số súng trường. Từ năm 1964 thành lập 1 trung đội trực chiến cơ động gồm 20 chiến sĩ do ông Mai Văn Uyên làm trung đội trưởng, ông Hà Văn Sáu làm trug đội phó, trung đội này có nhiệm vụ bắn máy bay tầm thấp, cứu chữa kho tàng của Nhà nước, tài sản của nhân dân khi bị máy bay địch đánh phá. Các đơn vị dân quân vừa là lực lượng chính trong lao động sản xuất, vừa tăng cường huấn luyện các phương án tác chiến cụ thể, 45 người được huấn luyện làm pháo thủ, 20 người được đào tạo làm xạ thủ súng máy để sẵn sàng bổ sung lực lượng cho các đơn vị  bộ đội tác chiến trên địa bàn xã.

         Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất (1965-1968) và lần thứ hai (tháng 4 – 1972 đến tháng 1- 1973), máy bay Mỹ đã ném xuống xã Minh Sơn hàng trăm tấn bom đạn đủ các loại như bom phá, bom napan, bom bi ….nhằm tiêu diệt lực lượng bộ đội phòng không và phá huỷ tài sản, kho tàng của Nhà nước. Những trận máy bay Mỹ đánh phá ác liệt nhất vào Minh Sơn là ngày 18- 3- 1966, ngày 7-10-1967, ngày 20- 10- 1972, ngày 30- 12- 1972, ngày 8- 1- 1973. Có những lần bom đạn địch đánh trúng vào kho xăng dầu, kho lương thực của Nhà nước, kho đạn pháo và tên lửa của bộ đội ở đồi Nhơm và đồi Thị (kho đạn dược ở đồi Thị trúng đạn cháy nổ liên tục trong một buổi chiều. Nhân dân và dân quân du kích. Minh Sơn đã cùng với bộ đội đóng trên địa bàn (như các đơn vị pháo phòng không F.365, F.367) phối hợp chiến đấu hơn 200 trận. Lực lượng dân quân đã chiến đấu bảo vệ các mục tiêu quan trọng trên địa bàn xã như cầu Nhơm, kho lương thực của Nhà nước, kho xăng dầu, đạn dược của các đơn vị bộ đội. Có những trận địch đánh trúng trận địa pháo, dân quân Minh Sơn đã nhanh chóng kịp thời ngồi vào mâm pháo vào làm nhiệm vụ pháo thủ để tiếp tục chiến đấu. 45 pháo thủ là dân quân của xã đã được bổ sung kịp thời cho các đơn vị bộ đội, cùng bộ đội chủ lực chiến đấu trên địa bàn. Sau mỗi trận đánh, lực lượng dân quân cùng với thanh niên lại lao vào san lấp hố bom, bố trí nguỵ trang lại trận địa, cứu chữa những người bị thương, chôn cất những người bị hy sinh, sẵn sàng chuẩn bị cho trận chiến đấu mới. Ban ngày sản xuất, ban đêm dân quân đào hào cất giấu đạn dược, tên lửa. Nhiều lần phải làm việc suốt từ đêm đến sáng. Khi bộ đội kéo tên lửa về, lực lượng dân quân lại chặt các loại lá cây đem ra trận địa nguỵ trang cho pháo. Dân quân xã còn tham gia cùng bộ đội công binh tháo gỡ an toàn 25 quả bom các loại.

      Trong giai đoạn 1965- 1972, lực lượng dân quân xã đã 15 lần tham gia chữa cháy, vận chuyển hàng hoá vũ khí ra nơi an toàn khi mục tiêu bị địch đánh phá (7 lần cứu kho vũ khí, 3 lần cứu chữa kho xăng dầu, 5 lần chữa cháy kho lương thực),cứu được hàng trăm tấn đạn pháo và lúa gạo đưa đến nơi an toàn. Đặc biệt ngày 9-5-1972 khi kho đạn pháo phòng không ở núi Trúc (Đồng Cát) đang bị đánh phá, dân quân Minh Sơn đã tham gia việc vận chuyển đạn dược ra nơi an toàn, cứu được hơn 200 tấn đạn. Trong trận này, 3 đồng chí Trịnh Văn Dương, Nguyễn Văn Mẫn, Vũ Thị Hơn ở trung đội Hoàng Đồng đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Đồng chí Nguyễn Thị Đào (trung đội Đồng Cát) làm nhiệm vụ cứu thương đã cùng tổ cứu thương đến các hầm pháo trong trận địa băng bó cho các chiến sĩ đơn vị pháo 57 bị thương. Khi bị thương đồng chí vẫn không rời trận địa, tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi trận đánh kết thúc. Đồng chí Mai Văn Uyên phụ trách chỉ huy lực lượng dân quân xã, đồng  thời làm trung đội trưởng trung đội trực chiến cơ động cùng với đồng chí Hà Văn Sáu, trung đội trưởng trung đội dân quân Tân Ninh kiêm trung đội phó trực chiến cơ động và nhiều chiến sĩ trong lực lượng dân quân xã đã kiên cường,dũng cảm trong chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

      Sau mỗi trận đánh , hội phụ nữ và hội mẹ chiến sĩ xã Minh Sơn lại tổ chức mang nước uống, lá nguỵ trang, hoa quả đến các trận địa thăm hỏi động viên các chiến sĩ đang ngồi trên mâm pháo. Các mẹ còn quyên góp quần áo rách đem ra trận địa cho bộ đội lau súng, người hăng hái nhất là bà Trịnh Thị Độ, người mẹ của 3 chiến sĩ đang chiến đấu ngoài mặt trận. Mỗi khi có bộ đội hy sinh, chính quyền xã đã chuẩn bị hòm ván để chôn cất chu đáo. Với tình thương và trách nhiệm đối với đồng bào tuyến lửa Quảng Bình, năm 1969 nhân dân trong xã đã nhận nuôi dưỡng 20 cháu thiếu niên của tỉnh Quảng Bình trong 2 năm.

      Chiến tranh đã gây ra bao đau thương mất mát cho nhân dân Minh Sơn ngay trên mảnh đất quê hương.Hàng nghìn quả bom và tên lửa đã dội xuống mảnh đất nhỏ hẹp chưa đầy 7km2 , làm chết 87 người, bị thương 47 người, phá huỷ và làm hư hại 194 ngôi nhà cùng nhiều tài sản, đồ dùng, phương tiện sản xuất của nhân dân tất cả 5 thôn trong xã. Nhiều gia đình bị bom ném trúng hầm trú ẩn bị chết cả nhà hoặc chết gần hết cả nhà như gia đình anh Thoả (Hoàng Thôn) chết 4 người, gia đình bà Nhân (Hoàng Thôn) chết 3 người, gia đình chị Lợi (Hoàng Thôn) chết 3 người, gia đình ông Kén (Tân Ninh) chết 4 người , gia đình ông Vấn (Tân Thành) chết 3 người và nhiều gia đình chết 2 người như gia đình ông Mưu ở Tân Thành, gia đình anh Thư ở Tân Ninh v.v. Thiệt hại lớn nhất là trong hai trận bom do hàng chục máy bay B52 rải xuống các xã Minh Sơn , Hợp Thắng, Thọ Dân, An Nông, Minh Châu, Dân Lực, Thọ v.v..vào 20- 21 giờ đêm 30- 12- 1972 và 9 giờ đêm ngày 8- 1- 1973, gây tổn thất rất lớn về người và của cho nhân dân Minh Sơn và các xã lân cận. Đêm  30 -12- 1972, làng Hoàng Thôn đã bị máy bay B52 ném bom làm cho 26 người chết và nhiều người bị thương.Hàng vài chục ngôi nhà bị phá huỷ hoàn toàn (Từ đây ngày này hàng năm đã trở thành ngày giỗ chung của cả làng). Đêm 8- 1- 1973 làng Tân Thành bị ném bom làm chết 6 người. Khói bom vừa tan, Đảng bộ và chính quyền xã được sự hỗ trợ của dân quân các xã trong huyện đã tổ chức cho nhân dân khắc phục hậu quả của trận bom, chôn cất chu đáo cho những người đã khuất, san lấp hố bom, sửa chữa xây dựng lại nhà cửa để ổn định sinh hoạt cho những gia đình bị trúng bom đạn địch.

      Trong bom đạn của kẻ thù, cán bộ và nhân dân Minh Sơn vẫn không hề nao núng mà càng mài sắc ý chí, quyết tâm bám trụ cùng với bộ đội phòng không chiến đấu giáng trả máy bay địch, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, xây dựng hậu phương và chi viện tiền tuyến.

      Về công tác tuyển quân , từ năm 1959 khi Luật nghĩa vụ quân sự ban hành đến năm 1964 xã Minh Sơn đã có 83 thanh niên gia nhập quân đội. Từ năm 1965 dến năm 1975, mỗi năm đều có 2 đợt tuyển quân, 225 thanh niên Minh Sơn lại tiếp tục lên đường cầm súng đánh Mỹ với quyết tâm “Ra đi giữ trọn lời thề / Đánh tan  giặc Mỹ mới về quê hương”. Riêng  trong 4 năm 1965- 1968 có 130 thanh niên nhập ngũ, tính trung bình mỗi năm có hơn 30 người trúng tuyển. Nhiều gia đình đã tiễn đưa người con trai duy nhất hoặc hai, ba người con ra chiến trường. Những ông bố bà mẹ, những người phụ nữ ở hậu phương hàng ngày hàng giờ mong ngóng tin con, tin chồng từ chiến trường. Những người con của quê hương Minh Sơn đã tham gia chiến đấu anh dũng trên khắp các chiến trường miền Nam, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đánh đuổi quân xâm lược, giành độc lập thống nhất cho Tổ quốc. Để có được chiến thắng, sự hy sinh của nhân dân Minh Sơn là rất to lớn: 99 người con ưu tú đã vĩnh viễn nằm xuống trên các chiến trường, 38 chiến sĩ đã để lại một phần xương máu. Tính trung bình cứ 3 người đi bộ đội thì có 1 người hy sinh, trong đó có những thanh niên còn rất trẻ chưa đầy 20 tuổi như các anh Nguyễn Văn Thứ và anh Lê Ngọc Cẩn (Đồng Cát), anh Lê Phú Thọ (Hoàng Thôn). Có những thầy giáo rời bục giảng lên đường chiến đấu và đã hy sinh như các thầy Trịnh Minh Nhuệ (Tân Thành),Trịnh Hữu Chính và Trịnh Duy Cẩn(Tân Phong). Có những năm tin báo tử dồn dập gửi về các thôn như năm 1968 có 23 người hy sinh (gần bằng số nhập ngũ trong năm là 25 người).

      Ngoài 308 thanh niên gia nhập quân đội, Minh Sơn còn huy động 50 người tham gia dân công hoả tuyến và dân công vận tải thuyền nan hoạt động trên các đại bàn từ Thanh Hoá vào tuyến lửa khu 4 (Quảng Bình, Vĩnh Linh) và cả chiến trường Thượng Lào . Toàn xã có 38 người đi thanh niên xung phong: ở Nghệ An từ năm 1961 đến năm 1968 là 16 người, ở Quảng Bình, Vĩnh Linh từ năm 1965- 1969 là 18 người và ở Thượng Lào 4 người.

      Ngoài việc chi viện tiền tuyến về sức người, xã Minh Sơn đã đóng góp một khối lượng lớn lương thực cho Nhà nước với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Trong 10 năm từ 1965- 1975 toàn xã đã đóng góp lương thực, thực phẩm cho Nhà nước góp phần chi viện đắc lực cho tiền tuyến là 1747 tấn thóc và 239 tấn thực phẩm. Ngoài ra nhân dân trong xã cón quyên góp ủng hộ các đơn vị bộ đội và cơ quan đóng trên địa bàn 6,5 tấn lương thực, hàng chục tấn thực phẩm, rau quả các loại.

      Trong tình hình có chiến tranh, các hợp tác xã Minh Sơn vẫn tiếp tục đẩy mạnh áp dụng các biện pháp thâm canh tăng năng suất, sản lượng như gieo cấy kịp thời vụ, chăm bón đúng kỹ thuật, phát động làm các loại phân bón. Các hợp tác xã đều thành lập đội chuyên thủy lợi phụ trách việc xây dựng mương máng tưới tiêu, đắp bờ vùng bờ thửa. Các khâu kỹ thuật như ngâm ủ giống bằng lò thúc mầm, cấy đúng quy định khoảng cách hàng sông và hàng tay, bón phân theo chu kỳ sinh trưởng của cây lúa được các hợp tác xã chú ý phổ biến cho xã viên. Phong trào thi đua “5 tấn thắng Mỹ” , “tay cày tay súng” được phát động rộng rãi. Các đoàn thể quần chúng phát động các phong trào được đoàn viên hội viên hưởng ứng sôi nổi như phong trào “Ba sẵn sàng” trong thanh niên, phong trào “Ba đảm đang “ trong phụ nữ. Tinh thần cách mạng của nhân dân Minh Sơn đã được phát huy cao độ trong thời kỳ thử thách ác liệt này. Mặc dù nhiều lao động trẻ khỏe đã rời quê hương lên đường cầm súng vào chiến trường nhưng Đảng bộ và nhân dân Minh Sơn vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất để đảm bảo ổn định đời sống, đồng thời góp phần chi việc cho tiền tuyến. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Triệu Sơn lần thứ I (năm 1967) và lần thứ II (5- 1969) về đẩy mạnh phong trào thi đua 3 giỏi( sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi, giao thông vận tải giỏi) và phấn đấu đạt 3 mục tiêu trong nông nghiệp, các hợp tác xã Minh Sơn tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, thực hiện tốt các khâu 3 khoán, 3 quản trong nông nghiệp. Kết quả sản xuất năm 1965, Minh Sơn đạt diện tích lúa cao nhất là 1079 mẫu(vụ chiêm 530,5 mẫu; vụ mùa 548,5 mẫu), sản lượng lương thực cả năm đạt 527,7 tấn. Sản lượng lương thực năm 1968 đạt 468,5 tấn, năm 1969 đạt 609,8 tấn. Diện tích khoai lang hằng năm đạt từ 30- 70 mẫu (năm 1965 và năm 1966) đạt cao nhất từ 73- 82 mẫu. Diện tích cây sắn năm 1965 là 58,3 mẫu, các năm sau đạt từ 35 đến 40 mẫu.

      Ngoài thâm canh lúa, Minh Sơn đã chú ý phát triển các loại cây màu và thực phẩm. Diện tích khoai lang trong 10 năm (1965- 1974) là 462,6 mẫu, bình quân mỗi năm có 46 mẫu. Riêng năm 1965 trồng được 73 mẫu, năm 1966 trồng được 82 mẫu. Cây đậu tương năm 1965 trồng được 10 mẫu, năm 1967 trồng được 13 mẫu là 2 năm có diện tích lớn nhất. Cây sắn có 2 năm đạt diện tích cao nhất là năm 1965 (58 mẫu) và năm 1968 là 62 mẫu. Diện tích trồng rau vụ đông tăng hàng năm từ 4,2 mẫu (năm 1965) lên 8,2 mẫu (năm 1970) và từ 1971- 1973 duy trì ở mức 10-12 mẫu(1)

         Từ năm 1971, 4 hợp tác xã nông nghiệp trong xã được hợp nhất lại thành 2 hợp tác xã . Hợp tác xã Tân Phong và Tân Ninh hợp nhất thành hợp tác xã Ninh Phong (ông Hà Văn Tự làm chủ nhiệm), hợp tác xã Tân Phúc và Tân Sinh hợp nhất thành hợp tác xã Hoàng Đồng (ông Nguyễn Sơn Giang làm chủ nhiệm), hợp tác xã Tân Thành vẫn giữ nguyên (ông Ngô Văn Pháo làm chủ nhiệm).Ba hợp tác xã trong xã chia thành 9 đội sản xuất : Tân Thành 2 đội, Ninh Phong 4 đội và Hoàng Đồng 3 đội sản xuất.

      Từ đầu năm 1973, khi cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc chấm dứt, huyện Triệu Sơn đã có chủ trương đẩy mạnh công tác thuỷ lợi để chủ động tưới tiêu, coi đây là khâu trọng tâm hàng đầu nhằm phát triển nông nghiệp. Tháng 4- 1973, Đảng bộ và nhân dân xã Minh Sơn hưởng ứng chiến dịch “Na Sơn nổi gió” do huyện phát động, tập trung giải quyết 2 nhiệm vụ chính: hoàn chỉnh kênh mương tưới tiêu, tiến đến hoàn chỉnh hệ thống giao thông nội đồng, kịp thời thu chiêmvà chuẩn bị điều kiện làm vụ 10. Với lực lượng dân quân và thanh niên là chủ lực, toàn xã đã đào đắp hàng nghìn mét khối đất, hoàn thành một số hệ thống kênh mương tưới tiêu. Vụ chiêm năm 1973 trên diện tích 394 mẫu, các hợp tác xã đã thu hoạch 247,4 tấn thóc. Đến tháng 8- 1973, mưa lụt lớn đã làm cho hơn 2/3 diện tích lúa trong huyện mất trắng, trong đó xã Minh Sơn là một trong những xã thiệt hại nặng nề nhất. Một phần lớn diện tích ven sông Nhơm bị ngập nước dài ngày không có thu hoạch. Nhân dân Minh Sơn tiếp tục hưởng ứng chiến dịch “Na Sơn nổi lửa” nhằm khắc phục hậu quả thiên tai, tu bổ các đoạn đê sông Nhơm  và công trình thuỷ lợi trong xã, tương trợ giúp đỡ nhau từng bước vượt qua khó khăn. Trong nhiệm vụ khai hoang trồng cây lương thực ngắn ngày để bù lại diện tích bị mất lụt, tính trong 3 tháng (tháng 10- 12/1973) toàn xã đã khai hoang đưa vào canh tác được 29 ha đất đồi và 17,6 ha đất đồng bãi(1). Với tinh thần “Trời làm mất bắt đất phải đền”, “ vụ mùa mất phất vụ đông”, vụ chiêm năm 1974 Minh Sơn đã gieo cấy 454 mẫu trong đó có 332 mẫu Nam Ninh xuân, vượt hơn vụ chiêm năm 1973 là 60 mẫu. Diện tích ngô đông xuân đạt mức lớn nhất từ trước đến năm 1974 là 36 ha, diện tích khai lang xuân là 45,5 mẫu.

      Thực hiện chủ trương của cấp trên về việc xây dựng các hợp tác xã cấp cao quy mô toàn xã, cuối năm 1974, Đại hội xã viên của 3 hợp tác xã đã được tổ chức và đã quyết định hợp nhất 3 hợp tác xã để thành lập hợp tác xã toàn xã mang tên hợp tác xã Thành Đồng. Đại hội xã viên đã bầu Ban quản lý hợp tác xã gồm chủ nhiệm là ông Lê Văn Tắc và 2 phó chủ nhiệm là các ông Trịnh Hữu Yên và Lê Văn Lự. Ban kiểm soát hợp hợp tác xã có trưởng ban kiểm soát và 2 uỷ viên và các bộ môn kế hoạch, kế toán. Hợp tác xã Thành Đồng gồm 9 đội sản xuất: Đội 1 và 2 ( Tân Ninh), đội 3 và 4 (Tân Phong), đội 5 và 6 (Tân Thành), đội 7 (Tân Sinh), đội 8 và 9 (Tân Phúc).

      Theo số liệu thống kê năm 1974 (trước khi hợp nhất hợp tác xã), xã Minh Sơn có 2955 nhân khẩu với 1026 lao động. Diện tích trồng lúa cả năm là 921 mẫu. Về chăn nuôi 77% số hộ chăn nuôi lợn, đàn lợn có 667 lợn thịt, 68 lợn nái . Riêng đàn lợn chăn nuôi ở trại tập thể là 133 con. Đàn trâu có 120 con và đàn bò 94 con. Trong 2 năm 1974- 1975, hợp tác xã Minh Sơn tiếp tục thực hiện tốt công tác ba khoán, củng cố và xây dựng cơ sở vật chất, ổn định đội ngũ cán bộ đội sản xuất và ban quản trị, động viên tinh thần làm chủ của xã viên. Hợp tác xã được xây dựng vững mạnh đã góp phần củng cố hậu phương vững chắc, tạo cơ sở để xã Minh Sơn hoàn thành xuất sắc mọi nghĩa vụ đóng góp cho Nhà nước, góp phần chi viện nhân tài vật lực cho chiến trường giành thắng lợi.

      Trong những năm kháng chiến chống Mỹ,các đoàn thể quần chúng đã phát động và hưởng ứng nhiều phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là các phong trào trong thanh niênvà phụ nữ.Từ năm 1965, đoàn thanh niên đã phát động phong trào “Ba sẵn sàng”, nổi bật nhất là sẵn sàng gia nhập quân đội ra chiến trường đánh giặc. Trên mặt trận sản xuất và chiến đấu ở hậu phương,thanh niên đã tổ chức các phong trào thi đua xây dựng “cánh đồng 5 tấn thắng Mỹ”,làm bèo dâu,phân xanh, áp dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng v.v..Phụ nữ xã thực hiện phong trào “Ba đảm đang”, đảm nhận công việc ở hậu phương để chồng con yên tâm chiến đấu ngoài mặt trận. Nhiều chị em tham gia dân quân xã, trong đó có 7 chị gia nhập trung đội trực hiến cơ động. Nhiều chị em vừa đảm công việc gia đình vừa lao động sản xuất giỏi được bình bầu là cá nhân tiên tiến trong các hợp tác xã. Các tổ chức đoàn thể đều dấy lên các phong trào thi đua lao động sản xuất để xây dựng hậu phương và góp phần chi viện tiền tuyến.\

      Công tác giáo dục, y tế,văn hoá tiếp tục được duy trì trong những hoàn cảnh khó khăn do chiến tranh gây ra.Năm 1965,3 lớp học cấp 2 (2 lớp 5 và 1 lớp 6) với 120 học sinh được tách ra từ trường cấp 2 Dân Lực về học tại các nhà dân ở Hoàng Đồng. Hiệu trưởng phân hiệu cấp 2 Dân Lực tại Minh Sơn là thầy Mai Mạnh Quỳnh ( quê Nghệ An). Đến năm 1966, phụ huynh học sinh đã đóng góp tre luồng làm được 3 lán học đặt tại xóm Tân Thành. Lúc này lớp 7 cũng được tách từ trường cấp 2 Dân Lực về để thành lập trường cấp 2 Minh Sơn.Việc dạy và học gặp nhiều khó khăn, giáo viên học sinh đều phải đội mũ rơm đến lớp, trên đường đi học, học sinh phải đi theo nhóm 3 em do một em nhóm trưởng phụ trách. Một số lần máy bay địch đánh trúng lớp học, trong đó có một lần làm chết 1 em học sinh tại lán học ở Hoàng Thôn.Một số học sinh trúng bom bi trên đường đi học.Nhiều lần các lán học bị phá hủy hoàn toàn. Trong gian khổ, hiểm nguy,các trường học trong xã vẫn tổ chức tốt việc dạy và học,số học sinh lên lớp và đậu tốt nghiệp luôn chiếm tỷ lệ cao.

      Trạm y tế xã được tu bổ, nâng cấp, bổ sung giường bệnh và trang thiết bị y tế. Trạm y tế thực hiện chế độ trực cứu thương, ngoài ra còn tổ chức huấn luyện sơ cứu cho các đội cứu thương của dân quân. Trạm có tủ thuốc phòng không và các túi thuốc sẵn sàng phục vụ khi có tình huống xảy ra. Khi có thương vong do bom đạn,các cán bộ y tế đã kịp thời có mặt để sơ cưú cho những người bị nạn . Trạm y tế đã phát động nhân dân thực hiện các phong trào “Ba sạch”, “Ba diệt”, đẩy mạnh xây dựng ba công trình vệ sinh.

      Đảng bộ Minh Sơn từ năm 1965- 1975 đã ngày càng được củng cố và trưởng thành mọi mặt. Đảng bộ đã tổ chức được 5 kỳ Đại hội vào tháng 6- 1967 (Đại hội X), tháng 9- 1968 (Đại hội XI), tháng 11- 1970 (Đại hội XII), tháng 4- 1972 (Đại hội XIII) và tháng 10- 1974 (Đại hội XIV). Các đồng chí Mai Văn Lâm, Nguyễn Tăng Thôn, Trịnh Hữu Quế lần lượt được bầu làm Bí thư Đảng uỷ xã. Đồng chí Lê Phú Thơm được bầu giữ chức Phó Bí thư, Chủ tịch UBHC xã trong 4 nhiệm kỳ và đến Đại hội lần thứ XIV là đồng chí Lê Thị Bang.

         Qua 5 nhiệm kỳ, Đảng bộ xã Minh Sơn đã hoàn thành tốt vai trò lãnh đạo nhân dân trong xã thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và huy động sức người sức của chi viện tiền tuyến. Chế độ phụ cấp giai đoạn này rất thấp, trình độ và năng lực cán bộ còn hạn chế nhiều mặt, ít có điều kiện được đi học nâng cao trình độ nhưng hầu hết các đồng chí cán bộ đảng viên đảm nhiệm các cương vị trong đảng, chính quyền xã đều hết lòng thận trọng với công việc, đi sâu đi sát cơ sở, gần gũi quần chúng, cố gắng phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao ở mức cao nhất. Một số đồng chí trong nhiều năm liền đảm nhiệm cương vị chủ chốt trong Đảng bộ và chính quyền đã có nhiều đóng góp cho phong trào của xã trong thời kỳ khó khăn này là các đồng chí Nguyễn Tài Cấp, Lê Thọ Ẩm, Nguyễn Văn Minh, Ngô Văn Pháo, Lê Phú Thơm, Mai Văn Đốc v.v…

      Đảng bộ tiếp tục thực hiện cuộc vận đông xây dựng chi bộ 4 tốt, từ đó nâng cao tính gương mẫu trong đạo đức lối sống của đảng viên, nâng cao uy tín của đảng viên đối với quần chúng. Qua các nhiệm kỳ Đại hội, Ban chấp hành Đảng uỷ xã không ngừng được kiện toàn. Trình độ lý luận và nhận thức tư tưởng của cán bộ đảng viên được nâng cao. Đảng viên luôn đề cao tinh thần trách nhiệm gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào của xã. Qua phân loại hàng năm,phần lớn chi bộ và đảng viên đều đạt tiêu chuẩn 4 tốt.

      Từ năm 1970- 1971, Đảng bộ tập trung thực hiện cuộc vận động nâng cao chất lượng đảng viên, giáo dục đảng viên gắn liền với 7 yêu cầu xây dựng Đảng, kết nạp đảng viên lớp Hồ Chí Minh và đưa những người không đủ tư cách ra khỏi đảng. Trong những năm 1972- 1974, Đảng bộ triển khai thực hiện  Nghị quyết 19, Chỉ thị 192 của Ban Bí thư Trung ương, Nghị quyết 226 của Bộ Chính trị. Mỗi cán bộ đảng viên đã liên hệ kiểm điểm nghiêm túc, xác định rõ hơn vai trò trách nhiệm của mình. Quan hệ giữa Đảng và quần chúng gắn bó, đảng viên được quần chúng tin tưởng . Công tác phát triển Đảng được Đảng bộ quan tâm thường xuyên. Trong giai đoạn 1965- 1973, Đảng bộ đã kết nạp 59 đảng viên,bình quân mỗi năm kết nạp 6- 7 đảng viên là những quần chúng ưu tú trong các phong trào của ngành, đoàn thể trong xã.

         Ngày 30- 4- 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền Nam đựơc hoàn toàn giải phóng, đất nước ta từ đây bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước cùng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ghi nhận những thành tích đóng góp của nhân dân Minh Sơn, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng cho nhiều tập thể, gia đình và cá nhân những danh hiệu và phần thưởng cao quý: 36 Huân chương kháng chiến hạng Nhất, 111 Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, 118 Huân chương Kháng chiến hạng Ba, 110 Huy chương kháng chiến hạng Nhất và hạng Nhì, 45 gia đình và 49 cá nhân được tặng Bằng khen. Có 6 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng là các bà Trịnh Thị Tỵ (thôn 2) có 3 con là liệt sĩ, Trịnh Thị Dục (thôn 4) có 1 con độc nhất là liệt sĩ, Lê Thị Lé (thôn 4) có 2 con là liệt sĩ, Trịnh Thị Độ (thôn 5) có 3 con là liệt sĩ, Trịnh Thị Ất và  Trịnh Thị  Hầm(Tân Phong) đều có một con độc nhất là liệt sĩ. 6 gia đình có 2 con là liệt sĩ là gia đình các ông bà Nguyễn Tài Thú (thôn 1), Hoàng Văn Nổi (thôn 2), Trịnh Thị Nghịnh (thôn 5), Trịnh Thị Mông (thôn 5), Trịnh Hữu Kình (Tân Phong). Ghi nhận những thành tích của Đảng bộ và nhân dân Minh Sơn, ngày 8- 11- 2000, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Minh Sơn đã được Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vì “Đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”

      Những thành tích to lớn của Đảng bộ và nhân dân Minh Sơn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ và hy sinh là nguồn động viên, cổ vũ to lớn, tiếp thêm sức mạnh và ý chí để Đảng bộ và nhân dân trong xã bước vào thời kỳ mới xây dựng quê hương trong điều kiện hoà bình, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CHƯƠNG IV

 

ĐẢNG BỘ XÃ MINH SƠN LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC, CÙNG CẢ NƯỚC QUÁ ĐỘ ĐI LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI (1975-1985)

 

I. ĐẢNG BỘ XÃ LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN KHẮC PHỤC HẬU QUẢ CHIẾN TRANH, THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC 5 NĂM LẦN THỨ HAI (1976- 1980)

          Thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 đã đập tan bộ máy cai trị của chính quyền tay sai ở miền Nam, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Cách mạng nước ta từ việc tiến hành 2 nhiệm vụ chiến lược ở hai miền chuyển sang thời kỳ mới cả nước cùng thực hiện nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

          Trong thời kỳ mới, Đảng bộ và nhân dân xã Minh Sơn lại tiếp tục tiến hành công cuộc khắc phục những hậu quả của chiến tranh gây ra, thực hiện nhiệm vụ xây dựng quê hương, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ IV và kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976- 1980). Thuận lợi cơ bản lúc này là đất nước hoà bình có điều kiện để tập trung xây dựng kinh tế. Nhân dân Minh Sơn đã được tôi luyện trong chiến đấu, có đủ tinh thần và nghị lực vượt qua khó khăn thử thách để xây dựng quê hương. Điều kiện tự nhiên của Minh Sơn có tiềm năng lớn để phát triển nền kinh tế phong phú và đa dạng. Đảng bộ Minh Sơn cũng được rèn luyện thử thách nhiều trong 2 cuộc kháng chiến, có một thế hệ đảng viên gương mẫu và có trách nhiệm cao trong công tác v.v…

          Tuy nhiên những hy sinh mất mát của 30 năm chiến tranh còn rất nặng nề đã làm hao tổn rất lớn tiềm lực mọi mặt của địa phương. Bom đạn của quân xâm lược đã trút xuống làng mạc Minh Sơn gây ra bao nhiêu đau thương tang tóc cho người dân với nhiều người chết, nhà cửa, trường lớp bị san phẳng . Hàng trăm người con thân yêu ra chiến trường đã không trở về. Cơ sở vật chất của xã rất thiếu thốn, nghèo nàn lại bị tàn phá nhiều trong chiến tranh. Do hoàn cảnh chiến

 

tranh, trình độ tổ chức quản lý kinh tế của đội ngũ cán bộ còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ mới. Trong các năm 1976- 1978 tình hình thời tiết diễn ra bất lợi, hạn hán kéo dài rồi đến lũ lụt trên địa bàn tỉnh làm cho mùa màng thất bát, đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn.

          Tháng 4- 1975, Đảng bộ huyện Triệu Sơn họp Đại hội lần thứ V. Sau đó Huyện uỷ Triệu Sơn phát động chiến dịch “Na Sơn thần tốc” với mục tiêu: thu chiêm và làm mùa với tinh thần “sớm, trưa, chiều, tối, 4 buổi ra đồng, thần tốc tiến công, giành cờ 3 nhất”.

          Trong không khí phấn khởi của toàn Đảng, toàn dân trước thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong các ngày từ mùng 8 đến 11- 5- 1975, Đại hội Đảng bộ xã Minh Sơn lần thứ XV đã được tổ chức tại hội trường xã . Có 90 đảng viên của 11 chi bộ thay mặt cho 125 đảng viên của toàn Đảng bộ về dự Đại hội. Đại hội đã nghe và thảo luận việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ trong nhiệm kỳ qua, phương hướng nhiệm vụ của Đảng bộ trong nhiệm kỳ tiếp theo. Chỉ tiêu kinh tế mà Đại hội đề ra năm 1975 là: Diện tích 515 mẫu, năng suất 2,9 tấn/ha, sản lượng 748,5 tấn. Cơ cấu giống lúa đảm bảo 50% là nông nghiệp 22, còn lại là nông nghiệp 8 và chiêm trăng. Diện tích khoai đông 30 mẫu, trại chăn nuôi lợn tập thể có 100 con lợn thịt, đàn vịt gốc 600 con, vịt thời vụ 6000 con, sản lượng cá 16 tấn v.v….

          Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Đảng uỷ xã gồm 11 đồng chí. Đồng chí Trịnh Hữu Quế tiếp tục được bầu làm Bí thư Đảng uỷ xã, đồng chí Mai Văn Viễn Chủ tịch UBHC xã được bầu làm Phó Bí thư, đồng chí Nguyễn Tài Tâng làm Trực Đảng ủy xã.(1)

          Cũng trong tháng 5- 1975, Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá lần thứ VIII đã được tổ chức: Đại hội bàn việc tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh 3 cuộc cách mạng để đưa nền kinh tế sản xuất nhỏ tiến dần lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, trước mắt là giải quyết vững chắc vấn đề lương thực. Đại hội đã quyết định 3

 

công tác lớn trong 2 năm 1975- 1976 là : Tập trung chỉ đạo cuộc vận động tổ chức lại sản xuất và cải tiến một bước quản lý Nhà nước từ cơ sở và trong các ngành kinh tế. Phát huy quyền làm chủ tập thể của quần chúng, chăm lo cải thiện đời sống nhân dân, tổ chức phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa. Tăng cường xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết 23 của Trung ương, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ.

          Sau thành công của Đại hội Đảng bộ tỉnh, xã Minh Sơn đã phát động đợt thi đua 55 ngày (từ ngày 5- 6 đến 30- 7-1975) do tỉnh phát động mang tên “tiến vào thời kỳ mới” kết hợp với chiến dịch “Na sơn thần tốc” do huyện phát động, tập trung vào nhiệm vụ hoàn chỉnh thuỷ nông, làm vụ mà đúng thời vụ, hoàn thành nghĩa vụ lương thực cho Nhà nước….Đợt thi đua đã trở thành một phong trào lao động sôi nổi trong toàn xã với sự tham gia đông đảo của cán bộ đảng viên và nhân dân.

          Trong 2 năm 1975- 1976, huyện Triệu Sơn đã mở hai chiến dịch lớn mang tên “Na Sơn thần tốc” và “Na Sơn nổi lửa” huy động mỗi năm hàng triệu ngày công, đào đắp hàng triệu mét khối đất để hoàn chỉnh hệ thống thuỷ lợi gồm kênh mương tưới tiêu và giao thông đồng ruộng, tu sửa hồ đập và đê điều. Xã Minh Sơn đã huy động hàng nghìn ngày công để củng cố lại hệ thống bờ vùng bờ thửa, kênh mương tưới tiêu trên địa bàn xã, góp phần cùng toàn huyện hoàn thành công tác hoàn chỉnh thuỷ nông. Thành tích của huyện Triệu Sơn trong hai năm 1976- 1977 đã được Chính phủ tặng cờ “Đơn vị khá nhất’ và được Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh về thăm (năm 1976), Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm (năm 1977).

          Đến năm 1975, hợp tác xã nông nghiệp Minh Sơn vẫn duy trì 9 đội sản xuất cơ bản về trồng trọt. Diện tích canh tác 562,7 mẫu, diện tích có thể trồng lúa cả năm là 1015 mẫu. Đàn trâu, bò có 114 con trâu, 92 con bò, tổng cộng là 207 con. Về ngành nghề có 1 tổ nuôi cá, 1 tổ chăn nuôi lợn và vịt, 1 đội lò gạch và 1 tổ xây dựng cơ bản.

          Sản xuất nông nghiệp của xã năm 1975 đã đạt kết quả như sau: Diện tích lúa cả năm là 961 mẫu, đạt 94% kế hoạch và tăng 71,4 mẫu so với năm 1974, sản lượng là 485,2 tấn (vụ chiêm 372,2 tấn; vụ mùa 113 tấn).Diện tích tăng nhưng sản lượng thấp hơn năm 1974. Diện tích nây màu cả năm là 21 mẫu. Chăn nuôi cả nước ngọt ước đạt 14,4 tấn. Chăn nuôi vịt tuy chỉ đạt 70% kế hoạch nhưng tăng gấp đôi so với năm 1974 cả về đàn con và sản lượng trứng.Về ngành nghề toàn xã có 115 lao động, đạt doanh thu 36.626 đồng. Riêng sản lượng gạch đạt 32 vạn viên, đáp ứng nhu cầu xây dựng của xã viên và phục vụ việc xây dựng cơ sở hạ tầng của xã như nhà kho, sân phơi, cầu cống thuỷ lợi.

          Ngày 7 và 8- 11- 1975, Thường vụ Đảng uỷ xã đã họp bàn về phương hướng xây dựng và nội dung thực hiện 4 chương trình theo kế hoạch của huyện (cải tạo đất, xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng nông thôn mới và xây dựng con người mới). Đến cuối năm 1975, hợp tác xã Minh Sơn đã hoàn thành việc điều tra thổ nhưỡng. Trên cơ sở đó đã phân loại chất đất, định ra cơ cấu cây trồng và mục tiêu phấn đấu cụ thể cho từng vùng về năng suất và sản lượng. Xây dựng chương trình cải tạo đất, căn cứ vào chất đất từng xứ đồng để có chế độ chăm bón thích hợp nhằm tăng độ màu mỡ cho đất và tăng năng suất cây trồng. Củng cố hệ thống cơ sở vật chất như sân phơi, nhà kho, trạm trại chăn nuôi, hệ thống giao thông và mương máng tưới tiêu. Bố trí lại dân cư cho thích hợp, khuyến khích các gia đình phát triển sản xuất vật liệu xây dựng để kiến thiết nông thôn. Nhiệm vụ trước mắt là đẩy mạnh các biện pháp cải tạo đất: cày ải để tăng độ mùn cho đất, phân bón mỗi sào là 10- 15 kg phốt phát, 3- 6 tạ bèo dâu, 3- 6 tạ than bùn khô, 30- 40 kg vôi. Tiếp tục củng cố các đội 202, đội lò gạch, đội chăn nuôi, đội giống. Số diện tích 29 mẫu tại Cống Nấp được giao cho đội 1 là đội chuyên phụ trách sản xuất các loại giống lúa cho hợp tác xã.

          Tháng 8 – 1976, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ VI được tiến hành. Đại hội đã kiểm điểm đánh giá tình hình phong trào trong nhiệm kỳ qua, đề ra phương hướng chung của kế hoạch 5 năm 1976- 1980 là :“Quyết tâm phấn đấu đến năm 1980 thành huyện nông nghiệp thâm canh lúa có năng suất, sản lượng cao; có phát triển và kinh doanh lâm nghiệp, có cơ cấu ngành công nghiệp, điện, cơ khí (sửa chữa),cơ giới (cả vận tải và máy móc nông nghiệp), có công nghiệp chế biến nông sản đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, tổ chức và từng bước cải thiện, nâng cao đời sống của nhân dân, đóng góp ngày càng lớn cho Nhà nước”.

          Tháng 12- 1976, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV đã đề ra đường lối chung của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta và đường lối xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, quyết định phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976- 1980) trong đó trọng tâm là thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, giải quyết cho được vấn đề lương thực, thực phẩm.

          Thực hiện cuộc vận động “tổ chức lại sản xuất, cải tiến một bước quản lý nông nghiệp theo hướng tiến lên sản xuất xã hội chủ nghĩa”, theo tinh thần Nghị quyết số 61-Cp của Hội đồng Chính phủ, Đảng bộ Minh Sơn đã chỉ đạo hợp tác xã nông nghiệp tổ chức lại lao động, cải tiến và nâng cao trình độ quản lý của hợp tác xã. Năm 1977, hợp tác xã có 8 đội sản xuất cơ bản và 1 đội chăn nuôi. Để thực hiện việc tổ chức lao động trong hợp tác xã,từ giữa năm 1978, hợp tác xã tổ chức thêm 4 đội chuyên đặt dưới sự điều hành của ban quản lý hợp tác xã: đội quản lý giống, đội làm phân bón, đội bảo vệ và thủy nông, đội vận chuyển. Các mặt quản lý trong hợp tác xã như quy hoạch, kế hoạch, kỹ thuật, lao động, tài vụ được quan tâm thực hiện. Tuy nhiên trình độ quản lý còn nhiều mặt hạn chế chưa theo kịp yêu cầu của việc quản lý điều hành hợp tác xã cấp cấp cao toàn xã.Qua việc hoàn thành điều tra thổ nhưỡng, hợp tác xã đã xây dựng được bản đố quy hoạch, trên cơ sở đó đã phân loại được chất đất,xác định cơ cấu cây trồng và mục tiêu phấn đấu cụ thể cho từng vùng về năng suất và sản lượng. Công tác khai hoang để mở rộng diện tích gieo trồng, cải tạo đồng ruộng được coi là một nhiệm vụ trọng tâm của các đội sản xuất. Đến tháng 10- 1987 toàn xã đã san ghềnh lấp trũng, khai hoang được 35 mẫu tại Đồng Nẫn, giao cho các đội gieo cấy để xây dựng quỹ đội.

          Cơ sở vật chất của hợp tác xã được tăng cường hơn trước. Đến năm 1978, hợp tác đã xây dựng được 7 gian nhà kho và hệ thống sân phơi, 12 gian chuồng trại chăn nuôi. Đầu năm 1980 trạm bơm chống hạn Đồng Rùa được hoàn thành đưa vào sử dụng có tác dụng đảm bảo khâu nước cho hàng trăm ha đồng ruộng ven sông Nhơm.

          Kết quả sản xuất nông nghiệp giai đoạn này không ổn định, có những năm không đạt kế hoạch do tình hình thời tiết khắc nghiệt gây ra. Tổng sản lượng lương thực vụ mùa năm 1977 của 8 đội sản xuất là 314,47 tấn, vụ chiêm năm 1978 sản lượng lương thực đạt 297,25 tấn vụ mùa. Năm 1978 huyện Triệu Sơn là một trong những huyện bị thiệt hại nặng nề do trận lụt từ ngày 18 đến ngày 22-9 gây ra. Lượng mưa lên tới 630mm làm ngập lụt trên 3000ha lúa mùa. Riêng xã Minh Sơn bị ngập 200ha bằng 93,5% diện tích lúa mùa. Có 28 gia đình bị nước ngập vào nhà. Để kịp thời ổn định mọi mặt sau trận lụt, Đảng bộ và chính quyền, hợp tác xã đã phát động phong trào tập trung chăm bón số diện tích lúa còn lại, làm vệ sinh đồng ruộng, phòng bệnh cho người và gia súc, tổng vệ sinh đường làng. Trước mắt là tạm chia mỗi ngày công 0,5kg lúa, riêng các gia đình chính sách, già cả được ưu tiên tạm bán 20kg lúa tươi. Tập trung nhân lực làm 110 mẫu vụ đông, phát động mỗi hộ làm 1 sào khoai lang để tất cả hộ xã viên trong toàn xã có 60 mẫu khoai lang, tập thể 40 mẫu khoai lang (ở Bái Đâu và khu chăn nuôi), rau màu 10 mẫu. Mỗi hộ phấn đấu trồng 6 gốc bầu bí và xu hào, rau cải….góp phần tăng cường khẩu phần cho bữa ăn gia đình.

          Hội nghị Đảng ủy xã (ngày 18- 10-1978) đã nêu kế hoạch năm 1978 là: Diện tích gieo trồng cả năm là 424ha, sản lượng khoảng 956,4 tấn (vụ chiêm 528 tấn, vụ mùa 428 tấn). Khoai lang 43ha, sản lượng 72 tấn. Chăn nuôi 1500 con lợn trong đó có 300 con nuôi tập thể. Cá đạt 6 tấn,đàn gia cầm 4000 con; gạch đạt 2 triệu viên/năm; xây dựng 1 lò vôi, mỗi tháng nấu 3 lò với sản lượng 9 tấn v.v….

          Vụ chiêm năm 1979, Minh Sơn gieo cấy 409 mẫu, đạt 92,1 % kế hoạch. Sản lượng lương thực đạt 301,12 tấn, trong đó đội 1 có sản lượng cao nhất là 44,65 tấn. Phương án phân phối vụ 5-1979 là: phần nhà nước ( bao gồm thuế, trả nợ và bán nghĩa vụ) là 92,5 tấn, phần hợp tác xã (giống, công ích, chăn nuôi tập thể) là 55 tấn, phần xã viên là 16 tấn. Giá trị ngày công đạt 1kg/công. Tổng thu nhập từ trồng trọt chăn nuôi và ngành nghề  là 198 320 đồng, trong đó trồng trọt chiếm tỷ lệ 73,5%, chăn nuôi chiếm 8,12% và ngành nghề chiếm tỉ lệ 14,25%. Vụ mùa năm 1979 trên diện tích 398 mẫu đạt sản lượng 317 tấn, trong đó làm nghĩa vụ cho Nhà nước là 60 tấn. Vụ đông năm 1979 là vụ có diện tích lớn nhất đạt 130 mẫu (trong đó có 17,5 mẫu là của tập thể), đạt 95% kế hoạch đề ra.

          Về chăn nuôi, xã chủ trương đẩy mạnh phát triển cả chăn nuôi gia đình và tập thể, trong đó đàn lợn tập thể luôn duy trì từ 250-300 con. Hợp tác xã giao nghĩa vụ chăn nuôi cho các gia đình dựa trên diện tích 5% đất đồi vườn và tổng sản thu nhập của gia đình (1). Đàn trâu bò toàn xã duy trì ở mức xấp xỉ 200 con.

          Trong giai đoạn này, tỉnh Thanh Hoá đã khởi công xây dựng một số công trình thuỷ lợi lớn như sông Lý, sông Hoàng, Lạch Bạng, v.v... Năm 1976, Minh Sơn đã huy động hàng trăm lượt lao động tham gia xây dựng trên công trường Quảng Châu (còn gọi là công trình Thống Nhất) góp phần cùng với toàn huyện Triệu Sơn hoàn thành khối lượng đào đắp 180.000m3 đất. Trên công trường bồi trúc đê sông Nhơm, Minh Sơn cũng đã gấp rút hoàn thành chỉ tiêu được giao trong thời gian 3 tháng. Đầu năm 1978, Minh Sơn đã cử đồng chí  Phó Chủ tịch UBND xã đưa quân lên công trường sông Hoàng. Tháng 6-1979, nhân dân Minh Sơn lại cử người tham gia công trường Lạch Bạng và công trường 101. Cuối năm 1979, Minh Sơn tiếp tục huy động thanh niên và đội 202 gồm 100 người tham gia công trường làm đường sắt qua huyện với khối lượng được giao là 6500m3. Trên các công trường giao thông, thuỷ lợi của tỉnh và huyện, các đội thuỷ lợi của xã đều hoàn thành tốt công việc được giao.

          Các lĩnh vực giáo dục, văn hoá xã hội, y tế đều được Đảng bộ quan tâm thực hiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân. Trong những năm 1975-1985, cơ sở vật chất của các trường học còn rất thiếu thốn, phòng học chỉ là các lán tre vách đất trong thời kỳ trước đó được sửa sang lại cho học sinh học tập, nền lớp học là nền đất. Thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục, từ năm 1975-1976 Trường phổ thông cấp I, II Minh Sơn được tách thành 2 trường cấp I và cấp II. Thầy Trịnh Xuân Thiêm (Tân Thành) là Hiệu trưởng Trường cấp II Minh Sơn, thầy Hoàng Văn Trạch (Hoằng Đồng) là Hiệu trưởng trường cấp I Minh Sơn.Tổng số giáo viên của 2 trường là 40 thầy cô. Năm học 1975-1976, Trường cấp I có 18 lớp với 820 học sinh, trường cấp II có 9 lớp với 415 học sinh. Đến năm học 1979 – 1980 trường cấp I có 20 lớp với 535 học sinh, trường cấp II có 10 lớp với 391 học sinh. Thầy và trò cấp I, cấp II Minh Sơn đã tích cực phấn đấu thi đua “Dạy tốt, học tốt”. Tỉ lệ đậu tốt nghiệp hàng năm đạt từ 82-96%, số học sinh giỏi và khá hàng năm của trường cấp I từ 37% (năm học 1975-1976) tăng lên là 55% (năm học 1979-1980), tỉ lệ này ở trường cấp II trong hai năm học trên là 40% tăng lên là 50%. Hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo do hợp tác xã nông nghiệp chi trả chế độ công điểm cho các cô nuôi dạy và trông coi các cháu. Khối vỡ lòng có 4 lớp ở 4 khu vực dân cư  để các cháu đến lớp thuận tiện.

          Phong trào văn hoá văn nghệ của xã ngày càng góp phần thiết thực phục vụ đời sống nhân dân trong xã. Đội văn nghệ xã có 12 người do ông Mai Văn Minh là đội trưởng. Đạo diễn và cố vấn cho đội là ông Mai Văn Uyển. Đội đã thường xuyên luyện tập các tiết mục văn nghệ để biểu diễn phục vụ nhân dân trong xã vào các ngày kỷ niệm, lễ tết được nhân dân đánh giá cao. Tháng 10-1977 xã khai trương Thư viện xã với hàng trăm đầu sách phục vụ bạn đọc. Phong trào xây dựng đời sống văn hoá tiếp tục được đẩy mạnh. Năm 1979, nhân dân trong xã đã đóng góp mỗi hộ 20 đồng để xây dựng hệ thống loa kim đến tận các gia đình, góp phần truyền tải các chủ trương chính sách của các cấp đến mọi người dân.

          Địa phương đã giành ngân sách để xây dựng trạm xá xã vào năm 1977 gồm 4 phòng, chất lượng khám và chữa bệnh cho nhân dân được nâng lên. Trạm đã tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền và tích cực tuyên truyền vận động nhân dân xây dựng 3 công trình vệ sinh (nhà tiêu, nhà tắm, giếng nước). Công tác tiêm phòng được chú trọng.

          Trong giai đoạn này, tình hình biên giới nước ta đã có những diễn biến phức tạp. Từ năm 1978-1979, hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc nổ ra. Ở phía Tây Nam, tập đoàn phản động ở Campuchia tấn công lấn chiếm lãnh thổ nước ta. Tháng 2-1979, giới lãnh đạoTrung Quốc huy động hơn 60 vạn quân  tấn công xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Tháng 3-1979, Chủ tịch nước công bố lệnh “Tổng động viên” trong cả nước. Thực hiện nghĩa vụ công dân khi tổ quốc lâm nguy, hàng trăm thanh niên xã Minh Sơn đã hăng hái gia nhập lực lượng vũ trang, nhiều đồng chí tham gia trực tiếp chiến đấu tại hai tuyến biên giới. Trong các cuộc chiến đấu đã có 9 người con của Minh Sơn  hy sinh anh dũng ở mặt trận phía Tây Nam và biên giới phía Bắc, góp phần bảo vệ Tổ quốc.

          Thực hiện Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ về quân sự hoá toàn dân, vũ trang toàn dân, Đảng uỷ đã thành lập Ban chỉ huy quân sự do đồng chí Bí thư Đảng uỷ làm trưởng ban, các đồng chí Xã đội trưởng và  Trưởng Công an xã làm phó ban. Đảng bộ đã chú trọng phổ biến cho toàn dân về tình hình và nhiệm vụ mới, phát động toàn dân chuẩn bị chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Lực lượng dân quân mỗi thôn duy trì 1 trung đội, toàn xã có 1 trung đội mạnh. Các đơn vị dân quân tích cực tham gia huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật quân sự, sẵn sàng chiến đấu khi có tình huống bất ngờ xảy ra. Lực lượng công an luôn được củng cố, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới.

          Trong giai đoạn 1975-1980, Đảng bộ Minh Sơn đã không ngừng nâng cao vai trò và năng lực lãnh đạo để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của thời kỳ mới vừa có hoà bình, vừa có chiến tranh. Mọi chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên được quán triệt đến đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đảng bộ đã tổ chức cho đảng viên học tập 10 nhiệm vụ, 5 tiêu chuẩn của đảng viên. Đặc biệt, việc thực hiện Chỉ thị 192, Nghị quyết 23, Thông tư 22 của Trung ương và Chỉ thị 13 của Tỉnh uỷ Thanh Hoá đã được chỉ đạo chặt chẽ, góp phần nâng cao chất lượng đảng viên, củng cố tổ chức cơ sở Đảng. Đảng bộ đã lấy việc thực hiện nhiệm vụ chính trị cơ sở, việc chấp hành chỉ thị, nghị quyết, làm nghĩa vụ cho Nhà nước, việc thực hiện điều lệ Đảng và việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên soi rọi vào từng đảng viên để tiến hành kiểm điểm. Kết quả phân loại đảng viên vào tháng 5-1975, có 88 đồng chí đủ tư cách đạt 79,2%, 23 đồng chí chưa đủ tư cách chiếm 20,8% (tổng số đảng viên là 125 đồng chí, sinh hoạt trong 11 chi bộ, trong đó có 14 đồng chí già yếu được xét miễn sinh hoạt). Năm 1976, kết quả phân loại đảng viên theo Thông tri 315 là: tổng số đảng viên dự phân loại 113 đồng chí. Loại tích cực và khá là 89 đồng chí (78,8%), loại trung bình 21 đồng chí (18,6%) và vận động làm đơn xin ra đảng 3 đồng chí (2,6%). Thực hiện Thông tri 22 về việc giải quyết đảng viên yếu kém, trong năm 1978 đã đưa ra khỏi đảng 9 đảng viên. Năm 1980 tiếp tục đưa ra khỏi đảng 6 đảng viên không đủ tư cách.

          Để tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, thực hiện chủ trương của huyện, Đảng bộ Minh Sơn đã tiến hành việc xây dựng trường Đảng xã. Cơ sở vật chất còn rất thiếu thốn, Đảng bộ đã huy động mỗi đảng viên đóng góp 3 đồng để bổ sung cùng với nguồn ngân sách xã và hợp tác xã được 337 đồng dùng để mua 10 bộ bàn ghế cho trường. Ngày 21-10-1975 trường Đảng của xã đã khai giảng lớp học đầu tiên (1).

          Về công tác tổ chức, từ đầu năm 1976, Đảng uỷ thống nhất thành lập thêm chi bộ lò gạch (đồng chí Đội bí thư), chi bộ đội 202 (đồng chí Lê Phú Vinh bí thư) và chi bộ chăn nuôi (đồng chí Mai Văn Uyên bí thư, từ năm 1978 đồng chí Lê Phú Nhự bí thư).  Đến năm 1979, Đảng bộ Minh Sơn có 13 Chi bộ, trong đó có 7 chi bộ đội sản xuất (từ 1 đến 7) và 6 chi bộ ngành: chăn nuôi, đội giống, lò gạch, nhà trường, cửa hàng và trạm xá. Từ năm 1980, chấp hành Nghị quyết của Huyện uỷ, Đảng bộ Minh Sơn thành lập 2 chi bộ cơ quan trực thuộc Đảng uỷ là chi bộ 1 (gồm đảng viên khối trực Đảng uỷ, UBND xã), chi bộ 2 (gồm đảng viên khối hợp tác xã nông nghiệp – ban chủ nhiệm và 2 bộ môn giúp việc).

          Tháng 3-1978, Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XVII đã được tiến hành. Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng ủy xã gồm 11 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Tài Tâng được bầu làm Bí thư đảng ủy,đồng chí Lê Thị Bang được bầu làm Phó bí thư,Chủ tịch UBND xã(2).

Nhằm từng bước triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Triệu Sơn lần thứ VI (đầu tháng 5-1979), từ ngày 18 đến 20-5-1979, Đại hội Đảng bộ xã Minh Sơn lần thứ XVIII đã được tổ chức với sự tham dự của 94 đảng viên trong 13 chi bộ. Đại hội đã tiến hành kiểm điểm kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 1978-1979, đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ mới. Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ khoá 19 gồm 10 đồng chí(2). Phiên họp đầu tiên của Ban chấp hành Đảng bộ đã bầu đồng chí Lê Thị Bang làm Bí thư Đảng uỷ, đồng chí Nguyễn Sơn Giang được bầu làm Phó Bí thư - Chủ tịch UBND xã.

Như vậy, qua 5 năm sau ngày đất nước thống nhất, Đảng bộ và nhân dân Minh Sơn đã nỗ lực vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Tuy nhiên, tình hình sản xuất nông nghiệp thời gian này đã bộc lộ nhiều hạn chế. Năng suất lúa, màu không ổn định và đang có nguy cơ giảm sút. Vấn đề thiếu lương thực chưa được giải quyết cơ bản. Công tác quản lý kinh tế tài chính, đất đai, lao động của hợp tác xã nông nghiệp còn chưa đáp ứng được yêu cầucủa một hợp tác xã toàn xã. Bộ máy tổ chức quản lý vừa thiếu vừa có hạn chế về nhiều mặt, v.v...

          Lúc này, nhu cầu bức thiết là phải có một cơ chế mới trong nông nghiệp. Giữa lúc đó, chủ trương khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động của Ban Bí thư Trung ương Đảng được ban hành đã mở ra một thời kỳ phát triển mới trong nông nghiệp và nông thôn nước ta.

II. MINH SƠN THỰC HIỆN KHOÁN SẢN PHẨM TRONG NÔNG NGHIỆP, THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC 5 NĂM LẦN THỨ BA (1981-1985)

          Từ cuối thập kỷ 70 của thế kỷ XX, nền kinh tế nước ta ở trong tình trạng khủng hoảng gay gắt, lương thực và các mặt hàng thiết yếu khác đều thiếu thốn. Bên cạnh những khó khăn khách quan, chế độ quản lý hành chính bao cấp là một nguyên nhân cản trở rất lớn đến sự phát triển của nền kinh tế. Cơ chế quản lý kinh tế ngày càng bộc lộ những hạn chế và không còn phù hợp với tình hình mới. Trong nông nghiệp, người nông dân trở nên thụ động, không chú trọng đến hiệu quả công việc mà chỉ chú ý đến công điểm. Tệ làm dối, làm ẩu xảy ra ở nhiều nơi.

          Trước tình hình trên, Ban chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương biện pháp để khắc phục tình hình, đưa nền nông nghiệp vượt qua khó khăn để ổn định và từng bước phát triển. Tại Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 9 (khoá IV) tháng 12-1980 bàn về phương hướng nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 1981, Đảng đã nêu chủ trương mở rộng việc thực hiện và hoàn thiện các hình thức khoán sản phẩm trong nông nghiệp. Tiếp đó, tháng 11-1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị 100/CT-TW về khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã sản xuất nông nghiệp (còn gọi là “khoán 100”).

          Thực hiện chủ trương khoán mới, Đảng bộ và chính quyền xã Minh Sơn đã tổ chức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn xã học tập và triển khai từ vụ chiêm xuân năm 1981. Đảng bộ đã quán triệt mục đích, yêu cầu, nội dung của việc khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động theo Chỉ thị 100 và Nghị quyết 10 của Huyện uỷ Triệu Sơn.

          Tại Hội nghị Đảng uỷ - UBND và hợp tác xã nông nghiệp Minh Sơn ngày 25-11-1980, kế hoạch giao khoán của hợp tác xã trong vụ chiêm năm 1981 là: Tổng diện tích của 9 đội sản xuất (gồm 8 đội cơ bản và 1 đội chăn nuôi) là 417 mẫu 2 sào 12 thước, tổng số lao động là 1074 lao động, trong đó lao động trồng trọt là 722 lao động (67,2%), tổng sản là 364,27 tấn. Bình quân diện tích trồng trọt mỗi lao động chính là 7 sào 2 thước. Tính đến năm 1981, toàn xã có 751 hộ, 3185 khẩu trong đó có 30 hộ làm thương nghiệp.

          Ngày 7-1-1981, Đảng ủy xã đã họp mở rộng thông qua phương hướng nhiệm vụ năm 1981 của xã là:

          - Diện tích lúa cả năm: 700 mẫu, năng suất 140kg/sào/vụ, cả năm đạt 5,6 tấn/ha. Sản lượng 980 tấn.

          - Diện tích vụ đông: 200 mẫu, năng suất 250kg/sào, sản lượng 500 tấn bằng 166 tấn qui thóc.

          - Chăn nuôi: Đàn trâu bò 200 con, lợn nuôi khu vực gia đình xã viên 1100 con, khu vực hợp tác xã 500 con, vịt gốc 600 con, cá 12 tấn.

          - Sản xuất gạch ngói: 2 triệu viên.

          Thực hiện khoán mới, hợp tác xã nông nghiệp Minh Sơn tiếp tục tổ chức thành một số tổ chuyên khâu làm những khâu công việc quan trọng, đòi hỏi kỹ thuật gắn với việc sử dụng các cơ sở vật chất kỹ thuật (làm đất, thủy nông, giống mạ, quản lý và phân phối phân bón, phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ mùa màng). Đội kỹ thuật giống có 26 lao động, đội vận chuyển xe bò 20 lao động, đội 202 có 80 lao động, đội bốc vác có 27 lao động, đội chăn nuôi cá, vịt, lợn có 36 lao động. Đối với các đội chuyên khâu này, hợp tác xã khoán việc cho từng tổ. Lao động gián tiếp có 84 người. Về phân bón hợp tác xã đầu tư 1 sào là 3kg phân đạm, các loại phân bón, phốt phát, vôi đầu tư theo khả năng. Vận động xã viên phấn đấu mỗi sào có 500 kg phân hữu cơ.Về giống, đầu tư vụ chiêm 7kg/sào, vụ mùa 6kg/sào. Cơ cấu giống lúa chủ yếu là 388 (50% diện tích), 314, Nông nghiệp 22, X1, Đông Xuân 2, Nông nghiệp 8, Trân châu lùn v.v….

          Đối với những công việc dựa vào cách làm thủ công (cấy, chăm sóc, thu hoạch) thì các đội sản xuất giao cho nhóm hoặc người lao động đảm nhiệm, trả công với mức 18 kg lúa 1 sào.

          Về chăn nuôi, xã giao sản lượng cho hộ gia đình theo số khẩu: từ 1- 3 khẩu là 10kg lợn hơi, 4- 5 khẩu là 15 kg, 6 khẩu trở lên là 20kg. Ngoài ra, đất 5% giao nghĩa vụ 1 thước (33m2) là 30 kg lợn hơi,những hộ có trên 2 sào đất đồi thì cứ mỗi sào làm nghĩa vụ 5 kg lợn hơi. Toàn bộ diện tích hồ Đồng Chùa, Tân Phong, Non Kỵ, Ao Rồng, Rọc Đong… thực hiện khoán sản lượng cho các gia đình nhận thầu nuôi cá.

          Chỉ thị 100 về khoán mới đã tạo nên động lực mới thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện khai thác sử dụng tốt hơn mọi tiềm năng về đất đai, lao động, ngành nghề của các hộ xã viên, làm cho nông dân phấn khởi ra sức thi đua thâm canh tăng năng suất. Việc thực hiện khoán mới đã hạn chế được các hiện tượng tiêu cực như lười lao động, chạy theo công điểm v.v…

          Thực hiện kế hoạch của huyện, để khắc phục những hạn chế yếu kém về quản lý, điều hành sản xuất, từ giữa năm 1981, hợp tác xã toàn xã Minh Sơn phân chia thành 3 hợp tác xã nhỏ:

          - Hợp tác xã Hoàng Đồng có 262 hộ, 1086 khẩu, 429 lao động, 113,54 ha đất canh tác;  đồng chí Lê Văn Tắc là chủ nhiệm hợp tác xã.

          - Hợp tác xã Ninh Phong có 244 hộ, 1164 khẩu, 448 lao động, 113,5 ha đất canh tác, đồng chí Sương là chủ nhiệm hợp tác xã.

          - Hợp tác xã Tân Thành có 210 hộ, 919 khẩu, 334 lao động, 72,72 ha đất canh tác . Đồng chí Trịnh Huy Tập  là chủ nhiệm hợp tác xã.

          Đàn trâu bò của 3 hợp tác xã lúc này là 169 con (Hoàng Đồng 71, Ninh Phong 51, Tân Thành 47). Đàn bò tư nhân 50 con, đàn lợn 706 con (Hoàng Đồng 292, Ninh Phong 244, Tân Thành 170.). Tuy chia thành 3 hợp tác xã nhưng các đội cơ bản vẫn duy trì như cũ , diện tích giao khoán cho xã viên và tài sản vật chất ở các khu vực vẫn giữ nguyên.     

          Từ ngày 23 đến 26- 12- 1981, Đại hội Đảng bộ xã Minh Sơn lần thứ XIX nhiệm kỳ 1981- 1983 đã được tiến hành. Đảng bộ kiểm điểm quá trình lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 1979- 1981, thảo luận và đề ra phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 1981- 1983. Đại hội đã xác định phương hướng chung là: quán triệt mọi quan điểm chủ trương của cấp trên, phát huy tiềm năng của Minh Sơn, phát huy tinh thần làm chủ tập thể của nhân dân, tập trung giải quyết vấn đề  lương thực, thực phẩm để ổn định đời sống nhân dân… Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành khóa mới gồm 11 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Tài Tâng được bầu làm Bí thư Đảng ủy, đồng chí Lê Phú Cốc được bầu làm phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã, đồng chí Trần Thắng  là Thường vụ - trực Đảng ủy.

          Tháng 3- 1982 Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V đã diễn ra tại thủ đô Hà Nội. Đại hội đã đề ra kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ ba (1981- 1985) với 4 mục tiêu và 10 chính sách lớn, trong đó nông nghiệp tiếp tục được coi là trọng tâm cùng với công nghiệp tiêu dùng và công nghiệp nặng.

          Thực hiện Nghị quyết Đảng bộ các cấp, Đảng bộ Minh Sơn tiếp tục lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh sản xuất trên cơ sở thực hiện tốt Chỉ thị 100, cải tiến công tác khoán để phát huy hơn nữa tính tích cực, tự giác của xã viên. Thực hiện Chỉ thị của Ban thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, Minh Sơn đã chú ý chấn chỉnh những sai lệch trong quá trình thực hiện khoán như việc “khoán trắng” cho xã viên, chưa quan tâm chỉ đạo 5 khâu mà hợp tác xã đảm nhiệm. Việc giao khoán đã đảm bảo hài hòa giữa 3 lợi ích. Các gia đình tập trung đầu tư phân bón, tận dụng mọi nguồn phân để chăm sóc lúa, tăng cường phòng trừ sâu bệnh v.v…..Vụ chiêm xuân năm 1981, diện tích giao khoán cho 3 hợp tác xã là 353 mẫu 7 sào 10 thước, trong đó hợp tác xã Hoàng Đồng 127 mẫu 9 sào 12 thước; hợp tác xã Ninh Phong 127 mẫu 2 sào 13 thước; hợp tác xã Tân Thành 98 mẫu 5 sào. Vụ mùa diện tích giao khoán là 401 mẫu: Hoàng Đồng 160 mẫu, Ninh Phong 136 mẫu, Tân Thành 105 mẫu. Kết quả sản xuất từ năm 1983 đến 1986 như sau:

          Năm 1983: Vụ chiêm đạt sản lượng 525 tấn, vụ mùa sản lượng đạt 610 tấn, sản lượng cả năm là 1165 tấn. Trong năm 1983,3 hợp tác xã đã hoàn thành 100% nghĩa vụ huy động lương thực cho Nhà nước là 50 tấn (Hoàng Đồng 18 tấn, Ninh Phong 18 tấn, Tân Thành 14 tấn).

          Vụ chiêm năm 1984 năng suất đạt 150kg/sào, sản lượng 540 tấn, vụ mùa do mất lụt phần lớn diện tích nên sản lượng chỉ đạt 73 tấn.

          Vụ chiêm năm 1985 đạt sản lượng 504 tấn, vụ mùa do mất lụt nên chỉ đạt 85 tấn.

Vụ chiêm năm 1986 gieo cấy 380 mẫu, năng suất đạt 3,08 tấn/ha, đạt sản lượng 585 tấn, vụ mùa đạt sản lượng 360 tấn. Sản lượng cả năm là 945 tấn.

          Sản xuất vụ đông tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và được nhân dân tích cực thực hiện. Đặc biệt là cây khoai lang hàng năm xã có từ 50- 100 ha, năng suất khoảng 150-200kg/sào. Cụ thể diện tích và sản lượng khoai lang các năm như sau: Năm 1983: 70 ha đạt 280 tấn (qui ra lúa là 93 tấn). Năm 1984 đạt 50 ha, sản lượng 200 tấn (bằng 66 tấn lúa). Năm 1985 đạt 75 ha, sản lượng 100 tấn. Năm 1986 đạt 120 mẫu, sản lượng đạt 240 tấn (bằng 80 tấn lúa).

          Trên đất vườn đồi, nhân dân phát triển trồng sắn, một loại cây lương thực rất quan trọng của giai đoạn này. Diện tích sắn từ 20 ha (1983) tăng lên 45 ha (năm 1984); sản lượng tăng từ 80 tấn (năm 1983) lên 180 tấn (năm 1094). Trong 3 năm 1983- 1985, sản lượng sắn thu được là 366 tấn (bằng 122 tấn qui thóc) góp phần bổ sung và giải quyết nhu cầu lương thực cho nhân dân địa phương.

          Lĩnh vực chăn nuôi, đặc biệt là nuôi lợn tiếp tục được duy trì và củng cố. Đàn trâu bò đến năm 1983 có 252 con (hợp tác xã Hoàng Đồng 105 con, hợp tác xã Ninh Phong 95 con, hợp tác xã Tân Thành 52 con).

          Hoạt động của hợp tác xã tín dụng và mua bán vẫn đóng góp đáng kể đối với sản xuất và đời sống ở địa phương. Hợp tác xã tín dụng đã có nhiều cố gắng trong việc động viên nhân dân gửi tiền tiết kiệm, số dư tiền gửi tiết kiệm đến năm 1985 là 46.864 đồng. Toàn xã có 52 sổ tiết kiệm, bình quân mỗi khẩu gửi 120 đồng (gấp 3 lần năm 1984).Quỹ bảo thọ xã có 326 cụ thamgia với số tiền là 20.912 đồng. Mặc dù lúc này tình hình hàng hóa khan hiếm, tiền vốn ít nhưng hợp tác xã mua bán đã đáp ứng nhu cầu phục vụ các mặt hàng thiết yếu như dầu đèn, muối ăn, phân, đạm…. Tính trong năm 1985, hợp tác xã mua bán Minh Sơn mua vào là 550.000 đồng, bán ra là 1.087670 đồng (trong đó có hàng đại lý, hàng kinh doanh và hàng ủy thác). Hàng địa phương có 33 tấn lúa, 13 tấn lợn hơi…bình quân 1 hộ bán 403 đồng cho hợp tác xã mua bán.

          Về giao thông thủy lợi, Minh Sơn đã huy động hàng nghìn ngày công đóng góp vào các công trình giao thông của huyện và của tỉnh. Trong 7 ngày đầu tháng 12 năm 1981, Minh Sơn  đã huy động 350 lao động, 23 xe bò tham gia trên công trình giao thông Nưa- Gốm với 2500 ngày công. Lực lượng thanh niên và đội 202 của xã là lực lượng chủ lực trên các công trường. Trên địa bàn xã 3 hợp tác xã tiếp tục huy động lao động tu sửa các trục đường chính, nạo vét hệ thống kênh mương tưới tiêu, bờ vùng bờ thửa trên các xứ đồng.

          Trong cơ chế khoán mới, các hoạt động văn hóa xã hội ở địa phương gặp nhiều khó khăn. Một số hoạt động văn nghệ, thể thao của các tổ chức đoàn thể không sôi nổi như trước. Tuy vậy hoạt động văn hóa, thông tin tuyên truyền vẫn được duy trì.Tổ văn hóa thông tin của xã có 6 người đã duy trì các hoạt động thông tin cổ động, kẻ vẽ khẩu hiệu…nhất là và dịp kỷ niện các ngày lễ lớn. Mạng lưới truyền thanh xây dựng từ năm 1975 với hệ thống koa kim đến từng gia đình đã phát huy tác dụng tuyên truyền thông tin chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trong cộng đồng dân cư.

          Trong giai đoan này, trường cấp I và cấp II Minh Sơn hàng năm có từ 25– 27 lớp với tổng số học sinh từ 898 em (năm học 1981- 1982 ) xuống còn 745 em ( năm học 1985- 1986). Từng năm tỷ lệ tốt nghiệp cấp I đạt 100%, cấp II đạt 90- 98%. Trong 5 năm học, khối cấp I có 34 lượt học sinh đạt học sinh giỏi cấp huyện. Về chất lượng văn hoá hàng năm có 50- 57% học sinh đạt loại giỏi và khá. Tuy nhiên đây là giai đoạn giáo dục gặp nhiều khó khăn, chất lượng dạy và học có những năm có chiều hướng đi xuống. Đội ngũ giáo viên vừa thiếu vừa yếu về chuyên môn.

          Đảng bộ Minh Sơn đã chăm lo xây dựng chính quyền cơ  sở và các đoàn thể quần chúng ngày càng vững mạnh. Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân xã từng bước củng cố, bàn bạc và quyết định các biện pháp phát triển kinh tế, quản lý xã hội về mọi mặt, tổ chức và động viên nhân dân lao động sản xuất, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã. Nhân dân Minh Sơn đã hăng hái tham gia bầu cử Quốc hội khóa 7 và ngày 6- 5- 1984 gần 100% cử tri trong xã đã tham gia bầu cử Hội đồng nhân dân cấp huyện và xã,21 đại biểu đã trúng cử Hội đồng nhân dân xã nhiệm kỳ 1987- 1989. Các tổ chức quần chúng có nhiều hoạt động thiết thực, vận động hội viên tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Trong 2 năm 1983- 1984, nhân dân Minh Sơn đã tích cực tham gia phong trào mua công trái xây dựng Tổ quốc. Xã đã động viên xã viên bán lúa tiết kiệm cho Nhà nước hàng chục tấn.

          Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (tháng 3- 1982), Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa và Đảng bộ huyện Triệu Sơn, Đảng bộ Minh Sơn đã tập trung vào nhiệm vụ củng cố xây dựng Đảng bộ vững mạnh. Ngày 29 - 4-  1981, Huyện ủy Triệu Sơn đã ra quyết định thành lập các chi bộ khu vực Hoàng Đồng, Ninh Phong, Tân Thành; các chi bộ nhỏ giải tán để thành lập các tổ đảng trực thuộc chi bộ. Năm 1981 Đảng bộ có 130 đảng viên thì đến năm 1984 toàn Đảng bộ có 11 chi bộ với 172 đảng viên  (Khu vực Hoàng Đồng có 3 chi bộ gồm 62 đảng viên. Khu vực Tân Thành có 2 chi bộ gồm 41 đảng viên. Khu vực Ninh Phong có 4 chi bộ gồm 58 đảng viên. Chi bộ nhà trường 6 đảng viên và chi bộ trạm xá 5 đảng viên).

          Đảng bộ Minh Sơn đã xác định đúng đắn nhiệm vụ chính trị và có biện pháp tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trên tất cả các lĩnh vực. Thường xuyên chú trọng giáo dục, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, củng cố và cải tiến chế độ sinh hoạt, kiểm tra công tác, kiểm tra tư cách đảng viên, giúp đảng viên phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm. Chế độ sinh hoạt được thực hiện nghiêm túc: Sinh hoạt chi bộ vào ngày 25, Đảng ủy ngày 27, Đảng bộ ngày 29, các tổ chức quần chúng vào ngày mùng 5 hàng tháng. Nội dung sinh hoạt là sơ kết công tác tháng trước và bàn phương hướng nhiệm vụ tháng sau. Từ năm 1980 tiến hành phát thẻ đảng cho đảng viên đợt đầu, đến năm 1982 Đảng bộ đã cơ bản hoàn thành việc phát thẻ cho đảng viên, Nắm vững nguyên tắc “Thẻ đảng viên chỉ phát cho đảng viên có đủ tư cách và làm tròn nhiệm vụ đảng viên”, Đảng bộ đã xác định việc phát thẻ đảng là để giáo dục nâng cao phẩm chất cách mạng vai trò tiên phong của người đảng viên. Sau khi nhận thẻ, chất lượng đảng viên được nâng cao hơn, công tác quản lý đảng viên ngày càng đi vào nề nếp. Việc kiểm tra chất lượng đảng viên theo Thông tri 22 và 83 được tiến hành thường xuyên.Qua phân loại chất lượng đảng viên 6 tháng đầu năm 1984, trong tổng số 160 /172 đảng viên dự phân loại có 147 đảng viên đủ tư cách hoàn thành nhiệm vụ ( tỉ lệ 91,8%) trong đó có 27 đồng chí đạt xuất sắc, 13 đảng viên không đủ tư cách (tỉ lệ 8,2%). Qua khảo sát chất lượng đảng viên năm 1985, về trình độ văn hóa có 2 đồng chí trình độ đại học, 24 đồng chí tốt nghiệp cấp 3 (13,3%), 117 đồng chí tốt nghiệp cấp 2 (64,6%), 38 đồng chí tốt nghiệp cấp 1 ( 21%),Về trình độ lý luận có 10 đồng chí trung cấp, 16 đồng chí sơ cấp.

          Ngày 15 và 16-11- 1985, Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XX đã được tổ chức. Đại hội đã kiểm điểm  tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị nhiệm kỳ trước, đặc biệt là việc thực hiện công tác khoán trong nông nghiệp theo Chỉ thị 100. Tiếp đó Đại hội rút ra bài học kinh nghiệm và chỉ ra phương hướng giai đoạn tiếp theo. Ban chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 1985 - 1987 được bầu gồm có 11 đồng chí. Đồng chí Lê Phú Thơm được bầu làm Bí thư Đảng ủy, đồng chí Lê Phú Cốc tiếp tục được bầu làm Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã, đồng chí Nguyễn Văn Tính là ủy viên Thường vụ, Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp.

                                                  *   *

                                                     *  

          Nhìn lại 10 năm khôi phục kinh tế, Đảng bộ và nhân dân Minh Sơn đã vượt qua nhiều thử thách khó khăn do thiên tai, địch họa gây ra, từng bước phát triển sản xuất, ổn định đời sống.Với việc thực hiện khoán 100, nông nghiệp Minh Sơn  đã có sự khởi sắc. Năng suất và sản lượng lương thực tăng hơn so với trước, nạn thiếu đói từng bước bị đẩy lùi. Văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng được giữ vững. Nhưng nhìn chung Minh Sơn cũng như cả nước vẫn chưa thoát khỏi tình trạng khó khăn: cơ chế quản lý và kế hoạch  mang nặng tính quan liêu bao cấp; đất nước trong tình trạng vừa có hoà bình vừa có nguy cơ xảy ra chiến tranh, giá cả thị trường diễn biến phức tạp. Chính sách khoán mới tuy đã bước đầu phát huy tiềm năng về đất đai, sức lao động nhưng bắt đầu bộc lộ những hạn chế làm cho năng suất lao động và hiệu quả sản xuất giảm dần, có nhiều năm chưa đạt kế hoạch đề ra. Ngành nghề chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của địa phương…..Thực trạng đó đã đặt ra những đòi hỏi, yêu cầu mới với Đảng bộ và nhân dân Minh Sơn. Những bài học kinh nghiệm quí báu trong quá trình lãnh đạo chỉ đạo của Đảng bộ và chính quyền xã trong 10 năm qua sẽ là hành trang quí giá để Đảng bộ lãnh đạo nhân dân trong xã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, bước vào thời kỳ mới – thời kỳ đổi mới toàn diện do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.

 


CHƯƠNG V

ĐẢNG BỘ XÃ LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN THỰC HIỆN

CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI (1986-1995)

 

I. THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC 5 NĂM 1986-1990.

          Đảng bộ và nhân dân Minh Sơn bước vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội giai đoạn này sau 10 năm đất nước thống nhất, công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã đạt dược những thành tựu bước đầu. Tuy nhiên, đất nước ta đang đứng trước nhiều khó khăn gay gắt, sự giảm sút của sản xuất vào cuối những năm 70 cùng với những sai lầm trong bố trí cơ cấu kinh tế đã để lại hậu quả nặng nề. Lưu thông không thông suốt, phân phối rối ren và giá cả tăng nhanh, lạm phát trầm trọng gây tác động tiêu cực đối với sản xuất, đời sống. Đảng ta đã nhận định, những khó khăn trên một phần là do khách quan, nhưng chủ yếu là do sai lầm trong chính sách kinh tế, tư tưởng chỉ đạo chủ quan, nóng vội, bảo thủ, do cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp về căn bản chưa bị xóa bỏ v.v…

          Với thái độ của Đảng ta trong việc đánh giá tình hình là “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, tháng 12- 1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện trên tất cả các lĩnh vực nhằm đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng để tiếp tục phát triển. Đại hội lần thứ VI xác định: “nhiệm vụ bao trùm, mục tiêu tổng quát của những năm còn lại của chặng đường đầu tiên là ổn định mọi mặt tình hình kinh tế - xã hội, tiếp tục xây dựng những tiền đề cần thiết cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong những chặng đường tiếp theo”(1). Đại hội nêu chủ trương đổi mới về nhiều mặt: đổi mới tư duy, đổi mới tổ chức; đổi mới đội ngũ cán bộ, đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác. Về các chính sách kinh tế là tập trung vào việc tổ chức thực hiện ba chương trình kinh tế lớn về lương thực – thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu .

Đường lối đổi mới của Đảng đã tạo ra một bước ngoặt lịch sử, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong quá trình đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đáp ứng yêu cầu phát triển tất yếu của đất nước.

          Thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy Triệu Sơn, Đảng bộ xã Minh Sơn đã tổ chức triển khai đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn học tập quán triệt Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng tới toàn thể cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ. Qua đó đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức các vấn đề như đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế; đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, thực hiện phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội 5 năm 1986-1990 mà trọng tâm là  Ba chương trinh kinh tế lớn .

          Về sản xuất nông nghiệp, năm 1986 Minh Sơn có diện tích gieo cấy 556 mẫu (riêng vụ chiêm là 309 mẫu), sản lượng lúa đạt 458 tấn (riêng vụ chiêm 349 tấn, trong đó làm nghĩa vụ lương thực cho Nhà nước 143,1 tấn). Vụ mùa năm 1987 đạt sản lượng 210 tấn, trong đó phần xã viên là 65 tấn (chiếm 31%), bán hàng hai chiều cho Nhà nước 38 tấn. Đàn lợn duy trì khoảng 3700 con , trọng luợng lợn hơi xuất chuồng năm 1986 là 12.092 kg, năm 1987 là 12.675 kg. Đàn trâu bò có 268 con (trong đó của hợp tác xã là 148 con, gia đình xã viên có 120 con).

          Để thực hiện tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ VI về đổi mới cơ chế kinh tế, giải phóng mọi năng lực sản xuất hiện có, khai thác mọi khả năng tiềm tàng của đất nước, ngày 5-4-1988, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/BTC về đổi mới cơ chế khoán, thực hiện khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động. Tiếp đó Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ra Chỉ thị số 15 về việc triển khai Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị trên địa bàn toàn tỉnh.

          Trước năm 1988, trên địa bàn Minh Sơn, việc thực hiện khoán theo Chỉ thị 100 ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế: Các khâu do hợp tác xã đã nhiệm đã không được thực hiện tốt, tình trạng “khoán trắng” diễn ra ở mộ vài nơi, việc phân phối giữa 3 lợi ích (Nhà nước, hợp tác xã và xã viên) đưa được hài hòa, bình quân mức ăn theo khẩu phần năm 1985 chỉ đạt 2,4kg/tháng, giá trị ngày công chỉ đạt 0,65kg lúa (1), vụ mùa năm 1987 giá trị ngày công cũng chỉ đạt 0,6kg lúa. Tổng nợ khê đọng sản từ năm 1988 trở về trước là 220 tấn lúa.Cũng như các địa phuơng khác trong huyện, nửa đầu năm 1988, Minh Sơn diễn ra tình trạng thiếu đói gay gắt. Nhà nước cấp cho xã 1 tấn gạo, mỗi đội bình chọn 10 người khó khăn nhất để được cấp gạo. Các chi bộ phân công đảng viên theo dõi các hộ khó khăn, lập ban vận động quyên góp để ủng hộ những gia đình quá khó khăn. Ở các đội đều thành lập tổ tương trợ tiết kiệm và phát động nhân dân tương trợ giúp đỡ nhau, phát động trồng cây lương thực hoa màu ngắn ngày để giải quyết vấn đề lương thực. Ban chủ nhiệm hợp tác xã chuẩn bị giống rau muống cho mỗi hộ 1 lạng để gieo trồng kịp thời. Do thực hiện nhiều biên pháp cứu đói, đời sống nhân dân dần ổn định, trong tháng 3- 1988 đã đảm bảo cho mỗi khẩu có 2kg lưong thực.

          Từ đầu năm 1988, Đảng ủy Minh Sơn đã họp bàn kế hoạch khoán sản trong nông nghiệp. Trong cuộc họp ngày 1-3-1988, Đảng ủy xã đã nêu phương hướng nhiệm vụ năm 1988 là: Tổng diện tích 2 vụ lúa cả năm là 686 mẫu 4 sào (vụ chiêm 373 mẫu 4 sào, vụ mùa 313 mẫu). Sản lượng vụ chiêm là 410,7 tấn (năng suất 110kg/sào); vụ mùa là 306,74 tấn (năng suất 98 kg/sào); sản luợng cả năm là 717,48 tấn.

          Cùng với toàn huyện Triệu Sơn, Minh Sơn triển khai cơ chế khoán mới từ vụ mùa năm 1988(2). Thực hiện Hướng dẫn của UBND huyện ngày 7- 10- 1988 về phân chia ruộng đất giao khoán của hợp tác xã, xã đã phân loại hộ khoán gồm có:

-  Hộ loại 1: có điều kiện sản xuất (về lao động, vật tư, tiền, vốn, kinh nghiệm sản xuất ), có đầu óc làm kinh tế, giao nộp sản phẩm sòng phẳng, chấp hành tốt chủ chương chính sách của Nhà nước.

- Hộ loại 2; có điều kiện sản xuất trung bình.

- Hộ loại 3: Khó khăn về điều kiện sản xuất, nợ sản.

- Hộ chính sách: là hộ thân nhân liệt sĩ, thương binh, gia đình có công,

hưu trí địa phương.

          Về phân loại ruộng đất giao khoán phải đảm bảo đựơc nhu cầu về lưong thực tối thiểu 20-22 kg/người/tháng. Ruộng đất đựoc chia theo nhân khẩu: hộ loại 1 là 1 sào/khẩu; hộ loại 2 là 12 thước /khẩu; hộ loại 3 là 7- 9 thước /khẩu. Hộ chính sách, hưu trí nằm ở hộ loại nào thuộc 3 loại trên đựơc nhận số diện tích của hộ loại đó nhưng được ưu tiên nhận ruộng tốt, ruộng gần, có điều kiện thuận lợi hơn trong sản xuất. Quỹ đất mỗi đội được giành ra 3 mẫu (toàn xã là 24 mẫu) và các khu đồng Lào Đáo Nội, Lào Đáo Ngoại, Cây Gai được dành để các hộ loại 1 tham gia đấu thầu (năng suất đấu thầu phải cao hơn tối thiểu là 15% so với mức khoán).

          Thực hiện cơ chế khoán mới, quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh của hợp tác xã và hộ xã viên đựơc phát huy, nhất là trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất, điều chỉnh bước đầu về cơ cấu cây, con, ngành nghề. Tiềm năng lao động, đất đai, tiền vốn của tập thể và nhân dân đựơc khai thác, sử dụng hợp lý hơn. Hộ xã viên đã trở thành đợn vị nhận khoán, đơn vị kinh tế tự chủ, ra sức đầu tư công sức vào sản xuất, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, mua sắm thêm công cụ.

Bộ máy quản lý hợp tÁc xã đựơc bố trí lại theo hướng gọn nhẹ hơn. Hợp tác xã đã tổ chức thực hiện có hiệu quả hơn các khâu dịch vụ kỹ thuật. Riêng hai khâu giống và phân bón trứớc đây do hợp tác xã đảm nhận thì từ vụ mùa năm 1988 chuyển cho xã viên tự đảm nhiệm. Trong các năm 1988- 1990, xã tiến hành lắp đặt thêm 3 cụm máy bơm chống hạn, củng cố trạm bơm Núi Rùa và trạm bơm Xã Mèo để đảm bảo nước tưới cho toàn bộ diện tích các đội 6, 7, 8. Các con mương Núi Rùa và Xã Mèo, mương Minh Châu về Đồng Quan, đường từ Ông Săng vào Núi Rùa cũng đựoc tu sửa nâng cấp. Cầu Bái Đâu được xây dựng cùng lúc với cầu máng lâm nghiệp để tưới nước cho đồng ruộng Đại Phong. Hợp tác xã đảm bảo khâu nước tưới cho đồng ruộng đến hệ thống kênh mương cấp 3 trên các cánh đồng.

          Vụ mùa năm 1988 do bão lụt nên diện tích 303,8 mẫu của Minh Sơn bị mất không thu hoạch hoặc thu hoạch với năng suất chỉ bằng một phần kế hoạch. Do vậy, sản lượng luơng thực chỉ đạt 159.394 kg, trong đó phần phân phối cho xã viên là 51,7% (82.406kg). Năm 1989, diện tích gieo trồng là 643 mẫu 1 sào 11 thước, sản lượng lương thực đạt 601.094 kg (chưa kể số diên tích nhân dân tự khai hoang khoảng 30 mẫu, cho sản lượng khoảng 35 tấn). Đời sống nhân dân đi vào ổn định hơn trước. Theo kết quả khảo sát phân loại năm 1989, có 30% số hộ đủ ăn và có một phần dự trữ, 40% số hộ cơ bản được ổn định,có thiếu nhưng không đáng kể và 30% số hộ thiếu lương thực triền miên.

          Thực hiện chương trình xuất khẩu, năm 1986 Minh Sơn trồng được 19,5 mẫu lạc (đạt 43% kế hoạch) với sản lượng đạt 16 tấn. Đến năm 1988 trồng được 10 mẫu với sản lượng 5,32 tấn. Kế hoạch trồng 15 ha cây công nghiệp và 20 ha chè xanh không thực hiện đựoc. Thực hiện Quyết định 184/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng và Nghị quyết của Đảng bộ xã về giao đất giao rừng cho hộ sản xuất kinh doanh, năm 1989 toàn xã trồng đựoc 3 ha cây lâm nghiệp, chỉ đạt 20% kế hoạch.

          Chăn nuôi lợn tập thể được giải thể. Năm 1987 sản lượng thịt lợn đạt 12675 kg. Năm 1988 sản lượng khoán là 28.167kg. Đàn trâu bò chuyển nhượng cho hộ xã viên, tổng đàn năm 1988 là 239 con, năm 1990 tăng lên 250 con.

          Trong điều kiện khó khăn thiếu thốn về mọi mặt, Đảng bộ Minh Sơn tiếp tục chú trọng việc xây dựng cơ sở vật chất phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Trong năm 1986 đã xây dựng được 2 phòng học, 2 phòng làm việc của trạm xá, 2  gian phòng làm việc của UBND xã và 3 nhà trẻ. Năm 1988 bằng vốn huy động của dân và tạm mượn tiền bán nhựơng trâu bò, Minh Sơn đã huy động 13 triệu đồng mua và lắp đặt 1 trạm biến thế  180KVA tại thôn Tân Ninh. Năm 1989, mua và lắp đặt 1 trạm biến thế 320KVA giá trị 30 triệu đồng tại thôn Tân Ninh thay thế cho trạm biến thế cũ. Tiếp tục tu bổ các công trình phúc lợi của xã, xây nhà bảo vệ biến thế, nhà trẻ đội 1, làm cầu máng dẫn nước. Hàng năm đều thường xuyên mua sắm và tu sửa bàn ghế học sinh của các trường học. Thực hiện khoán thầu chợ Mốc, thàng 5- 1989 đã xây dựng xong 16 gian bán hàng bằng gạch ngói với số tiền 2,4 triệu đồng do người trúng thầu bỏ vốn xây dựng.

          Hàng năm, xã đã làm nghĩa vụ đóng góp lương thực, thực phẩm cho Nhà nước theo quy định. Năm 1987 xã làm nghĩa vụ thực phẩm cho Nhà nước 7,6 tấn thịt lợn hơi (chiếm 60% khối lượng thịt lợn hơi trong năm). Vụ chiêm năm 1988, ngoài nộp thuế nông nghiệp 55 tấn lúa, hơp tác xã bán hàng hai chiều cho Nhà nước là 157 tấn lúa. Năm 1989, Minh Sơn đạt tổng mức huy động cho Nhà nước là 104 tấn (trong đó nợ cũ 34 tấn ). Hưởng ứng cuộc vận động mua công trái quốc gia xây dựng Tổ quốc, đến đầu năm 1988, nhân dân Minh Sơn đã mua công trái 125 nghìn đồng.

Trong giai đoạn 1986- 1990,hoạt động giáo dục, văn hóa xã hội gặp nhiều khó khăn. Từ năm học 1986-1987, hai trường cấp I và cấp II của xã tháp nhập thành trường phổ thông cơ sở Minh Sơn, đến năm học 1990 – 1991 lại tách ra như trước. Sau  khi thực hiện cơ chế khoán mới; từ năm học 1988- 1989, học sinh các cấp có hiện tượng bỏ học nhiều hơn. Quy mô giáo dục giảm sút, số lớp học từ 25 lớp giảm còn 19 lớp, tổng số học sinh từ 745- 800 học sinh của 5 năm học trước đó giảm xuống còn 610- 620 học sinh. Đời sống giáo viên gặp nhiều khó khăn, phụ huynh ít chăm lo đến việc học hành của con em mình. Tuy vậy nhưng tập thể giáo viên và học sinh nhà trường vẫn cố gắng thi đua “Dạy tốt, học tốt’’.Hàng năm tỉ lệ học sinh tốt nghiệp đạt 95-98%. Một số cơ quan xí nghiệp đóng trên địa bàn xã (nhà máy cơ khí Sông Chu) đã hỗ trợ gạch ngói cho nhà trường xây thêm một số phòng học thay thế cho các phòng tranh tre mái lá.

          Ngành y tế đã có nhiều cố gắng trong công tác khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân Năm 1986 trạm đã khám cho 610 lượt bệnh nhân, điều trị cho 452 lượt bệnh nhân. Đầu năm 1987, trạm được tổ chức UNICEF tài trợ 69 mặt hàng thiết bị y tế, góp phần tăng cường điều kiện khám chữa bệnh cho nhân dân. Các công tác truyền thông dân số, vệ sinh phòng bệnh được chú trọng. Tuy nhiên tỉ  lệ phát triển dân số giai đoạn này còn quá cao (năm 1988 là 4,6% ).

          Minh Sơn là địa phương có nhiều cơ quan đơn vị đóng trên địa bàn (Trường công nhân kỹ thuật, Công ty vật tư nông nghiệp, Xí nghiệp may mặc thương binh, Xí nghiệp Tiến Thắng,Công ty xat xát lương thực, Bệnh viện huyện, Tòa án huyện, Viện kiểm sát nhân dân huyện, Công đoàn huyện v.v…). Do đó việc bảo đảm an ninh trên địa bàn xã là nhiệm vụ gặp nhiều khó khăn hơn các địa phương khác. Tình hình trật tự an toàn xã hội có lúc diễn biến phức tạp, một số vụ trộm cắp, lấn chiếm đất đai chưa phát hiện và giải quyết kịp thời. Việc chấp hành pháp luật như làm nghĩa vụ thuế nông nghiệp, thuê công thương nghiệp, qui ước bảo vệ hoa màu của hợp tác xã còn chưa nghiêm minh. Trước tình hình đó, Ban công xã đã đề ra nhiều biện pháp nhằm đảm bảo trật tự an toàn xã hội, xây dựng phong trào an ninh toàn dân. Từ năm 1986 đến năm 1990 hàng năm đã xử lý hàng chục vụ vi phạm pháp luật. Lực lượng dân quân tự vệ không ngừng được củng cố.

          Trong 5 năm 1986- 1990, Đảng bộ Minh Sơn đã tổ chức 2 kỳ đại hội. Tháng 11- 1987, Đại hội Đảng bộ lần thứ XXI đã bầu Ban chấp hành gồm 11 đồng chí, đồng chí Lê Phú Thơm tiếp tục được bầu làm Bí thư, đồng chí Lê Thị Bang được bầu làm Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã, đồng chí Trần Thắng là Thường vụ Đảng ủy.

          Tháng 11- 1988,Đại hội Đảng bộ lần thứ XXII đã bầu đồng chí Trịnh Huy Tập làm Bí thư, đồng chí Trần Thắng làm Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã, đồng chí Trịnh Ngọc Phẩm là Thường vụ Đảng ủy, Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp.

          Các tổ chức cơ sở Đảng và chính quyền địa phương từng bước đựoc kiện toàn. Từ năm 1990 hệ thống tổ chức cơ sở theo đội sản xuất được chuyển sang mô hình thôn xóm. Toàn xã đã giải thể 8 đội sản xuất để lập 6 thôn ở Hoàng Thôn, Hoàng Đồng, Đồng Cát, Tân Thành, Tân Phong, Tân Ninh, mỗi thôn bầu

1 thôn trưởng được UBND xã giao quyền theo Nghị định 787 của UBND tỉnh, là người đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch của UBND xã và hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thôn. Các chi bộ Đảng chuyển từ sinh hoạt theo đội sản xuất sang sinh hoạt theo đơn vị thôn.

          Đến đầu năm 1989, Đảng bộ Minh Sơn có 184 đảng viên. Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ đã chú trọng xây dựng Đảng cả về ba mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức. Bước vào thời kỳ mới, cán bộ đảng viên trong toàn Đảng bộ đã được học tập quan điểm của Đảng về đường lối đổi mới nhằm khắc phục tư duy bao cấp, tiếp cận với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khi triển khai thực hiện khoán mới, Đảng bộ đã tổ chức cho đảng viên và quần chúng thảo luận, học tập sâu rộng để đi đến thống nhất nhận thức về chủ trương của cấp trên. Chính nhờ sự nhất trí cao trong toàn Đảng bộ đã tạo thuận lợi cho việc thực hiện “Khoán 10” trên địa bàn xã. Đảng bộ đã triển khai thực hiện Chỉ thị số 21 của Ban Bí thư về việc tự phê bình và phê bình trong dịp kiểm điểm 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng. Năm 1988 Đảng bộ lại thực hiện cuộc vận động “Làm trong sạch và nâng cao sức chiến đẩu của tổ chức Đảng và bộ máy Nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội” theo tinh thần Nghị quyết 04 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 16 của Ban Bí thư. Qua đó Đảng bộ đã xem xét và xử lý kỷ luật những cán bộ có vi phạm về lĩnh vực kinh tế hoặc vi phạm Điều lệ Đảng.

          Các tổ chức đoàn thể có nhiều hoạt động đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội của xã. Mặt trận Tổ quốc có xã đã vận động nhân dân mua công trái, mua xổ số kiến thiết xây dựng đất nước; đẩy mạnh phong trào gửi tiền tiết kiệm với số dư đến năm 1989 là 205.619 đồng, xây dựng quĩ bảo thọ đạt 217600 đồng với 450 người tham gia. Hội phụ nữ phát động phong trào giúp đỡ nhau làm kinh tế, nuôi con khỏe dạy con ngoan, thực hiện chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình. Đoàn thanh niên đi đầu trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh tăng vụ, cải tạo đồng ruộng. Thanh niên cũng là lực lượng xung kích trên mặt trận thủy lợi, xây dựng các công trình địa phương và Nhà nước, xây dựng nếp sống văn minh. Thực hiện luật nghĩa vụ quân sự, trong 2 năm 1988- 1989 đã có 20 thanh niên trong xã lên đường làm nghĩa vụ quân sự. 

          II. ĐẢNG BỘ LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI (1991-1995).

          Đảng bộ và nhân dân Minh Sơn bước vào thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội giai đoạn này trong điều kiện tình hình quốc tế và trong nước hết sức phức tạp, khó khăn. Trong lúc đất nước chưa thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế xã hội, những biến động của tình hình thế gới đã tác động đến một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên và nhân dân. Đó là sự sụp đổ và tan rã của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô. Bên cạnh đó là sự hình thành và vận hành của nền kinh tế thị trường đã mang theo mặt trái của nó là lối sống thực dụng, coi chủ nghĩa cá nhân cao hơn lợi ích tập thể v.v…Tình hình đó làm cho một số đảng viên và quần chúng hoang mang dao động, giảm sút niềm tin vào công cuộc đổi mới, vào chủ nghĩa xã hội. Các tổ chức quần chúng khó tập hợp hội viên, hoạt động rời rạc.

          Trước tình hình đó, tháng 6- 1991, Đại hội Đảng lần thứ VII của Đảng đã được tiến hành. Đại hội đã phân tích, đánh giá về tình hình trong nứơc và thế giới, khẳng định tiếp tục lãnh đạo thực hiện sự nghiệp đổi mới, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Đại hội đã đề ra mục tiêu tổng quát của kế hoạch 5 năm (1991-1995) là: “vượt qua khó khăn, thử thách, ổn định và phát triển kinh tế xã hội, tăng cường ổn định chính trị, đẩy lùi tiêu cực và bất công xã hội, đưa nước ta cơ bản ra khỏi tình trạng khủng hoảng hiện nay”.(1)

          Tháng 10- 1991, Đại hội Đảng bộ huyện Triệu Sơn lần thứ XII đã đề ra nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong những năm 1991- 1995. Mục tiêu tổng quát mà Đại hội đề ra cho đến năm 1995 là: “Chủ động vượt qua khó khăn, thử thách, làm chuyển biến hiện trạng kinh tế; ổn định và từng bước đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp toàn diện; thu được kết quả đáng kể về khai thác kinh tế đồi rừng; khôi phục và phát triển đa dạng các hình thức sản xuất tiểu thủ công nghiệp, tạo ra khối lượng nông lâm sản hàng hóa lớn; tạo địa bàn và công ăn việc làm cho người lao động, làm tròn nghĩa vụ đối với Nhà nước; ổn định và nâng cao một bước đời sống nhân dân; ổn định tư tưởng và tổ chức, giữ vững an ninh chính trị, đẩy lùi tiêu cực và tham nhũng, từng bước làm lành mạnh các quan hệ xã hội”.

          Đảng bộ xã Minh Sơn đã triển khai đợt sinh hoạt chính trị nhằm quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VII và các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và huyện. Mọi cán bộ đảng viên trong toàn Đảng bộ đã học tập, thấm nhuần về “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” và “Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế xã hội đến năm 2000” cùng với các mục tiêu kinh tế của kế hoạch 5 năm 1991-1995.

          Được sự chỉ đạo của Huyện ủy, ngày 26-8-1991, Đại hội Đảng bộ xã Minh Sơn lần thứ XXIII nhiệm kỳ 1991- 1993 đã diễn ra tại hội trường xã. Đại hội kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội của nhiệm kỳ trước, khẳng định những thành tựu đạt được. Trên cơ sở đó, Đại hội đề ra mục tiêu, phương hướng của nhiệm kỳ 1991- 1993 là: Sản lượng lương thực hàng năm đạt 1350 tấn, mức ăn bình quân đạt 36kg/người/tháng. Chú ý các biện pháp kỹ thuật về cơ cấu cây trồng, giống, thủy lợi, sức kéo. Mở rộng diện tích vụ đông, đẩy mạnh khai hoang phục hóa. Xây dựng kinh tế vườn đồi, lấy cây chè xanh làm loại cây trồng chính v.v…

          Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Đảng bộ xã gồm 11 đồng chí. Đồng chí Đỗ Thành Vinh được bầu làm Bí thư Đảng ủy, đồng chí Trần Thắng được bầu làm Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã, đồng chí Trịnh Ngọc Phẩm là Thường vụ Đảng ủy, Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp.

          Đối với nhiệm vụ lãnh đạo phát triển kinh tế, Đảng bộ Minh Sơn đã triển khai nhiều chủ trương, giải pháp để đẩy mạnh sản xuất. Các điều kiện cho sản xuất nông nghiệp được quan tâm thực hiện. Riêng trong năm 1991, khối lượng làm thủy lợi (nạo vét, tu sửa kênh mương là 10.093m3). Đầu tư 10 triệu đồng nâng cấp trạm bơm núi Rùa, cầu Lâm nghiệp, trạm bơm dã chiến Tân Phong. Về giống, hợp tác xã xây dựng vùng đồng chuyên làm giống và hộ chuyên giống. Cơ cấu mùa vụ được đổi mới, vụ chiêm xuân đưa giống 13/2, C71 vào phần lớn diện tích, vụ mùa đưa giống CR203 đạt 70% diện tích. Hợp tác xã đầu tư một phần sức kéo cho xã viên, đến năm 1991 tổng đàn trâu bò là 316 con. Năm 1993 bình quân 3 hộ có 1 con trâu, bò.         

Về sản xuất lương thực, vụ chiêm năm 1991, tổng cộng 6 hợp tác xã trong toàn xã đạt sản lượng 331.783 kg (hai hợp tác xã có sản lượng lúa cao nhất là Tân Ninh 85 tấn và Tân Thành 66 tấn. 4 hợp tác xã khác đạt sản lượng mỗi hợp tác xã trên 40 tấn). Sản lượng qui thóc năm 1991 là 1040 tấn ( trong đó có 30 tấn qui thóc từ 30 ha cây vụ đông 1990- 1991). Phần phân phối theo 3 lợi ích, xã viên được hưởng 73%, Nhà nước 18% và tập thể 9% sản lượng. Năm 1992 đạt sản lượng 1100 tấn. Đối với việc phát triển kinh tế vùng đồi, địa phương đã có sự đấu mối với công ty chè có cơ chế khuyến khích mở rộng diện tích trồng chè theo chủ trương của huyện. Từ năm 1991- 1993, diện tích cây chè trên đất Minh Sơn duy trì ở mức 13,3 ha. Năm 1995 diện tích chè búp tăng lên 20 ha. Trên các vùng đất đồi, nhân dân còn phát triển trồng cây bạch đàn với diện tích 14 ha.

          Từ cuối năm 1992, Minh Sơn triển khai thực hiện Chỉ thị 07 của Tỉnh ủy và Quy định 117 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc giao quyền sử dụng đất lâu dài cho hộ nông dân. Đảng ủy đã họp thông qua kế hoạch điều chỉnh ruộng đất. Hợp tác xã phối hợp cùng UBND xã kiểm tra lại diện tích, số hộ, số khẩu trên địa bàn toàn xã. Theo số liệu chốt đến ngày 1-4-1993 (trong phương án giáo đất phê duyệt tháng 5- 1993), toàn xã có 220 ha đất gieo trồng, 1067 hộ, 4408 khẩu (trong đó có 4009 khẩu nông nghiệp). Căn cứ vào thực hiện diện tích và nhân khẩu, xã đã phân chia thành 3 loại đối tượng với mức giao đất cụ thể là:

          - Khẩu loại 1 (đã hoàn thành các nghĩa vụ đối với Nhà nước và tập thể, không nợ nần dây dưa): 12 thước

          - Khẩu loại 2 (còn nợ sản của tập thể và Nhà nước): 8 thước

          - Khẩu loại 3 (khê đọng sản phẩm nhiều): 5 thước.

          Đối với các thôn còn thừa diện tích, sau khi đã chia cho 3 loại khẩu thì điều chỉnh cho các đơn vị còn thiếu hoặc cho đấu thầu. Những người về địa phương không nhập khẩu hoặc trốn tránh trách nhiệm đóng góp thì cho nhập khẩu để cấp ruộng nhưng  phải hoàn thành các nghĩa vụ đóng góp từ trước đến nay. Trong những năm 1993-1995, xã đã cơ bản hoàn thành việc giao quyền sử dụng ruộng đất ổn định lâu dài cho hộ nông dân. Đến tháng 7- 1995 UBND huyện đã cấp trích lục (sổ đỏ ) cho 787 hộ, đạt 74%.

          Ngày 18 và 19- 12- 1993, Đại hội Đảng bộ xã Minh Sơn khóa XXIV nhiệm kỳ 1994- 1996 đã đựơc triệu tập với sự tham dự của 147 trong tổng số 186 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đại hội kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng bộ trong nhiệm kỳ vừa qua, đánh giá những thành tích đạt được, đồng thời cũng chỉ ra những hạn chế khó khăn cần khắc phục: Sản xuất còn độc canh, ngành nghề chưa phát triển, khê đọng sản có xu hướng tăng lên từ 380 tấn năm 1991 lên 700 tấn năm 1993(1) v.v…Đại hội nêu phương hướng nhiệm kỳ 1994- 1995 là: “Tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới của Đảng, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, giải quyết tốt các vấn đề nông dân, nông nghiệp, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết lần thứ VII và Nghị quyết Trung ương V, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân”.

          Đại hội đã nêu mục tiêu nhiệm vụ của giai đoạn 1994- 1996 như sau:

- Sản lượng lương thực qui thóc 1500 – 1550 tấn

- Chăn nuôi lợn có tổng đàn 1000- 1599 con, vịt thời vụ 5000 con. Đàn bò 400- 450 con. Sản lượng cá 40 tấn.

        - Tập trung cải tạo 30 ha vườn tạp, đưa các loại cây có giá trị cao vào sản xuất.

- Hoàn thành mạng lưới điện.

- Giảm tỉ lệ phát triển dân số xuống 1,9%.

       -